Phụng vụTư liệu Phụng vụ

Vài nét về thanh danh của thánh nữ Maria thành Magdala (P2)

Vài nét về thanh danh của thánh nữ Maria thành Magdala (P2)

 

3/ Những truyền thuyết xung quanh Maria Madalena đến từ đâu?

Qua những đoạn văn như thế, chúng ta thấy mình xa với cái gọi là người phụ nữ lầu xanh của Martin Scorsese (Cuộc cám dỗ cuối cùng của Đức Kitô, 1988), của người phụ nữ khỏa thân ôm choàng lấy Giêsu trên thập giá bằng đá cẩm thạch của Auguste Rodin, hay là của người phụ nữ định mệnh và khó hiểu của Léon Bloy (Kẻ thất vọng, Nxb Georges Crès, 1887). Làm sao có thể giải thích được một sự tưởng tượng phong phú như vậy? Các nhà chú giải dường như đã tìm ra được thủ phạm: Đức Giáo Hoàng Grégoire Le Grand (540-604), trong khi tìm kiếm để phát huy lý thuyết về sự sám hối, ngài đã lẫn lộn Maria Madalena, Maria – người chị em của Matta và Lazarô cũng như “người phụ nữ tội lỗi” đã đột xuất nhảy vào một buổi tiệc để lau chân Đức Giêsu (Lc 7,36-50). Chantal Reynier giải mã: “Trong khi các giáo phụ Hy Lạp phân biệt Maria Madalena với những người khác, Giáo Hoàng bắt Giáo hội phải chấp nhận ba khuôn mặt làm thành một nhân vật duy nhất và độc nhất, nơi đó cả ba diễn tả sự hối hận về tội lỗi sau một cuộc sống trụy lạc, sự từ bỏ của cải cũng như sự thân mật với Giêsu và sự trung tín tuyệt đối, khuôn mặt trọng đại này nổi bật ở Tây phương”. Việc lẫn lộn này của Đức Giáo Hoàng Grégoire Le Grand là nguồn cội của vô vàn giai thoại. La Vita Eremitica viết từ thế kỷ thứ IX tại miền Nam nước Ý, chủ trương Maria Madalena là một gái lầu xanh của thành Alexandrie, khi đã ăn năn hối cải, trở thành ẩn sĩ. Về phía người Pháp, La Legende dorée của Jacques de Voragine (1228-1298) bịa ra câu chuyện ngông cuồng nhưng rất hợp ý với quần chúng, như câu chuyện Maria Madalena bị người Do Thái theo dõi, đã xuống thuyền không voan, không mái chèo, đi cùng với Lazaro, Matta và nhiều môn đệ khác, tất cả được cập bến Marseille một cách lạ lùng và ở đó các ngài đã hoán cải dân chúng của vùng này, sau đó cả nhóm tách ra, đi mỗi người một nẻo. Maria Madalena thì trú ẩn ở trong một cái hang, ở đó ngài sống một đời sống khổ tu có những thiên thần đồng hành. Đến ngày hôm nay truyền thuyết này lôi kéo rất nhiều người hành hương đi đến hang này ở gần  Saint-Maximin, tại Les Van, nơi đó có hang “mùi hương thơm” linh thiêng được xem là đã đón tiếp Maria Madalena. Và đan viện phụ Vezeley (Yonne) còn đang giữ những thánh tích của Maria Madalena thường được trưng bày vào ngày lễ 22.7.

4/ Tại sao đôi khi người ta cho rằng Maria Madalena là người vợ của Đức Kitô?

