PHƯƠNG PHÁP ĐỂ TỰ CHỮA LÀNH VẾT THƯƠNG TÂM HỒN
Khi một cảm giác đau đớn xuất hiện trên cơ thể, việc chúng ta làm đầu tiên là chạy tới tủ thuốc trong nhà hay tới gặp bác sĩ để tìm cách chữa trị, xoa dịu nó. Vậy nếu như đó là vết thương trong tâm hồn thì chúng ta phải làm gì?
Thực ra, không chỉ những vết thương tâm hồn mà tất cả mọi thứ trên cuộc đời này đều có cách giải quyết của riêng nó. Và điều chúng ta cần làm là bình tâm lại, suy nghĩ lại để tìm ra phương pháp tự chữa lành vết thương tâm hồn cho riêng mình.
Tự chữa lành là gì?
Tự chữa lành là quay về với chính mình, kết nối với thế giới bên trong, với bản thể nội tâm. Khi ai đó không còn cảm thấy hạnh phúc, bỗng thấy muộn phiền và cuộc sống bỗng trở nên vô nghĩa thì đó chính là lúc họ cần chữa lành.
Chữa lành đưa con người ta về đối diện với chính mình, chuyển hóa những suy nghĩ, những cảm xúc tiêu cực hỗn độn bên trong. Việc này, không phải là điều dễ dàng gì. Nhưng khi đạt được, sự mãn nguyện, bình an từ sâu bên trong nó sẽ tự sản sinh ra nội tiết tố hạnh phúc, giúp ta đón nhận và tận hưởng cuộc sống tốt hơn.
Trong cuộc sống hiện đại như ngày nay, tự chữa lành bản thân không còn là câu chuyện của riêng ai. Do vậy, chúng ta không cần phải buộc mình né tránh hay cảm thấy khó khăn khi đối diện với những bất ổn bên trong mình.
Phương pháp để tự chữa lành
Chữa lành bằng cảm xúc
Chú ý đến nỗi đau cảm xúc
Việc đầu tiên chúng ta cần làm để tự chữa trị vết thương tâm hồn đó là nhận ra vết thương. Cơ thể chúng ta tiến hóa để cảm nhận được cơn đau. Để từ đó, báo cho ta biết có điều không ổn đang xảy ra bên trong bản thân chúng ta.
Nếu cảm giác đau buồn, thất vọng khi bị từ chối hay thất bại không khá hơn thì có nghĩa bạn đang bị tổn thương tâm lý và bạn cần xử lý nó. Trò chuyện cùng người thân hay đi gặp chuyên gia là những điều giúp vết thương của bạn được chăm sóc tốt hơn.
Lờ đi cảm giác thất bại
Bản chất của vết thương tâm lý khiến chúng dễ dàng trở nên yếu đuối hơn. Lúc này, khi gặp phải thất bại bạn thường nghĩ đến những điều tiêu cực, những sự thật mà bạn không thể thay đổi được.
Chính những điều này khiến bạn không thể làm việc hết sức mình, dẫn đến việc bạn càng tập trung vào những khuyết điểm của mình. Để từ đó, dần dần rơi vào vòng tròn xoay vần, dần dần mất tự tin vào bản thân và cảm thấy mình kém cỏi hơn người khác, cảm thấy mình là 1 kẻ thất bại.
Thay vì cứ tiếp tục như vậy, bạn hãy cố gắng lờ đi nó, quên đi sự tồn tại của nó.
Những phương pháp chữa lành bằng cảm xúc này sẽ giúp làm giảm cảm xúc tuyệt vọng và cải thiện cơ hội thành công của bạn sau này.
Yêu thương bản thân
Chữa lành chính là yêu thương bản thân vô điều kiện, cả mặt tốt lẫn mặt chưa tốt. Muốn làm được điều này, chúng ta sẽ phải có nhiều dũng khí để dẹp yên bản ngã luôn tự phán xét chính mình.
Và khi đó, sự chấp nhận là một phần quan trọng của quá trình. Bởi nếu không vượt qua được định kiến trong mình, chỉ yêu thương phần sáng mà chối bỏ phần tối, ta sẽ khó mà mở cửa trái tim với những người khác.
Khi bạn trao cho bản thân tình yêu thương vô điều kiện, đó là lúc sự chữa lành phát huy tác dụng.
Tập quên đi quá khứ
Khi buồn, người ta thường có xu hướng suy nghĩ về những sự kiện đau buồn, không may mắn đã từng xảy ra. Nếu bạn cứ mãi suy nghĩ về những sự kiện đó mà không tìm cách giải quyết vấn đề thì kết quả bạn nhận được sẽ càng tồi tệ hơn.
Đặc biệt là khi điều đó trở thành thói quen, có thể dẫn đến những nỗi đau tâm lý sâu hơn. Vậy thêm một cách tự chữa lành bản thân nữa là ngăn cản thói quen nhớ về quá khứ, sống trong quá khứ không tốt này.
Việc bạn cần làm là tìm cách làm bản thân sao lãng, quên đi những nỗi đau đang chất chứa trong lòng. Một số bài tập đòi hỏi sự tập trung cao như: Chơi Sudoku, tìm ô chữ, nhớ lại tên những người bạn học tiểu học với mình,… có thể là lựa chọn thích hợp dành cho bạn.
Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng chỉ cần hai phút sao lãng như vậy sẽ làm giảm sự tập trung vào những thứ tiêu cực của bạn.
Tìm thấy điều tích cực trong nghịch cảnh
Mất mát là một phần của cuộc sống, nhưng đôi khi nó thể để lại những vết sẹo và ngăn chúng ta bước tiếp trên cuộc hành trình này. Nếu đã trải qua một khoảng thời gian dài nhưng bạn vẫn gặp khó khăn để vượt qua sự mất mát thì điều bạn cần làm là có những suy nghĩ mới về nó.
Và điều quan trọng nhất, giúp bạn giảm đi nỗi đau và hồi phục là tìm thấy ý nghĩa, điều tích cực trong mất mát đó và tạo ra mục tiêu từ nó. Tìm thấy ý nghĩa trong mất mát là vấn đề không đơn giản, nhưng bạn hãy nghĩ về những thứ mình có thể đạt được từ sự mất mát này.
Hãy nghĩ về những sự biết ơn với cuộc sống mà bạn có thể có được. Hoặc thử tưởng tượng những thay đổi mà chính bạn có thể tạo ra để giúp mình có một cuộc sống tốt hơn.
Tìm lại niềm vui
Khi nhắc đến chữa lành, người ta thường có xu hướng tập trung vào những tổn thương, buồn đau, mất mát. Nhưng thật ra, niềm vui cũng chính là một phần không thể thiếu trong hành trình tự chữa lành thân tâm.
Ban đầu, niềm vui có thể đến từ phương tiện giải trí, từ một ai đó, từ tin tức nhận được hay từ một trang sách, một câu chuyện thú vị. Càng về sau, bằng việc có mặt với chính mình, chúng ta sẽ tự biết cách tạo ra niềm vui cho bản thân. Lúc đó, chỉ những điều nhỏ bé chung quanh cũng có thể khơi gợi niềm vui cho bạn.
Chữa lành bằng hành động
Thiền định hằng ngày
Các nghiên cứu cho thấy, thiền định giúp tăng khả năng chịu đựng các cơn đau, làm giảm căng thẳng, trầm cảm và lo âu rất hiệu quả. Để thực hành thiền, bạn hãy dành một khoảng thời gian trong này để thư giãn – có thể chỉ cần 10 phút thôi.
Một nghiên cứu mới đây về mức độ nhận thức cơn đau cho thấy, việc thực hành thiền định mỗi ngày có tác động tích cực và lâu dài đến các cơn đau nhức. Khi dành ra thời gian để thực hành những kỹ thuật này, bạn sẽ giảm căng thẳng, mệt mỏi cũng như nâng cao năng lực tự chữa lành, tự phục hồi.
Ngoài ra, bạn cũng không nên lạm dụng thuốc vì nếu sử dụng trong thời gian dài, nó sẽ khiến cơ thể bị phụ thuộc. Giống như một chiếc máy lâu ngày không được sử dụng sẽ han rỉ vậy, khả năng tự phục hồi của cơ thể cũng sẽ bị giảm sút từ đó.
Thói quen vận động thường xuyên
Mặc dù những cơn đau có thể làm bạn ngại tập thể dục, ngại tập luyện thể thao. Nhưng trên thực tế, việc duy trì tập luyện thường xuyên là một trong những cách hiệu quả nhất để tăng chức năng hệ miễn dịch, sức đề kháng của cơ thể.
Tập thể dục có thể giúp giấc ngủ của bạn ngon hơn và cải thiện tâm trạng. Những điều này đều có ích trong việc giúp bạn giảm những đau và khôi phục sự cân bằng.
Bạn có thể bắt đầu với các bài tập cường độ thấp như: Yoga, đi bộ, bơi lội, khí công hay thái cực quyền.
Tạo cho mình một sở thích
Ngoài việc cải thiện tâm trạng của chúng ta, âm nhạc hay viết lách cũng là một trong những liệu pháp chữa lành mà ai không làm quen được với sự im lắng khi bước vào thiền nên thử qua.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, bằng cách đổ ra giấy những dòng suy tưởng miên man sẽ mang lại sự trấn tĩnh tinh thần nhanh chóng. Hay âm nhạc cũng vậy, nó có thể giúp làm dịu các cơn đau mạn tính, giảm nhịp tim và huyết áp, giảm lo lắng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mỗi chúng ta hãy là người tự chữa lành cho chính mình để cùng nhau, ta bước vào bình thường mới và đón mừng khởi đầu mới bằng yêu thương và nguồn năng lượng tích cực. Hãy học cách yêu thương bản thân và tự chữa lành tâm hồn.
Tạm kết
Bạn thân mến, chìa khóa cho sự tự chữa lành tâm hồn đó là thay đổi cách suy nghĩ của mình, sẵn sàng giải tỏa những tức giận và sẵn sàng tha thứ. Sống khỏe mạnh và đủ đầy trong mọi khía cạnh của cuộc đời là quyền năng mà mỗi chúng ta đều có.
Hãy đón nhận quyền năng này ngay trong giây phút hiện tại bạn nhé. Và cuối cùng, Ruby chúc bạn một cuộc sống đủ đầy, khỏe mạnh, bình an như những gì bạn xứng đáng nhận được.