Phụng vụTư liệu Phụng vụ

Hỏi Ðáp Về Việc Nêu Tên Ðức Giám Mục Trong Kinh Nguyện Thánh Thể

Câu hỏi 1: Trong thực tế, có nhiều nơi quen xướng tên Ðức Giám mục tân cử ngay sau khi có thông báo bổ nhiệm của Tông Tòa. Thực hành này có đúng không?

Trả lời: Ðể xác định chính xác thời điểm xướng tên Ðức Giám Mục tân cử trong Kinh Nguyện Thánh Thể, chúng ta cần xem xét chức giám mục trong khung cảnh và phạm trù như sau:

  1. Khung cảnh ngoài phụng vụ

Khi có văn thư của Tòa Thánh bổ nhiệm một linh mục làm giám mục (x. Bộ Giáo Luật [= GL], số 1013) thì ngay tức khắc, trong khung cảnh ngoài phụng vụ, ngài có thể được gọi là Ðức cha/ Ðức giám mục như một danh hiệu ngoài phụng vụ.

Tuy nhiên, vì ngài chưa phải là một giám mục được truyền chức, nghĩa là vẫn còn là linh mục theo nghĩa bí tích, nên chưa thể được nêu tên trong Kinh Nguyện Thánh Thể của phụng vụ Thánh lễ cũng như chưa được cử hành phụng vụ trong tư cách giám mục với những gì dành riêng cho thánh chức giám mục [như truyền chức thánh/ ban phép lành cuối lễ với 3 lần khi hình thánh giá chẳng hạn…].

Ðiều này cũng gần giống như trường hợp một linh mục giám quản giáo phận (GL 421). Vì ngài là linh mục, nên các tư tế không nêu tên ngài trong Kinh Nguyện Thánh Thể. Nguyên danh hiệu giám quản không phải là danh hiệu phụng vụ và không thuộc về phạm trù nguyên lý hiệp thông như thánh chức Giám mục [cùng với bí tích Thánh Thể].1 Với thánh chức Giám mục mà vị giám mục tân cử lãnh nhận trong ngày chịu chức, ngài lãnh nhận sự sung mãn của bí tích Truyền chức (primatus sacerdotii), trở nên người kế vị các Tông đồ để chăn dắt Giáo Hội Chúa cũng như thuộc về phạm trù nguyên lý hiệp thông của Giáo Hội địa phương [bên cạnh bí tích Thánh Thể] trong vai trò giám mục. Tác giả Susan K. Wood nhắc lại rằng, theo Công đồng Vatican II, hai điều cần thiết cho một Giáo Hội đặc thù là Thánh Thể và Giám mục. Một Giáo Hội đặc thù cốt yếu là một cộng đoàn bàn thờ (thờ phượng, altar) quanh vị giám mục của mình.2

Chính vì vậy, việc xướng tên Ðức Giám mục tân cử ngay sau khi có thông báo bổ nhiệm của Tông tòa là nhầm lẫn nếu như Ðức Giám mục tân cử vẫn còn là linh mục chưa được truyền chức giám mục.

  1. Khung cảnh phụng vụ và quyền tài phán

* Ðối với các linh mục được bổ nhiệm làm giám mục phó hay giám mục phụ tá, chỉ sau khi được truyền chức giám mục (x. Sách Lễ Nghi Giám Mục [=LNGM], số 563-597) và sau khi tựu chức/ nhậm chức (GL 404), tên ngài mới có thể được nêu trong Kinh Nguyện Thánh Thể tại các nhà thờ/ nhà nguyện thuộc giáo phận mà ngài được chỉ định phục vụ (x. Notitiae 45 (2009) 308-320). Trong trường hợp này, ngày chịu chức giám mục thường cũng chính là ngày ngài nhậm chức vì đáp ứng những đòi hỏi của GL 404.

