Thực tế đã tạo ra huyền thoại về rồng như thế nào?
Rồng là những sinh vật huyền thoại hiện diện trong các nền văn hóa khắp thế giới, và bất chấp những khác biệt, nhiều ý tưởng về rồng được cho đều bắt đầu từ những sinh vật hoặc hiện tượng trong thực tế.
Trong quá trình tìm hiểu nguồn gốc của loài rồng trong các nền văn minh phương Đông lẫn phương Tây, giới khoa học đã phát hiện một điều thú vị: Các truyền thuyết về rồng đều bắt đầu từ những ý tưởng mơ hồ dựa trên các sinh vật có thật, như hình ảnh loài rắn hoặc một số loài bò sát có bề ngoài dữ tợn. Theo thời gian, hình ảnh rồng được bồi đắp cụ thể hơn, mang theo những đặc điểm của sinh vật và cả hiện tượng tự nhiên, nhằm thể hiện hy vọng phần nào nhuốm màu mê tín của người dân địa phương. Sau đây là những sinh vật và hiện tượng có lẽ đã khơi nguồn cảm hứng cho hình ảnh của loài rồng:
Cá sấu Trung Quốc
Cá sấu Trung Quốc (cá sấu Dương Tử) là một trong những nguồn cảm hứng cho hình ảnh của rồng châu Á. Theo thần thoại Trung Quốc, loài rồng có liên quan mật thiết với nước, như Tứ Hải Long Vương trông coi 4 bể và mang đến hiện tượng mưa. Trong khi đó, cá sấu Trung Quốc có bề ngoài khá dữ tợn, với cá thể trưởng thành có thể dài đến gần 2 mét. Chúng thường được phát hiện trong trạng thái chỉ nổi một phần trên mặt nước, kiên nhẫn chờ đợi những con mồi xấu số. Đáng tiếc là cá sấu Trung Quốc hiện nằm trong danh sách những loài bò sát có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.
Thằn lằn cổ diềm
Thằn lằn cổ diềm (tên tiếng Anh có chữ “rồng”) là một loài thằn lằn cỡ nhỏ được tìm thấy trong rừng ở bắc Úc. Giống như cái tên đã chỉ ra, thằn lằn cổ diềm mang theo một “cái diềm” sặc sỡ có thể thu phóng ở đầu và cổ. Nếu thằn lằn bị đe dọa, “cái diềm” sẽ bung ra như một chiếc dù, nhằm mục đích dọa nạt kẻ thù. Trong trường hợp “chiến thuật” này bất thành, con vật sẽ bật dậy trên hai chân sau và bỏ chạy. Khi chạy trốn, con thằn lằn có thể quẳng lại cái đuôi vướng víu để đánh lạc hướng kẻ săn mồi.
Rồng râu
Rồng râu cũng là loài thằn lằn bản địa Úc, có thể tìm thấy ở những địa hình khác nhau, như sa mạc, rừng cây bụi, rừng bạch đàn. Chúng sống trên cây lẫn dưới đất, nhưng dành nhiều thời gian bám trên các cành cây hơn. Cá thể loài này có nhiều gai nhọn nhô lên khỏi lớp da xung quanh đầu, và có thể làm phồng lên một cái túi dưới cằm để tạo ra vẻ bề ngoài hung dữ trong trường hợp đối mặt kẻ thù. Rồng râu còn có thể thay đổi sắc thái của da, từ đậm đến nhạt, phản ánh những trạng thái cảm xúc khác nhau, hoặc đơn giản là nhằm điều tiết thân nhiệt. Như thằn lằn cổ diềm, rồng râu có thể đứng trên hai chân sau và chạy trốn trong trường hợp nguy cấp.
Hải long lá
Hải long lá, hay cá rồng biển thân lá, là loài gần gũi với hải mã. Chúng có thể được tìm thấy bên trên các rạn san hô đá ở miền Nam và miền Tây Úc. Dù về mặt sinh học chúng được xếp vào loài cá, nhưng hải long lá trên thực tế lại rất lười, chẳng màng đến chuyện bơi lội hoặc di chuyển thường xuyên như những loài cá khác. Ngược lại, hải long lá bắt chước chuyển động của rong biển và cỏ biển mọc xung quanh nơi “định cư”. Đây cũng là một cách ngụy trang của chúng để hòa với môi trường xung quanh, giảm nguy cơ bị kẻ thù phát hiện. Loài này sở hữu hệ thống vây và các bộ phận phụ có bề ngoài chẳng khác nào lá cây, và một cái miệng hình ống để hút trứng cá và những loài giáp xác nhỏ để qua bữa.
Thằn lằn bay
Thằn lằn bay, hay rồng bay Đông Nam Á, là loại thằn lằn cỡ nhỏ có thể lướt từ cây này sang cây khác nhờ vào lớp da xếp lại như cánh dọc theo thân. Chiều dài của cá thể trưởng thành lên đến 18cm. Chúng chủ yếu ăn kiến và những loại côn trùng nhỏ. Đôi cánh được sự hỗ trợ của 5 đến 7 xương sườn nối dài từ cơ thể, cho phép loài thằn lằn bay lướt xa hơn 9 mét. Phần cánh thường có màu sáng, với những chấm nhỏ và vạch đầy màu sắc. Khi không sử dụng, cánh của thằn lằn bay được xếp gọn, cho phép chúng ẩn mình trên các thân cây.
Sao chổi
Loài rồng thường được mô tả có chiếc đuôi dài và được tin là mang đến điềm báo của sự diệt vong hoặc vận may, tùy theo nền văn hóa. Đối với những con người sống vào thời xa xưa, sự xuất hiện của sao chổi với cái đuôi dài có nhiều điểm tương đồng với loài rồng. Đồng thời, sao chổi trước đây còn được cho là mang theo điềm gở, chẳng hạn điềm báo cho sự sụp đổ của ngai vàng hoàng đế La Mã Nero vào thế kỷ thứ nhất, hoặc báo trước vận mệnh bi thảm của đế chế Aztec vào thế kỷ 16. Nếu sao chổi thực sự là nguồn gốc truyền cảm hứng cho một số truyền thuyết về rồng, điều này cũng giúp giải thích tại sao rồng lại xuất hiện trong nhiều truyền thuyết của các nền văn hóa khác nhau trên khắp thế giới. st