Nhân Vô Thập Toàn
Để mở đầu câu chuyện hôm nay, người viết xin kể hầu quý bạn một mẫu chuyện vui vui nho nhỏ dưới đây:
Giới không nói
Bốn thiền sinh giao ước với nhau tu thiền trong một ngày một đêm không được nói chuyện. Đầu hôm họ đều im lặng không nói, mãi đến nửa đêm đèn đuốc lụn tàn sắp tắt, một thiền sinh buộc miệng nói:
– Á! Đèn sắp tắt.
Thiền sinh thứ hai nghe thế liền rầy:
– Tại sao huynh nói?
Thiền sinh thứ ba lại quát:
– Các anh quên rồi sao?
Thiền sinh thứ tư mở miệng cười:
– Ha ha! Chỉ có tôi là không nói.
Chắc chắn là bạn đang tủm tỉm cười rồi khi thấy 4 vị thiền sinh này đã phạm giới không nói một cách hồn nhiên mà không biết mình đang phạm lỗi. Ta chỉ thấy lỗi của người khác mà đôi khi ta quên đi ta cũng phạm lỗi “y chang” như vậy, dù đó chỉ là một lỗi lầm nho nhỏ.
Bây giờ xin mời quý bạn đọc thêm một câu chuyện khác nữa nhé. Câu chuyện này, theo thiển ý của người viết lại có ý nghĩa sâu xa và đầy tình thương hơn.
Ném Đá
Hình: internet
Jesus đang giảng đạo giữa đám đông. Bỗng có nhiều nhà trí thức và tu sĩ lôi đến một người đàn bà phạm tội mà họ cho là gian dâm. Sau khi ném người đàn bà tội lỗi ấy giữa đám đông, họ nói với Jesus:
Thưa ông, đây là một gian phụ. Theo luật Moise, thì phải bị ném đá. Vậy ông nghĩ thế nào?
Jésus không nói gì cả, lấy ngón tay viết trên cát: Bọn giả dối!
Nhưng bọn ấy cứ chất vấn mãi. Jésus không thể làm thinh được ngước mặt lên nói:
– Trong tất cả mọi người có mặt ở đây, ai là người chưa từng làm tội lỗi có quyền ném viên đá đầu tiên.
Khi nghe lời phán đó, dân chúng tản dần từng người một. Sau cùng chỉ còn có Jesus và người đàn bà tội lỗi giữa công trường mà thôi.
Jésus bèn hỏi người đàn bà:
– Những kẻ tố cáo đi đâu cả rồi? Không một ai lên án ngươi cả sao?
Người đàn bà thưa:
– Không ạ!
Jésus nói:
– Ta cũng vậy! Thôi về đi.
JEAN, VIII, 1-11
(Nguồn: Trích trong Cái Cười Của Thánh Nhân- Thu Giang Nguyễn Duy Cần)
Bạn đã “ngộ” được gì qua những mẫu chuyện này?
Riêng thiển ý của người viết, trong đời sống con người, ai cũng đã có lần phạm lỗi cả, dù là rất nhỏ và vô tình mà mình không biết vì bản tính của con người tuy là “nhân chi sơ tính bổn thiện” nhưng ít nhiều gì chúng ta cũng bị đời sống, hoàn cảnh xã hội chung quanh chi phối cuộc sống chúng ta, nên ta dễ dàng bị phạm lầm lỗi. Chúng ta chỉ thấy cái bướu trên lưng con lạc đà khác nhưng lại không thấy cái bướu trên lưng chúng ta. Và từ đó, chúng ta dễ dàng chỉ trích, phê bình lỗi lầm, sai sót của kẻ khác nhưng lại dễ dàng bào chữa cho những lỗi lầm của mình bởi vì cái “Ngã” tự tôn tự đại của mình như đức Phật đã từng dạy bảo.
Có mấy ai có được tấm lòng bác ái như đức Jesus trong câu chuyện nói trên, lúc nào cũng giang tay che chở cho người có tội để cải hoá những người khác và ngay chính cả tội nhân. Hay như Đức Phật đã lấy lòng từ bi cảm hóa được chàng Vô Não muốn ra tay giết Phật là người thứ 100 để hoàn thành ước nguyện ngông cuồng, vô minh của hắn với lời khuyên “bỏ đồ đao xuống, quay đầu về ngạn” của Ngài.
