TẠI SAO CHÚA GIÊSU CHỊU CHẾT?
Lời Phi Lộ – Tài liệu Mầu Nhiệm Thánh Thể trong đời sống Hội Thánh của các Giám mục Hoa Kỳ về Bí tích Thánh Thể là tài liệu nền tảng cho kế hoạch Phục hưng Thánh Thể của các ngài. Tiếc rằng rất ít người Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ biết đến tài liệu này. Trong loạt bài này chúng tôi cố gắng tóm lược các bài học rút ra từ tài liệu và từ các lớp online do Đức Cha Cozzens hướng dẫn để giúp độc giả hiểu sâu xa hơn về Bí tích Thánh Thể và sống Mầu Nhiệm Cao Quý này. Dươi đây là Bài Thứ Bốn.
Phaolô Phạm Xuân Khôi
Lần trước chúng ta đã học rằng Thánh Lễ tái trình bày hay hiện tại hoá Hy tế duy nhất của Đức Kitô trên Thập Giá để chúng ta được tham dự vào hy tế ấy ở đây và ngay bây giờ. Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao Chúa Giêsu hiến tế trên Thập giá cho mọi thời đại?
Vì yêu thương chúng ta mà Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta để chia sẻ tình yêu của Ngài cho chúng ta. Nhưng vì nguyên tổ đã bất trung, nghe lời ma quỷ phản bội Thiên Chúa và hậu quả là nhân loại chìm ngập trong tội lỗi và đau khổ. Vì là con người yếu đuối, chúng ta không có khả năng tự cứu mình, nên Ngôi Lời Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu chúng ta. Mặc lấy thân phận con người, Chúa Giêsu đã có thể hiến tế chính Mình trên Thập giá không những chỉ để cứu chúng ta khỏi tội lỗi, mà còn ban cho chúng ta khả năng thông phần vào hành động thờ phượng đích thực của Người. Việc này mang lại hai lợi ích chính mà chúng ta cần suy niệm và áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Chúa Giêsu hy sinh để cứu chuộc chúng ta
Lý do thứ nhất của việc Chúa Giêsu tự hiến trên Thập giá là để hiệu quả của Cái Chết của Người có thể đến với chúng ta ở đây và bây giờ qua các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Rửa Tội và Bí tích Thánh Thể. Khi Chúa Giêsu chết trên Thập giá, cạnh sườn Người bị đâm thâu qua và máu cùng nước chảy ra từ đó. Các Giáo Phụ luôn nói rằng nước là Bí tích Rửa Tội và Máu là Bí tích Thánh Thể. Đó là sự sống của Thiên Chúa tuôn chảy từ trái tim của Thiên Chúa. Và nó chảy ra cho chúng ta ở đây ngày hôm nay. Qua nước Rửa Tội, tội lỗi chúng ta được rửa sạch. Và nhờ Mình và Máu Thánh Thể, chúng ta được thông phần vào chính sự sống của Chúa Giêsu ở mọi bàn thờ. Nó trở thành dòng sông vĩ đại chảy qua mọi thời đại để chia sẻ sự sống của Người.
Chúa muốn chúng ta thông phần vào hành động thờ phượng đích thực của Người
Lý do thứ hai là Chúa Giêsu muốn Hy Lễ của Người hiện diện vĩnh viễn qua mọi thời đại trong Thánh Lễ để chúng ta có thể thông phần vào hành động thờ phượng đích thực của Người. Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá là một hành động thờ phượng dâng lên Chúa Cha. Người là Chiên Thiên Chúa, bị giết để cứu độ chúng ta. Trong Hy Tế Thập giá, Chúa Giêsu vừa là Tư Tế vừa là của lễ nghĩa là Người vừa là Đấng dâng của lễ, vừa là của lễ được dâng hiến vì chúng ta.
So sánh với các nghi thức hiến tế của đền thờ trong Cựu Ước, đặc biệt là Ngày Xá Tội (Yom Kippur), Thư Do Thái làm sáng tỏ sự hy sinh của Chúa Giêsu siêu việt và làm tròn các nghi lễ này như thế nào. Trong khi các của lễ trong đền thờ chỉ là tạm thời và phải được cử hành hàng năm, thì Chúa Giêsu, với tư cách là Thượng Tế đời đời, dâng chính Mình Người một lần là đủ. Hy tế của Người thanh tẩy tâm hồn chúng ta và mang lại ơn cứu chuộc vĩnh cửu. Sự so sánh này làm nổi bật quyền năng biến đổi của Hy Lễ của Chúa Giêsu, mở ra một kỷ nguyên thờ phượng mới.
Việc Chúa Giêsu làm gián đoạn các nghi lễ cũ trong đền thờ, được tượng trưng bằng việc Người thanh tẩy đền thờ và lời hứa khôi phục lại nó trong ba ngày. Sự kiện này biểu thị sự chuyển tiếp từ việc thờ phượng vật chất sang thờ phượng thiêng liêng. Chúa Giêsu tuyên bố rằng thân xác của Người là Đền Thờ mới, nơi thờ phượng vĩnh cửu. Khi Chúa Giêsu chịu chết trên Thập giá, bức màn trong đền thờ bị xé ra làm hai, tượng trưng cho việc đền thờ vật chất bị phá hủy và Chúa Giêsu bước vào Nơi Cực Thánh thật, ở đó sự thờ phượng mới được diễn ra. Việc xé bỏ bức màn này cũng tượng trưng cho việc xoá bỏ những giới hạn về thời gian và không gian cùng ban cho tất cả mọi người khả năng thờ phượng Thiên Chúa ở bất cứ nơi nào và lúc nào.
