
THÁNH CA VÀ QUYỀN SỞ HỮU: MỘT GÓC NHÌN PHÁP LÝ
(Trần Đức Hiệp – Th.S Luật Quốc tế)
Thời gian gần đây, nhiều nhạc sĩ và các đơn vị phát hành ca khúc Công giáo bất ngờ nhận được thông báo rằng họ đang vi phạm bản quyền kèm theo yêu cầu thanh toán tiền bản quyền từ một tổ chức tác quyền được thành lập theo pháp luật nước ngoài.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại, vì trong tâm thức của người Công Giáo Việt, việc sử dụng các tác phẩm Thánh ca trong sinh hoạt tôn giáo, vốn là để ca tụng Chúa và phụng vụ cộng đoàn, nay lại có thể bị khiếu nại bản quyền và bị yêu cầu trả phí bất kỳ lúc nào. Đằng sau đó, các cuộc đàm phán về tác quyền vẫn diễn ra với sự ấm ức kèm theo hoài nghi về tính chính danh của tổ chức đại diện quyền tác giả.
Là một người giảng dạy, nghiên cứu và tư vấn pháp lý, tôi xin chia sẻ một vài phân tích dưới góc nhìn pháp luật với mong muốn đóng góp một góc nhìn khách quan, minh bạch và có cơ sở pháp lý.
Trước khi đi sâu vào nội dung, tôi muốn nhấn mạnh một nguyên tắc nền tảng: Tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học là kết tinh của lao động trí tuệ và quyền tác giả đối với những tác phẩm này – bao gồm cả quyền liên quan (ví dụ: quyền của tổ chức ghi âm với bản ghi âm) – cần được pháp luật bảo vệ và xã hội tôn trọng.
Thật vậy, chúng ta cần ý thức rằng, nếu chúng ta không tôn trọng quyền của tác giả, quyền liên quan chủ sở hữu quyền như các nhà ghi âm, phát sóng, người biểu diễn thì chúng ta đã không thật sự trân trọng nét đẹp của tác phẩm mà chúng ta đang mang đến độc giả. Bên cạnh đó, trong khi chúng ta yêu mến các nhạc sĩ, thì họ vẫn sống chật vật khi những đứa con tinh thần bị người ta đem ra sử dụng, rao bán, kiếm lợi không tiếc thương. Từ đó, những ý tưởng tốt đẹp, những ca khúc có tính sáng tạo sẽ không còn điều kiện để phát triển nữa.
Tuy nhiên, pháp luật cũng có những giới hạn nhất định của quyền tác giả, quyền liên quan nhất là những ngoại lệ cho người khuyết tật, người nghiên cứu và vì mục đích cá nhân không vì mục tiêu thương mại. Riêng với các ca khúc trong đời sống của người Công giáo (bao gồm Thánh ca và nhạc đạo), cá nhân tôi cũng như cộng đoàn dân Chúa, những người được hưởng lợi từ việc được thưởng thức các nhạc phẩm thật lòng biết ơn và tri ân những nhạc sĩ Công Giáo ngày đêm nhả tơ lòng để sáng tác các nhạc phẩm để chúng tôi được hướng lòng về với Chúa, để giúp tôi hoán cải, canh tân và thay đổi bản thân.
Một thực tế cho thấy rằng, việc bảo vệ các tác phẩm thánh nhạc dưới góc độ pháp lý là một sự cần thiết. Trong nhiều năm gần đây, tình trạng một số doanh nghiệp đứng ra ký hợp đồng với các ca sĩ, nhạc sĩ, nhà thu âm nhưng đã đánh bản quyền các bản ghi âm trên môi trường Youtube như các tác phẩm của nhạc sĩ kỳ cựu, trong khi đó, các bản ghi âm này không chỉ bao gồm quyền của nhà ghi âm, của người biểu diễn mà còn bao gồm quyền của các tác giả. Một nghịch lý cay đắng mà trong quá trình giảng dạy, tư vấn và trợ giúp pháp lý, tôi đã gặp một số nhạc sĩ của mình bị một số công ty đánh dấu các bản ghi do chính họ đầu tư là vi phạm bản quyền.