Khi đã phạm lỗi, có mấy ai can đảm nhận lỗi của mình để mà xin lỗi hầu đem sự vui vẻ đến cho người khác. Trong phạm vi tình yêu, gia đình, xã hội, đôi khi chỉ một lời xin lỗi chân thành, một nụ cười làm hòa cũng có thể làm cho “chín giận mười hờn” kia phải “bay theo cánh chim biển” vào cõi lãng quên. Có lẽ quý bạn sẽ đồng ý với tôi về lời đề nghị này, nhất là khi quý bà giận hờn quý ông.
“Nhân vô thập toàn” và người viết cũng thế. Khi chia sẻ tâm tình với các bạn, thế nào người viết cũng phạm ít nhiều lỗi lầm dù là nho nhỏ hay vô tình. Tôi xin thành thật xin lỗi quý bạn và xin quý vị hãy khoan dung tha thứ lỗi lầm của tôi. Dù rằng người viết đã cố gắng kiểm soát bài vỡ một cách cẩn thận, nhưng đôi khi vẫn còn sai sót trong chính tả, văn phạm hoặc đánh máy sai một vài chữ. Người viết xin nhận lỗi sơ sót của mình và kính xin quý vị độc giả rộng lòng tha thứ cho những sai sót mà tôi đã phạm. Người viết xin cảm tạ lòng từ bi và khoan dung của quý vị.
Mời Bạn đọc “câu chuyện của cát và đá”, tập và thực hành hạnh khoan dung để thấy cuộc đời này vẫn còn đẹp nhé.
Câu chuyện của cát và đá
Chuyện kể rằng, có hai người bạn tốt đang thực hiện chuyến hành trình trên sa mạc. Trong chuyến đi dài, hai người nói chuyện với nhau và đã có một cuộc tranh cãi gay gắt. Không giữ được bình tĩnh, một người đã đấm người bạn của mình. Người kia rất đau nhưng không nói gì. Anh chỉ lặng lẽ viết lên cát rằng: “Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã đấm vào mặt tôi”.
Họ tiếp tục bước đi cho tới khi nhìn thấy một ốc đảo, nơi họ quyết định sẽ dừng chân và tắm mát. Người bạn vừa bị đấm do sơ ý đã trượt chân xuống một bãi lầy và ngày càng lún sâu. Rất may người bạn kia đã kịp thời cứu được anh. Ngay sau khi hồi phục, người bạn suýt chết bèn khắc lên tảng đá dòng chữ: “Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi”.
Người bạn kia hết sức ngạc nhiên bèn hỏi: “Tại sao khi tớ làm cậu đau, cậu lại viết lên cát còn bây giờ lại là một tảng đá?”
Và câu trả lời anh nhận được là: “Khi ai đó làm chúng ta đau đớn, chúng ta nên viết điều đó lên cát, nơi những cơn gió của sự tha thứ sẽ xóa tan những nỗi trách hờn. Nhưng khi chúng ta nhận được điều tốt đẹp từ người khác, chúng ta phải ghi khắc chuyện ấy lên đá nơi không cơn gió nào có thể cuốn bay đi.”
Bài học về sự thứ tha
Bạn ạ, trong cuộc sống, hãy thử học cách viết những nỗi đau, sự tức giận, khó chịu, đau đớn của mình lên cát để những cảm xúc tiêu cực ấy nhanh chóng bị gió cuốn đi và tập khắc những niềm vui, sự hạnh phúc, sự biết ơn lên những tảng đá để chúng mãi không phai!
Cảm xúc tiêu cực làm ta khổ sở, mỏi mệt, ngược lại cảm xúc tích cực khiến ta cảm thấy cuộc sống ý nghĩa, vui vẻ hơn. Hãy học cách tha thứ, buông bỏ cho lỗi lầm của người khác và nhìn vào điểm tốt cùng sự giúp đỡ của họ đối với mình, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống này trở nên dễ chịu, thoải mái hơn rất nhiều.
Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại
Sương Lam
Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet