Làm phép “Nhà nguyện”: Chuyện không nhỏ!
Ảnh: Make Christianity Great As Always
Làm phép nhà nguyện…chuyện tưởng nhỏ
Tại Việt Nam, những năm gần đây, mỗi năm có hàng chục đến hàng trăm ngôi nhà thờ lớn nhỏ được làm phép. Nhưng ngay cả những ngôi nhà thờ đồ sộ, chi phí hàng trăm tỷ cũng không gây ấn tượng bằng việc làm phép “phòng cầu nguyện” nhỏ bé này.
Đặc biệt, tại miền Bắc trước năm 1954, cũng như tại miền Nam trước năm 1975, hầu như tất cả các bệnh viện đều có các nhà nguyện cho các bệnh nhân cũng như các nhân viên Công giáo có chỗ thờ phượng, cầu nguyện và tĩnh tâm sau những phút giây căng thẳng, đau đớn do bệnh tật hay mệt mỏi do công việc.
Tại đây, vào các ngày Chúa nhật, các linh mục tuyên uý có thể đến đó dâng lễ, hoặc hẹn các bệnh nhân đến để được xức dầu. Họ cũng có thể hiện diện để chia sẻ, ủi an, tư vấn cho các bệnh nhân đang gặp khó khăn về tinh thần.
Chuyện tưởng nhỏ như con thỏ ấy nay bỗng trở nên lớn. Dĩ nhiên lớn không phải bởi tầm vóc của nghi lễ, mà bởi ý nghĩa của sự kiện này.
Trong thực tế, tại miền Bắc, kể từ sau năm 1960 và tại miền Nam sau năm 1975, các nhà nguyện tại các bệnh viện đều bị đóng cửa hoặc bị trung dụng làm nhà kho hay chứa các máy móc phục vụ khám chữa bệnh.
Con người một hữu thể tâm linh
Giáo huấn xã hội của Giáo hội luôn khẳng định rằng: “Trong tất cả mọi loài thụ tạo vật chất, chỉ mỗi con người mở ra với vô biên; chỉ có con người mới có một khái niệm về Thiên Chúa, và khát khao đi tìm những câu trả lời tối thượng. Triết học nói đó là con người có khả năng siêu việt” (Docat #53).
Nói cách khác, theo định nghĩa của Giáo huấn xã hội Công giáo, con người là một hữu thể mở ra với siêu việt và con người sẽ còn khắc khoải không nguôi cho tới khi họ được nghỉ ngơi bên Chúa (thánh Augustin).
Do đó, việc làm phép “phòng nguyện” của bệnh viện Tâm Anh tưởng là chuyện nhỏ, nhưng là một nghĩa cử lớn, đáp ứng một trong những nhu cầu căn bản nhất của con người là nhu cầu tâm linh, nhu cầu “hướng về sự siêu việt”.
Mong rằng các bệnh viện lớn tại các thành phố khôi phục lại các nguyện đường đang bị sử dụng sai mục đích hay các phòng cầu nguyện của các tôn giáo khác, nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, nhất là những người đang cận kề cái chết được thanh thản đón nhận bệnh tật trước lúc lâm chung. st