Góc tư vấn

Tại sao Tháng 10 là tháng Mân Côi?

Tại sao tháng Mân Côi không phải là Tháng 5 mà là Tháng 10? Theo truyền thống của Giáo hội, Tháng 5, Tháng Hoa, thường dành riêng cho Đức Trinh Nữ Maria. Tuy nhiên, truyền thống sùng kính Mẹ Mân Côi được phổ biến từ rất sớm, vào thế kỷ 13. Chính xác hơn là từ năm 1208, khi Đức Mẹ hiện ra với Thánh Đa Minh thành Guzman, yêu cầu ngài thiết lập việc thực hành lần chuỗi Mân Côi và phổ biến việc này cho toàn thế giới. Từ đó đến nay, lòng sùng kính Đức Mẹ qua việc lần chuỗi Mân Côi được lan rộng khắp nơi.

Trận hải chiến Lepanto

Vào thế kỷ 16, khắp Châu Âu bị đe dọa bởi cuộc xâm lược của người Ottoman, Hồi giáo. Tin tưởng vào lời hứa của Mẹ : Kitô giáo sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống lại quân xâm lược nhờ lời cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi, Đức Giáo hoàng Piô V đã khuyến khích các tín hữu siêng năng lần chuỗi, như vũ khí và sức mạnh thiêng liêng chống lại quân thù. Vào thời điểm này, đế chế của Ottoman rất hùng mạnh, nếu người Công giáo thất bại, thảm họa biến Châu Âu thành chuồng nuôi ngựa, như lời của một vị tướng quân đội Hồi giáo đã nói, chắc chắn sẽ xảy ra.

Vào ngày 7 tháng 10 năm 1571, người Công giáo đã chứng kiến ​​lời hứa của Đức Mẹ được thực hiện trong trận hải chiến mang tính biểu tượng nhất mọi thời đại: Trận chiến vịnh Lepanto.

Tại Rôma, Thánh Giáo hoàng Piô V liên lỉ cầu xin sự trợ giúp thiêng liêng nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria. Thời gian này, dường như mọi sinh hoạt chung của Giáo hoàng đều dừng lại. Bầu khí ảm đạm bao trùm. Cho đến một ngày tin mừng được loan đi : Chúng ta đã thắng ở Lepanto!

Không đợi tin tức về trận chiến, Đức Thánh Cha kêu gọi tất cả các tín hữu mừng kỷ niệm ngày chiến thắng thật kỳ diệu. Một cuộc rước long trọng diễn ra trên các đường phố ở Rôma. Chỉ vài ngày sau, các sứ giả của hạm đội xác nhận tin chiến thắng đã được Giáo hoàng công bố.

Không lâu sau, Đức Piô V đã thiết lập ngày lễ Đức Bà Chiến Thắng vào ngày 7/10. Ngày lễ này sau đó được Đức Giáo hoàng Grêgôriô XIII đổi thành lễ Đức Mẹ Mân Côi.

Chính vì tầm quan trọng to lớn của chiến thắng này đối với việc gìn giữ đức tin Kitô giáo mà truyền thống coi tháng 10 là Tháng Mân Côi cho đến hôm nay.

Các thánh nói gì về Kinh Mân Côi

“Bất cứ ai đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày sẽ không bị lầm đường, lạc lối. Đây là một tuyến bố mà tôi sẵn lòng ký kết bằng máu của tôi” (Thánh Louis de Montfort).

“Trong tất cả những lời cầu nguyện, Chuỗi Mân Côi là lời kinh đẹp nhất và giàu ân sủng nhất… hãy yêu mến Kinh Mân Côi và hãy đọc nó mỗi ngày với lòng sùng mến” – (Thánh Piô X),

“Tuyệt vời biết bao khi mỗi gia đình đọc Kinh Mân Côi mỗi tối” – (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II).

“Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện yêu thích của tôi. Một lời cầu nguyện kỳ ​​diệu! Tuyệt vời trong sự đơn giản và chiều sâu của nó ” – (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II)

“Kinh Mân Côi là một kho tàng vô giá được Chúa gợi hứng” – (Thánh Louis de Montfort).

“Không có phương tiện nào tốt hơn để cầu xin phúc lành của Thiên Chúa xuống trên gia đình… cho bằng việc lần chuỗi mỗi ngày” – (Giáo hoàng Piô XII).

“Kinh Mân Côi là hình thức cầu nguyện tuyệt vời nhất và là phương tiện hữu hiệu nhất để đạt được sự sống vĩnh cửu. Nó là phương thuốc cho mọi tệ nạn của chúng ta, là gốc rễ của mọi phúc lành của chúng ta. Không có phương thế cầu nguyện nào tuyệt vời hơn Kinh Mân Côi” – (Thánh Giáo hoàng Lêô XIII).

“Hãy cho tôi một đội quân biết lần Chuỗi Mân Côi, tôi sẽ chinh phục được thế giới” – (Giáo hoàng Piô IX).

“Nếu các bạn đang mong mỏi sự bình an cho tâm hồn, gia đình và quốc gia của mình, hãy tụ họp hằng đêm để đọc Kinh Mân Côi. Đừng để một ngày trôi qua mà không đọc nó, cho dù có thể bạn bị đè nặng bởi những lắng lo và lao động” – (Giáo hoàng Piô XI)

“Thánh Mẫu đã không bao giờ từ chối ban ơn cho tôi qua việc đọc kinh mân côi” – (Cha thánh Piô).

“Phương pháp cầu nguyện tốt nhất là lần Chuỗi Mân Côi.” – Thánh Phanxicô Sales.

“Sẽ có một ngày, qua việc đọc Kinh Mân Côi và mang áo Đức Mẹ, Mẹ sẽ cứu thế giới” – (Thánh Đaminh).


G. Võ Tá Hoàng
Nguồn: https://www.hoangcatholic.com/

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!