Phụng vụSuy niệm Chúa nhật

Mục tử nhân lành

30.4 Chúa Nhật thứ Tư Mùa Phục Sinh

St 2:14,36-41; Tv 23:1-3,3-4,5,6; 1 Pr 2:20-25; Ga 10:1-10

Mục tử nhân lành

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa nêu bật hai hình ảnh trái ngược: mục tử và kẻ trộm. Đâu là tiêu chuẩn để có thể nhận ra khuôn mặt của hai hạng người đó?

Tùy thái độ đối với đoàn chiên, hai hạng người đó sẽ lộ nguyên hình. Tự bản chất, tên trộm bao giờ cũng rình mò xâm phạm đến của cải và tính mạng người khác. Họ không biết luật công bình là gì. Bất chấp luật pháp, “kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ.” (Ga 10, 10) Họ không biết tôn trọng của cải, mạng sống và những giá trị tinh thần cũng như vật chất. Tất cả đều phải hy sinh cho cái lợi bản thân và phe đảng họ. Thật là một bất công khủng khiếp!

Trái lại, không những tôn trọng công lý, mục tử đích thực còn hy sinh bản thân vì người khác. Họ hy sinh tất cả cho hạnh phúc tha nhân. Có nhìn thấy mục tử chăn chiên trên đồi Palestine, mới thấy họ hy sinh cho đoàn chiên tới mức nào. Họ mất ngủ, mệt mỏi đứng dựa trên gậy, theo dõi từng động thái của đàn chiên. Tối đến, sau khi lùa đàn chiên vào chuồng, họ nằm chắn ngang bực cửa để bảo vệ đoàn chiên khỏi thú dữ. Mục tử như một chiếc cửa mở ra cho chiên ra vào và che chở đoàn chiên khỏi thú dữ sát hại. Có được bảo vệ an toàn như thế, đoàn chiên mới “sống và sống dồi dào.” (Ga 10, 10)

Mục tử không còn nghĩ tới bản thân. Họ quên mình để bảo về sự sống cho đoàn chiên. Không những tôn trọng sinh mạng con chiên, họ còn lo phát triển đoàn chiên. Đó là nét nổi bật của một mục tử đích thực. Sở dĩ mục tử có thể hy sinh tất cả cho đoàn chiên, vì họ rất gần gũi con chiên.

Quả thực, khi vào trong chuồng chiên, họ có thể “gọi tên từng con,” (Ga 10, 3) khi chúng quây quần chung quanh. Cảnh sinh hoạt rất thân mật.

Dù lúc ở trong chuồng hay khi ra ngoài, đoàn chiên luôn an tâm vững lòng vì người mục tử luôn sẵn sàng đối phó với mọi thách đố để bảo vệ con chiên. Khi dẫn chiên ra ngoài kiếm ăn, ông “đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng” (Ga 10, 4) của ông. Trái lại, bọn trộm cướp không bao giờ được hưởng hạnh phúc đó. Chúng hoàn toàn xa lạ với đoàn chiên. Làm sao chiên có thể nghe theo chúng? Chương 9 trong Tin Mừng Gioan đưa ra một ví dụ cụ thể: mặc dù những nhà lãnh đạo Do thái dùng đủ mọi kỹ thuật thuyết phục, nhưng anh mù vẫn khẳng khái trả lời không tố cáo Chúa. Cuối cùng, anh đã bị trục xuất ra khỏi hội đường. Nói chung, những nhà lãnh đạo Do thái đương thời không chú tâm tới đàn chiên. Họ chỉ muốn thỏa mãn tham vọng quyền lực.

Làm sao tiếng nói mục tử có thể vang động trong con chiên? Đây là lúc bắt đầu phân biện được tiếng gọi của Thiên Chúa. Nếu mục tử không sinh hoạt thân mật với con chiên, làm sao chiên có thể nhận ra tiếng ông mà đi theo? Do đó thời giờ theo sát và quan tâm đến đoàn chiên thật quan trọng. Nếu không, dù là mục tử, tiếng nói cũng chẳng lọt tai con chiên. Tiếng nói Vị Mục Tử Nhân Lành đụng tới miền sâu thẳm nhất trong con chiên.

