Góc tư vấn

Phẩm giá của người yếu thế trong xã hội

Phẩm giá của người yếu thế trong xã hội

Người yếu thế luôn gặp bất lợi hơn so với các đối tượng khác khi tham gia vào một mối quan hệ xã hội, quan hệ lao động hay quan hệ pháp luật trong những hoàn cảnh giống nhau. Đây là nhóm người cần nhận được nhiều hơn sự quan tâm và bảo vệ phẩm giá.

Nhóm người yếu thế là nhóm người thường phải chịu sự thiệt thòi, sự bất bình đẳng, bị kỳ thị, bỏ rơi hoặc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong xã hội. Đặc biệt, họ rất dễ bị các đối tượng khác xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm phẩm giá vì xuất phát điểm, hoàn cảnh sống được cho là thấp kém của họ. Vì thế, họ thường gặp phải nhiều khó khăn và rủi ro trong cuộc sống, ít có cơ hội phát triển.

Theo nghiên cứu của Viện khoa học Xã hội Việt Nam, nhóm người được xếp vào nhóm yếu thế ở Việt Nam hiện nay bao gồm, người nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ, người dân tộc thiểu số, trẻ em. Bên cạnh đó, có thể kể đến người nhiễm HIV/AIDS, người vô gia cư, người lao động di cư, người thuộc cộng đồng LGBT,..cũng được xếp vào nhóm người yếu thế cần được quan tâm.

Đa phần người yếu thế trong xã hội Việt Nam chủ yếu thuộc về các nhóm người dưới đây.

Người nghèo là những người có thu nhập dưới mức sống tối thiểu, không đáp ứng được các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, giáo dục hay y tế. Họ thường xuyên phải đối mặt với nhiều vấn đề như thiếu an ninh lương thực, khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ công, thường bị phớt lờ quyền lực và sự đại diện trong xã hội. Tại Việt Nam, tỉ lệ người nghèo rơi vào khoảng 2,75% dân số.

Bên cạnh người nghèo là nhóm người khuyết tật. Họ là những người bị suy giảm hoặc mất đi một hoặc nhiều chức năng cơ thể, bảo gồm cả trí tuệ do bẩm sinh, bệnh tật hay tai nạn gây ra. Họ thường xuyên phải đối mặt với sự kỳ thị, xa lánh, thiếu cơ hội tham gia vào các hoạt động xã hội, gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế, lao động, giao thông. Số người khuyết tật ở Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người, chiếm 6,15% dân số.

Người cao tuổi là những người trên 60 tuổi, sức khỏe yếu, thu nhập thấp hoặc không có thu nhập, phải sống phụ thuộc vào người khác trong cuộc sống. Nhóm người già thường dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc do bị bỏ quên, thiếu sự quan tâm từ gia đình và xã hội. Họ cũng dễ trở nên mặc cảm, cho rằng bản thân đang là gánh nặng của người khác.

Ngoài ra, tại một xã hội giàu định kiến về giới tính như Việt Nam, phụ nữ cũng thường xuyên phải sự bất bình đẳng trong các lĩnh vực như lao động, chính trị,…Họ cũng là đối tượng thường xuyên của hành vi bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực tình dục, bạo lực gia đình, hay bạo lực tinh thần. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ở Việt Nam, cứ 3 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 tới 64 tuổi thì có tới 2 phụ nữ đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trên cơ sở giới trong đời. Chính vì thế, phụ nữ được xếp vào nhóm người yếu thế cần sự quan tâm đặc biệt tới từ xã hội.

Như đã nói ở trên, nhóm người yếu thế luôn gặp phải những thiệt thòi trong cuộc sống, thường xuyên bị chà đạp nhân phẩm do hoàn cảnh sống và xuất thân của họ, dễ dàng trở thành “công cụ” cho người khác lợi dụng. Ví dụ như hành vi chăn dắt, hưởng lợi từ việc người khuyết tật đi bán hàng rong, ăn xin của nhiều đối tượng. Lợi dụng tình thương của người khác, các đối tượng xấu biến những người khuyết tật, ngay cả trẻ em trở thành những công cụ kiếm tiền. Đây vẫn đang là vấn nạn nhức nhối trong xã hội Việt Nam và chưa tìm được cách giải quyết triệt để.

Chính vì vậy, nhóm người yếu thế cần được sự quan tâm đặc biệt, nhất là trong vấn đề bảo vệ phẩm giá của người yếu thế. Họ cần được đối xử như những người khác, bất kể hoàn cảnh xuất thân, tình trạng sức khỏe, tình hình kinh tế, hay công việc đang làm, đơn giản chỉ vì họ cũng là con người.

Mỗi người được sinh ra với phẩm giá là ngang nhau, không vì bất cứ một lý do nào mà phẩm giá con người có thể bị xâm phạm, bị chà đạp. Bên cạnh đó là nhân quyền được khắc sâu vào bản tính con người của mỗi người. Ai cũng có quyền được đòi hỏi những quyền cơ bản thuộc về mình và có trách nhiệm tôn trọng những quyền đó của người khác, trong đó có quyền được tôn trọng, không bị xúc phạm vì bất cứ lý do nào.

Tất cả thành phần trong xã hội đều cần ý thức trách nhiệm, có hành động lên án những hành vi xâm phạm tới nhân phẩm, thân thể của nhóm người yếu thế. Tôn trọng phẩm giá con người, đặc biệt với nhóm người yếu thế là một trong những giá trị cốt lõi để tạo nên một xã hội dân chủ và văn minh.

 

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!