Giáo Hội Việt NamTin Giáo Hội

PHẾ TÍCH NHÀ THỜ CỔ HƠN 100 NĂM TUỔI

PHẾ TÍCH NHÀ THỜ CỔ HƠN 100 NĂM TUỔI

Phế tích nhà thờ cổ H’Bâu lại nằm dưới chân núi Chư Đang Ya hùng vĩ, thuộc làng Xõa huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Nhà thờ cổ H’Bâu được xây dựng vào năm 1909, phía trước nhà thờ còn ghi dòng chữ Hán: Kỷ Dậu niên (năm Kỷ Dậu). Xưa muốn vào được nơi đây phải vượt qua hai dãy núi Chư Jôr và Chư Nâm hiểm trở. Qua hơn một thế kỷ, do sự tàn phá của chiến tranh nên ngôi nhà thờ đã hư hại hoàn toàn, giờ chỉ là phế tích gồm tháp chuông và mặt trụ phía trước. Giữa không gian ấy, ta như nghe đâu đó vẫn còn vọng vang những tiếng chuông dội vào vách đá giữa thâm sâu đại ngàn. Dù trong làng đã xây dựng nhà thờ mới nhưng nhiều người J’rai vẫn ghé đến đây để dâng hoa và cầu nguyện mỗi ngày.

Đi qua cánh đồng Ngô Sơn bạn sẽ đến được một ngôi nhà thờ cổ có tên là H’Bâu. Theo thông tin thu thập được, nhà thờ này được xây dựng vào năm 1909 dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya, thuộc huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai.

Đến đây vào những ngày cuối thu, bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh tuyệt vời hòa quyện giữa thiên nhiên và con người, và thấy được sự sáng tạo kỳ diệu của Thiên Chúa ở ngôi làng xa xôi này.

Người dân tại ngôi làng này đa số là đồng bào người J’rai. Trước đây, muốn đi đến nhà thờ phải trải qua 2 ngọn núi Chư Jor và Chư Nâm. Nhưng nay đường đến đây đã dễ đi hơn nhiều, chạy dọc con đường này còn có những dãy hoa dã quỳ vàng rực.

Mặc dù phần lớn kiến trúc của nhà thờ đã bị tàn phá nhiều sau một khoảng thời gian dài hơn 100 năm, dưới sự tác động của thời tiết và chiến tranh, nhưng một phần tháp chuông và phần trước của nhà thờ không bị chôn vùi bởi thời gian, vẫn giữ được hình dáng cũ kèm theo những lớp rêu xanh phủ dày trên những bức tường còn sót lại. Nếu quan sát kỹ, bạn có thể nhận ra dòng chữ “Kỷ Dậu Niên”, là năm nhà thờ được xây dựng. Có thể xem đây là một trong những nhà thờ đầu tiên của miền truyền giáo Pleiku (GP Kon Tum).

Đứng trước nhà thờ chúng ta có thể dễ dàng thấy một bức tượng Chúa Giê-su trên cây thập giá được treo ở trên khung cửa. Hình ảnh Ngài nằm giữa một phế tích cũ kỹ đã làm bao người Công giáo không khỏi xúc động khi đến đây lần đầu. Đứng từ khuôn viên nhà thờ, chúng ta còn có thể nhìn thấy núi Chư Đăng Ya hùng vĩ, theo tiếng địa phương Chư Đăng Ya có nghĩa là “Củ gừng dại”.

“Nội trong ba ngày ta sẽ dựng lại” (Ga 2, 19)

Đây không chỉ là một ngôi nhà thờ cổ hay là nơi người dân ở đây từng đến để thờ phượng Chúa, nhưng còn là nơi minh chứng cho lòng kính mến Thiên Chúa sâu sắc của người dân nơi đây. Cách đây hơn 100 năm, đây là một làng thuộc vùng xa, vô cùng hoang sơ và hiểm trở, người dân phải đến phát hoang và tự tay đem từng viên đá lên để xây nhà thờ.

Như lời một bài hát của Lm.JB Nguyễn Sang “Chúa luôn ở bên con, mãi mãi ở bên con, hôm nay giữa mọi người nơi đây suốt cuộc đời”. Dù đã có nhà thờ mới khang trang và vững chãi hơn, người dân ở đây vẫn thường xuyên lui tới ngôi nhà thờ cổ này để dâng hoa và lần chuỗi, như một lời tạ ơn vì Người đã gìn giữ ngôi làng suốt năm tháng, và đã biểu lộ cho họ biết Người vẫn luôn ở đây cùng mọi người.

Tuy nhà thờ đã cũ kỹ nhưng vẫn không mang lại cảm giác hoang vu, buồn bã. Vì xung quanh nhà thờ được điểm tô bằng những vườn hoa do người dân trồng. Đặc biệt hơn là những “bông hoa trẻ thơ”, đó là những đứa trẻ được sinh ra ở một thập kỉ mới, không được chứng kiến quá trình xây dựng, không biết về sự khắc nghiệt của thời gian, không gian hay lịch sử, nhưng vẫn đến đây hàng tuần để viếng Chúa.

Hình ảnh đổ vỡ của nhà thờ dường như càng làm nổi bật hơn những ngôi đền thờ mới, đó là những đền thờ được xây dựng bởi đức tin nằm kiên cố trong lòng mỗi người dân nơi đây, không bị lu mờ vì quá khứ và không bị tàn phá bởi thời gian.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!