Do đó, việc một số nhạc sĩ Công giáo, trong hoàn cảnh bối rối đã cùng tập hợp hoặc đồng ý tham gia vào một số tổ chức, sau đây tạm gọi là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (QTG, QLQ) để giao cho tổ chức này đại diện và quản lý quyền của mình. Tuy nhiên, những bất ổn cũng bất đầu nảy sinh giữa Hội và tác giả, thậm chí có cả những tranh chấp giữa các Hội với các nhà ghi âm, ghi hình.
Cá nhân tôi, trong bài viết này không muốn đề cập khía cạnh tinh thần, tài sản hay đạo đức, chỉ mong muốn thông qua sự đối chiếu với các quy định Pháp luật Quốc tế, Pháp luật của các quốc gia để cố gắng làm rõ giá trị pháp lý và cơ sở của các yêu cầu của Hội cũng như các tranh chấp nảy sinh với một mục đích: Đó là các bên có thời gian để hoàn thiện cơ chế, các nhà sáng tạo nội dung số cũng có cơ sở để bảo vệ quyền lợi của mình.
Tuy nhiên, đây vẫn là một lĩnh vực pháp lý tương đối phức tạp và dễ gây hiểu nhầm nếu chỉ nhìn từ một phía và có thể tôi sẽ không tránh được thiếu sót trong những nhận định cá nhân.
VẤN ĐỀ THỨ NHẤT: VỀ GIÁ TRỊ, CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA CÁC TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN QUYỀN TÁC GIẢ
1. LUẬT ÁP DỤNG ĐỂ BẢO VỆ QUYỀN
Vấn đề này xuất phát từ việc Hội TQ… thành lập theo Pháp luật nước ngoài đang yêu cầu các tác giả, các nhà sản xuất bản ghi âm Việt Nam thanh toán tiền tác quyền đối với các tác giả họ đại diện.
Luật Quốc tế và Luật Việt Nam quy định về điều này như thế nào?
Trước hết, cần thấy rằng vụ việc này đang áp dụng đối với tài sản sở hữu trí tuệ là tác phẩm âm nhạc của các tác giả Việt Nam là chính. Vậy nên, chúng ta có câu trả lời ngay tại khoản 3, Điều 5 Công ước Berne mà Việt Nam là thành viên quy định cụ thể như sau:
“3. Việc bảo hộ tại Quốc gia gốc do Luật pháp của Quốc gia đó quy định. Tuy nhiên, khi tác giả không phải là công dân của Quốc gia gốc của tác phẩm được Công ước này bảo hộ, thì tác giả đó được hưởng tại Quốc gia này những quyền như các tác giả là công dân của nước đó.”
Như vậy, việc thực thi quyền như việc đòi tiền của tác giả Việt Nam ngay trên đất Việt Nam thì do Luật Việt Nam quy định, nếu đòi tiền tác quyền tác phẩm VN trên đất Nauy thì quyền tác giả vẫn được bảo vệ nhưng phải theo Luật Nauy. Không có cơ sở nào cho thấy có thể áp dụng Luật Nauy tại Việt Nam đối với các tác phẩm của Việt Nam.
Theo quy định của Điều 56, Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam thì “chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trực tiếp hoặc có thể ủy quyền cho:
1) Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (QTG, QLQ) hoặc
2) Tổ chức được thành lập hợp pháp
3) Cá nhân khác theo quy định của pháp luật,
để thực hiện và bảo vệ QTG, QLQ của mình.
Bên được ủy quyền có trách nhiệm thông tin công khai để các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng liên hệ thỏa thuận về việc khai thác, sử dụng.”
Như vậy, có Luật Việt Nam cho phép 03 loại hình tổ chức, cá nhân có thể thay mặt chủ sở hữu quyền thực thi quyền lợi của mình.