Một giai thoại nữa cho rằng Maria Madalena là vị hôn thê của Đức Kitô, ngay cả là mẹ của con cái của Ngài. Tuy nhiên, giai thoại này nổi bật thật sự chỉ vào thế kỷ XX trong một xã hội tục hóa, nơi mà việc phạm thượng hay có những tương giao giới tính không còn là điều cấm kỵ nữa. Thuyết này được phát triển bởi cái gọi là một trắc nghiệm của các ký giả người Anh Michael Baigent, Richard Leigh, Henry Lincoln đã in ấn vào năm 1982, The Holy Blood And The Holy Grail, được dịch ra bằng tiếng Pháp là L’Enigme sacrée. Không được giới thiệu như một tiểu thuyết, quyển sách xác định và chỉ định một dòng họ, đó là dòng họ của các vua nước Pháp. Bị các nhà sử gia chế nhạo vì đã ra công đọc nó, song tác phẩm cũng đã có tác động chính trong văn chương quần chúng, đem lại bao nhiêu hoa quả như tiểu thuyết của Da Vinci Code của Dan Brown. Cho dù những suy tư hão huyền và phi lý có chăng, thì nó cũng dựa trên một số lý thuyết cơ bản. Ví dụ qua đoạn Phúc Âm của Gioan ghi lại rằng Đức Giêsu đã cản Maria Madalena đụng đến Ngài: “Đừng đụng đến Thầy vì Thầy chưa về với Cha” (Ga 20,17). Những nhà viết sách đã gợi ý rằng Maria Madalena gần như xém liên hệ thể lý với Giêsu khi Phục Sinh! Nếu đa số thấy trong cách nói này, ý nghĩa tương đương của “đừng giữ Thầy lại” hoặc một sự bất khả thi khi đụng đến “thân thể vinh quang” của Đức Kitô, thì một số chú giải thấy ở nơi đó một dấu chỉ của một sự gần gũi thân mật. Vào năm 2012, một tập sách cổ do một người ẩn danh ở trường Harvard, trình bày “như một Phúc Âm người vợ của Giêsu” gây thêm hoang mang. Trong bản văn này, có thể từ thế kỷ thứ V, còn được giữ lại, nhưng không được tốt lắm, một vài từ không được rõ nét, không thể đọc được, thì Giêsu nêu tên Maria Madalena đầu tiên, và bản văn gợi lên câu “người vợ của tôi”. Và cuối cùng: “nàng có thể là môn đệ của tôi”. Sự trung thực của bản văn này bị nghi ngờ và tranh cãi. Hơn nữa với giả thuyết không vững lắm mà chúng ta vừa chứng minh, điều này đã không cho chúng ta biết gì hơn về hoàn cảnh phu thê của Giêsu. “Bản văn viết trên giấy cói, và không rõ nét này, không cung cấp một bằng chứng nào rằng Giêsu đã lấy vợ: nó chỉ cho chúng ta thấy rằng một số tín hữu nghĩ rằng Ngài lập gia đình”, vào một thời kỳ mà đời sống hôn nhân là quy tắc và nơi đó nhiều người tự đặt vấn đề về chỗ đứng của vợ chồng trong sứ điệp Công giáo như Karen King, giáo sư trường Divinity Harvard đã nhấn mạnh, khi trình bày tài liệu. Nhưng chính trong các Phúc Âm ngụy thư mà người ta tìm được nhiều yếu tố gợi lên một sự liên hệ và đặc biệt hơn ở Phúc Âm Philip. Phúc Âm này diễn tả Maria Madalena như người bạn đồng hành của Giêsu và gợi lại một giai thoại khá sửng sốt kỳ dị: “Thầy chí thánh yêu thương Maria Madalena hơn mọi môn đệ khác và Người thường hôn cô ở miệng. Những người môn đệ khác nói với Giêsu: tại sao Ngài yêu thương cô ta hơn chúng con ? Đấng Cứu Thế trả lời và nói: Tại sao Thầy lại không yêu thương anh em như cô?”. Chúng ta nghĩ sao về bản văn này? Sự trung thực của các ngụy thư đã được loại bỏ từ đa số Giáo hội Công giáo bởi được xem như quá khác biệt trong cấu trúc cũng như trong sứ điệp của nó, khác với Phúc Âm chính thống. Do đó giữa đa số các tác giả nhìn nhận các bản văn này cách nghiêm túc, đã cho đó là một công thức ẩn dụ, “bạn đường” có nghĩa ở đây là môn đệ và “nụ hôn” đại diện cho quà tặng của Thánh Thần, sự san sẻ hơi thở thần linh. Sử gia Regis Burnet phân tích (Le Monde des Religions No 68, Novembre 2014) kết luận: “Sự thành công của những thuyết này – liên quan đến đời sống hôn nhân của Giêsu – giúp chúng ta hiểu về thời đại của chúng ta cùng với khuynh hướng hấp dẫn ưa thích đi ngược dòng với những giải thích cổ xưa. Tại sao thời đại chúng ta không còn suy nghĩ được rằng, đời sống độc thân có thể là một chọn lựa trong suốt 20 thế kỷ qua, một sự chọn lựa mà tất cả mọi tư liệu lịch sử đều xác định?”.

