Góc tư vấn

Khi Cung Thánh biến thành sân khấu

 

 

Ngày hội người khuyết tật của giáo phận Hà Tĩnh được tổ chức tại nhà thờ Nghĩa Yên Ngày 12/04/2023.
(Nguồn fb Giáo phận Hà Tĩnh)

Có nên biến cung thánh thành sân khấu trình diễn văn nghệ?

 

Vừa qua, nhân dịp tết Trung Thu của các em thiếu nhi (13-9-2019), nhiều người được xem một video clip quay tại một giáo xứ nọ thuộc TGp Saigon. Video này được chính cha xứ của giáo xứ đó post lên trang FB của ngài và được chép lại và post lên FB bởi một linh mục khác, kèm theo một dòng tút ngắn thế này “Trung thu 2019. Các bạn xem thế nào?”.

Khi xem clip này, người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy gian cung thánh của giáo xứ đó bỗng biến thành sân khấu trình diễn văn nghệ cho các thiếu nhi vui Trung Thu. Và người ta lại ngạc nhiên hơn nữa khi tiết mục trình diễn lại là hoạt cảnh trích trong phim Tây Du Ký với sự xuất hiện quen thuộc của nhân vật Tôn Ngộ Không liêu xiêu, nghiêng ngả. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của đoàn múa lân khá hoành tráng nữa…

 

Ngay sau khi clip này được phổ biến trên mạng XH, rất nhiều người đã xem, đã đưa ra bình luận (comment) đồng thời cũng đã chia sẻ (share) trên FB. Tính đến nay (17-9-2019), đã có 405 người tham gia bình luận và có 147 người chia sẻ video này. Phần đông cư dân mạng đều không tán thành việc sử dụng gian cung thánh để làm sân khấu diễn tuồng và không chấp nhận việc đưa đội múa lân vào trong thánh đường. Họ cho rằng làm như vậy là bất xứng, là xúc phạm chốn tôn nghiêm, là phản cảm, là không chấp nhận được dù với lý do gì v.v.

 

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số ít người, có lẽ phần lớn là giáo dân thuộc giáo xứ đó, thì cho rằng việc làm này là chấp nhận được, vì lý do trời mưa nên cha xứ phải dời vào trong nhà thờ để diễn. Mặt khác, cha xứ đó cũng đã dời Mình Thánh Chúa từ nhà tạm sang chỗ khác nên không ảnh hưởng sự tôn nghiêm của cung thánh. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, toàn thành phố HCM đều có mưa, chắc chắn nhiều giáo xứ đã phải thay đổi kế hoạch tổ chức cuộc vui Trung Thu cho các em. Nhưng chúng ta tin rằng ít có nơi nào biến cung thánh thành sân khấu cho Tôn Ngộ Không diễn xuất và dành không gian nhà thờ cho đoàn múa lân…

 

Thực ra, cơ bản thì ai cũng biết rằng Cung thánh là chốn tôn nghiêm, nơi linh mục chủ tế cử hành các nghi lễ. Cung thánh thường ở vị trí trang trọng và cao hơn để giáo dân có thể theo dõi thánh lễ. Phía trên có treo Thánh Giá, phía dưới Thánh giá có Nhà tạm (nơi cất giữ Thánh Thể) và một quyển Kinh Thánh (sách thật hoặc hình ảnh, tượng). Trên cung thánh còn có Bàn thánh (hay bàn thờ chính) và Bục giảng (hay giảng đài). Ngoài ra còn có các bàn thờ phụ, chỗ ngồi cho lễ sinh, phòng áo lễ, nơi để các linh mục thay áo trước khi cử hành thánh lễ.