2. LOẠI HÌNH THỨ NHẤT: TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN TẬP THỂ QTG, QLQ
Tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ là tổ chức tự nguyện, tự bảo đảm kinh phí hoạt động, không vì mục đích lợi nhuận do các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thỏa thuận thành lập, hoạt động để thực hiện ủy thác quyền tác giả, quyền liên quan. Đây là một mô hình cực kỳ phổ biến trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, các tổ chức đại diện đã được thành lập khá lâu, nhưng hoạt động có hiệu quả nhất là “VCPMC – Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam”. Các tổ chức này theo quy định phải đăng ký với cơ quan nhà nước mới có thể hoạt động (cụ thể là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo khoản 1, Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ). Các tác giả sẽ cung cấp Giấy ủy quyền, danh sách bài hát và ký kết các điều khoản để tổ chức này thay mình quản lý quyền theo Luật.
Theo quy định của Nghị định 17/2023/NĐ-CP, Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan nộp hồ sơ cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị phê duyệt biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền trước khi thực hiện (Điều 46); Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thông tin công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức mình về các nội dung: a) Tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan và công khai Báo cáo thường niên, Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán (khoản 2, Điều 53);
Tại Na-uy, tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ được quy định theo Luật Sở hữu trí tuệ (Lov om opphavsrett til åndsverk mv. (åndsverkloven)) và Đạo luật về quản lý tập thể bản quyền, v.v. số 49 ngày 28/5/2021 (Lov om kollektiv forvaltning av opphavsrett mv.). Theo đó, hình thức quản lý quyền tác giả, quyền liên quan dành cho số lượng lớn tác giả tại Nauy sẽ thông qua tổ chức được Văn phòng Sở hữu Công nghiệp Na Uy tại Oslo chấp thuận căn cứ theo đoạn ba Điều 63 Đạo Luật Sở hữu trí tuệ của nước này. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan sẽ được thành lập và giám sát bởi Văn phòng Sở hữu Công nghiệp Na Uy căn cứ theo Đạo luật Quản lý tập thể quyền tác giả quyền liên quan; “Giấy phép theo hợp đồng” đối với việc sử dụng tác phẩm âm nhạc phải được ký kết bởi các tổ chức này.
Theo quy định trên của Na uy, tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ có một số nghĩa vụ sau: 1) Không được hạn chế quyền của tác giả: Ngay cả khi thỏa thuận quản lý đã được ký kết với tổ chức đại diện, chủ sở hữu quyền vẫn có quyền cấp phép sử dụng phi thương mại các quyền, loại quyền hoặc loại tác phẩm và các tác phẩm được bảo hộ khác. 2) Nghĩa vụ minh bạch: Thông tin liên lạc mà người nắm giữ bản quyền đã ủy quyền cho tổ chức quản lý tập thể sử dụng để xác định và định vị người nắm giữ bản quyền và tiền bản quyền được giao cho chủ sở hữu bản quyền,…
Nhìn chung, pháp luật của mỗi nước đều quy định rõ ràng về loại hình của tổ chức này và mang một số đặc điểm như sau:
– Đây là tổ chức phi lợi nhuận;
– Các tổ chức này phải đăng ký theo một trình tự riêng và chịu sự điều chỉnh bởi chế định pháp lý chuyên biệt. Hoạt động của họ chủ yếu mang tính nội địa, tức là chỉ thực thi quyền trong phạm vi quốc gia sở tại. Muốn bảo vệ quyền đối với tác phẩm sáng tác tại quốc gia khác, tổ chức đại diện quyền phải được thành lập theo pháp luật quốc gia đó.
– Các tổ chức đại diện quyền thường chỉ đại diện và bảo vệ quyền cho công dân hoặc tác phẩm thuộc nước mình. Trường hợp một tổ chức ở Na Uy muốn bảo vệ quyền tác giả của công dân Na Uy tại Việt Nam, họ cần ký kết hợp đồng hợp tác, ủy thác với tổ chức đại diện quyền tại Việt Nam – và ngược lại. Điều này đã được quy định rõ tại Mục 4.6 International Survey on Private Copying – Law and Practice của WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới)”
3. LOẠI HÌNH THỨ HAI: TỔ CHỨC TƯ VẤN, DỊCH VỤ QTG, QLQ
Đối với Pháp luật Việt Nam, tổ chức có thể tư vấn, dịch vụ QTG, QLQ được quy định tại khoản 1 Điều 57 của Luật SHTT bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, các văn phòng luật sư thành lập theo Luật Việt Nam. Danh sách này không bao gồm các tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan của nước ngoài.
