Góc tư vấn

Người Tôi Trung của Thiên Chúa trong Tin Mừng Mác-cô

Người Tôi Trung của Thiên Chúa trong Tin Mừng Mác-cô

 

images 2Thánh Mác-cô là con thiêng liêng của thánh Phê-rô (x. 1Pr 5,13), ngài còn được gọi là Gio-an (x. Cv 12,12). Mẹ của ngài là bà Ma-ri-a, một góa phụ giàu có, các tín hữu tiên khởi hay đến để tụ họp nơi ngôi nhà bà. Nhiều lần, thánh Mác-cô cùng đồng hành với thánh Phao-lô và thánh Ba-na-ba trong các hành trình truyền giáo. Dù không thuộc Nhóm Mười Hai, nhưng, thánh Mác-cô đã trở nên rất thân quen với cộng đoàn các Ki-tô hữu tiên khởi (x. Cl 4,10; 2 Tm 4,11). Thánh Mác-cô đã ghi lại một cách trung thực những điều thánh Phê-rô đã giảng. Lối văn của ngài sống động, uyển chuyển, trung thực. Cách trình bày của ngài chân thành, đơn sơ, mộc mạc, thích hợp cho mọi độc giả, đặc biệt cho những người bình dân.

Chủ đề chính yếu của Tin Mừng Mác-cô là Đức Giê-su Ki-tô, Người Tôi Trung của Thiên Chúa: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Điểm nhấn của Tin Mừng Mác-cô là sự hoạt động: Đức Giê-su luôn bận rộn, Người đi khắp nơi để đáp ứng nhu cầu vật chất và tâm linh của đủ mọi hạng người. Một trong những từ Mác-cô thích dùng nhất là: “tức khắc”, “liền tức thì”. Mác-cô dùng từ này đến 41 lần. Mác-cô không tường thuật nhiều bài giảng của Đức Giê-su, bởi vì, ngài muốn nhấn mạnh đến những việc Đức Giê-su đã làm, hơn là, những lời Người đã giảng. Mác-cô trình bày Đức Giê-su là Người Tôi Trung của Thiên Chúa: được sai đến để phục vụ những người đang đau khổ, và để chết cứu độ mọi người. Mác-cô không giải thích cho chúng ta điều gì về sự giáng sinh của Đức Giê-su, cũng không ghi lại gia phả của Đức Giê-su, bởi vì, điều đó không cần thiết đối với một người đầy tớ.

Chúng ta sẽ cùng chiêm ngắm dung mạo của Người Tôi Trung của Thiên Chúa xuyên suốt 16 chương của Tin Mừng Mác-cô:

Chương 1: Người Tôi Trung của Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta (Mc 1,1-45): Lời chứng về người tôi trung (Mc 1,1-11); Uy quyền của người tôi trung (Mc 1,12-28); Sự cảm thông của người tôi trung (Mc 1,29-45).

Chương 2: Người Tôi Trung của Thiên Chúa mang lại cho chúng ta (Mc 2,1-3.12): Sự tha thứ (Mc 2,1-12); Sự ứng nghiệm trọn vẹn (Mc 2,13-22); Sự tự do (Mc 2,23-28; 3,1-12).

Chương 3 &4: Người Tôi Trung của Thiên Chúa lập Dân mới và Vương Quốc mới (Mc 3,13-4.34): Người lập một dân mới (Mc 3,13-19); Người thiết lập một gia đình mới (Mc 3,20-21; 3,31-35); Người công bố một vương quốc mới (Mc 3,22-4,34).

Chương 5: Người Tôi Trung của Thiên Chúa chiến thắng (Mc 4,35-5.43): Chiến thắng hiểm nguy (Mc 4,35-41); Chiến thắng ma quỉ (Mc 5,1-20); Chiến thắng bệnh tật (Mc 5,21-34); Chiến thắng sự chết (Mc 5,35-43).

