Phụng vụSuy niệm Chúa nhật

Chúa đang đồng hành với ta

23.4 Chúa Nhật thứ Ba Mùa Phục Sinh

St 2:14,22-33; Tv 16:1-2-5,7-8,9-10,11; 1 Pr 1:17-21; Lc 24:13-35

Chúa đang đồng hành với ta

Hai môn đệ trên đường Emmaus, đã từng có một thời bước theo Chúa. Các ông tin rằng Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến để thiết lập vương quốc. Thế nhưng, những giờ phút bão táp đã xảy đến. Mọi hy vọng, mọi mơ ước đã tan theo mây khói. Sau cái chết trên thập giá vào chiều ngày thứ Sáu tuần thánh, các ông đã bỏ mặc Ngài nơi nấm mồ cô quạnh và trở về với nếp sống trước kia. Chính trong bối cảnh này, các ông đã gặp người khách lạ trên đường đi Emmau. Các ông lắng nghe vị khách ấy, chăm chú nhìn vị khách ấy bẻ bánh và rồi một điều gì đó đã xảy ra khiến các ông xúc động: Vị khách ấy chính là Chúa Giêsu đang sống động trước mặt các ông.

Dưới dáng dấp một người khách lạ, Chúa Giêsu phục sinh đến với hai môn đệ Emmau. Ngài đến đúng lúc, đúng lúc họ đang bỏ cuộc, quay quắt và ray rứt vì chuyện đã qua. Ngài đi cùng với họ, đi gần bên họ, khiêm tốn trở thành một người bạn đồng hành. Ngài gợi chuyện, hay đúng hơn, Ngài muốn tham dự vào câu chuyện dở dang của họ.

Chúa Giêsu không nản lòng trước câu trả lời lạnh nhạt: “Chắc chỉ có ông mới không biết chuyện vừa xảy ra…”. Ngài không cắt đứt cuộc đối thoại: “Chuyện gì vậy?” Ngài giả vờ không biết để họ nói cho vơi nỗi buồn. Chúa Giêsu kiên nhẫn lắng nghe lời họ tâm sự. “Trước đây, chúng tôi hy vọng rằng…” Như thế niềm hy vọng này chỉ còn là chuyện quá khứ. Cả niềm tin cũng trở nên chai lì, họ đâu có tin vào lời của các bà ra thăm mộ.

Các ông đã không nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài cắt nghĩa Kinh Thánh, nhưng các ông đã nhận ra Ngài khi mời Ngài lưu lại với mình nơi quán trọ. Chính vì thế, mỗi người chúng ta cần phải chăm sóc cho tình thương và cần phải cố gắng thực hiện những hành động bác ái. Thánh Phaolô đã khuyên nhủ chúng ta: Hãy kiên trì trong đức ái. Thánh Phêrô thì nói với chúng ta: Hãy rộng lượng đón nhận người khác chứ đừng lẩm bẩm kêu trách. Còn Chúa Giêsu trong hoạt cảnh phán xét, cũng đã phán: Vì khi Ta đói các con đã cho Ta ăn, khi, Ta khát các con đã cho Ta uống, khi Ta mình trần các con đã cho Ta mặc, khi Ta đau yếu và bị tù đày, các con đã viếng thăm, khi Ta là khách, các con đã cho Ta ở trọ.

Cảm nghiệm về Đấng Phục Sinh của hai người môn đệ đang trên đường đi về làng Emmaus cũng có thể diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người tín hữu Kitô. Đấng Phục Sinh luôn là người đồng hành với chúng ta. Trên mọi nẻo đường của cuộc sống chúng ta, Ngài luôn đi bên cạnh kể chuyện, hỏi han, tra vấn và tham dự vào mọi sinh hoạt của chúng ta. Cuộc sống của mỗi ngày chính là nơi Ngài đến để gặp gỡ con người. Cuộc sống mỗi ngày mới là nơi hẹn hò của Đấng Phục Sinh với con người, là bởi vì cuộc sống ấy không bao giờ có thể làm cho con người thỏa mãn. Bên kia niềm vui và nỗi khổ, bên kia thành công và thất bại, con người vẫn nhận ra sự vong thân và thân phận nghèo hèn của mình. Nỗi khao khát về tuyệt đối con người không thể thỏa mãn được trong cuộc sống này, hoặc nếu có tìm cách xoa dịu thì lại tuyệt đối hóa những giá trị chóng qua của cuộc sống, để rồi cuối cùng vẫn thấy mình bị vong thân và bất lực. Bất lực trước cảnh khốn cùng, bất lực trước chiến tranh nghèo khổ, bệnh tật, bất lực trước hận thù, ích kỷ và nhất là bất lực trước cái chết. Sống trong thân phận ấy, con người không khỏi nêu lên câu hỏi: “Đâu là ý nghĩa của tất cả những điều đó? Đâu là ý nghĩa của thân phận con người?”

