TĨNH TÂM TRƯỚC KHI CƯỚI, SAO LẠI KHÔNG?
Có thể các bạn chưa biết, trong đời sống tu trì có một quy định bắt buộc đối với các ứng viên chuẩn bị lãnh nhận chức thánh (phó tế/linh mục/giám mục) và các tu sĩ chuẩn bị tuyên khấn (khấn tạm/khấn trọn đời) là phải tĩnh tâm 10 ngày trước dịp lễ.
Cuộc tĩnh tâm này vừa là cơ hội để các ứng viên chuẩn bị tinh thần/tâm hồn xứng đáng cho ngày lễ trọng đại của họ. Nó giúp các ứng viên tìm lại sự bình an, thoát khỏi những lo lắng của việc tổ chức ngày lễ (ví dụ như viết và gửi thiệp mời, lên chương trình lễ tạ ơn, tiệc tùng…). Kỳ tĩnh tâm mời gọi họ thực sự lắng đọng tâm hồn trong cầu nguyện và kết hợp với Chúa.
Bên cạnh đó, một mục đích thiết thực khác mà kỳ tĩnh tâm mang lại là giúp ứng viên cân nhắc lại một cách nghiêm túc quyết định của họ để nếu như lương tâm thấy còn ngăn trở và không thực sự tự do/chưa thực sự muốn lãnh nhận bí tích truyền chức và việc tuyên khấn, thì họ có thể xin rút lui hoặc hoãn cử hành lễ ấy. Trong thực tế đã có không ít tu sĩ xin hoãn lễ khấn ngay trước ngày lễ sau khi cân nhắc và thấy họ chưa thực sự sẵn sàng.
Ơn gọi/bí tích hôn nhân cũng là một sự kiện quan trọng của đời người. Ấy thế mà có vẻ như việc chuẩn bị cho ngày trọng đại này lại ít được đầu tư phần thiêng liêng, mà người ta chỉ chú trọng đến phần hình thức bề ngoài.
Nếu tôi nhớ không lầm thì cách đây không lâu đã có một vị nào đó có bài viết lưu ý về điều này là, để được truyền chức hay khấn dòng, các ứng sinh phải trải qua thời gian đào tạo dài hơi (ít nhất là 5 năm cho tu sĩ khấn lần đầu, 10 năm trở lên cho ứng viên phó tế/linh mục và tu sĩ khấn trọn đời). Thế nhưng các đôi hôn phối thì chỉ học giáo lý hôn nhân 3-6 tháng mà thôi. Rồi kèm theo đó là việc chuẩn bị tâm linh cho ngày lễ cũng bị phớt lờ. Rất ít người nhắc nhở, mời gọi hay tổ chức tĩnh tâm cho các đôi bạn, và chính các đôi bạn cũng chỉ lo lắng cho việc tổ chức bề ngoài mà không hề lưu ý đến yếu tố thiêng liêng.
Theo tôi, tình trạng “nhất bên trọng, nhất bên khinh” (quá chú trọng hình thức tổ chức mà phớt lờ việc chuẩn bị thiêng liêng) là một thiếu sót đáng tiếc nếu không muốn nói là thiếu cân bằng. Chính vì thế, tôi mạnh dạn nêu ý kiến mời gọi các cặp đôi chuẩn bị lễ cưới hãy đi tĩnh tâm một vài ngày trước khi cưới. Các ứng viên chịu chức/khấn dòng cần tĩnh tâm 10 ngày, thì các cặp đôi hãy tham dự tĩnh tâm 2-3 ngày.
Mà tĩnh tâm đúng nghĩa phải là rời xa cuộc thường ngày, tức là phải đến một nơi có bầu khí phù hợp (đặc biệt là nơi các dòng tu hay nơi hành hương), để tâm hồn thực sự lắng đọng mà cầu nguyện và cân nhắc. Hãy tạm lánh xa những lo toan của ngày lễ bằng cách hoặc các bạn lên chương trình tổ chức trước rồi mới đi tĩnh tâm, hay ngược lại đi tĩnh tâm xong rồi về tổ chức. Những ngày tĩnh tâm thực sự là cơ hội để các bạn tìm lại được sự bình an cho tâm trí/linh hồn cũng như sức khỏe thể lý. Và cùng với đó là để các bạn cân nhắc/ý thức trách nhiệm của mình khi bước vào đời sống hôn nhân. Bởi hôn nhân là một việc hệ trọng cả đời, chứ không phải chỉ là ngày lễ cưới mà thôi.
Có rất nhiều dòng tu, đặc biệt là các đan viện Biển Đức, Xitô nam cũng như nữ, cung cấp không gian cho việc tĩnh tâm. Và để các ngày tĩnh tâm có hiệu quả, các bạn cũng nên xin một linh mục/nữ tu đồng hành chia sẻ trong những ngày ở đó.
Rất mong các bạn đón nhận gợi ý này và lưu ý đến khía cạnh tâm linh để có sự chuẩn bị tinh thần/tâm hồn tốt nhất cho sự kiện trọng đại là hôn lễ – cũng là khỏi đầu cho một giai đoạn mới của cuộc đời các bạn.