“MỘC DƯỢC” HAY “MỘT DƯỢC”?
Các hiền sĩ tìm đến thờ lạy Chúa Giêsu Hài Đồng và dâng tiến các lễ vật. Theo Sách Bài Đọc (năm 1969) của Ủy ban Giám mục về Phụng vụ, các lễ vật này là “vàng, nhũ hương và MỘC DƯỢC” (Mt 2,11). MỘC DƯỢC cũng được dùng trong các bản dịch Tân Ước của linh mục Nguyễn Thế Thuấn và của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Vì thế, tín hữu Công giáo Việt Nam quen nghe MỘC DƯỢC hơn là MỘT DƯỢC.
Gần đây, có những bài viết rất công phu cho rằng nên dịch cho đúng là MỘT DƯỢC vì gốc chữ Hán là MỘT DƯỢC (沒 藥).
Bài của Bùi Ngọc Hiển:
http://tutevungtau.blogspot.com/…/mot-duoc-hay-moc-duoc…
Bài của linh mục Stêphanô Huỳnh Trụ:
http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/MucVu/178MotDuoc.htm
Tác giả Bùi Ngọc Hiển nhấn mạnh rằng phải dùng MỘT DƯỢC vì trong chữ Hán không có từ MỘC DƯỢC. Bài viết kết luận rằng không nên “dùng cái không có thay cho cái có”.
Theo linh mục Stêphanô Huỳnh Trụ, phải dùng MỘT DƯỢC vì MỘT DƯỢC chỉ chất thuốc (thơm, ướp xác…) hoặc một loại thực vật, đó là cây myrrha, còn MỘC DƯỢC chỉ có nghĩa là “tắm với nước có pha thuốc”.
Chúng tôi gặp được một bài viết về gốc gác từ MỘT DƯỢC của Victor Henry Mair, giáo sư Hoa ngữ của Đại học Pennsylvania, đăng trên trang blog “Language Log” chuyên về ngôn ngữ học:
https://languagelog.ldc.upenn.edu/nll/?p=16705
Theo giáo sư Victor Henry Mair, chất myrrh (một dược) mà các hiền sĩ dâng lên Chúa Hài Đồng đã có tên gọi ở các nước khác trước khi người Trung Hoa tìm tên để gọi nó. MỘT DƯỢC không phải là từ DỊCH NGHĨA, mà là từ PHIÊN ÂM.
Vẫn theo giáo sư, để gọi chất myrrh, người Trung Hoa đã dùng hai từ 没 (MỘT) hoặc 末 (MẠT), cả hai hiện nay trong tiếng Hoa phổ thông đều được phiên âm là [mò]. Họ chọn hai từ này là vì âm của chúng chứ không phải vì nghĩa. Do đó, chúng không có liên quan gì đến nghĩa trong từ điển như: không, chìm, chết đuối, chết, nhận chìm, biến mất, cuối cùng… Vậy, khi đi tìm danh từ để chỉ chất myrrh, người Trung Hoa đã chọn âm của 没 (MỘT) và 末 (MẠT) vì chúng gần giống với âm của mōr (tiếng Hípri), murā (tiếng Aram), murr (tiếng Ả Rập), mor (tiếng Ba Tư); sau đó, họ kết hợp 没 (MỘT) và 末 (MẠT) với hình vị 藥 (DƯỢC) thành 没 藥 (MỘT DƯỢC) và 末 藥 (MẠT DƯỢC) để chỉ chất myrrh.
Xin nêu bài viết của giáo sư Victor Henry Mair để thử trả lời câu hỏi được nêu ra trong bài viết của Bùi Ngọc Hiển: trước kia sách vở nhà đạo Công giáo Việt Nam đã dùng MỘT DƯỢC, nhưng sau này không biết vì sao lại đổi sang MỘC DƯỢC.
