Mục vụ gia đình

Phái tính trong tình yêu

Phái tính trong tình yêu

Tình yêu, một đề tài muôn thuở nhưng sức mạnh của nó, sự quyến rũ của nó vẫn chưa ai giải thích hoặc chống cự nổi. Người ta có thể nói đến tình yêu dưới nhiều góc cạnh và nhiều hình thái khác nhau. Nhưng có lẽ tình yêu lứa đôi, tình yêu trai gái, tình yêu của hai kẻ nam nữ dành cho nhau là đề tài được nhiều người bàn đến hơn cả.

Khi nói về sức mạnh của tình yêu, chúng ta có nhiều câu nói thời danh. Nhưng có lẽ không ai trong chúng ta không nhớ một câu nói của Napoléon, người hùng của dân tộc Pháp: “Thắng một vạn quân không bằng thắng chính mình”. Có lẽ ông ám chỉ sự thôi thúc và cuốn hút về mặt tình cảm của ông đối với người tình Josephine Antoinnett. Và dường như chuyện này được đồng hóa với lần ông trốn bỏ trại binh ban đêm lén về gặp người tình của mình.

Trong tâm lý học, tình yêu cũng được coi như một động lực mạnh mẽ và gắn liền với cuộc sống con người. Có thể nói người ta không sống nếu không yêu. Hoặc ngược lại không yêu nếu không sống. Tình yêu một sức sống của tâm linh và thể xác.

Một người đang yêu và được yêu sẽ thấy mọi chuyện đều tốt đẹp. Sẽ thấy đời như nở hoa. Bầu trời có trăng sao, có mưa gió, có bão tố, hay nắng đẹp, trong con mắt người yêu và đang yêu vẫn có lời giải thích như lời nhạc của ai đó: “Trong đôi mắt em, anh là tất cả”. Nhưng một khi thất tình, mất người yêu, hoặc không được ai đó để ý tới, tự nhiên cũng bầu trời ấy, cũng trăng sao ấy, cũng bình minh ấy, cũng hoàng hôn ấy nhưng lại mang một sắc thái khác.

Thiếu yêu, người ta sẽ không còn thiết sống. Thiếu yêu, người ta sẽ ngưng hy sinh. Thiếu yêu, người ta sẽ không muốn hoạt động. Cuộc đời sẽ tăm tối, tương lai sẽ u uẩn, đời như mất hết ý nghĩa. Chính vì vậy, người ta vẫn thường nói: “Tình yêu san bằng được tất cả”. Điều này minh chứng rằng, tình yêu cần thiết cho cuộc sống con người. Người già cũng như người trẻ, người trung niên cũng như tuổi vị thành niên, tất cả đều là một sức hút nhiệm mầu mà không ai có thể chống cự được. Người ta có thể nói hay, nói rất hùng hồn, nói một cách mạnh bạo, nhưng khi bị tiếng sét ái tình đánh trúng, thì ít ai có thể đứng vững. Do đó, người ta mới chết, mới tự tử, hoặc mới ra khờ khạo, chán nản vì thất tình, vì thiếu vắng tình yêu.

Nhưng đề tài tình yêu hôm nay được nhìn dưới góc cạnh trưởng thành và tự nhiên trực tiếp liên quan đến sự giao tiếp của nam nữ. Bình thường, ta hay lẫn lộn tình yêu trong sạch với tình yêu vẩn đục. Tình yêu xây dựng và hợp nhất với sự lừa bịp và gian dối. Đó là thứ tình mang mầu sắc dục vọng, cuồng loạn, lãng mạn theo kiểu tiểu thuyết. Một thứ tình yêu và tình cảm đặt căn bản trên những đụng chạm và va chạm xác thịt mà chủ đích là nhằm thỏa mãn dục vọng.

Có lẽ nhiều người sẽ cho rằng tình yêu nào mà chả dẫn tới những đụng chạm xác thịt. Thật ra, quan niệm tình yêu dẫn tới tình dục và tình dục thu hút tình yêu là một quan niệm bình thường và phù hợp với tâm lý. Ngay trong lãnh vực đạo đức, chúng ta cũng thấy xuất hiện sự gắn bó này khi Adam nói về Eva: “Đây là xương của xương tôi, thịt của thịt tôi” (Gn 2:23). Chính trong sự hòa trộn ấy đến tan biến ấy, Thượng Đế đã phán: “Người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ mình và quyến luyến với vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một” (Gn 2:24). 