Một số loại hình tổ chức dịch vụ pháp lý mặc dù được thành lập theo Luật Việt Nam nhưng có một số yếu tố nước ngoài như chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật TNHH 100% vốn nước ngoài, công ty luật TNHH dưới hình thức liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cũng không được tư vấn dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan.
Còn đối với Pháp luật Sở hữu trí tuệ của Nauy, hiện có những quy định chưa rõ ràng về việc cho phép các tổ chức tư vấn, dịch vụ QTG, QLQ có quyền đại diện mà chỉ tập trung vào tổ chức đại diện QTG, QLQ tại Đạo luật Quản lý tập thể bản quyền như phần trình bày của tôi tại phần 2. Các tổ chức tư vấn, dịch vụ này được xem là tổ chức thành lập vì mục tiêu lợi nhuận có thể hoạt động theo các quy định nằm rải rác ở các văn bản Luật Dân sự khác.
Nhìn chung các tổ chức tư vấn, dịch vụ này có đặc điểm như sau:
– Hoạt động vì mục đích lợi nhuận;
– Phải được sự ủy quyền hợp pháp của tác giả; Ủy quyền hợp pháp ở đây gồm nhiều yếu tố nhưng một trong những yếu tố quan trọng là phải có căn cứ thể hiện anh có quyền (như có giấy chứng nhận), người nhận ủy quyền có năng lực pháp lý nhận ủy quyền, được hợp pháp hóa lãnh sự.
– Việc thực thi quyền tùy theo pháp luật mỗi nước, nhưng không được quy định đầy đủ như tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ;
– Các doanh nghiệp thành lập theo Pháp luật nước ngoài không có quyền yêu cầu cơ quan Việt Nam giải quyết. Ngoài ra, có nhiều điều kiện khác kèm theo như người đứng đầu phải là cử nhân Luật, phải được đăng ký để ghi vào sổ với cơ quan có thẩm quyền,… Ngoài ra, việc hiện diện thương mại còn chịu sự tác động của các văn bản pháp lý như điều kiện tiếp cận thị trường của WTO về điều kiện ngành kinh doanh dịch vụ. Theo bảng cam kết dịch vụ của Việt Nam với WTO, Việt Nam chưa cam kết đối với dịch vụ đại diện quyền tác giả, quyền liên quan đối với các doanh nghiệp, hiệp hội của nước ngoài.
Nói tóm lại, môt tổ chức tại Nauy đòi quyền lợi của các tác giả tại Việt Nam là phương án khó khả thi bởi nhiều yếu tố đã kể trên.
Cá nhân tôi cho rằng, dư luận vừa qua đề cập đến Hội TQT… được thành lập theo Pháp luật nước ngoài gần giống với mô hình này hơn cả, vì có một chi tiết đáng chú ý trong giấy phép của Hội này khi đăng ký với cơ quan chính quyền Nauy mà tôi thu thập được từ chính Luật sư cố vấn thì ngành nghề hoạt động là “90.011 – Nghệ sĩ biểu diễn và hoạt động giải trí liên quan đến âm nhạc” hoàn toàn không liên quan đến hoạt động đại diện QTG, QLQ vốn được đăng ký theo mã ngành khác.
4. LOẠI HÌNH THỨ BA: NGƯỜI BẢO VỆ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN LÀ CÁ NHÂN
Theo quy định của Bộ Luật Dân sự Việt Nam, một cá nhân khi nhận ủy quyền có thể thay mặt tác giả để thực hiện quyền của mình theo Luật Việt Nam. Tuy nhiên, từ luật thực định đến thực tiễn có thể cho chúng ta lưu ý một số điểm như sau:
Một là điều kiện có hiệu lực về mặt thủ tục và hình thức đó là: Việc xác lập phải thực hiện tại văn phòng công chứng hoặc có chức năng tương tự; Nếu được ký kết bởi một cá nhân nước ngoài cần phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
Hai là, mặc dù Luật quy định tác giả được bảo hộ quyền ngay khi sáng tác tác phẩm ra đời mà không cần phải cần đến văn bản bảo hộ như Giấy chứng nhận quyền tác giả nhưng thực tiễn cho thấy văn phòng công chứng sẽ không ký Hợp đồng, Giấy ủy quyền nếu tác giả không mang theo Giấy chứng nhận quyền tác giả.
