Tại Sao Gọi Là CHỨC LINH MỤC
Với hình thức cắt nghĩa chức năng linh mục như một tác vụ được cộng đoàn Dân Chúa giao phó để thi hành công việc mục vụ, thần học của nhóm Cải Cách Tin Lành, từ thế kỉ 16, đã đối lập hoàn toàn với lối cắt nghĩa thần học về chức năng linh mục của giáo hội Công Giáo, và đã tạo nên một hiểu lầm lớn cho những người Công giáo không hiểu thấu đáo giáo huấn của Giáo Hội trong chức năng này.
Câu hỏi được đặt ra là: có phải linh mục là một Chức hay không? Hay chỉ là một thừa tác vụ được kêu gọi để phục vụ? Và trong Thánh Kinh không thấy nói đến Chức này, vậy Chức này hình thành khi nào?
Trước hết, hãy đọc lại lời dạy của Giáo Hội trong giáo lí Công Giáo số 1536: “Chức Thánh là bí tích qua đó sứ mạng Chúa Ki-tô ủy thác cho các tông đồ tiếp tục được thực hiện trong Hội Thánh cho đến tận thế; vì thế, được gọi là bí tích của thừa tác vụ tông đồ. Bí tích này gồm 3 cấp bậc: giám mục, linh mục và phó tế.”[1]
Tiếp đó, Giáo Hội đặt câu hỏi: Tại sao gọi Bí Tích này là Chức, và đã trả lời như sau:
Số 1537 “Vào thời cổ Rô-ma, người ta dùng từ “Ordo” để chỉ những tập thể dân sự, nhất là tập thể lãnh đạo. “Ordinatio” chỉ việc được nhận vào tập thể đó. Trong Hội Thánh có những tập thể như vậy mà truyền thống, phần nào dựa trên cơ sở Kinh Thánh (x. Dt 5,6; 7,11; Tv 110,4), ngay từ xưa gọi là Taxeis (tiếng Hy lạp) hay “Ordines” (tiếng La-tinh). Chẳng hạn, Phụng vụ nói đến hàng giám mục, hàng linh mục, hàng phó tế. Nhiều nhóm khác cũng được gọi là “Ordo”: giới dự tòng, giới trinh nữ, giới vợ chồng, giới góa bụa….””
Số 1538 “Việc gia nhập vào một tập thể của Hội Thánh xưa kia thường được cử hành bằng một nghi thức gọi là Ordinatio. Ðó là một hành vi tôn giáo và phụng vụ, có thể là thánh hiến, chúc lành hay bí tích. Ngày nay, từ Ordinatio dành riêng cho việc cử hành bí tích gia nhập hàng giám mục, linh mục và phó tế. Việc này có giá trị hơn việc cộng đoàn bầu cử, chỉ định, ủy nhiệm hay cắt đặt, vì ban hồng ân Thánh Thần cho phép thi hành một “quyền thánh chức” (x. LG 10) do chính Chúa Ki-tô ban qua Hội Thánh. Ordinatio còn được gọi là thánh hiến, nghĩa là được Ðức Ki-tô tách riêng và bổ nhiệm để phục vụ Hội Thánh. Việc giám mục đặt tay và lời nguyện thánh hiến, làm nên dấu chỉ hữu hình của sự thánh hiến này.”
Bối Cảnh Lịch Sử:
Giáo Hội, ngoài căn tính mầu nhiệm phản ảnh sự hiện diện của Chúa Kitô trên trần gian, còn là một tổ chức xã hội hữu hình, với những cấu trúc chịu ảnh hưởng của xã hội và học hỏi những ưu điểm của xã hội.
Về phương diện hành chính, giáo hội đã trưởng thành cùng với xã hội qua những thăng trầm trong lịch sử, và đã học từ xã hội để tạo cho mình một phẩm trật có hiệu quả trong hành trình tiếp tục công việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.
Bí Tích Truyền Chức Thánh cho giám mục, linh mục và phó tế được nghi thức hoá cũng là kết qủa của những học hỏi này.
Danh từ Chức được sử dụng từ thời cổ Roma. Với những người tìm hiểu Thánh Kinh, họ không tìm thấy Chức trong những người được kêu gọi làm Tiên Tri hay Tư Tế, họ cũng không tìm thấy bằng chứng Chúa Giêsu Kitô đã phong Chức cho các tông đồ trong bữa ăn cuối cùng (Tiệc Ly), và không thấy nói đến các Tông Đồ cũng như những người kế vị được phong Chức trong các thư ghi lại trong Tân Ước.