Chương 6: Người Tôi Trung của Thiên Chúa không được tin cậy (Mc 6,1-56): Sự không tin của những kẻ quen biết Người (Mc 6,1-6); Sự không tin của những kẻ thù Người (Mc 6,7-29); Sự không tin của các môn đệ Người (Mc 6,30-56).

Chương 7 & 8: Người Tôi Trung của Thiên Chúa là Thầy dạy (Mc 7,1-8,26): Dạy dỗ những người Do-thái (Mc 7,1-23); Giúp đỡ các dân ngoại (Mc 7,24-37;8,1-9); Cảnh báo các môn đệ (Mc 8,10-26).

Chương 8 &9: Người Tôi Trung của Thiên Chúa tiết lộ những bí mật (Mc 8,27-9,50): Sự đau khổ dẫn đến sự vinh quang (Mc 8,27-38;9,1-13); Quyền năng đến từ đức tin (Mc 9,14-29); Sự phục vụ dẫn đến sự tôn trọng (Mc 9,30-50).

Chương 10: Người Tôi Trung của Thiên Chúa dạy những nghịch lý (Mc 10,1-52): Hai sẽ trở nên một (Mc 10,1-12); Những người trưởng thành sẽ giống như con trẻ (Mc 10,13-16); Những kẻ đầu sẽ trở nên rốt (Mc 10,17-31); Đầy tớ sẽ là người cai trị (Mc 10,32-45); Những người nghèo trở nên giàu có (Mc 10,46-52).

Chương 11 & 12: Người Tôi Trung của Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem (Mc 11,1-12,44): Người Tôi Trung làm vua (Mc 11,1-11); Người Tôi Trung làm thẩm phán (Mc 11,12-26); Người Tôi Trung làm ngôn sứ (Mc 11,27-12,44).

Chương 13: Người Tôi Trung của Thiên Chúa tiết lộ thời kỳ tai họa (Mc 13,1-37): Nửa giai đoạn đầu của thời kỳ tai họa (Mc 13,5-13); Giai đoạn giữa của thời kỳ tai họa (Mc 13,14-18); Nửa giai đoạn cuối của thời kỳ tai họa (Mc 13,19-37).

Chương 14 & 15: Người Tôi Trung của Thiên Chúa chịu khổ (Mc 14,1-15,20): Tại Bê-ta-ni-a: được xức dầu thơm (Mc 14,1-11); Trong Nhà Tiệc Ly: bị phản bội (Mc 14,12-26); Trong vườn: bị bỏ rơi (Mc 14,27-52); Tại dinh Thượng Tế: bị chối bỏ (Mc 14,53-72); Tại tòa án Phi-la-tô: bị kết tội (Mc 15,1-20).

Chương 15 & 16: Người Tôi Trung của Thiên Chúa hoàn tất công việc mình (Mc 15,21-16,20): Sự chết của Người Tôi Trung (Mc 15,21-41); Việc chôn cất Người Tôi Trung (Mc 15,42-47); Sự sống lại của Người Tôi Trung (Mc 16,1-18); Sự thăng thiên của Người Tôi Trung (Mc 16,19-20).

Ở câu cuối cùng của Tin Mừng Mác-cô, thánh nhân cho biết: các Tông Đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng (Mc 16,20). Qua Tin Mừng của người, thánh Mác-cô muốn mời gọi mỗi người chúng ta hãy tiếp tục sứ vụ của các Tông Đồ: lên đường đem Lời Chúa, là chính Đức Giê-su Ki-tô, Người Tôi Trung của Thiên Chúa, đến cho mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ, mọi quốc gia. Lời mời gọi này đưa chúng ta vào một giai đoạn mới của lịch sử cứu độ: Loan báo Đức Ki-tô, Người Tôi Trung, cho một thế giới: thích hưởng thụ, hơn là, chịu khó nhọc; thích nhận lãnh, hơn là, biết cho đi; thích được phục vụ, hơn là, tự nguyện cúi mình để phục vụ. Ước gì chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Người Tôi Trung của Thiên Chúa, để trở nên dấu chứng ngôn sứ cho thế giới hôm nay! Ước gì được như thế!

Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!