Sách tổng hợpThư viện

Người Jrai phải thật thà chứ (7)

Người Jrai phải thật thà chứ (7)

Mùa này người Jrai đang vào chính vụ trồng mì. Đi đâu cũng thấy người ta hỏi nhau trồng mì xong chưa. Tôi rất muốn biết công việc làm ăn của họ thế nào, nên sau buổi cầu nguyện tối, tôi nói với ami H’sieng:
– Nhà chị có cần người trồng mì phụ không?
– Ai vậy? Chị hỏi ngược lại.
– Em nè.
– Em á. Em không trồng mì được đâu. Mệt lắm, em sẽ xỉu mất thôi.
– Ôi dào, nhà em làm nông mà. Chị cứ yên tâm.
Sau một hồi năn nỉ, cuối cùng chị cũng đồng ý sáng mai cho tôi đi cùng. Nhưng nhà chị trồng xong rồi, mai trồng cho dì của chị, tên là ami Brú. Nhà ami H’sieng cạnh nhà tôi. Ami H’sieng năm nay mới 21 tuổi, vui tính và nhiều ước mơ, còn chồng thì 22, trầm lặng nhưng siêng năng. Hai anh chị kết hôn sớm nên giờ đã có một bé gái lên hai, xinh xắn dễ thương. Ami H’sieng chỉ là một trong số rất nhiều bạn gái Jrai lấy chồng sớm. Người Jrai theo chế độ mẫu hệ, trọng con gái hơn con trai. Họ thường thúc bách con gái lập gia đình sớm để có thêm người làm. Sau khi cưới, người con trai về làm rể nhà vợ. Ở đây, cỡ tuổi tôi xem như ế chắc.

Tôi lục tìm trong mấy bao quần áo cũ, chọn lấy một bộ đồ đi làm, đội nón rồi đeo giầy dép chỉnh tề, nhìn cũng ra dáng nông dân thứ thiệt lắm. Thấy tôi lên đồ, ama chỉ lắc đầu cười. Hôm nay ama ở nhà đi chợ, tự nấu ăn nhé, con lên rừng đây.
Từ nhà ami H’sieng tới rẫy chừng bảy cây số thôi mà đi honda mất gần một tiếng đồng hồ. Ama H’sieng chở tôi ngồi giữa còn ami H’sieng ngồi sau đeo gùi. Người Jrai đi làm, ai cũng đeo một cái gùi sau lưng. Cái gùi rất tiện lợi lại đa năng. Này nhé, ở nhà đi thì bỏ nồi niêu xoong chảo, gạo muối, nước non, rau rợ vào gùi, gùi đi. Tới rẫy bỏ xương mì vào gùi đem đi trồng. Tối về hái rau rừng, lượm củi rả cho vô gùi, gùi về. Có thể nói cái gùi quan trọng như con trâu của người Kinh vậy.