Dĩ nhiên, bằng chứng về những người được tuyển chọn để tiếp tục sứ mạng rao giảng Tin Mừng qua việc đặt tay của các Tông Đồ hay những người kế vị các Tông Đồ thì rõ ràng trong Thánh Kinh, nhưng để gọi những người này lãnh nhận Chức linh mục hay Chức giám mục thì không tìm thấy trong lịch sử giáo hội sơ khai.
Vì thế, dù về phương diện lịch sử, họ không có nhận Chức như ta hiểu ngày nay, nhưng về mặt tín lý, giáo hội luôn tin và dạy rằng Chức linh mục hay giám mục họ lãnh nhận từ Chúa Giêsu Kitô qua việc đặt tay của các giám mục là Bí Tích với Chức Năng không hề thay đổi và không hề khác với những gì các linh mục và giám mục lãnh nhận ngày nay (dĩ nhiên cách giải thích và nghi thức ngày nay hoàn toàn khác xưa).
Điều muốn nói ở đây không phải là những người xưa có chịu Chức hay không, nhưng là Chức họ lãnh nhận đã hình thành thế nào trong lịch sử giáo hội.
Lịch Sử Hình Thành Chức Trong Giáo Hội
Như trong giáo lí Công Giáo giới thiệu, từ vài thế kỉ trước công nguyên, xã hội Hi Lạp-La Mã đã có một tổ chức chặt chẽ về hành chính. Trong xã hội, họ có những Chức (tiếng Latin là Ordines – số nhiều) gồm có: chức nghị viên (ordo senatorius), chức trưởng kị binh (ordo decurionum), chức hiệp sĩ (ordo equester). Những người trong các chức vụ này được kính trọng và những chức vụ tự nó, được coi là thánh thiêng (sacrosanct).
Thỉnh thoảng trong văn chương Hy-Mã, ta cũng tìm được “Chức người dân” trong một vài sách lịch sử, nhưng Chức này không được phổ biến, và tư tưởng “Chức người dân” (hay trong văn Latin gọi là ordo plebeius) không thông dụng.
Trong xã hội Hy-Mã, họ phân biệt rõ ràng giữa những người có Chức với những người dân thường.[2] Khi giáo hội hình thành và đang tìm cho mình một mẫu mực về mặt tổ chức, xã hội thời đó là đối tượng để giáo hội học hỏi theo.
Từ cuối thế kỉ thứ 2 vào đầu thế kỉ thứ 3, danh từ Chức (Latin, số ít, Ordo) dần dần bắt đầu được áp dụng trong giáo hội cho các giám mục, linh mục và phó tế.[3] Trong giáo hội, Chức cũng được dùng để phân biệt với thường dân (populus), hay đúng hơn là giáo dân (laikos).
Tín lí của giáo hội dạy rằng Chức Linh Mục (hay giám mục, hay phó tế) không là “quyền” của một giáo dân, nhưng là một ân huệ cho những người được lựa chọn; nghĩa là, một Kitô hữu không đòi hỏi mình phải được làm linh mục (như đòi hỏi được quyền tự do đi lại, tự do ngôn luận, hay tự do ứng/ bầu cử), nhưng phải được giáo hội kêu gọi và chọn lựa để ban Chức này. Vì thế, một người trở nên một vai vị có Chức trong Kitô giáo, không phải vì sinh ra trong gia đình hay dòng dõi Lêvi như trong Cựu Ước, cũng không phải vì công đức đóng góp cho giáo hội, nhưng được lựa chọn qua việc Phong Chức hay Truyền Chức.
Qua việc chọn lựa và Phong Chức này, một nhóm mới được hình thành gọi là Tu Sĩ (klerikos) để phân biệt với những người không có Chức là giáo dân (laikos). Sự phân biệt này cũng nói lên vai trò lãnh đạo và phục vụ của Tu Sĩ (klerikos) khác với người được phục vụ, giáo dân (laikos).
Thật ra việc Phong Chức và dùng danh xưng phân biệt Tu Sĩ với Giáo Dân tự nó không tạo nên cách biệt về giai cấp, chức vụ, nghĩa là không phải vì thế mà những Tu Sĩ trở nên cao trọng hơn, và Giáo Dân trở nên thấp kém hơn.
Điều làm cho cách biệt này xảy ra trong lịch sử là vì những lợi dụng quyền năng đi đôi với chức vụ khiến Tu Sĩ trở thành một giai cấp cách ly với Giáo Dân. Nói cách khác, phẩm trật tổ chức có thể là điều kiện nhưng tự nó không thể gây nên sự phân biệt “Chủ-Tớ” mà là những người trong những địa vị ấy đã sống không đúng với ý nghĩa đích thực của chức năng.
