Yang ơi có thấu (1)
Jarai, Jơrai hay Jrai là những cách gọi khác nhau về một tộc người đông nhất, cố kết nhất, có nền văn hóa lâu đời nhất trên Tây Nguyên Việt Nam. Họ đã ở đó hàng ngàn năm qua, giữa núi rừng mênh mông và các thần linh của họ như một đất nước.
Tôi đến Ayunpa, thủ phủ của người Jrai, sau đó là Krông Pa chỉ với ý định dạy học cho những em bé Jrai trong ba tháng hè. Không dám có ước muốn tìm hiểu một dân tộc thẳm sâu và lạ lùng trong quãng thời gian ngắn như thế. Nhưng khi tôi đặt chân lên mảnh đất huyền thoại này, chỉ cần bước chân vào tiệm ăn đã thấy sự bất công, huống hồ là ba tháng chứng kiến cuộc sống người dân.
Những cuốn sách viết về người Jrai, về Tây nguyên, đều vẽ lên những hình ảnh đẹp đẽ và thơ mộng của một thời đã qua. Thời của già làng đêm đêm bên bếp lửa bập bùng kể akhan, thời của Pơtao quyền lực bậc nhất Tây Nguyên, thời của núi rừng bạt ngàn và sông suối trong veo… Tất cả đã qua rồi.
Giờ đây, những gì còn lại chỉ là một dân tộc đang lụi tàn.
Do đó, tập bút ký mỏng này tôi xem như một lời tạ lỗi tới tất cả bạn bè Jrai, học trò của tôi và cả những bờ sông. Vì tôi là người Kinh.
Duyên nợ cao nguyên
Tôi đi Ayunpa hay còn gọi là Phú Bổn, Cheo Reo giữa một buổi trưa tháng năm đầy nắng và gió của miền cao nguyên. Từ Ban Mê Thuột dọc theo quốc lộ 14, còn cách Pleiku chừng 40 cây số nữa thì gặp ngã ba Chư Sê, rẽ tay phải vào quốc lộ 25 về hướng Tuy Hòa, đi thêm khoảng 60 cây số nữa là tới Ayunpa. Tổng cộng đoạn đường dài gần 200km, đi xe khách mất hơn bốn tiếng đồng hồ.
Ra khỏi Ban Mê chừng 10 cây số, thấy hai bên đường bạt ngàn cao su, những vườn hồ tiêu thẳng tắp và nương rẫy hoa màu tốt tươi. Đất đỏ bazan dưới cái nắng ban trưa như đỏ hơn và màu mỡ hơn. Mùa này, hoa dã quỳ nở vàng rộm hai bên đường và từng đàn bướm trắng dập dìu trên những khóm hoa. Bướm nhiều đến mức có cảm tưởng như lạc vào thế giới thần tiên và vơ được chúng trong tay. Nhưng chạy xe honda thì phải canh chừng mà “né” bướm kẻo chúng tông sưng mắt lúc nào không hay. Trời nắng nhưng không oi bức như Sài Gòn vì không gian thoáng đãng và thanh sạch. Ngay khi từ Sài Gòn đi Ban Mê, lòng tôi đã trào dâng cái cảm giác hạnh phúc được quay lại cao nguyên. Bao giờ lên đây, tôi cũng cảm thấy sung sướng và bình yên lạ lùng. Cảm giác ấy tôi xem như duyên nợ với người Tây Nguyên, ngay từ lần đầu tôi rong ruổi trên đây cùng con ngựa sắt cách đây năm năm.
Ngày ấy, tôi là cô sinh viên 18 tuổi đầy lý tưởng và máu lửa phiêu lưu. Một mình đạp xe từ Di Linh lên tới Kontum ròng rã suốt một tháng trời. Phải xin ăn, xin ngủ, xin uống dọc đường như một kẻ hành khất. Còn nhớ một ngày mưa bão dầm dề từ Di Linh qua Gia Nghĩa, bụng đói, rét mướt, mệt mỏi, đường đi không một bóng người. Trời tối rồi mà còn lang thang giữa rừng núi Đinh Trang Thượng đầu nguồn sông Đồng Nai loay hoay tìm nhà dân xin ngủ. May mắn thay được một gia đình tốt bụng cho tá túc qua đêm. Tôi không bao giờ quên nồi nước sôi hai bác nấu cho tôi tắm khỏi lạnh và trái bắp luộc nóng hổi dằn bụng đêm. Sáng ra đi, bác gái dúi vào tay tôi nải chuối xứ, chai nước trà nóng rồi mặc áo mưa tiễn tôi đi. Thật không ngờ, nải chuối xứ lại trở thành cầu nối cho tôi quen biết anh em công nhân cầu đường hạt Quảng Khê, để tối về uống chung ly rượu và nghêu ngao hát “ Cây đàn Chapi”, lúc đi không khỏi bùi ngùi đến chẳng dám quay đầu nhìn lại. Nếu không có những lời chúc bình an của anh em bạn bè, có lẽ tôi đã lao xuống vực thẳm vì đứt thắng trên đèo Quảng Khê. Và nếu giữa lúc mệt nhọc đến bở hơi tai chỉ muốn quăng hành lý và người lên xe ca đi thẳng tới Kontum cho xong chuyện, mà không bắt gặp người tài xế đi ngược chiều hô to: “Cố lên, cố lên”, thì chắc gì chuyến đi đã thành công. Không có những con người nhân hậu tiếp sức cho tôi, thì làm sao tôi có được giây phút đắm mình trong làn nước trong vắt của cụm thác Draysap – Dray nur, hít thở hương vị thanh khiết của đồi chè Pleiku, lắng nghe tiếng đàn ghitar rộn rã dưới ánh trăng bên dòng Đăk Bla, và say men ngọt ngào của rượu cần Bana.