 

5/ Tại sao Maria Madalena ngày hôm nay lại được phục hồi qua những phong trào nữ giới?

Trong những thời đầu của Kitô giáo, tiếng nói của Maria Madalena dường như dần dần bị loại so với tiếng nói của nam giới. Thánh Phaolô không hề lưu ý gì đến Maria Madalena trong các bức thư của mình liên quan đến những chứng nhân của Phục Sinh: “Đức Kitô sống lại vào  ngày thứ ba theo Thánh kinh. Người đã hiện ra cho Céphas (Phêrô) và nhóm mười hai. Sau đó, Người hiện ra với hơn 500 anh em một lần” (1Cr 15, 4). Christine Pedotti, người sáng lập nhóm nữ giới mang tên “Le Comité de la jupe” (Ủy ban của giới mặc váy) than phiền rằng: “Ngày hôm nay dường như vẫn luôn quan niệm rằng, việc gặp gỡ giữa Giêsu và Maria Madalena, lúc Phục Sinh, chỉ là một chi tiết nhỏ, một nét hoa mỹ thêm vào bản văn chính”. Bà còn thêm:“Sự kiện Maria Madalena có thể chỉ là một sự minh họa rõ rệt nhất về phong trào xóa bỏ người phụ nữ cách nhẫn tâm, đã bắt đầu khá sớm trong lịch sử của những Cộng đoàn tín hữu tiên khởi và ngày hôm nay vẫn còn kéo dài”. Dù vậy, tình huống được thay đổi đôi chút trong lòng Giáo hội Công giáo. Năm 2016, quyền bính Tòa Thánh đã nâng lên hàng lễ làm vinh danh Maria Madalena cách công khai ngày 22.7. Được phục hồi, khuôn mặt của người Thành Magdala ngày hôm nay chiếm vị trí trung tâm cho một số phong trào và những sáng tác Công giáo bênh vực cho vị trí của người phụ nữ được tốt đẹp hơn trong lòng Giáo hội. Nữ thần học gia Sylvaine Landrivon (Thiên Chúa và Kitô giáo, Giới tính và nữ tính, nhà xuất bản Ateliar, 256 trang), nhấn mạnh: “Giáo hội Công giáo dựa trên sự kiện rằng, các vị Tông đồ là 12 người nam, để loại trừ phụ nữ khỏi chức vụ linh mục… Song các vị đã làm gì về Maria Madalena? Maria Madalena được nhìn nhận như tông đồ lý tưởng, vị tông đồ của các tông đồ, người đầu tiên, loan truyền cho nam giới Tin Mừng”. Nếu giờ này, vấn đề người phụ nữ có thể làm linh mục hoàn toàn còn bị loại trừ khỏi những tranh luận chính thức, thì vấn đề trao cho người phụ nữ chỗ đứng và trách vụ nhiều hơn là trọng tâm của những tiến trình khác nhau hiện đang có, ngay cả trong Thượng Hội đồng về Hiệp hành, công trường mênh mông này sẽ phải kết thúc vào đầu 2024, đang hướng đến những canh tân về việc quản trị của Giáo hội Công giáo. Trong những đề nghị của hàng triệu tín hữu trên khắp thế giới, khuôn mặt của Maria Madalena sẽ được nổi bật, rõ ràng, để làm nổi bật hơn nữa, những đề nghị đòi hỏi, của người phụ nữ, cần phải có một vai trò rõ ràng, tốt đẹp hơn trong Giáo hội.

 

Nt. Trần Thị Quỳnh Giao – Fmm

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!