Về mặt thần học, ý nghĩa hiểu biết của những Chức này phát triển chậm hơn nhiều so với phát triển của xã hội. Nghĩa là, đầu thế kí thứ 3, trong giáo hội đã hình thành Chức giám mục, linh mục và phó tế, nhưng chưa có một giải thích thần học nào rõ ràng để cắt nghĩa về căn tính của những Chức này.
Lí do của những phát triển chậm này là vì (a) những hiểu biết về thần học của Chức linh mục bấy giờ đều dựa trên sự hiểu biết về chức năng Tư Tế trong Cựu Ước, và (b) ta không thấy danh từ Chức trong Tân Ước cũng như trong thời kì các tông đồ.
Vì thế, trong ba thế kỉ đầu, giáo hội hiểu Chức giám mục hay linh mục trong bối cảnh của thần học hiểu về “Lãnh đạo Mục Vụ.” Nghĩa là giáo hội nói nhiều đến chức năng lãnh đạo, phẩm chất của người lãnh đạo, và những yêu cầu cần thiết một người lãnh đạo phải có. Điều ta cũng cần biết là danh từ Chức mà ta hiểu trong văn hoá Hy-Mã và trong những thế kỉ đầu của giáo hội hoàn toàn khác với những gì ta hiểu ngày nay.
Đến cuối thế kỉ 2 và đầu thế kỉ 3, những giáo phụ như Origen, Tertullian, Cyprian, và Hippolytus bắt đầu thần học hoá các thừa tác vụ (hay gọi là công việc mục vụ) của giáo hội, và nghi thức hoá những chức năng cần thiết trong giáo hội để làm sáng tỏ ý nghĩa thần học và tín lí, đó là: những người phục vụ giáo hội là những người được lựa chọn.
Ví dụ, để cắt đặt một người làm lãnh đạo một cộng đoàn, các giám mục chọn và ban Chức Linh Mục cho người này qua một nghi thức long trọng được giáo hội công nhận; và các nghi thức Phong Chức cũng được hệ thống hoá để làm vai trò linh mục được rõ ràng hơn.
Nhờ những nghi thức trang trọng này, một người nhận Chức Linh Mục lúc này không còn hiểu Chức như trước nữa. Nghĩa là, nghi thức lúc này được diễn giải với ý nghĩa thần học, và Chức trở thành một phần giáo huấn của giáo hội cho mọi Kitô hữu.
Chức Linh Mục không còn là một chức năng thuần túy hành chánh, như coi sóc giáo xứ hay giảng dạy giáo lí, mà mang một ý nghĩa thần học là những người được lựa chọn để làm công việc riêng.
Dựa vào ý nghĩa thần học này, các giáo phụ tiếp tục quan tâm đến các nghi thức trong những dịp lễ Phong Chức để Chức này tự nó có giả trị và được kính trọng hơn.
Nói như thế không có nghĩa là Chức linh mục trước đó không được kính trọng hay không có cùng một ý nghĩa như sau này, nhưng nghi thức hoá Chức này (nghĩa là đặt ra những nghi lễ cùng với luật lệ rất cụ thể cho các nghi lễ) làm cho vai trò Chức được rõ rang, hiển thị hơn.
Tại Sao Cần Có Chức Trong Giáo Hội
Về phương diện xã hội, tất cả mọi tổ chức nếu muốn tồn tại, bắt buộc phải có Lãnh Đạo, có Quyền Hành, có Trật Tự, có Cấp Bậc. Giáo hội cũng không ngoại lệ.
Vì tất cả những thừa tác vụ của Giáo Hội là công khai (personae publicae in ecclesia) nên bắt buộc phải có những nghi thức công khai chính thức công nhận những người lãnh đạo này. Việc Phong Chức là một hình thức công nhận công khai vai trò lãnh đạo cộng đoàn, và một hình thức cử hành những phụng vụ chung của cộng đoàn. Đây cũng là một hình thức dò xét và tìm hiều những nhà lãnh đạo của họ, và ghi nhận những gì Thiên Chúa đã làm cho họ qua những người lãnh đạo này.
