THIÊN CHÚA KHÔNG THỂ KHÔNG BA NGÔI
Những gì chúng ta nói về Thiên Chúa, thì cũng giống như ngón tay vẽ trên mặt đại dương. Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm khôn dò khôn thấu, chúng ta chỉ có thể mượn tạm một vài hình ảnh loại suy, để nói về Người như: Một tam giác đều có ba cạnh bằng nhau; Một chiếc kiềng có ba chân; Một ngọn nến có ba đặc tính: cháy, nóng, sáng; Một người có ba nghề nghiệp khác nhau, v.v. Chỉ nhờ đức tin, cầu nguyện, và lòng khiêm nhường quy phục Thiên Chúa, chúng ta mới được Thiên Chúa mặc khải cho biết những mầu nhiệm cao cả của Người.
Công Đồng Ni-xê (325) đã định nghĩa Thiên Chúa luôn luôn là tình yêu, bởi vì, từ thuở đời đời, ngay cả trước khi có một đối tượng bên ngoài chính mình để yêu, thì Người đã có Ngôi Lời, Con Một, mà Người đã yêu bằng tình yêu vô hạn, nghĩa là, trong Chúa Thánh Thần. Một Thiên Chúa thuần túy toàn năng, toàn tri, thì không cần phải Ba Ngôi, nhưng, Thiên Chúa là tình yêu, do đó, Người là Ba Ngôi: Chúa Cha là người yêu, Chúa Con là người được yêu và Chúa Thánh Thần là tình yêu kết hợp Chúa Cha và Chúa Con.
Thiên Chúa là tình yêu, mà bản chất của tình yêu là cho đi, vì thế, Người muốn có một Ngôi Vị ngoài mình, ngang hàng với mình, đồng bản thể với mình, để là tình yêu và ban phát tình yêu cũng giống như mình, và ai có thể đảm nhận được điều này, ngoài Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu: “Người bởi Đức Chúa Cha mà ra”; và tuyên xưng Chúa Thánh Thần “bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra”, còn Đức Chúa Cha, không bởi ai hết, Người tự mình mà có, nhưng, vì Người là tình yêu, mà bản chất của tình yêu, thì không thể tự yêu mình, tự yêu mình là ích kỷ, nên Người cần một đối tượng để yêu thương, đối tượng đó là ai: là loài người, là vũ trụ này hả? Vậy, khi chưa có loài người, chưa có vũ trụ, hoặc khi loài người và vũ trụ này tan hoại, thì Người không còn là Thiên Chúa, không còn là tình yêu nữa sao?
Thiên Chúa thì vô hạn, nên tình yêu của Người cũng vô hạn. Con người là loài thụ tạo hữu hạn, thì làm sao có thể đón nhận được tình yêu vô hạn và làm cho tình yêu đó tuôn trào chan chứa đến khắp mọi nơi, đến hết mọi người, mọi loài, và mọi vật. Thiên Chúa cần một trung gian: vừa là Thiên Chúa thật, vừa là con người thật, để vừa có thể đón nhận tình yêu vô hạn, vừa có thể trao ban tình yêu cách trọn vẹn nhất. Chính vì thế, khi Ba Ngôi đưa ra quyết định: Chúng Ta hãy làm ra con người giống hình ảnh Chúng Ta, thì Mầu Nhiệm Nhập Thể đã bắt đầu khởi động, chứ không phải chờ cho tới khi Ađam phạm tội, để giam giữ loài người trong tội không vâng phục, để rồi, tỏ lòng xót thương.
Ngôi Lời Thiên Chúa được sai đến trần gian, để trong tư cách là con người thật, Đức Giêsu đại diện cho toàn thể nhân loại đón nhận tình yêu vô hạn của Chúa Cha, và trong tư cách là Thiên Chúa thật, Đức Giêsu trút cạn tình yêu bất tận của Người cho nhân loại. Cho nên, khi chúng ta tưởng niệm cuộc Thương Khó của Đức Kitô, chúng ta không tưởng niệm những đau khổ, những cực hình, nhưng, chúng ta chiêm ngắm một tình yêu hiến tế, tự hủy của Đấng là tình yêu. Điều làm cho Chúa Cha thỏa lòng không phải là những đau đớn, những khổ hình của Chúa Con, nhưng chính là: ý chí tự do vâng phục để yêu nhân loại cho đến cùng của Đức Giêsu, do đó, Hội Thánh mời gọi chúng ta đi vào cuộc Thương Khó không phải như đi tới một cuộc buôn bán, đổi chác, đòi nợ, nhưng là: đi vào một cuộc tình, để chiêm ngắm một người tình: đã trở nên ngu dại và điên rồ vì người mình yêu… Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB