Tâm tình độc giả

Thiên Chúa mà tôi không tin

Thiên Chúa mà tôi không tin

Sao Thiên Chúa lại gửi cho con thập giá bùn như thế này? Thập giá gỗ hay đá dù có nặng nhưng vẫn còn hình dạng để có thể ôm lấy mà vác, chứ thập giá bằng bùn thì đâu có hình dạng, biết vác làm sao?”

Đây là lời mà trong lúc cùng cực, đau khổ và bị dồn ép bởi nhiều yếu tố ngoại cảnh, mẹ tôi đã thốt lên. Trước lời thở than của mẹ, tôi lặng thinh, vì nhiều lúc, khi đối diện với mầu nhiệm khổ đau, người ta bế tắc. Khi ấy, việc ngồi bên và lắng nghe là cách hữu hiệu nhất làm vơi dịu nỗi lòng. Ngẫm lại, trong cuộc sống bộn bề những lo toan và gánh nặng, thật nhiều khi Thiên Chúa “bị hiểu lầm” là tác giả của những khó khăn và nghịch cảnh trong đời.

Thiên Chúa ở đâu khi trong cùng một tháng, chị phải đối diện với hung tin cả bố và mẹ đều mắc ung thư giai đoạn cuối và phải đón nhận lưỡi hái tử thần? Có hay chăng sự hiện hữu của Ngài khi cô chú phải đau đớn chứng kiến cảnh người con gái mới 9 tuổi của mình sau cơn đau đầu đã ra đi vĩnh viễn vì u não? Phải chăng Thiên Chúa lặng thinh khi còn không ít tâm hồn đang chìm mình trong những nỗi đau đớn vì không lành lặn về thể xác cũng như tinh thần, vì đói khổ, vì dốt nát và chiến tranh…? Và có lẽ, vẫn còn nghìn lẻ một câu hỏi khác về Thiên Chúa tương tự như vậy.

Tuy nhiên, tự đáy lòng, tôi không tin vào một Thiên Chúa yêu thích sự đau khổ. Tôi không tin vào một Thiên Chúa thích “chơi trò” câm lặng và vô cảm trước những thảm kịch đau buồn mà con người đang phải gồng mình gánh chịu. Tôi cũng chẳng tin vào một Thiên Chúa gây nên những căn bệnh hiểm ác, làm cho con người phải đau đớn và kiệt quệ tâm hồn.

Trong thực tế, câu hỏi về những vấn nạn đó đã được đặt ra từ những buổi khai nguyên của lịch sử con người. Ngay trong sách Cựu ước, ta đã bắt gặp hình ảnh ông Gióp – con người công chính và kính sợ Thiên Chúa, nhưng cuộc đời lại gặp nhiều bất hạnh, đau thương. Dường như thật khó để tìm ra một câu trả lời thỏa đáng cho những vấn đề về sự đau khổ xem ra xảy đến với người lành. Khi truy tìm về nguồn gốc của sự dữ, ta có thể nhận ra rằng đôi khi chính con người chúng ta đã và đang là nguyên nhân – dù trực tiếp hay gián tiếp –  dẫn đến những bi kịch của chính bản thân hoặc người khác. Tự bản chất, khi đối diện với khổ đau, chúng ta có khuynh hướng quy ngã, khi hướng mọi sự tập trung vào nỗi bất hạnh của chính mình. Nhà văn Nam Cao trong truyện ngắn Lão Hạc đã cảm nghiệm rõ nét khi thốt lên: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa…” Và do đó, thật nhiều lúc chúng ta đang có cái nhìn thiếu khách quan về nguyên nhân dẫn đến bi kịch. Ta đổ thừa cho hoàn cảnh, cho người xung quanh và thậm chí đổ vạ cho Thiên Chúa.

Mặc dù, đau khổ tự thân nó là điều không đáng hoan nghênh trong cuộc sống, nhưng có ai trong đời dám vỗ ngực tự hào mình không bao giờ phải đối diện với những biến cố ấy? Có lẽ sẽ không là cường điệu khi nói rằng đau khổ đã gắn liền với thân phận mỏng dòn của kiếp người như một thực tế phũ phàng. Là một thụ tạo, chúng ta phải chấp nhận những thuộc tính đi kèm không tài nào hủy bỏ được, và một trong số đó là đau khổ và cái chết. Chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc phải chấp nhận đến đón nhận những điều ấy, mặc dù không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tuy nhiên, có nhiều cách để đối diện với những biến cố đó. Victor E. Frankl – một chuyên gia tâm lý và cũng là tù nhân trải qua hơn 4 trại tập trung của Đức quốc xã, trong cuốn Đi tìm lẽ sống đã đưa ra “Liệu pháp ý nghĩa” như cách thức giúp con người vượt qua nghịch cảnh trong cuộc sống. Xuất phát từ quan điểm cho rằng một người càng quên đi bản thân mình – bằng cách tìm ra một lý do để phụng sự hoặc chọn cách sống vì một người mà mình thương yêu – thì người đó càng đạt đến độ tự trưởng thành, ông đưa ra 3 cách khác nhau mà một người có thể tìm ra ý nghĩa cuộc sống: tạo ra một công việc hoặc thực hiện một điều gì đó; trải nghiệm điều gì đó hoặc gặp gỡ một ai đó, ví dụ như lòng tốt, cái đẹp và dành tình yêu cho tha nhân; và cuối cùng là việc lựa chọn thái độ đối diện với đau khổ.

Như vậy, Thiên Chúa mà tôi không tin là Thiên Chúa đóng vai trò như tác giả của những bi kịch. Tôi không tin Ngài là tác nhân gây nên bệnh ung thư quái ác chia lìa các thành viên trong gia đình. Tôi cũng chẳng tin rằng Ngài cũng là người mang đến những bất công, chiến tranh và sự bất bình đẳng trong xã hội… Khi những hoàn cảnh không còn có khả năng thay đổi xảy đến cũng chính là lúc tôi được thử thách để thay đổi chính mình. Và con đường ấy sẽ bắt đầu bằng nhận thức hay chính cách nhìn của tôi về nghịch cảnh. Khiêm tốn nhìn nhận ra điều ấy là bước đầu dẫn ta đến con đường hoàn thiện. Trong tiếng La tinh, từ khiêm tốn là “humus”, nghĩa là “đất”. Thật là nghịch lý, khi để có thể lên cao hơn trên con đường thành nhân, ta phải ở dưới thấp, như là từ mặt đất. Đó cũng chính là con đường mà Đức Giêsu đã đi, đã trải qua những đau khổ, đã trở nên tấm gương kiên cường và là động lực cho bạn, cho tôi khi đối diện với những khúc quanh co, chòng chành và chùng chình của cuộc đời…

HHQ

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!