Tài liệu JraiThư viện

Tết Nguyên đán ‘độc nhất vô nhị’ của người Jrai 

Nếu đề tìm ra Tết của đồng bào nào là khác biệt và độc nhất vô nhị, đó hẳn là Tết của người Jrai. Sự kiện này bắt đầu khi mùa khô kết thúc, những giọt mưa đầu tiên nhỏ xuống những mảnh ruộng khô hạn. Tết không ấn định bất kỳ ngày nào cụ thể, mà chỉ diễn ra trong phạm vi tháng đầu mùa mưa nên cũng không có giao thừa.

 

Ở Việt Nam, người Jrai hiện khoảng trên 410 nghìn người, cư trú tập trung ở 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk. Dân tộc Jrai là một dân tộc có bề dày văn hóa truyền thống. Trong bức khảm văn hóa Jrai, tết nguyên đán là một nét đậm tươi sáng.

Lịch của người Jrai theo nông lịch, 1 năm có 12 tháng. Hàng năm, qua mùa khô hanh, khi có hạt mưa đầu tiên rơi xuống là lúc băt đầu tháng 1 của người Jrai. Người Jrai gọi cơn mưa này là lệ rah. Hằng năm, cơn mưa đầu tiên trên rẻo đất Tây nguyên thường trúng vào tháng 4 dương lịch. Trong mười hai tháng theo lịch của người Jrai thì 10 tháng đầu tiên được gọi tên bằng số từ 1 đến 10, còn hai tháng cuối thì có tên riêng lần lượt là tháng Ning Nung và tháng Wor.

Ning Nung là hình tượng con cá dưới nước, con thú trên rừng. Tháng Ning Nung có thể xem là tháng săn bắt. Wor nghĩa đen của từ này là “quên”. Sau một năm vất vả con người ta cũng cần quên: quên rìu rựa, quên lo toan đời thường để ăn chơi để chăm lo những việc tinh thần.

Như vậy tháng 4 dương lịch thường trúng với cái tết của người Jrai. “Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật” chính là tháng cuối cùng trong năm, cũng là tháng người Jrai chuẩn bị đón Tết nguyên đán. Đất trời Tây Nguyên tháng tư, lúc có cơn mưa đầu mùa, trên rừng thì lá cây đã được gột rửa, dưới đất thì bụi đỏ bazan đã chịu nằm yên, thời tiết khô ráo, mát mẻ. Lúc này mà tổ chức các cuộc vui đón tết cũng có thể nói là đã hội đủ 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Người Jrai không thống nhất ngày tết nguyên đán, mà chỉ thống nhất tháng tết nguyên đán là tháng 4. Trong phạm vi tháng 4, ngày tết tùy theo gia đình, tùy theo làng lựa chọn mà thành. Vì không có ngày đón tết thống nhất chung cho cả cộng đồng nên người Jrai không quan tâm đến đêm giao thừa.

Bước vào năm mới, người Jrai không đón tết nguyên đán riêng. Các gia đình Jrai thường tổ chức kèm theo một Lễ nào đó như : Lih (lễ tạ ơn), hay lễ Pơ- thi (lễ bỏ mả), hay Đị tố sang (lễ mừng nhà mới). Gia đình nào không có Lễ kèm theo tết nguyên đán thì việc tổ chức đón tết nguyên đán có phần tùng tiệm hơn.

Theo phong tục Jrai, con vật nào định mổ để cầu cúng trong ngày tết thì cần có sự chăm sóc đặc biệt. Thường thì khi nuôi nó, chủ nhà có làm một lễ nhỏ cầu xin các thần phù hộ cho nó hay ăn chóng lớn. Khi nuôi, nếu không may con vật này chết đi, muốn nuôi con vật khác để dùng trong ngày tết thì lại phải cúng nữa.

