Tóm lại
Giáo huấn này về Đức Kitô và về Giáo Hội của Người không có ý đề cập đến sự dửng dưng hay loại trừ. Bí tích rửa tội và sự hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo là đảm bảo duy nhất về ơn cứu độ nhưng không phải là phương tiện duy nhất. “Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ trong Bí Tích Rửa Tội, nhưng chính Ngài thì không bị ràng buộc bởi các bí tích” (GLHTCG, số 1257)
Thánh Ý của Thiên Chúa là “mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Để thực thi thánh ý này, Đức Giêsu đã sai các Tông Đồ đi truyền giảng Tin Mừng và rửa tội cho những ai muốn có ơn cứu độ ấy (Mc 16,16). Người ban cho chúng ta Bí Tích Rửa Tội và sự hiệp nhất với Giáo Hội như phương tiện thông thường của ơn cứu độ. Qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta trở thành người chia sẻ đời sống với Đức Kitô. Khi chúng ta thông dự vào sự sống tròn đầy trong Giáo Hội, chúng ta trở thành những người con ngoan của Cha trên trời, và của Mẹ là Giáo Hội. Để đảm bảo ơn cứu độ cho tất cả mọi người, chúng phải thực thi lệnh truyền của Đức Kitô là đi rao giảng Tin Mừng cho thế giới và mang tất cả vào trong Thân Thể Người là Giáo Hội.
Vì Thiên Chúa không bị giới hạn trong các bí tích, nên Ngài có thể ban ơn cứu độ cho tất cả những ai Ngài muốn theo cách mà chúng ta không thể biết được. Đây chính là nền tảng của giáo huấn Giáo Hội về việc “rửa tội bằng ước muốn” (GLHTCG số, 1258 – 1260, 1281). Chẳng hạn, việc rửa tội theo cách này được thực thi khi một người muốn lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy nhưng đã chết trước khi chịu phép rửa thực sự, hay khi người ta chết mà không minh nhiên nhận biết Đức Kitô, nhưng đã sống theo chân lý. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể phán xét và quyết định vận mệnh đời đời của những linh hồn này.
PHILIP C. L. GRAY
(www.catholiceducation.org)
Chuyển ý: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
*. Thiết nghĩ, cũng nên trích dẫn nơi đây giáo huấn trong Lumen Gentium, số 16, nói về Giáo Hội và những người không thuộc Kitô giáo, để giúp hiểu hơn về lập trường của Giáo Hội về vấn đề này.
“Sau cùng, những ai chưa lãnh nhận Phúc Âm cũng được an bài bằng nhiều cách để thuộc về Dân Thiên Chúa . Trước tiên phải kể dân tộc đã lãnh nhận lời hứa và giao ước, mà bởi dân ấy, Chúa Kitô đã sinh ra theo thể xác (x. Rm 9,4-5). Họ là dân rất được yêu quí, bởi đã được tuyển chọn vì cha ông họ: Thiên Chúa không ân hận gì vì đã ban ơn và kêu gọi họ (x. Rm 11,28-29). Nhưng kế hoạch cứu độ cũng còn bao hàm những ai nhận biết Ðấng Tạo Hóa: trước tiên phải kể đến người Hồi Giáo; họ xưng rằng họ giữ đức tin của Abraham; cùng với chúng ta, họ thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, nhân từ, Ðấng sẽ phán xét loài người trong ngày sau hết. Những kẻ đang tìm kiếm Thiên Chúa trong bóng tối và qua ngẫu tượng, Thiên Chúa mà họ không biết, cả những kẻ ấy, Ngài cũng không xa họ, bởi vì chính Ngài ban cho mọi người sự sống, hơi thở và tất cả mọi sự (x. CvTđ 17,25-28), và vì là Ðấng Cứu Thế, Ngài muốn mọi người đều được cứu rỗi (x. 1Tm 2,4). Thực thế, những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi. Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi. Thực vậy, Giáo Hội xem tất cả những gì là chân thiện nơi họ như để chuẩn bị họ lãnh nhận Phúc Âm, và như một ân huệ mà Ðấng soi sáng mọi người ban cho hầu cuối cùng họ được sống. Nhưng thường con người bị ma quỉ gạt gẫm làm sai lạc phán đoán của mình khiến họ đánh đổi chân lý Thiên Chúa lấy sự giả dối, khiến họ phụng sự tạo vật hơn là phụng sự Ðấng Tạo Hóa (x. Rm 1,21 và 25); hoặc vì họ sống chết như không có Thiên Chúa trên đời này, nên liều mình rơi vào sự thất vọng tột độ. Vì hằng quan tâm làm vinh danh Thiên Chúa, và cứu rỗi tất cả những người ấy và hằng nhớ lời Chúa truyền: “Hãy rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật” (Mc 16,15), nên Giáo Hội tận tâm lo lắng và cổ võ việc truyền giáo.”