Lớp học Phùm Gi (9)
Tháng sáu đã tới. Thời gian tôi mong chờ cuối cùng cũng tới. Tôi sẽ được làm công việc vì nó mà tôi tới đây. Và quả thật, chỉ có mình tôi tới đây. Các bạn sinh viên không lên nữa. Họ bận. Cuộc sống mà, ai cũng bận cả.
Chỉ còn một mình tôi. Thử nghĩ xem tôi sẽ phải làm thế nào với bảy điểm dạy học cách xa nhau trong vòng bán kính 30km, học sinh đủ mọi cấp độ và cuộc sống dường như thuộc về một thế giới khác. Tôi nói ama: “Vì con không có sức để làm tất cả, con xin được đến với nơi nào nghèo nhất, khổ nhất, cần chữ nhất”. Ama chẳng phải suy nghĩ cũng có thể đọc ra một nơi như vậy: Phùm Gi.
Tôi đến Phùm Gi vào một buổi sáng thứ ba, ngày ama tới làm lễ thay cho ngày chúa nhật. Ama chở tôi đi cùng để giới thiệu cho mọi người biết tôi là ai. Nhân tiện, cũng để tôi biết nơi mình sẽ ăn ở và để tôi định liệu xem khi nào thì có thể bắt đầu dạy được.
Qua cái cổng chào hoen rỉ, cái dốc cao ngất, Phùm Gi hiện ra trước mắt tôi. Khi núi rừng còn mờ sương, ngôi sao mai còn lấp lánh đằng tây, khi đất trời còn say giấc trong tiếng ru của ghềnh thác sông Pa, thì ở cuối buôn, tiếng kinh nguyện rầm rì đã cất lên, nghe như một bài ca, ca ngợi ngày mới và tạ ơn Thượng Đế, cũng lại vừa giống như tiếng đau khổ lầm than của kiếp người cố bám víu vào Đấng Tối Cao để tìm sự an ủi, chở che.
Chúng tôi dừng lại trước một ngôi nhà sàn ở cuối buôn. Ngôi nhà dài chừng 15 mét và rộng cỡ ba mét của hai mẹ con ami H’Hot, bên trên người ở còn bên dưới thì heo bò ở. Khi tôi bước vào, đã có khoảng ba chục người, đứng ngồi la liệt trong căn nhà sàn thấp tè, tối om và lổm ngổm đồ đạc. Kìa góc trái lủng lẳng quần áo. Góc phải thau chậu ngổn ngang. Trên đầu mạng nhện giăng tơ và dưới sàn lấm lem đất cát. Cả gian nhà chỉ có một cái bóng đèn và nơi sáng nhất trong nhà là bàn thờ làm lễ. Chó mèo lên xuống hiên ngang như chỗ không người. Thỉnh thoảng, heo bò dưới sàn nhà rủ nhau rống lên kiểu muốn dự lễ cùng. Mọi người đã quen với khung cảnh này nên không ai để ý đến điều gì ngoài vị chủ tế, ngoài những lời ngài đang nói. Người phụ nữ đứng cạnh tôi, vừa địu con, vừa quỳ đọc kinh bằng tiếng Jrai, hai tay chị giang rộng, đôi mắt khép hờ và vẻ mặt cực kỳ thành tâm như phó thác mọi sự trong tay Chúa. Đứa bé trên lưng rung theo từng nhịp thở của chị, được ru trong tiếng kinh và thấm luôn cả đức tin của chị. Quanh cảnh như thuộc về một thời nào đó xa xưa, những ngày tiên khởi của Hội Thánh.
