Giáo Hội Hoàn VũTin Giáo Hội

Nỗ lực “hồi sinh” danh tác Bữa Tiệc ly

Nỗ lực “hồi sinh” danh tác Bữa Tiệc ly
Bậc thầy thời Phục Hưng Leonardo da Vinci đã hoàn thành Bữa Tiệc ly bằng kỹ thuật thử nghiệm và không may là bức tranh chẳng chống chọi lâu dài trước sức mạnh của thời gian, cho đến khi một người dành hơn 20 năm để phục hồi tuyệt tác vô giá của nhân loại.
Bà Pinin Brambilla (1925-2020) là một những người có thẩm quyền nhất về công tác bảo tồn và phục hồi các bức bích họa thời Phục Hưng ở Ý. Chuyên gia người Ý qua đời năm 95 tuổi, tức 20 năm sau khi hoàn thành kỳ công có lẽ cũng là sứ mệnh quan trọng nhất trong sự nghiệp: phục hồi Bữa Tiệc ly của Leonardo da Vinci. Bà bắt tay vào công việc này năm 1977, hoàn tất năm 1999, và qua đời ngày 14.12.2020. Tổng cộng bà đã dành 21 năm để hồi sinh công trình khổng lồ này.
Theo Thánh Kinh, Tiệc ly là lần cuối cùng Chúa Giêsu ngồi ăn cùng các thánh tông đồ ở Jerusalem trước thời điểm trải qua cuộc thương khó. Địa điểm là bên trong căn phòng trên núi Zion, ngay bên ngoài bức tường của Cổ Thành Jerusalem. Nhiều họa sĩ đã vẽ lại Tiệc ly, nhưng nổi tiếng nhất ắt hẳn là tác phẩm của Leonardo da Vinci. Tác phẩm được sáng tác khoảng năm 1495 đến năm 1498, trên tường phòng tiệc của Tu viện Santa Maria ở TP Milan (Ý). Kích thước của bức họa là 460cm x 880cm.
Trước bà Brambilla, nhiều người đã thử “giải cứu” tác phẩm nổi tiếng của bậc thầy người Ý trước sự tàn phá của thời gian, nhưng không một ai thành công. Kể từ khi Leonardo hoàn tất danh tác này vào năm 1498, tổng cộng đã có 6 nhà phục hồi tham gia thử thách đầy khó khăn này. Thế nhưng, họ chỉ xoay sở thay đổi được tướng mạo, tính cách và những cử chỉ, biểu lộ của các thánh tông đồ, và thậm chí cả nhân vật trung tâm là Chúa Giêsu. Chỉ có bà Brambilla có thể khôi phục hoàn toàn bức tranh trên tường tu viện Ý.
“Lần đầu tiên nhìn thấy [bức bích họa của Leonardo], tôi không thể tin vào mắt mình”, Đài CNN dẫn lời bà Brambilla năm 2016. “Bạn không có cách nào nhận ra bức tranh gốc: Tranh bị bao phủ hoàn toàn bởi trát vữa và những lớp sơn. Có đến 5 hoặc 6 lớp sơn trên bề mặt tranh gốc. Tôi buộc phải tự hỏi mình liệu đây có phải là tác phẩm của Leonardo hay không, vì không có cách nào nhận ra điều đó […] Mục tiêu của chúng tôi là khôi phục những đặc điểm gốc của mỗi nhân vật. Và điều đó thật sự gây phấn khích”, bà nhớ lại.
Bà Pinin Brambilla đã dành 21 năm để hồi sinh bức trang “Bữa Tiệc ly”
Bức bích họa bắt đầu bị hư hại ngay sau thời điểm được hoàn thành. Và đó hoàn toàn là do lỗi của bậc thầy Leonardo: Ông xếp xó kỹ thuật vẽ tranh tường theo truyền thống, vốn yêu cầu họa sĩ phải vẽ bên trên một lớp vữa vôi còn ướt. Điều này cho phép màu sơn bám vào tường, nhưng đồng thời buộc họa sĩ phải hoàn thành bức tranh nhanh chóng trước khi lớp vữa khô đi. Thói quen chăm chút đến từng chi tiết nhỏ và chủ nghĩa cầu toàn của bản thân Leonardo không thể cho phép ông vẽ thật nhanh như kỹ thuật yêu cầu. Đó là lý do ông quyết định áp dụng một phương pháp thử nghiệm, bao gồm vẽ bằng màu tempera (màu keo) hoặc màu sơn dầu lên bề mặt lớp vữa khô.
Thế nhưng, do màu sơn không kết dính lâu dài trên tường, chúng nhanh chóng bị bong ra. Nhiều lý do khác cùng góp phần phá hủy bức danh tác. Bức tường của phòng ăn tu viện trong tình trạng tiếp xúc lâu dài với hơi ẩm xuất phát từ dòng suối ngầm bên dưới tòa nhà. Khói và hơi nước xuất phát từ hoạt động nấu ăn bên trong phòng bếp gần đó cũng gây hư hại thêm cho bức tường. Vào thời hoàng đế Napoleon của Pháp, quân đội của ông sử dụng tòa nhà làm chuồng ngựa. Và trong thời gian bùng nổ thế chiến thứ hai, một quả bom của quân đội Đồng Minh đã rơi trúng tu viện.
Tuy nhiên, “kẻ thù nguy hiểm nhất” của bức danh tác chính là “nỗ lực bảo tồn không đúng cách” và càng đẩy bức tranh vào tình thế ngày càng thê thảm hơn, theo phân tích của Đài BBC. Nhờ vào bàn tay tỉ mỉ và tài hoa của bà Brambilla, những tầng tầng lớp lớp vật liệu do các nhà bảo tồn trước đó thực hiện đã được bóc dỡ. Giờ đây, những đường nét bị người đời sau bóp méo thô kệch và biến thành rẻ tiền đã bị lấy đi, giúp khôi phục lại sự tinh tế và đẹp đẽ. “Bạn có thể nhìn thấy rõ thức ăn trên bàn, và những nếp nhàu của khăn trải bàn”, trang Aleteia đưa tin.
Bữa Tiệc ly gần như được khôi phục và quay lại tình trạng vào thời điểm bậc thầy Leonardo vừa hoàn tất.
LING LANG

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!