Nán lại bên Mẹ với tràng chuỗi Mân Côi
Người Kitô hữu luôn yêu mến Mẹ Maria với một tình yêu đặc biệt dành riêng cho Mẹ, và khi các Kitô hữu nghĩ đến việc cắt đứt mối liên hệ với Mẹ Maria để tôn vinh Chúa Con thì đó không phải là một điềm tốt lành. Mẹ Maria là ai? Chúng ta hãy nói điều đó một cách đơn giản nhất có thể: Mẹ là người phụ nữ mà Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ của chúng ta, đã trở thành mục đích chính của cuộc đời Mẹ. Sự kiện này đơn giản và đồng thời cũng vượt xa mọi sự hiểu biết của con người giống như mầu nhiệm Nhập thể của Chúa chúng ta. Có hai khả năng để trở nên vĩ đại. Một là trở nên một người sáng tạo, một anh hùng, một sứ giả, một người có vận mệnh đặc biệt. Hai là yêu một người vĩ đại như vậy; và khả năng này dường như cũng có một giá trị tương đương. Để thấu hiểu cuộc sống của một ai khác, cõi lòng của chính mình cần có những phẩm chất tốt đẹp giống như phẩm chất của người mình yêu. Vậy thì chúng ta có ý gì khi nói rằng Chúa Giêsu Kitô là cốt lõi cuộc đời của Mẹ Maria? Giới hạn của điều không thể so sánh trổi lên ở đây, vì Chúa Kitô, tuy là anh em của chúng ta, nhưng cội nguồn sâu xa nhất của hữu thể Ngài vẫn là Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự thật vẫn là Mẹ Maria là mẹ của Ngài. Bất cứ nơi nào Tin Mừng nói về Mẹ, Mẹ không chỉ xuất hiện với tư cách là người đã sinh ra và nuôi nấng Hài Nhi Cứu Thế, mà Mẹ còn sống, hiểu biết và yêu thương trong cảnh vực thánh thiêng nhất này. 1. Sứ điệp của thiên thần Chỉ riêng bài học về sứ điệp của thiên thần đã đủ để cho mọi tín hữu đọc đúng bài học ấy; đó không phải là việc thông báo rằng sắc lệnh của Thiên Chúa sẽ được hoàn thành trong Mẹ, mà là câu hỏi liệu Mẹ có đồng ý như vậy hay không. Khoảnh khắc này là một vực thẳm mà đầu óc người ta quay cuồng khi phải đối mặt, bởi vì ở đây Mẹ Maria trong sự tự do của mình đối mặt với quyết định đầu tiên mà tất cả sự cứu độ tùy thuộc vào đó. Nhưng khi câu hỏi “Bà sẽ giúp cho Đấng Cứu Độ đến chứ?” trùng hợp với câu hỏi “Bà sẽ trở thành một người mẹ chứ?” thì điều đó mang ý nghĩa gì? Điều đó mang ý nghĩa gì khi Mẹ đã đón nhận Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ, khi Mẹ cưu mang và sinh hạ Ngài? Khi Mẹ lo sợ cho mạng sống của Ngài và lưu vong vì Ngài? Khi Ngài lớn lên bên cạnh Mẹ trong sự yên tĩnh của ngôi nhà ở Nazareth, rồi rời xa Mẹ để thi hành sứ mệnh của Ngài, trong khi Mẹ, như Tin mừng gợi ý, đã đi theo Ngài với tình yêu của mình, và cuối cùng, đứng dưới chân Thánh giá? Khi Mẹ biết có Sự Phục sinh và sau khi Chúa Lên Trời, Mẹ chờ đợi, giữa các Tông đồ, Chúa Thánh Thần ngự xuống, Đấng quyền năng rợp bóng trên Mẹ? Khi Mẹ tiếp tục sống dưới sự chăm sóc của Vị Tông đồ “là người được Chúa Giêsu yêu mến” và là người mà chính Chúa Giêsu đã giao phó Mẹ cho ông cho đến khi Người Con của Mẹ và cũng là Vị Thầy của Mẹ gọi Mẹ? Kinh thánh nói rất ít về điều này, nhưng đối với những người muốn