Không đủ bàn, học trò phải nằm viết
Một tuần sau tôi quay lại Phùm Gi. Để tiện cho việc dạy học, tôi ở luôn tại nhà ami H’Hot, cuối tuần sẽ về lại nhà ama. Nhà ami H’Hot chỉ có hai mẹ con nên tha hồ rộng rãi, căn nhà ấy vừa là nhà ở, nhà thờ kiêm luôn nhà trường. Tới nơi, tôi thấy một đám trẻ trên 10 đứa đang chơi phía sau nhà ami H’Hot. Tôi liền bày cho bọn nhóc trò chơi vòng trong vòng ngoài, và tình cờ phát hiện ra rằng trong buôn chẳng có mấy trò chơi. Đến khi dạy học, tôi lồng ghép các trò chơi vào trong buổi học, và sau khi học xong, tôi cho các em sinh hoạt vòng tròn. Đây là điều các em rất thích. Cũng nhờ trò chơi ấu thơ kia mà tôi chiếm được cảm tình của bọn trẻ khiến tôi đi đâu tụi nhóc cũng đi theo, kể cả ra sông tắm.
Múa theo trò chơi
Tối đến, tôi còn đang ăn dở chén cơm thì các em tới. Tất cả là 25 em cả trai lẫn gái, một con số khá ấn tượng trong buổi gặp đầu tiên. Đứa lớn nhất 19 tuổi và nhỏ nhất năm tuổi. Học cao nhất lớp tám và có tới một nửa chưa biết chữ là gì.
Các em tới, rất vô tư và tự nhiên ngồi xuống xung quanh tôi, líu lo như một đàn chim.
Các em tới vì biết hôm nay có người đến buôn của các em và dạy một cái gì đó, chỉ vậy thôi.
Các em tới với đôi mắt to tròn, đen láy và hàng lông mi cong vút lúc nào cũng mở ra nhìn tôi.
Các em tới, đi chân đất, mặc nguyên bộ quần áo còn ẩm ướt lúc chiều tắm bên sông Pa.
Các em tới với hai bàn tay trắng, thừa sự háo hức nhưng đầy vẻ ngại ngùng
Chúng tôi ngồi bên nhau, làm quen và phác họa rất nhanh chương trình học. Một tuần sẽ học năm buổi. Từ thứ hai tới thứ sáu. Lúc bảy giờ đến chín giờ tối vì ban ngày các em đều bận đi chăn bò. Sau giờ học sẽ sinh hoạt vòng tròn, tập hát, kể chuyện hay chiếu phim tùy nhu cầu. Tôi biết trong buôn các em yếu nhất hai môn toán và tiếng việt nên chỉ tập trung dạy hai môn đó. Ban ngày tôi rảnh, ai cần học cứ tới, tôi dạy hết. Bọn trẻ khoái chí, vỗ tay rần rần và hẹn tối mai rủ thêm bạn tới.
Lớp học. Tác giả là cô giáo đang dạy học
Khi bọn trẻ về hết và chỉ còn lại một mình trong ngôi nhà trống trải, thì tôi tự hỏi chính mình: “Thế là lớp học của tôi bắt đầu thật rồi sao?”. Bắt đầu mà chẳng có gì cả. Không bàn không ghế. Không phấn không bảng. Không sách vở bút viết. Đến cả ánh sáng cũng nhờ nhợ như một vì sao xa. Chúa ơi, Chúa đã dẫn con tới đây thì xin Chúa cũng hãy chỉ bảo cho con biết con phải làm gì nhé. Và Chúa đã nhận lời.
Ngài chỉ cho tôi biết việc đầu tiên là tôi hãy quá giang xe về Ia R’siơm vào sáng hôm sau để mua sách vở, bút viết cho bọn trẻ, sau đó về nhà ama tìm một tấm ván làm bảng. Tôi không quên mang theo ít panadol phòng ốm đau. Anh Wiêng xung phong làm xe ôm chở tôi về lại Phùm Gi với bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh trên người. Qua tới nơi mới biết còn thiếu một thứ rất quan trọng, đó là bàn học. Thế là cô trò hì hục vác những tấm ván ở chuồng bò nhà ami H’hot ra sông Pa cọ rửa, lau khô. Tôi mượn ba cái ghế nhựa nhà ami H’hot làm trụ mà vẫn không đủ, liền mượn luôn cả cái cối giã gạo của nhà bên cạnh. Vậy là có những cái bàn ngon lành. Tưởng thế là ổn, ai dè học trò đông quá, lên tới 35 em, không có đủ bàn, thành thử, khoảng một phần ba lớp học phải nằm, quỳ hoặc bò ra mà viết. Học trò của tôi viết trên những cái bàn thô kệch ấy. Những dòng chữ ngoằn ngoèo, đôi khi dơ bẩn, tẩy xóa tùm lum, duy chỉ có đôi mắt là sáng như sao và sự chăm chỉ đến tê người. Nhìn học trò lăn lóc viết, tôi như chết lặng. Ôi! Có nơi đâu đi kiếm con chữ mà khổ sở đến vậy không hả trời?