Ra khỏi buôn, băng đường nhựa sang bên kia đường, cạnh trường tiểu học Nay Der có một con đường đất, chúng tôi rẽ vào đó. Ami H’sieng dặn tôi dù có thế nào thì cũng ngồi im trên xe, không được hốt hoảng. Sau khi đi qua một vài ruộng dưa và rẫy mì mới trồng, con đường bắt đầu thách thức tài năng của người cầm lái. Tối qua trời mưa một trận tầm tã, sáng nay con đường biến thành suối cát. Cát ngập đến bắp chân, cát phủ khắp ruộng nương, cát níu chân người lại. Có một cái rãnh do những người đi trước để lại, ama H’sieng cứ theo cái rãnh ấy mà đi, nếu trật ra ngoài thì xe lì lại như lọt xuống hố. Xe luôn để số một mà xì khói đen mới đi nổi. Ama H’sieng cứ phải để hai chân xuống, chống chế bên này bên kia như người say rượu. Chúng tôi chật vật lắm mới bò qua được đoạn đường gian khổ ấy. Vừa ngẩng đầu lên, trước mặt tôi lại là một thử thách khác, khó khăn hơn. Giờ chúng tôi không còn đi trên đường nữa, mà là đi dưới lòng chiến hào. Đoạn đường bị cơn mưa tối qua đánh sạt lở nhiều chỗ, đất đá trên núi đổ ập xuống chặn cứng lối đi. Vài người dân đang cố gắng sửa lại đường, họ đã khai thông được một lối đi rộng chừng nửa mét, chỉ vừa đủ cho một chiếc xe lọt qua. Tôi và ami H’sieng xuống đi bộ để ama H’sieng dễ qua. Thoát khỏi đoạn đường khổ ải ấy chưa được mấy bước, con đường lại bày ra chướng ngại vật mới. Một con dốc dựng đứng, toàn đá lổm chổm. Đá to, đá nhỏ, đá chìm, đá nổi, cục nhọn hoắt, cục láng trơn. Không thấy đường đi, chỉ thấy một bãi đá hiên ngang chắn đường. Vậy mà am H’sieng cứ từ từ lấn tới, tay lái gồng lên cứng cỏi, cả con người tập trung vào đường đi. Bây giờ tôi mới hiểu câu dặn dò của ami H’sieng lúc bắt đầu rẽ vào con đường này. Lên dốc rồi thì giờ đổ xuống, con đường trở nên quanh co và nguy hiểm hơn cả mấy khúc trước, phải ngoặt trái, quẹo phải liên tục như người múa chuyên nghiệp mới mong không húc phải tường đường. Có một đoạn chúng tôi luồn đi dưới những tàng cây rậm rạp như đi trong lòng một cái hang động vậy. Phải công nhận là đi đường này cảm giác phiêu lưu mạo hiểm hơn cả tàu lượn siêu tốc. Tốt nhất là đừng nhìn đường gì cả, càng thêm thót tim thót gan hơn mà thôi, cứ để cho người cầm tài lái chạy đi đâu thì đi, mình chỉ việc ngồi sau…cầu nguyện. Tôi thầm nghĩ, chỉ riêng công họ vận chuyển mì từ rẫy về làng để bán cho người Kinh, đã xứng đáng được mua giá gấp đôi rồi.
Cuối cùng chúng tôi cũng nhìn thấy rẫy mì, nhưng khi gần tới rẫy thì xe chết máy. Ama H’sieng nói hai chị em đi bộ trước đi, còn mình thì ngồi hí hoáy sửa. Chúng tôi tới rẫy được một lúc thì ama H’sieng cũng chạy xe tới. Gương mặt đen giờ ướt đẫm mồ hôi trông càng khắc khổ. Tôi hỏi ama H’sieng có hay bị hư xe giữa rừng không. Ama H’sieng nói cũng hay bị lắm. Mấy ngày sau tôi lại lên núi thăm rẫy của ama H’noel, xe cũng bị đứt xích giữa rừng. Ama H’noel phải mất cả buổi để đi đi về về kiếm đồ sửa xe. Rất mệt và vất vả. Nhưng phải kiếm đồ sửa thôi, chứ vất xe trong rừng đâu có được, mà kéo nó về cũng không xong. Người Jrai thích mẫu mã đẹp nên toàn mua xe Trung Quốc, đi được vài năm là hư hỏng liên miên. Tiền sửa còn quá tiền mua xe. Những người đi rừng nhiều thường sắm cho mình một chiếc xe riêng, người Jrai gọi là xe lâm tặc. Loại xe này thường là win hoặc 67 đã được độ chế lại cho có phân khối lớn mà leo núi. Bánh xe sau phải to và lốp dày như xe đua mới leo núi được. Yên đằng sau nối dài thêm để chở hàng và quan trọng nhất là thắng phải xịn. Xe không cần đèn còi, bửng biếc gì hết, chỉ cần bộ máy tốt là ok. Nhìn cái xe rất xấu, như mấy bộ xương khủng long nhưng leo đèo lội suối là số một.