hiểu, các văn bản nói ra rất hùng hồn; hơn thế nữa vì chúng ta nghe được chính giọng nói của Mẹ. Vì còn ở nơi nào nữa mà các môn đệ đã biết về mầu nhiệm Nhập Thể, về những biến cố đầu tiên trong thời thơ ấu của Chúa Kitô, và cuộc hành hương lên Giêrusalem? Nếu chúng ta không muốn xem những chương đầu tiên của Tin mừng như những huyền thoại – chúng ta phải biết chúng ta đang làm gì trong trường hợp này, vì chúng ta dám quyết định lời nào trong Tin mừng là lời của Thiên Chúa, chưa nói đến sách Khải huyền – chúng ta chỉ có thể nói rằng những ký ức của Mẹ Maria, lời chứng của Mẹ, cả cuộc đời của Mẹ là nền tảng của mọi trình thuật về thời thơ ấu của Chúa Kitô. Và các trình thuật ấy không chỉ là nền tảng; vì làm sao Mẹ có thể sống với Vị Thầy suốt ba mươi năm mà lại không nói về Ngài sau khi Ngài ra đi? Không ai có thể đánh giá hết tác động của câu chuyện Mẹ kể đối với sự hiểu biết về Chúa Kitô và sự loan truyền giáo huấn Kitô giáo. Dòng chảy cuộc sống của Mẹ không có gì là hư cấu, không có gì là huyền thoại. Cuộc sống đó hết sức giản dị, hoàn toàn có thực – nhưng thực như thế nào đây! Huyền thoại thường nghe có vẻ đạo đức và sâu sắc về ý nghĩa, nhưng thường có tính chất huyền ảo và thậm chí đôi khi là ngốc nghếch. Ngay cả khi chúng thực sự đạo đức, chúng vẫn có thể gây hại. Chúng kể những câu chuyện tuyệt vời, nhưng thường làm giảm sút và làm suy yếu ý nghĩa của một điều gì đó đẹp đẽ và đạo đức hơn nhiều, và tuyệt vời hơn nhiều so với tất cả các huyền thoại – cụ thể là so với hiện thực. Cuộc đời của Mẹ Maria, như Tin Mừng thuật lại, thì lại đúng với sự thật hết mức có thể, trong phạm vi hiểu biết của con người, nhưng trong phẩm chất nhân loại này, cuộc đời Mẹ chứa đầy một mầu nhiệm hiệp thông và tình yêu Thiên Chúa, mà chiều sâu của nó không thể đo lường được. Chuỗi Mân Côi chỉ ra hướng đi này. 2. Căn cốt cuộc sống của Mẹ Maria Chúa Giêsu là căn cốt cuộc đời của Mẹ Maria, cũng như đứa trẻ là máu huyết của mẹ nó, nó là duy nhất và tất cả đối với người Mẹ. Nhưng đồng thời, Chúa Giêsu cũng là Đấng Cứu Chuộc của Mẹ, là điều mà đứa trẻ khác không thể dành cho mẹ của nó. Nói về một đứa trẻ và một người mẹ khác theo cách như vậy giống như việc “bắt đầu câu chuyện”: nhưng ngay khi câu chuyện chuyển sang một hướng nghiêm túc, thì việc đó gần như là sự phạm thánh. Cuộc sống của Mẹ Maria với tư cách là một người mẹ nhân trần không chỉ được hoàn thành trong mối tương quan của Mẹ với Chúa Giêsu, mà còn là sự cứu chuộc của Mẹ. Trở thành một người mẹ, Mẹ trở thành một Kitô hữu. Khi sống với Con của mình, Mẹ đã sống với Thiên Chúa, Đấng là mặc khải sống động của Thiên Chúa. Cùng với Hài Nhi lớn lên về mặt nhân loại, cũng như tất cả những người mẹ thực sự yêu thương, thả Con ra trên đường đời với biết bao cam chịu và đau đớn, Mẹ đã trở nên như hoa quả chín tới trong ân sủng và chân lý thánh thiêng của Thiên Chúa. Vì lý do này, Mẹ Maria không chỉ là một Kitô