 

Linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS, trong bài “Cung thánh” (Nguồn: cgvdt ngày 18-5-2017) đã giải thích vấn đề từ ngữ và nguồn gốc Thánh Kinh liên quan cung thánh, như sau:

 

“Từ ngữ “cung thánh” trong tiếng Việt được dịch từ tiếng La-tinh sanctuarium. Từ này, theo nghĩa đen, có nghĩa là đền thánh hay nơi thánh, phát xuất từ chữ sanctus, nghĩa là thánh hay thuộc thần thánh.  Cung thánh là nơi thánh vì quy chiếu đến khu vực phụng tự trong nhà thờ, đặc biệt là chung quanh bàn thờ.

 

“Trong Cựu Ước, lều Hội ngộ hay Đền thờ Giêrusalem, cũng như mọi đền đài thánh trong các tôn giáo khác đều có một nơi cực thánh (1V 6,16; Ed 41,4). Trong thánh đường, cung thánh là nơi linh thánh nhất, tương tự như nơi cực thánh của Đền thờ Salômôn. Cung thánh biểu tượng cho nơi cao vời thánh thiện, là thiên đàng nơi Đức Kitô đã vào (Dt 9,11-12.24), là Nhà Cha (x. Ga 14,2), là cung lòng Chúa Cha (Ga 1,18), là nơi Chúa Con đang ngự trị và đợi chờ các tín hữu”.

 

Trong khi đó, bộ Giáo luật 1983 (Bản dịch 1992 – HĐGMVN) cũng đã quy định, như sau:

 

“Điều 1210: Trong nơi thánh chỉ cho phép làm những gì giúp thi hành hay thăng tiến việc phụng vụ, lòng đạo đức và sùng mộ, và cấm bất cứ những gì không xứng với nơi thánh. Nhưng vị Thường quyền có thể cho phép từng lần dùng, dùng vào việc khác, miễn là không nghịch với nơi thánh”.

 

“Điều 1220: Số 1 – Mọi người liên hệ phải lo giữ các nhà thờ được sạch và đẹp xứng với nhà Thiên Chúa và loại bỏ những gì không thích hợp với nơi thánh”.

 

Dựa vào các chỉ dẫn trên, xin có vài góp ý thế này: Việc đưa nhân vật Tôn Ngộ Không (Tây Du Ký) lên ngả nghiêng trên cung thánh, cùng với việc cho đội lân nhảy múa tưng bừng trong thánh đường, trên cung thánh, là một việc làm không thích hợp và không xứng đáng.

 

– Không thích hợp vì nhân vật Tôn Ngộ Không chẳng có dính dáng gì tới ý nghĩa của ngày tết Trung Thu của thiếu nhi. Có thể các em sẽ thích thú khi xem đoạn diễn này nhưng hiệu quả giáo dục thì hoàn toàn không có, nhất là đối với các em thiếu nhi Công giáo và đặc biệt là khung cảnh diễn ra lại là trên cung thánh, trong ngôi thánh đường nơi cộng đoàn tín hữu đến để cử hành các mầu nhiệm thánh, đến để hiệp thông Thánh Thể và Lời Chúa, đến để cầu nguyện và tôn vinh Thiên Chúa…

 

– Không xứng đáng vì nhà thờ, cung thánh là nơi thánh, là “biểu tượng cho nơi cao vời thánh thiện, là thiên đàng nơi Đức Kitô đã vào (Dt 9,11-12.24), là Nhà Cha (x. Ga 14,2), là cung lòng Chúa Cha (Ga 1,18), là nơi Chúa Con đang ngự trị và đợi chờ các tín hữu” (x. LM Phạm Đình Ái, bài đd). Hội thánh “chỉ cho phép làm những gì giúp thi hành hay thăng tiến việc phụng vụ, lòng đạo đức và sùng mộ, và cấm bất cứ những gì không xứng với nơi thánh” (x. Giáo Luật HTCG điều 1210 đd trên). Được biết, nhiều nơi giáo quyền sở tại cấm không cho thợ chụp hình quay phim lên lên xuống xuống trên gian cung thánh vì việc này có thể gây chia trí cho cộng đoàn, ảnh hưởng đến bầu khí tôn nghiêm của thánh lễ./.

 

Aug.Trần Cao Khải

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!