Nhà chòi trên nương rẫy của người Jrai
Mảnh vườn của ami Brú rộng chừng 1,5 hecta, có trồng vài cây điều thưa thớt. Phía đầu rẫy có một cái chòi nhỏ lợp tôn để tránh nắng mưa. Khi tôi tới, mặt trời đã lên cao, ánh nắng dần gay gắt, trên rẫy đã có chừng 20 người, kể cả con nít và người lớn. Mọi người đang say sưa làm việc. Tôi được trao cho một cái gùi. Họ tưởng tôi cũng khỏe như người Jrai nên đổ xương mì đầy gùi. Tôi ghé lưng đeo thử và thật tình, không tài nào đứng lên nổi vì quá nặng. Ai cũng cười, rồi họ đưa cho tôi cái gùi nhỏ nhất, chỉ bằng một nửa cái gùi ban đầu. Vậy mà những em nhỏ, vẫn đeo cái gùi to trên lưng nhẹ nhàng như đeo cặp đi học. Người Jrai sau khi sinh con, thường địu con trên lưng bằng một tấm khăn dài. Mẹ đi đâu, làm gì cũng địu con theo đó. Khi mùa thu hoạch mì tới, cả nhà bồng bế nhau lên rừng, dắt cả chó mèo, trâu bò lên rẫy ở hàng tháng trời. Ban ngày, đứa trẻ theo mẹ ra nương rẫy, chịu nắng nôi, gió mưa, vất vả, khổ sở cùng mẹ. Tối đến chịu cái rét cắt da của núi rừng. Cho nên, ngay từ bé, những đứa trẻ Jrai đã được rèn luyện nắng mưa, rất dẻo dai chứ không yếu như tôi.
Công việc của tôi là bỏ xương mì xuống những đường cày, sẽ có một người cầm cuốc đi sau lấp đất lên. Có một điều hết sức thú vị là người Jrai không cày bằng trâu bò, cày cuốc mà bằng xe honda. Họ dùng chính cái xe lâm tặc đi rừng để cày. Vì đất vùng này là đất cát, nên chỉ cần ngồi lên xe, chạy một đường từ đầu này qua đầu kia là có một đường cày ngon lành. Chừng hai năm trở lại đây, người Jrai chế ra kiểu cày bằng honda vừa nhanh, vừa đẹp lại vừa nhàn. Chỉ cần một hai người chạy xe, là đủ cho 20 – 25 người trồng. Có điều, cày kiểu này tốn xăng và nóng máy, nên người ta phải dội nước liên tục để làm mát máy.
Mùa trồng mì, người Jrai phải đổi công cho nhau để có người làm, hôm nay làm nhà này, ngày mai làm nhà kia. Cứ xoay tua như vậy cho đến hết. Công cán bây giờ cao lắm, thấp nhất cũng 100 ngàn một ngày, người Jrai đâu có tiền để thuê. Kiểu làm việc thế này làm tôi nhớ những ngày còn ở quê, đi đổi công cắt lúa cho nhau trong xóm. Ngày mùa nhộn nhịp, có không khí là ở chỗ đổi công. Bây giờ quê tôi có máy cắt lúa, chỉ việc trả tiền là người ta đến cắt lúa, say suốt rồi chở về tận nhà. Chẳng ai làm phiền tới ai. Nghĩa tình làng xóm cũng nhạt đi.
Chừng 10 giờ, nắng nóng như thiêu như đốt. Ai nấy mặt mũi đỏ bừng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Ami H’sieng sợ tôi say nắng, cứ chạy lại hỏi có mệt không. Cuối cùng thì chị không cho tôi làm nữa, bắt vào chòi nấu cơm cho mát.
Bữa cơm trưa nấu giữa rừng, kê ba hòn đá làm bếp, ra suối lấy nước vo gạo. Khi vừa tới rẫy, gia chủ đã ra suối vét vài cái hố cát rộng chừng cái thau, để trưa về, trong hố có đầy nước, không cần phải ngồi chờ nước rỉ ra. Nước trong nhưng có vị lờ lợ của núi rừng. Tôi đi nhặt củi về cho các ami nấu, chợt nhớ hồi nhỏ cũng đã từng trải qua cảnh này mà cay cay sống mũi. Giữa chốn núi rừng heo hút này, có thể nói kỹ năng sống đáng giá hơn mọi kỹ năng khác.