Kê “bàn” chuẩn bị học
Tôi phát cho mỗi em một cây viết và một cuốn vở, bắt các em viết tên của mình vào vở, khi học xong tôi thu bút vở lại, kẻo bọn trẻ mang về xé vở làm diều hết. Bữa sau tới học, tôi lại phát ra. Thế là bảo toàn được lực lượng. Cứ nhìn gương mặt háo hức nhận vở của bọn nhóc mà thấy vui lây. Có nhiều em chưa biết viết, phải nhờ mấy bạn lớn viết hộ tên. Người Jrai có nhiều cái tên đọc muốn méo miệng mà vẫn không trúng, tiếng Việt cũng không biết phải viết thế nào. Những em chưa biết viết không theo kịp anh chị lớp lớn, tôi cho ngồi riêng ra một góc rồi cầm tay tập viết cho từng đứa. Có cầm tay bọn nhóc, có đặt mũi vào mái tóc cháy nắng và bộ quần áo khét lẹt, lấm lem bùn đất và sực nức mùi phân bò của bọn nhóc, mới thấy xót xa cho các em. Còn bọn trẻ thì cứ nắm chặt bút, mím chặt môi viết như sợ từng chữ bay đi mất.
Học sinh và cô giáo chụp hình kỷ niệm (tác giả áo đen phía sau bên phải)
Học xong, tôi cho sinh hoạt vòng tròn. Từ trước đến giờ, chưa có ai đến với các em, dạy dỗ các em và cho các em chơi các trò chơi mà đáng lí tuổi của các em phải được chơi. May mà ngày xưa tôi tham gia Giới trẻ Con Đức Mẹ và hay làm quản trò, nên cũng biết chút ít. (Thật không ngờ mấy món ăn chơi ngày xưa ấy lại có đất dụng võ vào ngày hôm nay). Những trò sóng biển, chim sổ lồng, ta là vua, thụt thò… làm bọn nhóc khoái chí vô cùng. Giờ sinh hoạt chính là điều mà bọn trẻ mong đợi nhất sau khi học. Qua một ngày vất vả ngược xuôi, sau dãi dầu mưa nắng, thì giờ đây, các em được tha hồ sống thật với bản tính hồn nhiên vô tư của tuổi thơ. Các em không còn vẻ lam lũ của những đứa trẻ chăn bò nữa, mà thay vào đó là những gương mặt linh hoạt, nụ cười rạng rỡ và ánh mắt lung linh.
Trẻ em Phum Gi tắm sông Pa về
Tôi thích đứng một mình nhìn các em ra về sau khi giải tán, vì lúc đó, men chơi còn chất ngất, khiến đứa này chọc ghẹo đứa kia, để rồi cả đám đuối bắt nhau, tiếng cười giòn tan như bắp nổ rộn rã trên đường làng. Bóng bọn trẻ khuất lấp trong màn đêm rồi đậu xuống dưới một mái nhà, mang theo vào giấc ngủ nụ cười trên môi. Hôm nay trăng sáng, tha hồ chơi, gần mười giờ rưỡi các em mới chịu về. Mấy chục cái miệng thi nhau chúc tôi “pit hiam” (nghĩa là chúc ngủ ngon) rồi ùa chạy đi trên con đường làng đầy ánh trăng, tiếng cười trong veo như nước suối cứ trầm bổng rồi tan theo núi rừng vào thinh không. Thử hỏi có ai hạnh phúc hơn tôi không? Tối nào cũng có vài chúc người chúc ngủ ngon. Không muốn cũng sẽ ngủ rất ngon, hỡi những thiên thần Jrai ạ.
Amai H’ Blan