Mục vụ gia đình

THÁNH THỂ LÀ DẤU CHỈ VÀ LƯƠNG THỰC CHO TÌNH YÊU ĐÔI BẠN KHÔNG GIỚI HẠN

THÁNH THỂ LÀ DẤU CHỈ VÀ LƯƠNG THỰC
CHO TÌNH YÊU ĐÔI BẠN KHÔNG GIỚI HẠN

I. NHẬP ĐỀ

Nếu ông bà anh chị đến Phòng Tư Vấn về Tình Yêu và Hôn Nhân Gia Đình để đặt hai câu hỏi này với các chuyên viên của Phòng: (1) “Làm thế nào để nhận ra Tình Yêu đôi bạn không giới hạn” và (2) “Làm thế nào để nuôi dưỡng Tình Yêu đôi bạn không giới hạn” thì chắc chắn ông bà anh chị sẽ được các chuyên gia tâm lý gia đình mách cho nhiều bí quyết giá trị. Còn nếu ông bà anh chị tìm đến với Giáo hội để đặt hai hỏi ấy thì Giáo hội sẽ trả lời ông bà anh chị một cách không chút do dự: “Thánh Thể là dấu chỉ và lương thực cho Tình Yêu đôi bạn không giới hạn” Có lẽ ông bà anh chị sẽ há miệng ngạc nhiên về câu trả lời ấy và không khỏi thắc mắc khi ra về.

Vậy chúng ta phải hiểu ý nghĩa của đề tài thứ sáu này như thế nào đây? Cụ thể chúng ta phải tìm cách trả lời các câu hỏi sau: (1) Thánh Thể là gì? (2) Làm sao mà Thánh Thể lại là “dấu chỉ” cho Tình Yêu đôi bạn không giới hạn? (3) Làm sao mà Thánh Thể lại là “lương thực” cho Tình Yêu đôi bạn không giới hạn? (4) Vậy những người sống tình yêu đôi bạn phải làm gì với Thánh thể?

II. TRÌNH BÀY

1. Thánh Thể là gì?

1.1 Thánh Thể là cách biểu lộ Tình Yêu và Quyền Năng vô biên của một Thiên Chúa làm người, chết cho loài người được sống:

Có một cách rất đơn giản có thể giúp chúng ta hiểu một cách dễ dàng hơn về Thánh Thể. Oâng bà anh chị có thể tự hỏi: “Những người yêu nhau thường làm gì cho nhau? thường sống với nhau như thế nào?” Chắc chắn ông bà anh chị sẽ đồng ý với tôi về câu trả lời đơn sơ này: “Những người yêu nhau thì luôn nghĩ tới nhau, luôn muốn ở gần nhau và muốn ở gần nhau càng lâu càng tốt, luôn muốn chia sẻ mọi điều cho nhau”. Điều này có thể áp dụng vào tình bằng hữu chân chính, tình yêu đôi bạn, tình yêu vợ chồng. Nhưng chúng ta cũng có thể áp dụng vào Tình Yêu của Thiên Chúa, cách riêng của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa Ngôi Hai làm Người. Thánh Gioan, Tông Đồ được Chúa Giêsu ưu ái nhất đã nói về Tình Yêu ấy của Thầy:

“Trước Lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).

Vì yêu những người thuộc về mình “đến cùng” nên Đức Giêsu mới lập Bí tích Thánh Thể, lấy Bánh Rượu làm Thịt Máu mình cho môn đệ được sống. Chúng ta hãy nghe những lời Đức Giêsu nói về Thánh Thể, cũng trong Tin Mừng Gioan và đọc lại tường thuật về việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể trong Tin Mừng Mátthêu.

1.2 Lắng nghe và tìm hiểu Lời Chúa:

* “Đức Giêsu nói với họ: Thật, Tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt Tôi thật là của ăn, và máu Tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ Trời xuống, klhông phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,53-58).

* “Cũng đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.” Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.” (Mt 26,26-28).

Hai đoạn Phúc âm trên có liên quan trực tiếp đến Thánh Thể. Thánh Thể là bí tích thật tuyệt vời, vì trong đó Chúa Kitô đã để lại cho chúng ta chính mình Người như của ăn của uống, như nguồn mạch ơn cứu độ, để chúng ta được sống và sống dồi dào (Ga 10,10). Sự sống ở trong Người, Người đã thông truyền cho chúng ta. Nhờ Thánh Thể Chúa Kitô trở thành Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Thánh Thể mời gọi các Kitô hữu và các gia đình Kitô hữu hãy thể hiện tình yêu hy sinh đối với nhau như Chúa Kitô đã thể hiện Tình Yêu Hiến Tế của Người đối với chúng ta.

2. Làm thế nào mà Thánh Thể lại là “dấu chỉ” cho Tình Yêu đôi bạn không giới hạn?

Cốt yếu Thánh Thể là biểu hiện của Tình Yêu Hiến Tế. Chúa Giêsu đã “phó nộp mình”, đã chịu tra tấn, đánh đập, nhục mạ, kết án và chết oan trên Thập giá để nói lên Tình Yêu tột cùng của Người đối với nhân loại nói chung và đối với Hội thánh nói riêng. Tình yêu ấy được thể hiện bằng Giao Ước Mới nối kết Chúa Kitô với Hội Thánh. Và hôn ước của vợ chồng Kitô hữu được Thiên Chúa ấn định là dấu chỉ và là phản ảnh của Giao Ước Mới giữa Chúa Kitô và Hội thánh, giữa Chúa Kitô và nhân loại.