Về mặt chính trị, sau khi đại đế Constantine hợp thức hoá Kitô giáo (năm 313), giáo quyền và chính quyền có nhiều liên hệ mật thiết với nhau, và nhiều lúc các vị lãnh đạo tôn giáo cũng mang nhiều trách nhiệm trong chính quyền. Vì thế, việc Phong Chức cũng là một lời giới thiệu của giáo hội với chính quyền về vai trò của vị lãnh đạo mới trong cộng đoàn.
Một số người cho rằng Chúa Giêsu không Phong Chức cho các tông đồ, và thời kì Ngài sống không có “giai cấp”. Điểu này không hẳn là đúng. Việc Phong Chức như ta hiểu với những nghi lễ đính kèm thì chắc chắn không có trong thời Chúa Giêsu (vì mãi đến đầu thế kỉ 3 mới có), nhưng phẩm trật giai cấp với Phêrô là người đứng đầu, với Juda là người lo tài chính v.v… đã có với Chúa Giêsu.
Sự Khác Nhau Giữa Chức Và Thừa Tác Vụ
Ta cần phân biệt sự khác nhau giữa Chức linh mục và các Thừa Tác Vụ khác trong giáo hội.[4] Giáo lí Công Giáo số 873: “Trong Hội Thánh có nhiều thừa tác vụ khác nhau nhưng đều cùng chung một sứ mạng. Chúa Ki-tô đã trao phó cho các tông đồ và những người kế nhiệm các ngài nhiệm vụ nhân danh và lấy quyền Người mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản. Còn phần giáo dân, vì họ tham dự thực sự vào nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Ki-tô nên họ cũng đảm nhận phần việc của mình trong sứ mạng chung của toàn Dân Thiên Chúa, trong Hội Thánh và ở giữa trần gian” (x. AA 2).
Danh từ Thừa Tác Vụ có gốc nghĩa là Phục Vụ,[5] xuất hiện rất sớm trong giáo hội, và tìm thấy trong Tân Ước. Danh từ này có một ý nghĩa đặc biệt đối với những Kitô hữu đầu tiên vì nó nói lên căn tính phục vụ của những người theo Chúa Kitô: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mk 10:45). Nói cách khác, Phục Vụ chính là Thừa Tác Vụ trong giáo hội.
Ngày nay, khi dùng danh từ Thừa Tác Vụ, giáo hội muốn nói đến một số cụ thể những công việc của giáo hội được các Kitô hữu thi hành, trong đó cỏ cả những người lãnh nhận Chức như giám mục, linh mục, phó tế, cả những người sống đời khấn nguyện theo bậc tu trì (gọi chung là tu sĩ nam nữ), và giáo dân.
Những ai quen thuộc với đời sống tu trì trước công đồng Vatican II, nhất là với những người dọn mình lãnh nhận Chức linh mục, thường hay nghe các danh từ như Thầy Ba, Thầy Sáu, hay Chức Giúp Lễ, Chức Đọc Sách.
Thật ra những Thừa Tác Vụ này vẫn được coi là Chức trong giáo hội kể từ thế kỉ thứ hai. Số lượng Chức này thay đổi tùy theo thời gian. Hippolytus nói đến Phó Tế và Phụ Phó Tế (đầu thế kỉ 3 trong Traditio Apostolica). Didascalia Apostolorum (thế kỉ 3) nói đến Phó Tế và Đọc Sách. Đức Giáo Hoàng Cornelius (251-253) nhắc đến trong thư Ngài những chức: Giám mục, Linh mục, Phụ phó tế, Phó tế, Giúp lễ, Trừ qui, và Giữ cửa. Thánh Cyprian (thế kỉ 3) nói đến Phụ phó tế, Giúp lễ, Trừ qủi và Đọc sách. Eusebius nói đến Đọc Sách và Trừ Qủi.
Vào cuối thể kỉ thứ tư, những Thừa Tác Vụ hay các Chức này đã hình thành khá rõ ràng trong toàn thể giáo hội, nhưng hình thức áp dụng và thi hành thì tùy thuộc địa phương, nghĩa là, có nơi hình thành bảy hay tám Chức, có nơi hai hay ba Chức. Đối tượng lãnh nhận những Chức này cũng khác nơi. Ban đầu, nhiều giáo dân lãnh Chức Đọc Sách hay Trừ Qủi nhưng dần dần các linh mục hay tu sĩ thi hành những chức vụ này, và không còn giáo dân nữa.
Cuối thế kỉ thứ 5, trong bộ sách luật Statuta Ecclesiae Antiqua, ta có thể đọc thấy 9 Chức như: Người Xướng Hát Thánh Vịnh (psalmist), Người giữ cửa (porter), Đọc sách (lector), Trừ Qủi (exorcist), Giúp lễ (acolyte), Phụ Phó tế (subdeacon), Phó tế (deacon), Linh mục (presbyter) và Giám mục (bishop).