Chính lúc ấy, Chúa Kitô Phục Sinh xuất hiện, Ngài đến không phải để mang lại câu giải đáp, mà trước hết, như một con người giữa chúng ta, một con người cũng từng nêu lên những câu hỏi ấy, và cũng đã từng nổi loạn trước những nghiệt ngã của thân phận con người. Ngài đã từng mơ ước về một nhân loại tốt đẹp hơn. Ngài đã nói tất cả và đã làm hết sức có thể để xây dựng nhân loại ấy. Và cuối cùng, với cái chết đau thương trên thập giá, xem ra Ngài cũng đành bó tay bỏ cuộc. Nhưng chính lúc ấy, vì đã vâng phục Chúa Cha một cách tuyệt đối để sống tận kiếp người và sống trọn vẹn cho con người, Ngài đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.

Đây chính là kinh nghiệm mà người bạn đồng hành, Chúa Giêsu Phục Sinh, đã chia sẻ cho hai người môn đệ trên đường Emmaus. Tâm hồn họ nóng bừng lên khi Ngài chia sẻ kinh nghiệm của Ngài, và nhất là khi Ngài nói lên ý nghĩa về cái chết của Ngài qua cử chỉ bẻ bánh và trao ban. Mắt của hai người môn đệ đã mở ra để nhận biết Ngài, hiểu được các biến cố vừa xảy ra, và dĩ nhiên thấy được ý nghĩa của chính cuộc sống của họ.

Ngày nay, trong từng biến cố của cuộc sống chúng ta, Chúa Kitô Phục Sinh cũng đang đến và đồng hành với chúng ta trong từng sinh hoạt và gặp gỡ của chúng ta. Ngài có mặt trong từng niềm vui và nỗi khổ của chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận Ngài như người bạn đồng hành, chuyện vãn và chia sẻ với chúng ta, đôi mắt đức tin của chúng ta sẽ mở ra, và lúc đó, trong ánh sáng Phục Sinh của Ngài, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.

Người Kitô hữu chúng ta đã nghe nói về Chúa và cũng được Chúa nói với chúng ta rất nhiều. Nhưng khi cơn gian nan thử thách tới, phong ba bão táp nổi lên, chúng ta mới thấy mình hiểu Chúa quá ít, yêu Chúa chẳng được bao nhiêu. Và niềm tin bắt đầu chao đảo theo con sóng cuộc đời. Như hai môn đệ Emmau, lúc này chúng ta cần phải bám lấy Lời Chúa, như đuốc sáng soi đường, như hải đăng định hướng, giúp chúng ta vượt qua các cơn giông tố.

Cũng đừng quên rằng, chính khi “bẻ bánh” mà hai môn đệ Emmau mới bừng sáng con mắt mà nhận ra Người. Chỉ có bí tích Thánh Thể mới giúp người tín hữu hồi phục sau những cơn giông tố. Chỉ có Bí tích Thánh Thể mới bổ sức cho người tín hữu sau những lần vấp ngã đắng cay. Chỉ có bí tích Thánh Thể mới dẫn đưa chúng ta từ nơi tối tăm sự chết đến miền ánh sáng Phục sinh.

Ước gì sự hiện diện của Đấng Phục Sinh và hai người môn đệ trên đường Emmaus cảm nhận được lấp đầy tâm hồn chúng ta, để trong mọi cảnh huống của cuộc sống, chúng ta không lẫm lũi bước đi trong đơn độc mà trái lại, hân hoan tiến bước với Ngài.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!