Áp dụng trong cuộc sống: sự hoà hợp giữa đời sống và việc thờ phượng
Bởi vì Chúa Giêsu là người thật và cũng là Thiên Chúa thật, nên chỉ một mình Người mới có thể thay mặt toàn thể nhân loại mà dâng của lễ này để cứu rỗi tất cả chúng ta. Mỗi khi đến dự Thánh Lễ, chúng ta có cơ hội tham dự vào hành động thờ phượng đích thực này. Sự thờ phượng mà Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha Hằng Hữu trên Thập giá.
Chúng ta phải học cách kết hợp các hy sinh nho nhỏ hằng ngày của mình với hy sinh vô giá Chúa Giêsu để Người có thể dâng chúng lên Chúa Cha. Đức Bênêđictô XVI giải thích điều này trong thông điệp Deus Caritas Est số 13 rằng “Bí tích Thánh Thể lôi kéo chúng ta vào hành động tự hiến của Chúa Giêsu. Không chỉ là tiếp nhận Logo nhập thể cách thụ động, chúng ta đi vào sự tự hiến rất năng động của Người.” Để thực sự đi vào sự tự hiến rất năng động của Người, chúng ta phải hội nhập cuộc sống của mình với Hy Lể của Chúa Giêsu. Muốn được như thế, chúng ta cần phải học cách kết hợp các hy sinh hằng ngày của mình với Hy lễ của Chúa Giêsu để Người có thể dâng chúng lên Chúa Cha.
Trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều điều làm cho chúng ta buồn sầu, đau khổ, bất mãn và thất vọng. Nếu chúng ta cứ đắm chìm trong đó, cuộc đời chúng ta sẽ là một bể khổ khôn cùng. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta biến những đau khổ này thành những bó hoa thiêng bằng cách kết hợp chúng với những đau khổ của Người ngõ hầu chúng trở thành những của lễ đẹp lòng Chúa Cha và dâng lên cho Ngài trong các Thánh Lễ mà chúng ta tham dự.
Bí tích Thánh Thể làm cho việc thờ phượng đích thực trở nên khả thi bằng cách lôi kéo chúng ta vào hành động tự hiến của Chúa Giêsu. Chúng ta không những chỉ là những người tiếp nhận mà còn là những người thông phần vào việc tự hiến năng động của Người. Khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta có cơ hội thực sự tham dự vào hành động thờ phượng này bằng cách đặt mọi hy sinh của mình kết hợp với những hy sinh của Chúa Giêsu lên bàn thờ để chúng trở thành một phần của Hy lễ của Đức Kitô.
Đó là điều mà Thánh Phaolô ngụ ý khi ngài nói, “Trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu vì thân mình Ngài, tức là Hội thánh.” (Col 1: 24 Bản dịch của Cha Nguyễn Thế Thuấn). Cái gì còn thiếu? Các đau khổ của bạn và của tôi, thân mình Đức Kitô, Đền Thờ mới, nơi diễn ra sự thờ phượng mới, cần được liên kết với Hy Lễ của chính Đức Kitô. Chúng ta cần học cách hội nhập vào động lực tự hiến của Chúa Giêsu và lấy các hy sinh của Người làm mẫu mực cho cuộc sống của mình.
Các vị tử vì đạo Kitô giáo tiên khởi là những mẫu gương điển hỉnh cho sự hội nhập giữa đời sống và việc thờ phượng này. Việc các ngài sẵn sàng chịu tử vì đạo phản ánh ước muốn noi theo sự hy sinh của Chúa Giêsu. Giống như Chúa Giêsu, các ngài trở thành hy lễ sống động, dâng hiến mạng sống mình như một hành vi thờ phượng. Hình ảnh tử vì đạo như việc tham dự hy lễ Thánh Thể nhấn mạnh sự kết hợp sâu xa giữa đời sống và việc thờ phượng.
Kết luận
Ý nghĩa của sự hy sinh của Chúa Giêsu trên Thập giá vượt xa việc đơn thuần chuộc tội. Nó bao gồm các khái niệm về sự cứu chuộc và lời mời gọi thờ phượng đích thực. Qua sự hy sinh của Người, Chúa Giêsu mang đến ơn tha thứ và cứu chuộc tức thì, là điều mà chúng ta có thể trải nghiệm qua các Bí tích. Hơn nữa, chúng ta được khuyến khích hòa nhập cuộc sống của mình với Hy Lễ của Chúa Giêsu. Điều này có nghĩa là hiến dâng chính mình như hy lễ sống động trong sự thờ phượng đích thực. Đó không chỉ là việc tham dự vào các nghi lễ tôn giáo mà còn là biến toàn thể cuộc sống của mình thành hành động thờ phượng.
Sự hy sinh của Chúa Giêsu có tác động biến đổi trên đời sống và việc thờ phượng của chúng ta. Nó liên tục mời gọi chúng ta tham gia vào công việc cứu chuộc của Người và dâng hiến cuộc đời mình để thờ phượng Thiên Chúa. Điều này làm nổi bật không những chỉ quyền năng chuộc tội của Hy Tế của Chúa Giêsu mà còn ảnh hưởng sâu xa đến đời sống của chúng ta. Cuối cùng, sự hy sinh của Chúa Giêsu phục vụ như một lời mời gọi không ngừng để chúng ta tham gia vào sứ mệnh cứu chuộc của Người và dâng hiến cuộc đời mình như lễ vật trong sự thờ phượng đích thực.
Câu hỏi để suy nghĩ
- Tại sao Chúa Giêsu tự hiến cho chúng ta trên Thập giá?
- Bạn phải làm gì để biến cuộc đời của mình làm của lễ hy sinh đẹp lòng Thiên Chúa?