Tình yêu trai gái, tình yêu vợ chồng, hay nói theo một hình thức diễn tả khác là tình yêu phái tính tự nó đã có một sức thu hút và hấp dẫn. Đây là một sự hấp dẫn của một người đàn ông đối với một người đàn bà, hoặc ngược lại. Tình yêu phái tính, do đó, loại bỏ thứ tình đi ngược lại với tự nhiên như tình đồng tính, trong đó hai phụ nữ hoặc hai người đàn ông yêu nhau và sống với nhau như vợ chồng.

Sở dĩ tình yêu phái tính, tình yêu trai gái trở nên tình yêu được chấp nhận và cần thiết vì nó không những là một lời mời gọi, thôi thúc theo bản năng và tự nhiên, mà qua đó, nó còn chuyên chở một sứ mạng cao cả khác mà Thượng Đế muốn con người tham dự, đó là việc sinh sản và giáo dục. Mặc dù gần đây có một vài khảo cứu cho rằng người đàn ông cũng có khả năng sinh con, hoặc phong trào cấy tinh trùng, sinh con bằng ống nghiệm, hay sản sinh vô tính. Nhưng khám phá khoa học này, dầu sao vẫn chỉ là những khởi điểm và là giấc mơ của một số khoa học gia, và phần đông nhân loại vẫn cho rằng những điều ấy phản lại với đạo đức và thiên nhiên.

Bằng vào những giá trị nhân bản, những kinh nghiệm sống thường ngày, chúng ta phải nhận rằng do sự nối kết và gắn bó của hai trái tim, hai thân xác, và hai tâm hồn mà cuộc sống tự nhiên này có những hấp dẫn và thu hút lạ lùng. Và đó là tình yêu, là những thu hút của phái tính, là động lực thôi thúc và hấp dẫn hai kẻ yêu nhau. Một mối tình nối kết giữa hai người khác phái. Thiên nhiên cũng cho chúng ta bài học này, trong một bày hoang thú con đực nào khoẻ sẽ trở thành vua và bá chủ. Con đực nào yếu sẽ tìm sinh hoạt ở địa bàn khác hoặc phải chết. Đến thời kỳ thai nghén, con vật cái sẽ tìm đến con vật đực, hoặc do một sự thu hút của bản năng, con vật đực tìm đến với con vật cái. Sức thu hút ấy ở loài vật không phải là yêu, nhưng là một thu hút cần thiết của bản năng để chúng hoàn tất mục đích duy trì nòi giống.

Trong sinh hoạt của con người, sự thu kia không dừng lại ở việc hoàn tất nhu cầu sinh sản và mục đích sinh sản mà còn là một phương tiện diễn tả tình yêu của hai người muốn dành cho nhau. Chỉ trong hành động ấy, cả hai mới thực sự trở nên một. Do đó, những sinh hoạt sinh lý, những lạm dụng hai chữ yêu thương của những người không sống trong hôn nhân, có thể được coi như một thứ tình yêu lệch lạc, thiếu thốn và khập khễnh. Con người trải qua các thời đại đã có nhiều áng văn tuyệt vời ca tụng tình yêu, sự hy sinh và chấp nhận của người mẹ hay người cha đối với con cái mình. Điều này càng cho thấy rằng những gắn bó và thu hút của sinh lý không chỉ là một nhu cầu theo bản năng mà còn là một hình thức yêu đương của cha mẹ đối với nhau và với con cái nữa. Quan niệm này có thể không được những nhóm đồng tính, hoặc những người chủ trương sinh lý ngoài hôn nhân chấp nhận. Rất may mắn là hiện nay thống kê cho thấy chỉ có một số ít những người sinh ra với bản năng và nhu cầu đồng tính, còn phần đông sinh hoạt này vẫn được xem như một hành động đi ngược lại với thiên nhiên.

Tình yêu nam nữ. Tình yêu phái tính. Tình yêu của một người đàn ông dành cho một người đàn bà là một tình yêu rất tự nhiên, và rất đẹp. Một sức thu hút cực kỳ mạnh mẽ. Trong tình yêu ấy, tuy nhiên, vẫn không loại bỏ những hy sinh cần thiết mà theo Xuân Diệu thì: “Yêu là chết trong lòng một tí”. Đúng hơn phải hiểu rằng: “Yêu là chết trong lòng nhiều lắm”, vì cho dù sự cuốn hút và nhu cầu sinh lý có đó, tình yêu vẫn không loại bỏ những hy sinh, chịu đựng và trao ban một cách trọn vẹn. Thiếu yếu tố hy sinh, tình yêu chỉ là một sự thu hút và hấp dẫn của bản năng, hoàn toàn vật chất nếu không muốn nói là những mời gọi và quyến rũ của dục vọng.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!