NGƯỜI MẸ KHÔNG BẰNG CẤP – CHỈ BẰNG LÒNG
Được Mẹ kể lại lai lịch hồi nhỏ thấy mà thương.
Ông bà ngoại bị Việt Minh đem đi chôn sống vì theo Công Giáo Tiến Hành.
Khi đó, Mẹ được 3 tuổi rưỡi và Dì Út hơn 1 tuổi.
Ông bà ngoại mất sớm nên các O (người Huế gọi Dì, Bác là O) nuôi các con thay anh chị.
Và cuộc sống cơ cực từ nhỏ. Chính vì thế, chả được học hành chi cả. Lớn lên thì các O gửi vào nhà dòng. Ơn gọi không ở với Mẹ nên Mẹ rẽ bước.
Nối nghiệp ông bà ngoại, nghề may được Mẹ truyền cho đến đời Chị tôi.
Và như thế, khi Mẹ nhắm mắt xuôi tay Mẹ chẳng có cái bằng cấp nào trong tay.
Mẹ không bằng cấp nhưng Mẹ bằng lòng. Chính vì sự bằng lòng với cuộc sống để cả đời Mẹ luôn thấy bình an.
Mẹ bằng lòng cũng như xin thưa với Chúa hai tiếng xin vâng như Mẹ Maria xưa vậy.
Hoàn cảnh không bằng ai. Lập gia đình với người không hoạt bát và rồi cái khó khăn cứ ôm ấp gia đình. Dẫu thế Mẹ chưa hề than thân trách phận.
Với thời bao cấp, Mẹ tìm đủ thứ việc làm để nuôi đàn con. Hết may vá thêu thùa cho đến xí nghiệp Cầu Tre. Hết giữ con cho nhà hàng xóm cho đến giúp quán ăn. Và với bất cứ việc khó nào Mẹ không quản ngại. Miễn sao có tiền để lo cho con cái thì thôi. Và dĩ nhiên là Mẹ không bao giờ làm điều xấu. Mãi mãi Mẹ là tấm gương cho con cháu dù hoàn cảnh sống có khi rơi vào bĩ cực. Bĩ cực đến lúc mà tôi còn nhớ là Mẹ phải mượn tiền của Cha Xứ để đắp đổi qua ngày.
Nhớ lại thời gian ấy Mẹ quá cực khổ. Thế nhưng dẫu cực khổ thế nào đi chăng nữa Mẹ chưa hé một lời than van. Mẹ chịu đựng và phó thác cả cuộc đời, cả gia đình cho bàn tay Thiên Chúa.
Mẹ là vậy ! Không có bằng gì trong người ngoài việc bằng lòng với cuộc sống.
Khi căn bệnh ung thư ập đến. Dầu bị sốc nhưng Mẹ quan tâm đến phần hồn.
15.8.1994, đưa Mẹ vào bệnh viện 115 để chờ lên bàn mổ. Kết quả xấu ! Bác sĩ không mổ nữa.
Trên đường về nhà. Còn nhớ như in lời của Mẹ sau khi rời viện. Mẹ khai thật là Mẹ đã bị ung thư di căn giai đoạn cuối. Nếu bác sĩ mổ thì sự sống kéo dài chừng 1 tháng. Nếu không mổ thì sẽ được dài hơn. Nghe tin dữ vừa đắng vừa đau vì biết không còn gần Mẹ bao lâu nữa. Có điều mãi không quên đó là sau khi bác sĩ nói không mổ nữa thì Mẹ xin bác sĩ cho biết lý do. Mẹ kể là năn nỉ và Mẹ nói Mẹ là người Công Giáo nên xin bác sĩ cho biết để Mẹ lo phần hồn. Và trước khi về với Chúa, Mẹ đã chịu các bí tích cho người đau yếu và rước Của Ăn Đàng trước khi nhắm mắt.
Phải nói là Mẹ hay ! Mẹ bằng lòng với căn bệnh hiểm nghèo và quan trọng hơn cả là Mẹ dọn phần hồn trước khi về với Chúa.
Sau khi biết hung tin. Mẹ lên trại phong Di Linh ở với Dì Mari-Paul (Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn) sống một thời gian. Giai đoạn gần cuối Mẹ về nhà và Mẹ về với Chúa ngày cuối năm đó.
Mẹ bằng lòng và xin vâng với căn bệnh đến với Mẹ. Mẹ thanh thản ra đi bên chồng và con cháu.
Nể Mẹ ở chuyện bằng lòng để rồi như là một mẫu gương trong đời sống đức tin cũng như thường nhật. Chính lời xin vâng và bằng lòng với cuộc sống và cả đau bệnh dệt nên cuộc đời của Mẹ. Và Mẹ đã dâng lên Chúa như của lễ toàn thiêu và tin tưởng Chúa vui nhận cuộc đời của người phụ nữ đơn hèn không bằng cấp.
Gần đây, khi Nhà Dòng đề nghị làm lại lý lịch. Kiểm lại thấy cũng có một “mớ” bằng. Nhìn những tấm bằng ấy tôi luôn ý thức đó chính là công ơn của Cha và Mẹ. Nhờ Cha và Mẹ tôi mới có “đống” bằng đó. Thế nhưng rồi tôi nghĩ bằng gì đi chăng nữa cũng không qua bằng lòng. Trong cuộc sống, dù hạnh phúc hay khổ đau ta cũng phải biết bằng lòng. Dù có bằng cấp cao cỡ nào đi chăng nữa nhưng không bằng lòng và không xin vâng thì cuộc sống mãi bất an.
Cảm ơn Mẹ đã sinh ra tôi ! Mẹ cho tôi bằng cấp nhưng bằng cấp cao nhất mà Mẹ cho tôi đó chính là sự bằng lòng trong cuộc sống.
Ngày nay, Mẹ không còn nhưng bài học bằng lòng vẫn còn mãi trong tôi. Tất cả những bằng cấp mà tôi có chả có gì so với bằng lòng. Chấp nhận, đón nhận những đắng cay trong cuộc đời và xin dâng lên Chúa trọn vẹn cuộc đời đắng cay đó. Với tất cả những đắng cay của cuộc đời, tôi xin dâng lên Chúa như của Lễ toàn thiêu để ngày nào đó khi nhắm mắt xuôi tay tôi hy vọng sẽ được hương Nhan Thánh Chúa cùng với Mẹ.
Lm. Anmai, CSsR