* Ðối với những vị đã là giám mục mà được bổ nhiệm làm giám mục phó hay giám mục phụ tá, tên ngài có thể được nêu trong Kinh Nguyện Thánh Thể tại các nhà thờ/ nhà nguyện thuộc giáo phận mà ngài được chỉ định phục vụ (x. Notitiae 45 (2009) 308-320) sau khi ngài nhậm chức. Thủ tục nhậm chức như sau:

– Giám mục phó nhậm chức khi ngài đích thân hoặc nhờ một người đại diện trình tông thư bổ nhiệm cho Giám mục giáo phận và ban tư vấn, trước sự hiện diện của chưởng ấn tòa giám mục, và vị này lập biên bản về việc nhậm chức (GL 404~1).3

– Giám mục phụ tá nhậm chức khi ngài trình tông thư bổ nhiệm cho Giám mục giáo phận, trước sự hiện diện của vị chưởng ấn tòa giám mục, và vị này lập biên bản về việc nhậm chức (GL 404~2).

– Trong trường hợp Giám mục giáo phận bị ngăn trở hoàn toàn, Giám mục phó cũng như Giám mục phụ tá chỉ cần trình tông thư bổ nhiệm cho ban tư vấn, trước sự hiện diện của vị chưởng ấn tòa giám mục (GL 404~3).

Với thủ tục nhậm chức đơn giản như vậy vốn có thể và thường diễn ra bên ngoài phụng vụ, tên của ÐGM tân cử [làm giám mục phó / giám mục phụ tá] nhanh chóng được nêu trong Kinh Nguyện Thánh Thể khiến nhiều người lầm tưởng rằng việc nêu tên như thế được thực hiện ngay sau khi có thông báo bổ nhiệm của Tông Tòa.

* Ðối với ÐGM được bổ nhiệm làm giám mục chính tòa, sẽ có hai trường hợp sau:

[i] Nếu ÐGM được chuyển từ nơi khác đến, chiếu theo Bộ Giáo Luật số 382 và nhất là theo Sách Lễ nghi Giám mục (tại số 1147), tên của ngài được đề cập trong Kinh Nguyện Thánh Thể bởi các tư tế cử hành Thánh lễ trong giáo phận “kể từ ngày Ðức Giám mục nhận giáo phận”. Việc nhậm chức này được Bộ Giáo Luật hết sức khuyến khích thực hiện trong một nghi thức phụng vụ tại nhà thờ chính tòa cùng với sự hiện diện của các giáo sỹ và những thành phần khác (x. GL 382~4). Vì vậy, xướng tên Ðức Giám mục tân cử [làm giám mục chính tòa] trong Kinh Nguyện Thánh Thể ngay sau khi có thông báo bổ nhiệm của Tông tòa là nhầm lẫn nếu như ÐGM tân cử chưa tựu chức/ nhậm chức. Thủ tục nhậm chức như sau:

– Trong chính giáo phận mình, Giám mục nhậm chức theo giáo luật kể từ lúc ngài đích thân hoặc nhờ đại diện trình tông thư cho ban tư vấn trước sự hiện diện của chưởng ấn tòa giám mục, và vị này lập biên bản về việc nhậm chức; hoặc trong những giáo phận mới được thiết lập, ngài nhậm chức kể từ lúc ngài thông báo tông thư đó cho hàng giáo sĩ và giáo dân hiện diện trong nhà thờ chính toà; linh mục cao niên nhất trong số các linh mục hiện diện phải lập biên bản về việc nhậm chức (GL 382~3).

– Việc nhậm chức theo giáo luật được khuyến khích thực hiện trong một nghi thức phụng vụ tại nhà thờ chính toà, trước sự hiện diện của hàng giáo sĩ và giáo dân (GL 382~4).

[ii] Nếu ÐGM tân cử được truyền chức giám mục tại nhà thờ chính tòa thuộc giáo phận ngài được chỉ định phục vụ thì kể như ngài nhận giáo phận hay tựu chức luôn trong chính lễ truyền chức giám mục. Vì trong Thánh lễ này, Tông sắc bổ nhiệm được trao cho ngài, được ngài trình ra và được công bố giữa cộng đoàn dân Chúa cũng như vị giám mục vừa được truyền chức sẽ được dẫn đến và ngồi vào ngai tòa của mình (x. GL 382; LNGM 1139; 573 và 589).

Nói đến phạm trù tài phán ở đây vì có liên quan đến việc tựu chức:

* ÐGM chính tòa thực thi hoàn toàn quyền cai quản giáo phận ngay sau khi việc nhận giáo phận diễn ra. Còn trước đó, ngài không được xen vào việc thi hành giáo vụ đã được trao phó; tuy nhiên, ngài có thể thi hành các giáo vụ ngài đã giữ trong giáo phận đó trước khi được tiến cử, miễn là vẫn tôn trọng những quy định của điều 409~2 (GL 382~1).

