Hạnh phúc của người nghèo
Hồi còn đi học, mê đọc, tôi đắm mình trong dòng văn học hiện thực phê phán của Việt Nam, cả dòng văn học phê phán của nước ngoài, như Pháp. Hiện thực bức bối vô cùng tận của đời sống giai tầng thấp nhất trong các xã hội qua ngòi bút tài năng Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Nam Cao hay Balzac, Victor Hugo… Đọc dòng văn học ấy, nhìn sâu hơn vào đời sống xung quanh xóm ấp mình, trên từng bước đường, cảm nhận sâu sắc hơn đời sống tha nhân – những cảnh trạng thiếu thốn, bất hạnh…
Đến một ngày đẹp trời, anh bạn giáo viên nhiều trắc ẩn với đời, nhận xét: Người nghèo cũng có hạnh phúc của họ! Ý tứ này khiến tôi nghĩ nhiều, có một sức tác động mang đến thay đổi cách nhìn đời sống tích cực hơn. Tôi chú ý hơn đến khía cạnh hạnh phúc tương đối mà nhiều gia cảnh bần hàn vẫn có. Một nhà nghèo trong xóm, người mẹ cứ chê riết mọi thức ăn con cái mang đến, cho dù có những món thật ngon mua ở quán xá mắc tiền. Hầu như món nào bà cũng chê vì mặn, khó tiêu, gây bệnh… Cho đến một ngày con cháu phát hiện ra bà làm thế chỉ vì muốn con cháu không tốn tiền và nhường phần cho họ mà thôi. Mái tranh nghèo ấy có một hạnh phúc đùm bọc, sẻ chia mẫu tử tình thâm mà chưa chắc mọi nhà giàu đều có được.
Một người bạn khác, là lao động phổ thông, bôn ba suốt với nghề khoan giếng nước thuê cực nhọc. Vậy mà mỗi lần đi làm xa về, anh đều ra chợ mua một suất quà là mấy lon nước ngọt, bánh đặc sản ngon…, gói ghém cẩn thận mang về làm quà. Bạn tôi quan tâm chăm chút từng thành viên trong nhà theo cách riêng của mình. Tôi nhìn thấy cái “không nghèo” của anh – đó là tình thương gia đình ăm ắp.
Hằng ngày chạy xe ngang một ngôi chợ nhỏ, tôi thấy mấy cháu bé tuổi học trò, gầy gò cùng đẩy một chiếc xe ba gác cũ nhặt phế liệu. Trò chuyện làm quen, đến tận xóm nhỏ nghèo, chứng kiến gia cảnh khó khăn của các bé: mẹ bị mù, cha thất nghiệp. Mấy chị em lăn xả ra đời dãi dầm mưa nắng phụ cha mẹ kiếm miếng cơm… Ấy vậy, những bạn nhỏ này không bao giờ cãi nhau hay trộm vặt của ai bất cứ món gì, lễ phép từ tốn nhã nhặn khi nói chuyện. Lúc mua quà bánh tặng các bé, tôi thấy chúng chia sẻ đều và biết nói cảm ơn. Các cháu đã được người lớn dạy bảo, gia giáo đích thực. Phải chăng, đây là ví dụ về hạnh phúc của người nghèo mà anh bạn giáo viên của tôi đã nói đến?
Xã hội thời nào, lúc nào và ở đâu cũng chuyện giàu, nghèo. Thời buổi này, đời sống không hề giản đơn, nhất là sau dịch Covid-19, kinh tế khó khăn hơn và cái nghèo cũng là một trong những nguyên do chính của tình hình tội phạm gia tăng. Nhưng, cũng có biết bao hoàn cảnh khó khăn, chắt chiu đời sống đạm bạc, nhường nhịn, san sẻ trong yêu thương khiến không ít người ngưỡng mộ. Nghèo mà thanh sạch, thương yêu nhau, “mái tranh” cũng ăm ắp hạnh phúc! Bạn tôi nói đúng: Người nghèo cũng có hạnh phúc của họ.
NGUYỄN THÀNH CÔNG