hữu vĩ đại, một trong số các vị thánh, mà còn là Kitô hữu có một không hai. Không ai giống Mẹ, bởi vì những gì xảy ra với Mẹ không xảy ra với bất cứ người nào khác. Đây là căn nguyên đích thực của mọi chuyện phóng đại về Mẹ. Nếu người ta không thể bị coi là quá đáng khi ca ngợi Mẹ, và thậm chí còn nói những điều liều lĩnh và ngốc nghếch, thì ở một khía cạnh nào đó họ vẫn đúng: mặc dù cách nói có thể không đúng, người ta vẫn cố gắng diễn đạt một sự thật mà chiều sâu khủng khiếp của nó hẳn khiến mọi người, những ai nhận ra nó, phải choáng ngợp. Nhưng sự phóng đại là vô ích và có hại, bởi vì lời nói diễn đạt một sự thật càng đơn giản bao nhiêu thì sự thật càng trở nên lớn lao hơn và đồng thời được nhận thức sâu sắc hơn bấy nhiêu. Theo cách này, Kinh Mân Côi, theo nghĩa sâu xa nhất, là lời cầu nguyện của Chúa Kitô. Phần đầu của kinh Kính Mừng kết thúc với tên của Ngài: “Và Giêsu, Con lòng Bà, gồm phúc lạ”. Sau tên gọi này, là những điều được gọi là mầu nhiệm (ví dụ: “Ôi Đấng Nữ Trinh, Mẹ đã thụ thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần”, “Đấng mà Mẹ đã mang theo cùng với Mẹ tới thăm bà Êlisabét”, “Đấng được sinh ra cho Mẹ ở Bêlem”). Mỗi chục kinh Mân Côi chứa đựng một mầu nhiệm như thế. Toàn bộ, như được diễn tả trong chuỗi hạt, bao gồm năm chục hạt và do đó tạo thành một chuỗi gồm năm mầu nhiệm. Trong lời kinh này, chúng ta thấy hình ảnh và cuộc đời của Chúa Giêsu chiếm vị trí nổi bật như thế nào: không như trong Chặng Đàng Thánh Giá, nơi mà chính Chúa Giêsu biểu lộ trực tiếp, nhưng ở đây điều cốt yếu trong cuộc đời của Chúa Giêsu được Mẹ nhìn thấy và cảm nhận được qua Mẹ Maria, “Hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2: 19). Bản chất của Kinh Mân Côi là sự giục giã đều đặn đến với sự cảm thông thánh thiện. Nếu một người trở nên rất quan trọng với chúng ta, chúng ta rất vui khi gặp một ai đó gắn bó với người ấy. Chúng ta thấy hình ảnh của người ấy được phản chiếu nơi một cuộc đời khác và chúng ta thấy hình ảnh đó một lần nữa. Đôi mắt của chúng ta bắt gặp đôi mắt vốn dĩ cũng yêu, và cũng thấy. Đôi mắt đó thêm vào cho đôi mắt của chúng ta tầm nhìn của chúng, và cái nhìn của chúng ta giờ đây có thể vượt ra ngoài sự hạn hẹp của cái tôi của chính mình và ôm lấy người yêu dấu, mà trước đây chỉ được nhìn thấy từ một phía. Những niềm vui mà người kia trải qua, và cả những nỗi đau mà người đó phải gánh chịu, trở thành biết bao sợi dây mà các rung động của những sợi dây đó rút ra từ cõi lòng chúng ta những nốt nhạc mới, sự hiểu biết mới và những phản ứng mới. Chính trong bản chất của sự cảm thông mà người kia đặt để cuộc sống của mình cho chúng ta tùy ý sử dụng, điều này giúp chúng ta có thể nhìn và yêu thương không chỉ bằng các cảm xúc và ý thức của chính mình mà còn bằng các cảm xúc và ý thức của người ấy. Một điều gì đó giống như vậy xảy ra với Kinh Mân Côi, chỉ có điều ở một mức độ cao hơn. Tác giả: Romano Guardini |