* ÐGM đang cai quản giáo phận này được chuyển đến giáo phận khác làm giám mục chính tòa, vào ngày ngài nhận giáo phận mới, giáo phận cũ thành giáo phận trống ngôi, quyền hạn và bổn phận của ngài tại giáo phận cũ mới chấm dứt (GL 418). Nhưng nếu giáo phận có giám mục phó, vị giám mục này sẽ đảm nhận vai trò giám mục giáo phận ngay sau khi vị nguyên giám mục giáo phận nhận giáo phận mới (GL 409~1).

* Theo GL 430~1, nhiệm vụ giám quản giáo phận chấm dứt khi Ðức Giám mục tân cử nhậm chức trong giáo phận phù hợp với quy định tại GL 382~3. Ðiều này có nghĩa là Ðức Giám quản vẫn giữ quyền bính của chức giám quản [và hiển nhiên các tư tế vẫn tiếp tục nêu tên Ðức giám mục giám quản trong Kinh Nguyện Thánh Thể] sau khi Tòa Thánh thông báo về việc bổ nhiệm một ÐGM khác về cai quản giáo phận [đang trống ngôi] cho đến ngày Ðức Giám mục tân cử nhận giáo phận vì “Giám mục được tiến cử không được xen vào việc thi hành giáo vụ đã được trao phó trước khi nhận giáo phận theo giáo luật” (GL 382~1). Thậm chí, nếu Ðức giám mục giám quản được Tòa Thánh bổ nhiệm làm ÐGM chính tòa cho chính giáo phận mà ngài đang làm giám quản, Ðức giám quản cũng chỉ được thi hành quyền bính dành cho vị giám quản cho đến ngày ngài nhận chức giám mục giáo phận thì mới thi hành quyền bính dành cho vị giám mục chánh tòa.

Kết luận

Tất cả phần trình bày dài dòng trên đây làm nhằm đi đến kết luận thực hành sau:

[i] Không xướng tên Ðức Giám mục tân cử trong Kinh Nguyện Thánh Thể ngay sau khi có thông báo bổ nhiệm của Tông Tòa;

[ii] Chỉ xướng tên Ðức Giám mục tân cử trong Kinh Nguyện Thánh Thể khi ngài đã chịu chức giám mục (nếu chưa được truyền chức giám mục) và sau khi ngài nhậm chức/ tựu chức.

[iii] Vẫn xướng tên Ðức giám mục giám quản giáo phận (chứ không phải linh mục giám quản) cho đến khi Ðức Giám mục tân cử nhậm chức/ tựu chức để cai quản giáo phận ấy.

Câu hỏi 2: Khi nêu tên ÐGM giám quản trong Kinh Nguyện Thánh Thể thì đọc như thế nào, có phải kèm thêm chức vụ “giám quản” vào hay không?

Trả lời: Khi tòa giám mục trống ngôi (sede vacante) do Ðức Giám mục đương chức qua đời, từ nhiệm hay chuyển đến một toà khác, giáo phận sẽ được điều hành bởi một linh mục hay Giám mục với vai trò làm giám quản giáo phận (GL 416).

Nếu vị này là một linh mục giám quản do hội đồng tư vấn giáo phận bầu lên hoặc do Ðức Tổng Giám mục giáo tỉnh chỉ định [trong trường hợp qua 8 ngày mà vẫn chưa bầu xong] để điều hành tạm thời cho đến khi có một Ðức Giám mục khác được bổ nhiệm cai quản giáo phận, thì không cần nêu tên ngài trong Kinh Nguyện Thánh Thể [như đã nói trên] vì chỉ nguyên danh hiệu giám quản không phải là danh hiệu phụng vụ và không thuộc về phạm trù nguyên lý hiệp thông như thánh chức Giám mục [cùng với Bí tích Thánh Thể].4

Nếu giám quản là một vị giám mục, tên của ngài phải được nêu trong Kinh Nguyện Thánh Thể như thường cho đến khi một Ðức Giám mục khác được bổ nhiệm về cai quản địa phận qua nghi lễ tựu chức theo đòi hỏi của Giáo luật số 382.5 Lý do được tên ngài được nêu đích danh trong Kinh Nguyện Thánh Thể không phải vì ngài làm giám quản nhưng vì ngài là giám mục giám quản.6

