Hào phóng và keo kiệt
Một buổi sáng nọ, người phụ nữ đi ngang qua hỏi cụ già: “Ông bán số trứng này giá bao nhiêu?”. ông bán trứng trả lời: “3.000 đồng một quả, thưa bà.”
Người phụ nữ liền nói: “6 quả 12.000 đồng, không bán tôi mua chỗ khác.”
Ông bán trứng nói: “Cứ mua với cái giá mà bà muốn. Có thể đây là khởi đầu tốt, bởi từ sáng tới giờ tôi vẫn chưa bán được quả nào.”
Người phụ nữ lấy những quả trứng và rời đi, lòng thầm đắc thắng.
Bà ta ngồi trên chiếc ô tô ưa thích của mình, tới một nhà hàng sang trọng để dùng bữa với bạn bè. Ở đó, bà và người bạn gọi bất cứ món ăn nào họ thích. Sau đó, bà ra quầy thanh toán. Hóa đơn trị giá 1.950.000 đồng trả tới 2 triệu và còn dặn người chủ nhà hàng không cần thối lại.
Tình huống này xem ra khá quen thuộc với người chủ cửa hàng, nhưng thật quá nhẫn tâm với ông già nghèo khổ bán trứng gà kia.
Kính thưa quý vị và các bạn,
Nghe qua câu chuyện trên ai trong chúng ta cũng chạnh lòng cho ông già bán trứng, “thật là nghèo còn gặp cái eo”. Nhưng khi nhìn lại chính mình, hành động này không lạ lẫm lắm với mỗi người trong chúng ta. Nhiều lần ra chợ mua bó rau 5000 nhưng theo tâm lý chúng ta trả giá 10,000 ba bó và sau đó lại không tiếc tiền boa cho những người ăn mặc sang trọng tại các khu mua sắm sầm uất khác.
Vấn đề mấu chốt là: Tại sao chúng ta cứ phải tỏ ra quyền lực với những người nghèo khó? Nhưng luôn hào phóng với những người thậm chí không cần đến sự hào phóng của chúng ta?
Có nhiều người bảo đó là tâm lý tự nhiên khi 1000 đồng so với 3000 đồng thì có giá trị, bởi chiếm 25% giá trị quả trứng cho dù 1000 đồng so với số tiền chúng ta có chỉ là đồng lẻ. Còn 50.000 đồng so với 1.950.000 chỉ chiếm 2,5% giá trị hóa đơn. Nhưng ngược lại 50.000 đồng đối với người nghèo lại có giá trị lớn còn đối với người giàu kia chỉ là đồng lẻ. Qua đó, chúng ta thấy được cách ứng xử của chúng ta thiếu tình bác ái biết là dường nào?
Nhưng thực ra giải thích cho gốc rễ của những cách ứng xử này nằm ở tâm lý muốn thể hiện quyền lực trên người khác, đối với người yếu thế bản năng con người muốn chèn ép, còn đối với người giàu có bản năng ấy lại muốn được thể hiện.
Chính vì vậy nhiều người trong chúng ta vô tình đẩy người nghèo xuống chỗ khốn cùng hơn. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hãy đi rao giảng tình thương của Chúa và chữa lành người đau yếu. Trong thông điệp về người nghèo năm 2023 của Đức Giáo Hoàng Franxicô cũng mời gọi chúng ta quan tâm hơn với người nghèo, ngài dùng lời của ông Tobit trong Kinh Thánh để nói với các tin hữu rằng “ Đừng ngoảnh mặt làm ngơ với bất kỳ người nghèo khổ nào.”
Chúng ta đang sống trong thời đại thiếu nhạy bén trước những nhu cầu của người nghèo. Người nghèo trở thành một đoạn phim có thể lay động chúng ta trong chốc lát, nhưng khi gặp họ bằng xương bằng thịt trên đường phố, chúng ta liền khó chịu và ngoảnh mặt đi. Dường như sự vội vàng, hiện là người bạn đồng hành trong cuộc sống hàng ngày, khiến chúng ta không thể dừng lại để giúp đỡ và quan tâm đến người khác. Bên cạnh đó những hình thức nghèo đói mới đang không ngừng gia tăng, đặc biệt trong các quốc gia và các vùng có chiến sự, nhất là những trẻ em, là những người bị tước mất một hiện tại thanh bình và một tương lai xứng đáng. Đứng trước những con người đau khổ đó, Đức Thánh Cha mời gọi Chúng ta hãy kiên trì trong mọi nỗ lực để cổ võ hòa bình và dấn thân cho công lý trong lời cầu nguyện và những việc làm thích hợp.
Chớ gì mối quan tâm của chúng ta đối với người nghèo luôn được đánh dấu bằng sự chia sẻ thiết thực, tương ứng với nhu cầu cụ thể của người khác, chứ không phải chỉ là một phương tiện để chúng ta loại bỏ những thứ dư thừa. Cho nên cần có sự phân định dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để nhận ra nhu cầu đích thực của anh chị em chúng ta chứ không phải những ước muốn và nguyện vọng cá nhân của chúng ta. Điều mà người nghèo chắc chắn cần là tình người, là trái tim của chúng ta mở ra cho tình yêu.
Lạy Chúa, mỗi chúng con đã nhận lãnh tình thương từ Chúa cách nhưng không thì xin cho chúng con cũng biết trao ban cách nhưng không dưới sự hướng dẫn đầy khôn ngoan của Thánh Thần Chúa. Amen.
Bích Liễu