Ba là, thực tiễn cũng cho thấy các văn phòng công chứng nước ngoài có thể sẽ không được ký giấy ủy quyền giữa các tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan vì căn cứ xác lập quyền này theo Pháp luật nước ngoài.
Nhận định của tôi là những việc lùm xùm gần đây không liên quan đến loại hình này hoặc nếu có cũng chưa có thể hiện rõ nét và cụ thể.
5. KẾT LUẬN VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
Từ những phân tích nói trên tôi có một số quan điểm cá nhân như sau:
– Trân trọng các tác giả đang miệt mài sáng tác các ca khúc để chúng ta có điều kiện thờ phượng Chúa và phục vụ cộng đồng mà không đòi hỏi bất cứ lợi ích nào. Nhưng việc xin phép là điều nên thực hiện, trừ khi có tuyên bố của tác giả là không cần xin phép. Điều này giúp bạn loại trừ được trách nhiệm nếu bị các tổ chức quản lý tập thể “gõ cửa”.
– Việc bảo vệ quyền lợi của các tác giả, chủ sở hữu QTG, QLQ bởi một số tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ là cần thiết trước xu thế của thế giới, nhu cầu được bảo vệ và được đảm bảo quyền lợi đối với các tổ chức đang khai thác lợi ích kinh tế của tác phẩm nhưng cần thực hiện một cách cẩn trọng, tế nhị và cần có sự tính toán đến quyền hưởng dụng của người nghe, cộng đoàn dân Chúa, cũng như tính đến lợi ích của các bên có liên quan.
– Các tổ chức tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ phải có tư cách pháp lý đầy đủ trước khi yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện quyền để tránh làm việc mình không có thẩm quyền. Đối với các nhà sáng tạo nội dung số bị yêu cầu tác quyền, chúng ta cần bình tình và yêu cầu các tổ chức này cần chứng minh tư cách pháp lý phù hợp theo các quy định của Pháp luật Việt Nam
– Các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ muốn hoạt động hợp pháp tại Việt Nam cần phải có một sự nghiên cứu pháp luật vững chắc, đặc biệt là phải am hiểu về xung đột pháp luật giữa các quốc gia trước khi thực hiện các yêu cầu về quyền tác giả, quyền liên quan đến bản thu âm, ghi hình; các quy định về ủy quyền xuyên biên giới.
– Trong trường hợp các tổ chức nước ngoài ủy quyền cho các tổ chức tư vấn, dịch vụ tại Việt Nam như văn phòng luật sư, công ty luật,… thì anh phải thỏa mãn các điều kiện như: được trao quyền một cách hợp pháp; được các TG, chủ sở hữu quyền cho anh ủy quyền lại một tổ chức khác để quản lý; các tổ chức đại diện tập thể trao quyền phải đăng ký đúng trình tự với cơ quan nhà nước theo điểm a, khoản 3, Điều 55 Nghị định 17/2023/NĐ-CP ban hành ngày 26/04/2023 của Chính phủ. Chừng nào anh chưa đáp ứng các quy định này, việc triển khai thi hành các quyền sẽ gặp nhiều vướng mắc.
P/s: Phần 2 liên quan đến nội dung khác là về việc sử dụng các bản nhạc của các tác giả sẽ được tiếp tục gửi đến do phần phân tích rất dài.
Hình minh họa: Hình xin được sử dụng các các ca khúc mà Thiên Ân Radio Công Giáo đã thực hiện, chúng tôi dành nhiều thời gian xin phép trước khi sử dụng ca khúc.