Ngày tết, người Jrai dùng nhiều rượu. Rượu uống ngày tết là rượu cần ủ sẵn trong ghè. Có nơi ủ cả năm, nếu là men tự làm bằng nguyên liệu lấy trong rừng thì để càng lâu càng tốt. Tinh bột dùng để nấu rượu là thóc chỉ trật vỏ trấu, còn ngô thì chỉ giã dập chứ không xay nhỏ. Nhờ khéo tay, cơm ráo, men rượu lại tốt nên rượu cần của người Jrai thường rất ngọt và không có vị chua. Rượu cần của đồng bào thường không có nồng độ cao, lại dễ uống nên uống được nhiều, nhưng xem chừng đấy, đã say rượu ghè Jrai thì say ngất say ngư.

Ngày tết người Jrai không làm bánh, họ chỉ dùng cơm và chế biến thức ăn nhiều hơn ngày ngày thường. Cơm lam được nấu trong ống lồ ô to bằng cán dao. Thức ăn ngày tết của người Jrai thường là món thịt nướng, mòn phèo, món canh bí nấu với xương trong nồi to. Người Jrai còn ưa thích món ăn có tên là nhăm tơ-pung, gần giống như món cháo. Gạo giã nhỏ như bột trộn với thịt với rau, có nơi không có rau thì lấy xơ mít xé nhỏ rồi nấu nhuyễn lên. Có thể nói, nón ăn này là món phổ biến nhất của nhiều làng Jrai. Mâm cỗ nào không có món nhăm tơ-pung này là cảm thấy thiếu thiếu.

Trong tháng tết, khi một nhà tổ chức ăn uống, chỉ cần được thông báo, không cần biết gia chủ có mời hay không, người nhà khác cứ đến ăn. Khi đến, họ mang thức ăn hoặc gạo đến để góp. Ai góp gì, góp bao nhiêu cũng được. Chủ khách chẳng ai so đo tính toán. Tập tính cộng đồng và sự hồn nhiên trong đời sống của người Jrai là thế. Ăn uống xong, ai ra về cũng được gia chủ biếu một miếng thịt, dù là rất nhỏ.

Trong những ngày tết, trước khi ăn uống, người Jrai thường mời thầy cúng, nhờ thầy cúng gọi các thần núi, thần sông, thần suối gần đó và gọi tổ tiên về ăn chung. Khi cúng, thầy cúng đặt một ngón tay vào ghè rượu rồi kể lể vân vi. Lúc kết thúc lời cúng, thầy lấy nước trong bát đồng đổ vào ghè rượu. Ai là nhân vật chính trong lễ thì được ưu tiên cầm cần uống trước.

Sau khi đón tết nguyên đán, người Jrai bước vào vụ mới. Trước khi lên nương, tha pơ-lơi hay tha bôn (già làng) là người tổ chức lễ cúng để cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, con chuột, con chim không đến quấy phá.

Người Jrai cũng như một số dân tộc thiểu số anh em khác có ngày tết nguyên đán truyền thống không trùng với tết nguyên đán của người Việt, nhưng ngày tết nguyên đán của người Việt được đồng bào các dân tộc coi là cái tết chung của đại gia đình Việt Nam. Và như thế, đồng bào dân tộc có hai tết nguyên đán, hai niềm vui đón xuân, niềm hạnh phúc của đồng bào như được nhân đôi.

Những điểm check-in ở Tây Nguyên

Tây Nguyên – mảnh đất còn khá lạ lẫm với các ‘tín đồ du lịch, nhưng khác với những điểm đến đã nổi danh và bị du lịch hóa ít nhiều, Tây Nguyên sở hữu vẻ đẹp nguyên sơ, độc đáo mà nếu bạn từng đến một lần sẽ không khỏi quyến luyến.

