Trách nhiệm khi sử dụng phương tiện truyền thông
Phương tiện truyền thông ngày càng trở nên phổ biến và đem lại lợi ích cho con người. Chúng cung cấp thông tin, truyền cảm hứng, làm đời sống phong phú, mang con người đến gần nhau. Bên cạnh những mặt tích cực, phương tiện truyền thông cũng chứa đầy những cám dỗ, dụ dỗ người ta phạm tội, tạo ra những hố sâu ngăn cách giữa người với người. Vậy một người khi sử dụng phương tiện truyền thông cần có trách nhiệm gì?
- Trách nhiệm với Thiên Chúa, Đấng muốn chúng ta loan truyền sự thật và tìm kiếm nhau trong tình yêu. Khi sử dụng phương tiện truyền thông hiện đại, chúng ta không chỉ là người tiếp nhận thông tin mà còn là nhà sản xuất. Điều này đòi hỏi nội dung đưa ra luôn phải xác thực và tôn trọng phẩm giá con người. “Quyền truyền thông chân lý không phải là quyền tuyệt đối. Mỗi người phải sống phù hợp với giới luật yêu thương huynh đệ của Tin Mừng. Trong những trường hợp cụ thể, giới luật này đòi hỏi phải cân nhắc xem có phải tỏ bày sự thật, hay không tỏ bày, cho người yêu cầu” (GLHTCG 2488). Không ai bị buộc phải tỏ bày một sự thật cho người không có quyền được biết. (GLHTCG 2489). Mỗi khi đưa ra một thông tin nào đó trên mạng xã hội chúng ta cần đặt câu hỏi: Thông tin này có xác thực và đầy đủ không? Thông tin này khi đưa ra có gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, bí mật nghề nghiệp của người khác hay không? Chúng ta có đang nói bằng tiếng nói của tình yêu khi truyền tải những nội dung này?
- Trách nhiệm với người lân cận – người cần được hội nhập, quan tâm và thăng tiến nhờ phương tiện truyền thông xã hội. Mỗi một nội dung đưa lên các phương tiện truyền thông xã hội đều có sức lan tỏa và ảnh hưởng đến với người tiếp nhận nó. Ý thức được điều đó, chúng ta xem xét kỹ lưỡng các nội dung mình định truyền thông sẽ giúp ích gì cho người tiếp nhận, nó có làm họ thăng tiến bản thân, giúp họ tìm kiếm được sự thật không? Hay thông tin mình đưa ra sẽ là cớ cho người khác phạm tội, gây ra những xung đột chia rẽ.
- Trách nhiệm với bản thân, là người sử dụng phương tiện truyền thông tôi cần mở ra tương quan với cộng đồng chứ không phải là cô lập mình trong một không gian ảo. Phương tiện truyền thông hiện đại có thể làm tâm hồn chúng ta trở nên thụ động, khiến ta thiếu cảnh giác khi tiếp nhận thông tin và hình ảnh. Bởi vậy ta cần phải tập thói quen điều độ và giữ kỷ luật khi sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng. Mỗi người cần tạo cho mình một lương tâm sáng suốt và ngay thẳng, từ đó họ có thể chống lại những ảnh hưởng thiếu lương thiện một cách dễ dàng hơn.