Giờ đây, khi đi lại cung đường ngày xưa, từng kỷ niệm lần lượt sống lại trong tôi, rõ ràng và sống động. Xe chạy ngang qua nhà thờ Buôn Hồ, nơi một buổi trưa lang bạt của nhiều năm trước tôi đã ghé vào cầu nguyện xin bình an. Quả thật, trong chuyến đi ấy không có ơn trên thì có lẽ tôi đã thành người thiên cổ. Còn đây là Earal, Eh’leo có café uống ngon đến nhớ đời. Tối ngủ nhờ trong tiệm hớt tóc của chị Trúc, sáng ra đi, chị tặng tôi một cái đầu cắt kiểu “đờ-mi-gắc–song” làm kỷ niệm. Sau này, khi kết thúc cuộc hành trình, tôi mới nghiệm ra được tình ý sâu xa của chị chủ tiệm, vì nhờ kiểu tóc đó mà tôi không bị chọc ghẹo trên đường và cũng chẳng ma nào thèm để ý đến một đứa “con trai”. Tôi muốn tìm gặp lại những ân nhân cũ nhưng nhà cửa đổi thay, người xưa xê chuyển, biết đâu mà lần. Thôi thì xin gửi vào thinh không lời nguyện chúc bình an và ghi lòng ân nghĩa cưu mang. Âu cũng là duyên nợ.
Tất cả những kỷ niệm đẹp đẽ trên, tạo trong tôi một cảm tình rất tốt với ai quê quán từ cao nguyên. Tôi mê cao nguyên không đơn thuần chỉ vì vẻ đẹp trinh khôi của nó, mà còn vì trong chuyến đi mạo hiểm đầu đời, tôi được những con người tốt bụng của cao nguyên đùm bọc khi sa cơ lỡ bước. Giờ đây, tôi muốn làm một cái gì đó cho vùng đất đáng yêu này. Cũng có lẽ vì vậy mà tôi đồng ý rất nhanh khi một người bạn Jrai của tôi, tên là Mơai đang học xã hội học ở trường Đại học Mở, ngỏ ý xem tôi có muốn về Ayunpa dạy học cho các em người Jrai trong tháng sáu và bảy không. Đây là một hoạt động mục vụ của nhà thờ để giúp con em người Jrai học tốt hơn. Mơai nói rằng có hai nơi tôi có thể giúp là Ayunpa và Krôngpa. Cả hai nơi này tôi chưa hề đặt chân tới và lần đầu nghe tên, nên không hình dung ra được nơi đây như thế nào. Hiện tại, Ayunpa đã thực hiện chương trình dạy hè được ba năm rồi nên thầy cô và trường lớp khá đầy đủ. Còn Krôngpa là giáo điểm mới, chỉ có một mình cha Gioan mà phải coi sóc hơn 40 buôn làng. Năm nay là năm đầu tiên dạy hè, nên rất cần người. Ngoài tôi ra, Mơai nói còn có thêm năm bạn sinh viên bên trường Đại học Mở cũng đăng ký lên đó dạy nữa, nếu tôi về giúp cho cha Gioan thì rất quý. Mơai hỏi tôi chọn nơi nào. Tôi nói: “Nơi đâu cần tớ hơn thì tớ đi”. Mơai cười lớn nói: “Về Krôngpa khổ lắm đó, đừng có hối hận đấy”. Tôi bảo: “Ở cao nguyên là sướng rồi”. Mơai mừng rỡ ra mặt và nói sẽ giúp tôi hết sức có thể.
Hành động “hết sức” đầu tiên là Mơai gọi điện cho mẹ bạn ấy ở Ayunpa và hí hửng khoe rằng: “Con mới “cưa” được một cô bé. (Mặc dù thua tôi ba tuổi, Mơai vẫn luôn kêu tôi bằng “cô bé”). Cô bé đó sẽ ở nhà mình ít hôm học tiếng và văn hóa để tập làm dâu… Jrai. Mẹ chịu không?”. Tôi không nghe đầu dây bên kia phản đối gì, chỉ thấy nói: ‘Ừ, cứ về đi”. Thật là rộng lượng quá xá! Tôi xin số điện thoại của cha Gioan và địa chỉ nhà Mơai ở Ayunpa để chuẩn bị cho một chuyến đi xa và đi lâu.
Đầu tháng tư, tôi gọi điện cho cha Gioan xin được lên đó dạy hè cho các em. Cha rất hoan nghênh và hỏi khi nào tôi lên. Muốn dạy có kết quả tốt, tôi xin cha lên sớm hơn một tháng để học tiếng và làm quen với người dân. Cha không những đồng ý mà còn nói tôi lên ở luôn cũng được. Cha ơi, nếu quả thật con có duyên với người Jrai thì chuyện ở luôn chỉ là chuyện sớm muộn, phải không cha?
Amai B’lan