Từ sau thế kỉ 11, thời kì Peter Lombard, chỉ còn 7 Chức được nhắc tới trong đó không có Người Hát Thánh Vịnh và Giám mục. Bộ luật năm 1150 cũng chỉ ghi lại 7 Chức: Người giữ cửa, Đọc sách, Trừ Qủi, Giúp lễ, Phụ Phó tế , Phó tế, và Linh mục. Thời kì này, giám mục không được coi là một phần của Chức thánh nữa, mà chỉ là một Vinh Dự trong phẩm trật mà thôi. Nghĩa là, chức Linh Mục là chức cao cả nhất, và sau khi chịu chức thánh Linh Mục, người được chọn làm giám mục không còn nhận chức thánh mà chỉ nhận vinh dự được ban tặng mà thôi.
Sau công đồng Trent (1545-1563), Chức giám mục được nhận là Chức Thánh. Những Chức này được chia làm hai nhóm gọi là Chức Nhỏ (gồm Giữ cửa, Đọc Sách, Trừ Qủi, Giúp Lễ), và Chức Lớn (gồm Phụ Phó tế, Phó tế, Linh mục và Giám mục).
Năm 1972, Đức Giáo Hoàng Paul VI quyết định chỉ giữ lại danh từ Chức cho Phó tế, Linh Mục, và giám mục mà thôi. Các vai trò khác trước đây gọi là Chức thì không còn nữa, mà chỉ được coi là Thừa Tác Vụ: như Thừa Tác Vụ Đọc Sách và Thừa Tác Vụ Giúp Lễ.[6] Các vai trò khác (Giữ cửa, Trừ Qủi, Phụ Phó Tế) không còn được nhắc tới.
Như thế, các Chức (ordines) hay còn gọi là các Chức Thánh (sacri ordinis) hoàn toàn khác với Thừa Tác Vụ mà giáo dân lãnh nhận. Cho dù trong thời gian đầu của giáo hội, khó phân biệt rõ ràng ý nghĩa khác nhau giữa danh từ Thừa Tác Vụ và Chức vì cả 2 đều gắn liền với đời sống Giáo Hội từ khai sinh, nhưng ngày nay thì rõ ràng.
Kết Luận
Chức Linh Mục là một hồng ân Thiên Chúa ban cho con người. Dù lịch sử đặt những người nhận Chức này vào một vị trí tách biệt khỏi giáo dân, các linh mục nhận Chức này phải nhận thức được rằng đây không là điều kiện để tôn vinh cá nhân hay lợi dụng quyền thế. Trái lại, Chức Linh Mục là điều kiện để giáo hội công nhận những người lãnh đạo cách công khai, và theo Chúa Giêsu Kitô, lãnh đạo không gì hơn là phải biết Phục Vụ người khác: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mk 10:45).
[1] Thật ra trong bản gốc Latin, giáo hội không gọi là Chức Thánh mà chỉ gọi là Chức (Ordo), nhưng khi được dịch ra các ngôn ngữ khác, như tiếng Anh, họ thêm vào Chức Thánh để dễ hiểu và đúng với ý nghĩa bản Latin muốn viết.
[2] Đôi khi trong lịch sử ta vẫn còn tìm thấy trong các bài viết hay những công trình kiến trúc có chữ viết tắt SPQR (senatus populusque romanus – nghị viên và dân chúng) để minh định vai trò những người có Chức với dân thường, hay những dấu tích ghi lại Chức của người dân Roma (ordo populus romanus).
[3] Tiếng Hilạp dùng là episkopos nay ta gọi là giám mục, presbyteros nay gọi là linh mục, và diakonos nay gọi là phó tế.
[4] Trong Anh ngữ, Thừa Tác Vụ là Ministry; Thừa Tác Viên là Minister; Chức là Order.
[5] Thứa Táv vụ dích từ danh từ tiếng Hi lạp là dikaiosynè hay diakonia, có nghĩa là việc phục vụ, với động từ diakoneo là Phục vụ, và người làm những dịch vụ này là diakonos. Chính danh từ diakonos này được áp dụng cho những người mà ta dịch là Phó Tế.
[6] Hai Thừa Tác Vụ này thường dành cho những chủng sinh dọn mình làm Linh Mục, nhưng đôi khi giáo dân cũng lãnh nhận tác vụ này.
Lm Nguyễn Khắc Hy