Bữa trưa bắt đầu lúc 12 giờ. Nhìn ra ngoài trời, nắng đến nhức mắt, trông xa chỉ thấy một làn nước ảo ảnh. Chẳng bàn ghế, bao bạt gì cả, chúng tôi ngồi bệt xuống đất mà ăn. Dường như quá hiểu sự vất vả của người làm, cho nên gia chủ đãi ăn rất sang, cá chim hấp lá giang, gỏi tai heo và canh bí hầm xương. Cơm để trong một cái thúng có lót lá chuối phía dưới. Bây giờ người Jrai cũng tiến bộ lắm rồi, ăn bằng chén bát đàng hoàng chứ không bốc bằng tay như chục năm trước nữa. Chẳng biết hên xui thế nào, tới lượt tôi thì hết đũa. Thế là tôi có cơ hội trải nghiệm ăn bằng tay, cũng thú vị ra phết. May mà gạo của người Jrai khi nấu thành cơm rời rạc và khô không khốc, nên bốc cũng không dính tay. Gia chủ thấy tôi ăn bốc, vội nhường đôi đũa của mình cho tôi. Thật là hiếu khách quá! Gạo này họ trồng trên núi, sáu tháng mới gặt, hột nào hột nấy to gấp đôi gạo của người Kinh. Người Jrai nói họ chỉ ăn gạo này thôi, ăn gạo dẻo của người Kinh khó nuốt và mau đói lắm. Tôi không quen ăn gạo này, nhưng vì đói quá cũng ăn được hai chén. Ăn xong, tìm một gốc cây điều nào đó mát mát ngả lưng, nghe hơi nóng bốc lên ngùn ngụt, cảm tưởng như quay ngược lại một thời nào đó rất xa xưa của con người.


Cơm nấu từ gạo của người Jrai
Khoảng một giờ rưỡi trưa, chúng tôi bắt đầu trồng mì tiếp. Nắng lúc này gay gắt không chê vào đâu được. Có lẽ vì nắng quá nên không ai muốn nói chuyện, chọc ghẹo như buổi sáng nữa. Mọi người lầm lũi làm cho xong công việc. Chúng tôi đã trồng được quá nửa, từ giờ đến chiều sẽ xong sớm. Tôi thắc mắc tại sao lại phải làm ngay giấc trưa nắng nôi thế này. Cứ nghỉ ngơi chút nữa, đợi ông trời dễ chịu hơn hãy làm. Đằng nào cũng xong trong ngày hôm nay mà. Đó là suy nghĩ của tôi, của nếp nghĩ người Kinh. Người Jrai không nghĩ vậy. Họ không muốn tối rồi mà còn trong rừng vì như thế dễ bị ma bắt. Tốt nhất là nên về trước khi hoàng hôn tắt[1]. Vả lại, họ chẳng quan tâm thời gian, cũng chẳng sợ nắng, nên cứ ăn xong, nghỉ ngơi một chút là làm, không cần biết đó là mấy giờ. Hôm sau tôi lại đi trồng mì cho một người khác trong làng, cũng tình trạng tương tự. Cứ nấu cơm xong là họ gọi về ăn, bất kể mấy giờ. Ăn xong nghỉ ngơi một chút lại ra làm. Thấy trời nắng không há họng nổi, tôi vạch đồng hồ ra xem, 12giờ15, cái giờ nắng nhất trong ngày. Hôm đó, chúng tôi làm tới hơn ba giờ chiều là xong. Thời gian còn lại về nhà ngồi chơi. Có đi làm cùng họ, có ăn uống và sống cùng họ, mới hiểu họ phải cơ cực như thế nào để có của ăn, mới hiểu tại sao họ lại đen đúa và mau già đi như vậy.