Vai trò mục tử vô cùng quan trọng trong lịch sử Israel đến nỗi Kinh thánh tôn xưng Giêsu là Mục Tử quy tụ đoàn chiên tản mác từ muôn dân nước. Ngôn sứ Êdêkien tiên báo Vị Thiên Sai sẽ đến và gọi Người là một Mục tử (Ed 34, 23). “Ngược với tên trộm, Người ban ngay sự sống cách phong phú, dồi dào và toàn vẹn. Ngay bây giờ sự sống vĩnh cửu bắt đầu. Sự sống trong Chúa Kitô ở trên một mức độ cao hơn, vì tràn ngập tình yêu, ơn tha thứ và được định hướng.” Con người sẽ sống hạnh phúc, bình an, tự do, vượt xa những gì người Do thái vẫn mơ tưởng.

Trong thế giới ngày hôm nay, con người vẫn khát khao tìm kiếm Chúa, thế nhưng, ở thời đại nào cũng có tiên tri giả, thời đại nào cũng tồn tại những thứ mà Tin Mừng hôm nay được Chúa Giêsu gọi là quân trộm cướp. Họ không qua cửa là Chúa Giêsu để dẫn đến cuộc sống đích thực, mà chỉ sống trong sự dối trá, hay những thực tại trần thế .

“Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào” (Mt 10, 10). Hình ảnh Người Chủ Chăn đang dẫn đàn chiên đến một đồng cỏ xanh tươi, đến bên dòng suối mát để cho chiên tha hồ bổ dưỡng. Và theo năm tháng, những con chiên đó được lớn lên khoẻ mạnh trong bàn tay yêu thương và tận tuỵ của Vị chủ chăn vì: “chiên của tôi thì nghe tiếng tôi” (Ga 10, 27). Vậy, khi chúng ta khước từ Chúa, loại trừ Người ra khỏi cuộc sống, thì chính là lúc chúng ta tự kết liễu đời mình, cuộc sống trở thành vô vị, mất điểm tựa, chạy theo những thứ hư ảo, để rồi cuộc sống cứ trượt dài trong thế sự.

Đức kitô là vị mục tử nhân lành, nơi Người ẩn chứa một tình yêu cao cả. Tình yêu đó được kết tinh trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Người đã thể hiện tình yêu đó qua cái chết và sự Phục Sinh của Người để cho nhân loại tin vào Người để được cứu độ. Thánh Phêrô đã không ngần ngại khi nói về Người rằng: “xưa kia, anh em như những con chiên lạc, nhưng giờ đây anh em đã về cùng với vị mục tử đấng canh giữ linh hồn anh em”

Với tình thương bao la của người, Chúa đã đến kêu gọi mỗi người chúng ta hãy tiến bước theo Ngài, hãy nhập đoàn chiên của Ngài. Đây không phải là lời mời gọi một cách chung chung, nhưng là lời mời có tính cách cá nhân và trực tiếp. Cũng như ngày xưa Chúa đã đến gặp Nicôđêmô, Giakêu, Matthêu, người đàn bà Samaritanô bên bờ giếng Giacob, và người bất toại bên bờ Bếtsaiđa, thì ngày nay Chúa cũng vẫn còn đến để phù trợ, chữa lành, gặp gỡ, hướng dẫn, và chỉ bảo chúng ta trong cuộc sống. Ngài ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta để an ủi, nâng đỡ, giúp sức, và sự khôn ngoan, để chúng ta có đủ sức đối diện với mọi khó khăn trong cuộc đời.

Qua Lời Chúa và các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, Ngài bảo vệ và ban ơn giúp chúng ta thoát khỏi nanh vuốt của thần dữ, như những kẻ trộm, đang bày trò hãm hại chúng ta. Và những khi chúng ta vấp ngã, qua Bí tích Xá giải, Ngài sẵn sàng ôm chúng ta vào lòng để tha thứ yêu thương, như người cha nhân lành đối xử với đức con phung phá.

Ước chi chúng ta hãy đáp lại lời mời của Ngài. Hãy luôn nhận Ngài là Chúa Chiên của mình và luôn tin tưởng vào sự hướng dẫn phù trợ của Ngài. Có Chúa ở cùng, cho dù bất cứ điều gì xảy ra, tâm hồn chúng ta vẫn tìm được sự bình an. Không phải là chúng ta sẽ hết phải đau khổ, nhưng vì chúng ta có Chúa là sức mạnh và là nguồn ủi an cho chúng ta, nên không gì lấy mất đi niềm hy vọng và sự bình an trong tâm hồn chúng ta được. “Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng tôi” (Tv 23)

 

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!