Có thể hiểu thế này chăng: MỘT DƯỢC hay MẠT DƯỢC là chữ Hán, còn MỘC DƯỢC là chữ Hán Việt biến thể từ chữ Hán. Khi dung nạp từ ngữ chữ Hán, Người Việt Nam đôi khi có sửa đổi ít nhiều, bất chấp nghĩa của từ ngữ gốc trong từ điển. Việc sửa đổi này có thể do dùng từ Hán Việt mà không hiểu nghĩa chữ Hán nên thay thế bằng từ na ná quen dùng rồi, chẳng hạn CHÚNG CƯ được sửa đổi thành CHUNG CƯ vì từ CHUNG dễ hiểu hơn, nói lên ý nhiều nhà ở chung một nơi. Tương tự, QUẢ PHỤ (chữ Hán chính xác) được chuyển thành GÓA PHỤ gồm chữ Nôm kết hợp với chữ Hán, rất khập khiễng nhưng lại thông dụng hơn. Hoặc MẠN TÍNH là chữ Hán viết đúng bị đổi thành MÃN TÍNH là chữ Hán Việt viết sai nhưng lại thông dụng hơn, lâu ngày được đông đảo dân chúng trong xã hội chấp nhận nên trở thành “đúng”. Với MỘT DƯỢC, dân chúng sửa thành MỘC DƯỢC có lẽ vì MỘC gần giống với MỘT nhưng quen thuộc hơn và dễ hiểu hơn vì có sự liên tưởng đến cây cỏ dùng làm thuốc.
Kết luận, nên dùng MỘT DƯỢC để nhất quán với chữ gốc Hán. “Từ điển Công giáo” của Hội đồng Giám mục Việt Nam, tái bản năm 2019, đã dùng MỘT DƯỢC ở mục từ CHIÊM TINH, NHÀ-. Nhưng không nên khắt khe cho rằng dùng MỘC DƯỢC là sai lầm. MỘC DƯỢC mang tính xã hội nhiều hơn MỘT DƯỢC. Trong não trạng người Việt Nam Công giáo và ngoài Công giáo, MỘC gợi lên ý nghĩa về thảo dược trong khi MỘT không nói lên điều gì. Theo bài viết của giáo sư Victor Henry Mair nói trên, người Trung Hoa dùng cả hai từ 没 藥 (MỘT DƯỢC) và 末 藥 (MẠT DƯỢC) vì chú trọng đến âm hơn là nghĩa của MỘT hay MẠT; cũng vậy, phải chăng chúng ta vẫn có thể cùng cả hai từ MỘT DƯỢC và MỘC DƯỢC mà không cần quan tâm đến ý nghĩa của MỘT hay MỘC.
Thử tra 没 藥 (MỘT DƯỢC) trên wikipedia, thấy từ điển này giảng rằng:
沒 藥 (英 語:myrrh )又 稱 作 末 药,MỘT DƯỢC (Anh ngữ: myrrh) còn gọi là MẠT DƯỢC.
Thử tra trên Google, “MỘT DƯỢC, còn gọi là MỘC DƯỢC” có 77 kết quả.