Tuy nhiên, không được đọc các danh hiệu khác biệt nếu có của vị Giám mục giám quản như Tổng Giám mục, Hồng y Tổng Giám mục hay Giám quản Tông toà. Ở một mức độ nào đó, ngài cũng tương tự như vị giám mục giáo phận, cho nên công thức trong Kinh Nguyện Thánh Thể không cần thay đổi, mà vẫn đọc là “Ðức Giám mục T… chúng con…”.

Ví dụ:

1) Khi cử hành Thánh lễ tại giáo phận Hà Tĩnh, kể từ ngày 19/03/2021, các tư tế sẽ đọc: “Lạy Chúa, xin nhớ đến Hội Thánh Chúa lan rộng khắp hoàn cầu, để kiện toàn Hội Thánh trong đức mến, cùng với Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, Ðức Giám Mục Lu-y chúng con và toàn thể hàng giáo sĩ” (Kinh Nguyện Thánh Thể II); “Lạy Chúa, chúng con nguyện xin của lễ hoà giải này đem lại bình an và ơn cứu độ cho tất cả thế giới. Xin thương ban cho Hội Thánh Chúa trên đường lữ thứ trần gian được vững mạnh trong đức tin và đức mến cùng với tôi tớ Chúa là Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, Ðức Giám Mục Lu-y chúng con, cùng toàn thể hàng Giám mục, giáo sĩ khắp nơi, và tất cả dân riêng Chúa” (Kinh Nguyện Thánh Thể III)…

2) Khi cử hành Thánh lễ tại giáo phận Phát Diệm hiện nay, các tư tế sẽ đọc: “Lạy Chúa, xin nhớ đến Hội Thánh Chúa lan rộng khắp hoàn cầu, để kiện toàn Hội Thánh trong đức mến, cùng với Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, Ðức Giám Mục Giuse chúng con và toàn thể hàng giáo sĩ” (Kinh Nguyện Thánh Thể II); “Lạy Chúa, chúng con nguyện xin của lễ hoà giải này đem lại bình an và ơn cứu độ cho tất cả thế giới. Xin thương ban cho Hội Thánh Chúa trên đường lữ thứ trần gian được vững mạnh trong đức tin và đức mến cùng với tôi tớ Chúa là Ðức Giáo Hoàng Phanxicô, Ðức Giám Mục Giuse chúng con, cùng toàn thể hàng Giám mục, giáo sĩ khắp nơi, và tất cả dân riêng Chúa” (Kinh Nguyện Thánh Thể III)…

– – – – – – – – – –

1 Xc. Giáo Luật số 419; 421#1; Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium (= LG), số 20; 21; Bộ Giáo lý Ðức tin, “Giáo hội như là hiệp thông” (ngày 28 tháng 5 năm 1992), số 14.

2 Xc. LG, số 20-23; Bộ Giáo lý Ðức tin, “Giáo hội như là hiệp thông”, số 14; Susan K. Wood, “The Church as Communion” trong Peter C. Phan (ed.), The Gift of the Chuch (Collegeville, Minnesota: A Pueblo / The Liturgical Press, 2000), 159-176.

3 Thủ tục nhậm chức này hoàn toàn tương tự trường hợp của ÐGM chánh tòa nhận giáo phận của mình vì ÐGM phó có quyền kế vị ÐGM chánh tòa.

4 Xc. GL 419, 421#1; LG 20, 21; Bộ Giáo lý Ðức tin, “Giáo hội như là hiệp thông” (ngày 28 tháng 5 năm 1992), số 14.

5 Xc. Bộ Phụng tự Thánh, Sắc lệnh Cum de nomine (AAS 64 [1972], 692-694.

6 Xc. Bộ Giáo lý Ðức tin, “Giáo hội như là hiệp thông”, số 14; Susan K. Wood, “The Church as Communion”, trong Peter C. Phan (ed.), The Gift of the Chuch (Minnesota: A Pueblo, The Liturgical Press, 2000), 159-176.

 

Lm. Giuse Phạm Ðình Ái, SSS

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!