Rẫy mì xen giữa vườn bắp của người Jrai
Người Jrai thường có nhiều đất, nhà nào ít lắm thì vài ba sào, bình thường thì vài hecta, nhiều có khi trên chục hecta, nhưng đa số đất trong rừng sâu. Những mảnh đất gần đường cái, hoặc rẫy rời xung quanh buôn làng, phần lớn đã thuộc về tay người Kinh. Người Kinh có một kiểu lấy đất đầy khôn ngoan và nhẹ nhàng mà cha Gioan có lần kể tôi nghe như sau: Bây giờ người Jrai sống chủ yếu nhờ vào trồng mì, một năm thu hoạch một lần. Muốn mì to, củ nhiều thì phải bỏ phân. Mà tính của người Jrai là không tích trữ, có bao nhiêu tiền xài hết bấy nhiêu, đến lúc cần bỏ phân thì không còn tiền. Thế là đi mượn tiền của người Kinh. Người Kinh sẵn sàng cho mượn, mượn bao nhiêu cũng có. Thường thì các đại lý phân bón hay cho người Jrai mượn, khi nào thu hoạch thì trả bằng mì và phải bán mì cho các đại lý đó. Người Kinh quy số tiền lúc mượn thành bao nhiêu ký mì theo giá lúc mượn. Ví dụ, ami H’sieng mượn năm triệu, giá mì lúc mượn là 2,5 nghìn/kg, vậy là ami H’sieng đã vay của người ta hai tấn mì. Đến khi thu hoạch, giá mì thường lên, có thể lên tới 4 – 5 nghìn/kg. Thế là người Kinh lời một gấp đôi. Nhưng không phải khi nào người Jrai cũng làm mì trúng. Gặp thời tiết thất thường như năm ngoái thì nhiều nhà chẳng có mì mà trả. Thế là số tiền nợ năm trước chồng chất lên số nợ năm sau, tới một lúc người Jrai không còn đủ sức để trả nợ nữa thì người Kinh lấy đất. Người Jrai lại lên núi phát rừng làm rẫy. Cứ thế, người Jrai càng ngày càng chạy lên núi cao, còn người Kinh thì vẫn ung dung sống ở làng.


Ami H’hot xem lại gùi sau một ngày làm việc
Một hôm đi chợ cùng một phụ nữ trong làng, tôi tò mò hỏi:
– Mình bán mì cho chủ đầu tư, họ mua giá có cao bằng mấy chỗ khác không?
– Ồ, không đâu. Họ mua rẻ hơn chứ.
– Vậy mình bán cho người khác được không?
– Được chứ.
– Thế ami có bán không?
– Đâu có được. Mình là người Jrai mà, phải sống thật thà chứ.
Thật không thể ngờ, câu trả lời trên cả tuyệt vời và thâu tóm hết mọi lí do tại sao người Jrai lại bị người Kinh lấn chiếm, tại sao họ cứ mãi nghèo nàn, lạc hậu. Câu trả lời làm tôi vô cùng xấu hổ, lại vừa cảm phục. Nếu là tôi, tôi sẽ bán cho người nào mua giá cao. Đó là suy nghĩ của tôi và của đa số người Kinh. Người Kinh vẫn tự hào là người văn minh tiến bộ hơn người Jrai, liệu những con người văn minh đó có chút nào văn minh hơn trong tâm hồn mình không? Biết tới ngày nào người Kinh mới nói được câu: “Mình là người Kinh mà, phải sống thật thà chứ”? Nhìn người Jrai, nghĩ tới dân tộc mình mà xót xa. Có lẽ thửa xa xưa, người Kinh cũng thật thà, cũng hiền lành, cũng trong sáng như vậy. Bây giờ biết tìm đâu?
Amai H’Blan
[1] Jacques Dournes, NXB Aubien, Paris, 1978. Foret, Femme, Folie (Rừng, đàn bà, điên loạn), Nguyên Ngọc dịch và giới thiệu, 2002.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!