Cụm từ “còn gọi là” nói lên tính phong phú của kho tàng từ vựng trong tiếng Việt: “Quả dứa, còn gọi là trái thơm, trái khóm”, “Cá lóc, còn gọi là cá chuối, cá quả, cá tràu, cá đô, cá sộp, cá trõn”, “chim bồ nông, còn gọi là chim lềnh đềnh, chim lềnh bềnh, chim trôi bè, chim chằng bè, chim dáng bè, chim cò mòng”. Trong nhà đạo, “Giáo Hội, còn gọi là Hội Thánh”, “cha xứ / cha sở”, “giáo họ / giáo khu”, “giáo phận / địa phận”, “cung thánh / gian thánh”, “chén lễ / chén thánh”, “tử đạo / tử vì đạo”, “dự phần / thông phần”, “cầu bầu / chuyển cầu”, “chứng nhân / chứng tá”, “công trạng / công nghiệp”, “thương khó / khổ nạn”, “mão gai / mạo gai”, “chuộc tội / cứu chuộc”, “cực thánh / rất thánh”, “thiên tính / thần tính”, “bản thể / bản tính”, “Thánh Thần / Thánh Linh”, “Nhan Thánh / Thánh Nhan / Thiên Nhan / Tôn Nhan”, “Kinh Thánh / Thánh Kinh”, “mặc khải / mạc khải”, “bí tích / nhiệm tích”, “chuyển bản thể / biến đổi bản thể / biến thể”, “mô thể / mô thức”, “thập tự / thập giá / thập tự giá”, “dâng lễ / tiến lễ”, “giáo hữu / tín hữu”, “đoàn chiên / đàn chiên”, “hiệp thông / thông hiệp / thông công”, “hy tế / hy lễ”, “tì nữ / nữ tì”, “Đức Trinh Nữ / Đức Nữ Trinh”, “linh hứng / thần hứng”, “đối thần / hướng thần”, “thiên thần / thiên sứ / sứ thần / thần sứ”, “tác vụ / thừa tác vụ”, “đại xá / toàn xá”, “hòa giải / giao hòa”, “ngụy thư / ẩn thư”, “Đệ nhị luật / Thứ luật”, “cây hương bá / cây bá hương / cây hương nam”, “hộ giáo / biện giáo”, “thánh hiến / biệt hiến”, “chi họ / chi tộc”, “tòa giảng / giảng đài / tuyên đài”, “hưởng kiến / phúc kiến”, “rước lễ / chịu lễ” “thụ thai / chịu thai”, “đồng trinh / đồng thân”, “gác đàn / gác hát”… Vậy, có thể có thêm “một dược / mộc dược”.
Ngoài ra, nếu khắt khe cho rằng cần phải phiên âm cho đúng với ngôn ngữ gốc, rằng 沒 藥 nhất thiết phải được đọc là MỘT DƯỢC, thì khó mà tiếp tục khắt khe khi mà trong tiếng Việt nhiều từ được phiên âm khác với cách đọc của từ gốc. Khá thú vị là fermeture (dây khóa kéo) trong tiếng Pháp được người Việt đọc là “phẹc-mơ-tuya” và cũng được đọc là “xẹc-mơ-tuya” vì chữ “xẹc” có sự liên tưởng đến âm thanh khi người ta đóng nhanh hay mở nhanh dây khóa kéo. Từ savon được đọc là “xà-phòng” hoặc “xà-bông” do có liên tưởng giữa “bông” với bọt của xà-phòng. Từ cravate được phiên âm thành “cra-vát”, “ca-ra-vát”, “cà-vạt”; và vì cravate đem lại sự trang trọng, nên còn được dân chúng gọi là “cà-la-oách”…
Cũng không nên ngại dùng MỘC DƯỢC vì cho rằng từ này không có trong chữ Hán. Người Công giáo Việt Nam trong khi vay mượn các thuật ngữ nhà đạo của người Công giáo Trung Hoa thì cũng vận dụng các yếu tố chữ Hán để tạo ra các thuật ngữ vốn không có trong chữ Hán, ví dụ: Hán Nôm hóa từ THIÊN CHỦ trong chữ Hán thành THIÊN CHÚA; không mượn từ THÁNH SỰ trong chữ Hán, nhưng đã tạo ra từ BÍ TÍCH; không mượn từ CHỦ GIÁO, nhưng đã đặt ra từ GIÁM MỤC; không mượn từ TƯ ĐẠC, nhưng đã nghĩ ra từ LINH MỤC. Chữ Hán có KHẢI THỊ và MẶC THỊ, nhưng chúng ta dùng MẶC KHẢI, và không có gì trở ngại nếu ai thích dùng từ MẠC KHẢI hơn.