QUY ĐỊNH VỀ VIỆC ĐỒNG TẾ (CONCELEBRATION)TRONG THÁNH LỄ AN TÁNG TẠI TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN
VẤN ĐỀ:
Tại sao trong Tổng Giáo Phận Sài Gòn, có những Thánh lễ an táng chỉ có một linh mục cử hành nhưng cũng có những Thánh lễ an táng được đồng tế, trong đó có khi có cả Giám Mục làm chủ tế. Vậy, Giáo Luật và Luật riêng của Tổng Giáo Phận quy định như thế nào?
GIẢI ĐÁP:
I- Đồng tế là gì ?
Đồng tế có nghĩa là một vài hay nhiều linh mục cùng dâng lễ chung với giám mục hay với một linh mục khác làm chủ tế (celebrant). Việc này rất thông thường và hợp pháp trong Giáo Hội khắp mọi nơi, vì không có khoản giáo lý hay giáo luật nào ngăn cấm hay hạn chế việc đồng tế. Ngược lại, Giáo Luật nói rõ là “chỉ những tư tế (giám mục, linh mục) được truyền chức hữu hiệu mới được phép dâng thánh lễ, tức cử hành bí tích Thánh Thể” mà thôi, và “các tư tế có thể đồng tế Thánh lễ” (x. giáo luật số 900 & 902).
II- Đồng tế trong thánh lễ an táng: vài nhận định: nên và không nên
Riêng về lễ táng, tùy Giám Mục địa phương quyết định có cho đồng tế hay không. Nếu có sự hạn chế hay cấm ở đâu thì chắc là vì muốn tránh những ganh đua có tính thế tục trong những hoàn cảnh này chứ không phải vì có giáo lý hay giáo luật nào đòi buộc. Nói rõ hơn, không có giáo luật hay luật phụng vụ nào cấm linh mục đồng tế trong lễ tang của giáo dân cả. Nếu có nơi nào cấm, chắc vì muốn tránh những lạm dụng, như gia đình này quen biết nhiều linh mục nên có đông cha đồng tế làm cho tang gia được hãnh diện với cộng đoàn giáo xứ địa phương. Ngược lại, gia đình khác, vì không quen biết nhiều linh mục nên có ít hay không có cha nào đồng tế, khiến họ cảm thấy buồn tủi , thua thiệt. Đây chắc là lý do chính khiến có sự giới hạn hay ngăn cấm đồng tế trong các dịp lễ tang.
Tuy nhiên, nếu đã vì lý do này mà ngăn cấm thì phải áp dụng đồng đều cho mọi người, và mọi trường hợp, không phân biệt giầu nghèo, sang hèn, quen thân hay xa lạ… Cụ thể, không thể thiên vị cho người sang giầu, thân quen được có giám mục chủ tế và nhiều cha đồng tế, nhưng lại bất công, vô cảm, áp dụng cứng nhắc luật cấm đồng tế đối với người nghèo cô thân cô thế hay không quen thân cha xứ, mặc dù trong gia đình họ có con cháu là linh mục muốn đồng tế trong lễ tang của thân nhân!. Như vậy, rõ ràng đây là sự bất công tồi tệ và gương xấu về phân biệt đối xử trong Giáo Hội địa phương. Nhưng cần nhấn mạnh là Nước Thiên Chúa và phần rỗi linh hồn của con người không hề dính dáng gì đến tiền bạc, danh dự trần thế, và cảm tình cá nhân
Xin nhớ kỹ điều này để đừng ai lầm tưởng rằng hễ thân quen, được có giám mục và nhiều linh mục đồng tế, có nhiều người danh vọng đưa đám, và dâng nhiều tiền cho cha xứ và cho các cha đồng tế, thì linh hồn sẽ mau được lên Thiên Đàng. Lên hay không trước hết phải nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, cộng với thiện chí của người quá cố khi còn sống đã quyết tâm đi tìm Chúa và sống theo đường lối của Ngài hay không. Nếu đã khước từ Thiên Chúa trong suốt cuộc sống này, thì sau khi chết, dù có được Đức Thánh Cha dâng lễ, và có hàng trăm hồng y, giám mục, linh mục đồng tế thì cũng vô ích mà thôi. Ngược lại, nếu đã sống tốt lành ở đời này, thì dẫu không có linh mục nào đồng tế (hay không được đồng tế vì thiên vị bất công) và cho dù xác có bị phân biệt đối xử để nằm ở ngoài cửa nhà thờ, thì cũng không hề thiệt thòi gì trước mặt Chúa khi Người công minh và nhân từ xét xử. Chắc chắn như vậy.
Vấn đề có nhiều hay ít linh mục dâng lễ và đồng tế chỉ là vinh dự trước mặt người đời mà thôi chứ không ảnh hưởng gì đến sự thưởng phạt đời đời cho ai, vì Thiên Chúa rất nhân từ và công bằng đối với mọi người. Nói thế không có nghĩa là không cần xin lễ và cầu nguyện cho kẻ chết. Ngược lại, rất cần thiết nhưng phải hiểu và tin chắc điều này: sự cầu nguyện và mọi việc lành khác chỉ có ích cho những linh hồn đã ra đi trong ơn nghĩa Chúa nhưng đang còn phải “tạm trú” ở nơi gọi là luyện tội ( Purgatory) để được thanh luyện một thời gian trước khi được hưởng Thánh Nhan Chúa trên Thiên Đàng.(x.SGLGHCG, số 1030-1032). Nhưng vì không ai biết được số phận đời đời của một người vừa lìa trần, nên ta cứ phải cầu nguyện, xin dâng thánh lễ và làm việc lành để cầu cho kẻ chết.