Đến với thành phố được mệnh danh là “sơn nữ núi rừng” Kon Tum, từ xa bạn có thể thấy tháp chuông nhà thờ gỗ Chánh tòa Kon Tum, một trong những địa điểm lâu đời và đẹp nhất thành phố. Sự pha trộn giữa kiến trúc nhà sàn Tây Nguyên và kiến trúc nhà thờ phương Tây đã tạo nên một công trình tôn giáo mang tính thẩm mỹ rất cao, mang lại những góc chụp ảnh độc và lạ. Nhà thờ này nằm ở đường Nguyễn Huệ, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Khung cảnh tự nhiên hoang sơ, thanh bình cùng khí hậu mát mẻ là những lí do mà Măng Đen đang nổi danh như một ‘Đà Lạt thứ hai’ của vùng cao nguyên dạo gần đây mà giới trẻ thi nhau đến check-in. Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen là nơi lý tưởng để bạn ‘đi trốn’ thế giới thực tại, đến với thiên nhiên nguyên sơ, tĩnh lặng, tận hưởng bầu không khí trong lành, ngắm nhìn thảm thực vật xanh ngát, rừng thông bạt ngàn xen kẽ những đồi hoa sim hay dòng thác kỳ vĩ tung bọt trắng xóa ngày đêm. Địa chỉ khu du lịch này ở xã Đăk Long,huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.

Ngã ba Đông Dương (Nơi tiếp giáp ranh giới 3 nước Việt nam-Lào-Campuchia) là điểm check-in thú vị mà bao người muốn được chinh phục khi đặt chân đến Kon Tum. Từ Kon Tum, hành trình của bạn sẽ băng qua Đăk Hà, Đăk Tô để đến Plei Cần rồi đến cửa khẩu Bờ Y, bạn sẽ ‘phượt’ qua những đồi cà phê bạt ngàn, vượt qua những cánh đồng, con suối, xuyên qua những cánh rừng cao su…để đến với địa điểm này. Bạn có thể đi vào cuối tháng 1 nếu muốn ngắm cảnh rừng cao su mùa lá rụng hoặc tháng 12 khi hoa dã quỳ nở vàng rực hai bên đường.

Được ví von như ‘Dubai phiên bản Việt’, khu du lịch sinh thái M’Đrắk là điểm đến mới nổi được nhiều bạn trẻ tìm đến check-in nhất khu vực Tây Nguyên. Những bãi cát trắng trải dài, những bãi đá xếp chồng lên nhau, trang trại ngựa, nhà sàn, hay những hồ nước xanh trong vắt…tạo nên một vẻ đẹp rất riêng cho nơi này. Đến đây bạn sẽ có những trải nghiệm khó quên khi thong thả dạo bước trên cát, ngồi xe trượt qua những cồn cát hay cưỡi ngựa tham quan chẳng khác gì xứ Dubai xa xôi.

 

Giống viên ngọc bích giữa núi rừng Tây Nguyên, Hồ T’nưng hay Biển Hồ là một hồ nước ngọt cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 7 km về phía tây bắc. Vẻ đẹp của Biển Hồ làm say lòng bao người với nét lãng mạn, hoang sơ hiếm có, đây vốn là miệng núi lửa khổng lồ, quanh năm đầy nước và luôn xanh ngắt. Hồ đặc biệt đẹp khi hoàng hôn buông xuống, khung cảnh nhuộm ánh nắng chiều vô cùng nên thơ và bình yên. Đến đây, bạn có thể thuê thuyền lướt nhẹ trên mặt hồ êm ả, vừa nghe kể về những huyền thoại bí ẩn của Biển Hồ vừa thưởng ngoạn cảnh sắc huyền ảo nơi đây.

Hồ Tà Đùng là địa danh này gần đây đang ‘gây sốt’ trong cộng đồng du lịch bụi với cái tên ‘vịnh Hạ Long giữa núi rừng Tây Nguyên’ và là điểm check-in không thể bỏ qua nếu bạn muốn khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của vùng đất này. Khi ngắm nhìn hồ Tà Đùng từ trên cao, hẳn bạn sẽ choáng ngợp trước hơn 36 hòn đảo lớn nhỏ trên mặt hồ hoặc bạn có thể thuê ghe lướt trên mặt hồ tĩnh lặng để hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, yên bình giữa núi rừng.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!