Mọi người thường đeo nhẫn cưới ở ngón tay thứ tư, tuy nhiên đeo nó ở bàn tay nào tùy thuộc vào từng nơi.
Người ta thường đeo nhẫn cưới ở ngón tay thứ tư, thường được gọi là “ngón áp út”. Tuy nhiên bàn tay để đeo nhẫn thì khác nhau giữa các quốc gia. Đúng vậy, tùy thuộc vào phong tục và truyền thống, trong thế giới Công giáo, nhẫn cưới có thể được đeo ở tay trái hoặc tay phải.
Vào thời cổ đại, thời Hippocrates, các bác sĩ người Hy Lạp tin rằng ngón tay thứ tư của bàn tay trái được kết nối trực tiếp với trái tim, vì các tĩnh mạch bao quanh nó, một trong số đó được gọi là “tĩnh mạch tình yêu” (vena amoris). Cho nên, còn nơi nào tốt hơn ngón tay này – ngón đeo nhẫn bên trái – để tượng trưng cho sự kết hợp và tình yêu của hai người?
Đó là lý do tại sao ở thế giới phương Tây, hầu hết mọi người đều đeo nhẫn cưới trên tay trái, mặc dù khoa học đã chứng minh từ lâu rằng không có gì đặc biệt về tĩnh mạch ở ngón áp út của bàn tay trái.
Trong khi ở Mỹ, Canađa, Bồ Đào Nha, Pháp, Ý, Slovakia, Thụy Sĩ, Croatia và Slovenia, và một số nước khác, các cặp vợ chồng đều đeo nhẫn cưới bên tay trái, thì ở Ukraine, Ba Lan, Tây Ban Nha, Colombia, Peru, Venezuela và thậm chí ở Cuba, nhẫn cưới được đeo vào ngón áp út của bàn tay phải. Ở một số nơi, bàn tay phải được ưa chuộng hơn vì Kinh Thánh đã mô tả bên phải cơ thể là phần tốt nhất: “Lạy CHÚA, tay hữu Ngài đã biểu dương sức mạnh. Tay hữu Ngài, lạy CHÚA, đã nghiền nát địch quân” (Xh15,6).
Có câu trả lời đúng hoặc sai không?
Linh mục Pierre-Marie Castaignos, người thường xuyên làm việc với các cặp đôi đã đính hôn, nói với chúng tôi: “Không có một tuyên bố thần học nào về sự kiện này. Tay trái hay tay phải… Biểu tượng không phải là bàn tay đeo nhẫn mà là chính chiếc nhẫn”.
Chiếc nhẫn có ý nghĩa tượng trưng mạnh mẽ của riêng nó: chúng là biểu tượng của sự chung thủy trong hôn nhân. Trong bí tích hôn nhân chúng mang ý nghĩa riêng biệt trong tương quan với mầu nhiệm trung thành của Thiên Chúa với dân của Người trong Chúa Kitô. Một trong những công thức mà linh mục có thể sử dụng để chúc lành cho những chiếc nhẫn của cô dâu và chú rể là:
Lạy Chúa xin chúc phúc cho những chiếc nhẫn này, mà chúng con làm phép nhân danh Chúa.
Xin Chúa ban cho những ai đeo nhẫn này luôn có niềm tin son sắt với nhau.
Để họ luôn thực thi ý Chúa và sống với nhau trong bình an, thiện chí và yêu thương.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Vì vậy việc đeo nhẫn cưới vào tay phải hay trái không quan trọng. “Điều quan trọng là đeo nó như một biểu tượng của sự hiến dâng, yêu thương và chung thủy của đôi vợ chồng”.
G. Võ Tá Hoàng