Việc ban phát và áp dụng những việc lành này cho ai là quyền của Chúa, chiếu theo lượng từ bi và công minh tuyệt đối của Ngài.
III – Quy Định Về Việc Đồng Tế Trong Thánh Lễ An Táng Tại Tổng Giáo Phận Sài Gòn.
Ngày 06 tháng 08 năm 2015 Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã ra những “Quy Định Mục Vụ Bí Tích”, chiếu theo những quy định chung của Bộ Giáo Luật, các sách Phụng Vụ và các văn kiện liên quan. Và do trách nhiệm cổ võ việc tuân giữ kỷ luật chung trong toàn thể Giáo Hội (GL 1983 điều 392.2), và dựa trên thẩm quyền dành cho Giám Mục Giáo Phận trong việc ban hành những quy tắc về Phụng Vụ (GL 1983 điều 838.1,4 Bộ Giáo Luật chỉ rõ việc ban hành những quy tắc về Phụng Vụ buộc phải tuân giữ trong toàn thể giáo hội địa phương thuộc về Giám Mục Giáo Phận) Ngài đã ra những quy định về việc đồng tế trong Thánh lễ an táng như sau:
1. Quy định tổng quát
Các linh mục chỉ được cử hành hay đồng tế Thánh lễ một lần trong ngày. Khi có lý do chính đáng hay do nhu cầu mục vụ, Đức Tổng Giám Mục cho phép các linh mục trong Tổng Giáo Phận được cử hành thánh lễ tối đa hai lần trong ngày thường và ba lần trong ngày Chúa Nhật hoặc các ngày lễ buộc. (x. GL 1983 điều 902 và 905)
Việc đồng tế biểu lộ cách thích đáng sự hợp nhất của chức linh mục, của hy lễ và của toàn thể dân Chúa (x.QCTQ số 199)
Ngoài các trường hợp luật buộc hoặc khuyên nên đồng tế những dịp sau đây cũng được phép đồng tế (x.QCTQ số 203):
– Lễ đại triều của Giám Mục Giáo Phận
– Kỷ niệm ngày tấn phong của Giám Mục Giáo Phận
– Dịp thăm viếng mục vụ
– Lễ bổn mạng Giáo Phận
– Lễ nhậm chức cha sở mới (x.LNGM số 1187)
– Lễ khấn dòng trọn đời (x. Nghi thức khấn dòng năm 1970, những điều cần biết trước số e; cũng xem thêm số 6)
– Lễ làm phép cung hiến nhà thờ (x.LNGM số 869 và 955)
– Lễ cung hiến bàn thờ ((x.LNGM số 926)
– Lễ ban bí tích Thêm Sức ((x. Nghi Thức Thêm Sức, 1971, những điều cần biết trước số 13)
2. Những quy định riêng về việc đồng tế trong Thánh lễ tại Tổng Phận Sài Gòn
Ngoài những quy định nêu trên, Đức Tổng Giám Mục còn cho phép đồng tế trong những những trường hợp dưới đây (x. QCTQ, số 202; Bộ Phụng Tự, Thư ngày 12.9.1983 trong Notitiae 19 (1983)] nhưng chỉ một lần trong ngày hoặc kèm với những dịp luật cho phép ở trên. Tuy nhiên các linh mục cũng phải giữ nguyên tắc chỉ cử hành Thánh lễ tối đa hai lần trong ngày thường và ba lần trong ngày Chúa Nhật và ngày lễ buộc
– Lễ tạ ơn của tân linh mục, tạ ơn khấn trọn của tu sĩ
– Lễ kỷ niệm thụ phong linh mục
– Lễ mừng ngân khánh, kim khánh, ngọc khánh linh mục hoặc khấn dòng
– Lễ bổn mạng giáo xứ
– Lễ bổn mạng linh mục
– Dịp tỉnh tâm hay hội họp huấn luyện các thành viên Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, các giới, các hội đoàn cấp giáo phận và giáo hạt
– Lễ an táng và lễ giỗ
+ An táng linh mục, tu sĩ, chủng sinh và song thân của các vị này
+ An táng quý chức tân cựu trong Ban thường vụ Hội đồng Mục vụ Giáo xứ
+ Giỗ Giám Mục
+ Giỗ Linh Mục
+ Giỗ đầu hay mãn tang ông bà cố.
Điều đáng lưu ý là ngoài những trường hợp được phép đồng tế nêu trên thì trong bảng quy định không có một “luật trừ” nào. Nghĩa là không có ngoại lệ; không có chuyện cháu cha, cháu Giám Mục, cháu Giáo Hoàng, người có công đóng gióp tiền của cho nhà thờ, cho linh mục,…. thì được miễn trừ nếu xin phép và được Đức Tổng Giám Mục chấp thuận.