Trong cụ thể tình yêu đôi bạn hay vợ chồng chỉ trọn vẹn ý nghĩa khi tình yêu ấy mang dáng dấp của Tình Yêu thập giá của Chúa Giêsu Kitô: vợ chồng hy sinh cho nhau, cha mẹ và con cái hy sinh cho nhau để đem hạnh phúc đời này và đời sau đến cho nhau. Hy sinh đến mức không còn có thể hy sinh hơn được nữa. Chính đó là cái đẹp của gia đình Kitô hữu, của tình yêu vợ chồng Kitô hữu. Nhìn vào cách vợ chồng, cha mẹ con cái Kitô hữu yêu thương và hy sinh cho nhau, người khác dễ dàng hiểu về Chúa Giêsu, về Thánh Thể, về Thiên Chúa. Thánh Thể là “dấu chỉ” cho tình yêu đôi bạn không giới hạn là như thế!

3. Làm thế nào mà Thánh Thể lại là “lương thực” cho Tình Yêu đôi bạn không giới hạn?

Bất cứ tình yêu nào cũng phải được nuôi dưỡng một cách đầy đủ mới có thể tồn tại và phát triển được. Tình yêu trần tục thì được dưỡng nuôi bằng của ăn của uống trần tục. Còn tình yêu tâm linh thì phải được nuôi dưỡng bằng của ăn của uống tâm linh. Tình yêu đôi bạn Kitô hữu có thể khởi đi từ tình yêu trần tục hay pha trộn với tình yêu trần tục, nhưng không được dừng lại ở cấp độ trần tục mà phải được thanh luyện dần dần để trở thành tình yêu tâm linh, tình yêu bác ái. Nói thế không có nghĩa là sau một khoảng thời gian chung sống, giữa vợ chồng Kitô hữu không còn mối quan hệ sinh thể lý và vật chất nữa. Các mối quan hệ ấy vẫn còn, có khi còn mạnh mẽ và thâm sâu hơn lúc ban đầu, nhưng phải được thanh luyện, phải được biến đổi tự bên trong, phải được nâng cao thành một Tình Yêu Kitô hữu đích thực là Đức Ái:

“Đức Ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức Ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7).

Vậy của ăn của uống thiêng liêng của tình yêu đôi bạn Kitô hữu chính là Thánh Thể, lương thực thần linh mà Chúa Kitô đã ban cho con cái loài người, cho những người là anh em chị em của Người. Một khi vợ chồng, cha mẹ con cái sống bằng lương thực thần linh ấy thì tình yêu gia đình (tình phụ tử, mẫu tử và phu thê) mới mở rộng và vươn cao được.

4. Những người sống tình yêu đôi bạn phải làm gì với Thánh Thể?

Do Bí tích Rửa Tội, Hôn Phối và Thánh Thể, vợ chồng Kitô hữu có dư điều kiện để sống quên mình và hy sinh trọn vẹn cho nhau. Bí tích Rửa Tội và Hôn Phối chúng ta chỉ lãnh nhận một lần, nhưng chúng ta phải sống hai Bí tích ấy mỗi ngày. Bí tích Thánh Thể chúng ta có thể lãnh nhận mỗi ngày và chúng ta phải sống mỗi giây phút trong ngày. Sống Bí tích Rửa Tội là sống tư cách là chi thể của Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Kitô, là sống thân phận cành nho ghép vào thân cây nho. Sống Bí tích Hôn Phối là sống Tình Yêu và Giao Ước Thập Giá, là sống quên mình và hy sinh “đến cùng” cho người mình yêu. Sống Bí Tích Thánh Thể là đón nhận lương thực thần linh là chính Chúa Kitô để trở thành bánh, thành rượu, thành lương thực nuôi sống vợ chồng, cha mẹ con cái mình.

Vậy thì chúng ta không còn cách nào khác là siêng năng tham dự Thánh Lễ và Rước Lễ một cách ý thức và sốt sáng rồi thể hiện Ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể trong cuộc sống hằng ngày của gia đình từ những việc nhỏ mọn, tầm thường nhất cho đến những việc lớn lao và khó khăn, đòi nhiều hy sinh từ bỏ nhất.

III. KẾT LUẬN

Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu, vì nhờ Thánh Thể, con người hèn mọn, yếu đuối, tội lỗi của chúng ta có thể thành thánh, thậm chí thành chúa. Đời sống và tình yêu vợ chồng Kitô hữu chỉ có đầy đủ ý nghĩa theo ý định đời đời của Thiên Chúa khi đời sống và tình yêu ấy nối kết chặt chẽ với Thánh Thể, để Thánh Thể là dấu chỉ và là lương thực cho tình yêu đôi bạn không giới hạn của chúng ta.

IV. CHIA SẺ

Xin chia sẻ với các gia đình khác:

4.1 Mỗi ngày ông bà anh chị đều có thể tham dự Thánh Lễ và Rước Lễ tại giáo xứ mình. Oâng bà anh chị quan tâm đến hai việc ấy như thế nào?
4.2 Trong đời sống gia đình ông bà anh chị chắc đã gặp những lúc khó khăn, bế tắc. Thánh Thể có giúp gì ông bà anh chị trong những hoàn cảnh ấy không?

V. THỰC HÀNH

Vợ chồng và gia đình tôi quyết tâm tham dự Thánh Lễ và Rước Lễ: mỗi ngày, 2 hay 3 hay 4 hay 5 lần/mỗi tuần (chọn mức mà phấn đấu có thể thực hiện được) để Thánh Thể trở thành dấu chỉ và lương thực cho tình yêu vợ chồng và gia đình tôi.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!