Mục vụ gia đình

Vai trò làm chồng 

Vai trò làm chồng

Khi bước vào đời sống hôn nhân, ít ai để ý tới việc học hỏi, nghiên cứu và nhất là đến một lớp học, một trường học để học cách thức làm chồng, cách thức làm vợ. Cũng có thể vì đó mà những ngày tháng tiếp nối sau khi bước vào đời sống hôn nhân, chúng ta thấy đã có những lủng củng xuất hiện không phải ở phía những người vợ, mà ngay cả ở phía những người làm chồng. Vậy thế nào là vai trò làm chồng của một người đàn ông khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình.

Thực tế cho thấy, ít có người đàn ông nào khi bước vào đời sống hôn nhân đã qua những lớp học, những chương trình tu nghiệp và huấn luyện về vai trò làm chồng của mình, như họ đã từng học hỏi, nghiên cứu để làm bác sĩ, kỹ sư, luật sư hay bất cứ một ngành nghề nào khác. Và có thể nói, nghề làm chồng, đối với phần đông nam giới là một nghề mà họ cho là dễ dàng nhất, dễ tới nỗi không cần phải học. Ý thức điều này, nên Giáo Hội Công Giáo sau Công Đồng Vaticano II đã bắt buộc các anh chị, cô cậu nào muốn tiến tới đời sống hôn nhân  phải tham dự một khóa huấn luyện và dự bị hôn nhân. Chương Trình và thời gian có thể khác nhau tùy theo từng hoàn cảnh và mỗi địa phương. Nhưng chung chung là nhấn mạnh đến trách nhiệm, bổn phận, và những phương thức nhằm duy trì và bảo vệ được hạnh phúc hôn nhân. Tuy là bị bắt buộc, nhưng điều tôi nhận thấy là tại những khóa huấn luyện ấy, những lớp học ấy phần lớn các nam học viên không mấy quan tâm. Có thể nói là đi học để lấy vợ. Vậy vai trò làm chồng của người đàn ông trong gia đình là như thế nào?

Trước hết, ngày nay vai trò làm chồng trong gia đình không phải chỉ là việc chạy vạy cho có cơm, gạo nuôi gia đình. Do quan niệm đổi mới, và do những tiến bộ của khoa xã hội học, và những mở mang của xã hội, người phụ nữ cũng có khả năng đóng góp về mặt tài chánh. Tóm lại, là nam nữ bình quyền trong nhiều lãnh vực, kể cả việc đem lại cơm áo cho gia đình. Trong nhiều gia đình, người phụ nữ còn đóng góp nhiều vào đời sống kinh tế gia đình hơn cả phía nam giới. Một nghiên cứu tại Pháp ít năm trước đây cho thấy người phụ nữ  trong đời sống gia đình phải hy sinh gấp bốn người đàn ông. Do đó, vai trò làm chồng của nam giới ngày bao gồm bổn phận rất quan yếu, đó là bổn phận làm chồng, và làm cha. Hai điều này hoàn toàn riêng rẻ và khác nhau nhưng lại bổ túc thiết thực cho nhau.

Khi đề cập đến vai trò làm chồng, là đề cập đến mối liên hệ trực tiếp của người đàn ông nào đó đối với một người đàn bà nào đó mà họ gọi là vợ. Tưởng cũng nên phân biệt một chút nữa là làm chồng và làm tình nhân khác nhau. Một người mà ta gọi là bạn trai, là người tình, là bồ, là kép không phải là chồng. Người làm chồng dĩ nhiên là người yêu, là người tình, nhưng hơn thế nữa là người phải có trách nhiệm với một người mà người đó chính là người yêu, người tình, và người vợ của mình. Trách nhiệm và vai trò làm chồng bao gồm 3 yếu tố: tâm linh, tâm lý và thể lý.

  1. Tâm linh:Về phương diện tâm linh, người chồng phải tỏ ra nâng đỡ và hỗ trợ vợ mình trong đời sống tôn giáo của nàng. Đây là một điều mà trong đời sống hôn nhân, người ta hay va chạm và thường gây ra nhiều cuộc tranh cãi. Nhiều người không những không đồng quan niệm tôn giáo với vợ mà còn tỏ ra chê bai, chống đối và thiếu tôn trọng. Theo tâm lý học, sự khinh khi này và va chạm này động đến nền tảng sâu lắng của tâm linh và có thể gây ra những hậu quả hết sức trầm trọng. Chúng ta thấy những cuộc thánh chiến Trung Cổ và gần đây trong những phong trào Hồi Giáo cực đoan là một thí dụ.
  2. Tình cảm:Thật là một thiếu sót trầm trọng nhất của đàn chồng, nếu họ không quan tâm đến đời sống và sức khỏe tâm lý của vợ mình. Thông thường trước khi cưới chiều chuộng, săn đón bao nhiêu thì sau này lại lơ là và trễ nải bính nhiêu. Thái độ qua cầu rút ván, hay quan niệm “ván đã đóng thuyền” là một thái độ hết sức tiêu cực và thường là nguyên nhân của những đổ vỡ. Người đàn bà sẽ cảm thấy rất tủi hổ và bị lợi dụng, đôi khi gạt gẫm nếu như sau khi cưới, đời sống tình cảm của nàng không được ngọt ngào và chan hòa như những ngày đầu.

Mặc cảm tự tôn và coi thường của người đàn ông, của người chồng chính là nguyên nhân gây ra những khủng hoảng. Người chồng hay lý luận rằng tại sao trước nàng ngọt ngào, duyên dáng bao nhiêu thì nay chua chát và dễ ghét, nhưng ít ai nghĩ rằng tại sao trước mình săn đón, chiều chuộng và thân thiện mà nay thì coi thường, lười biếng và trễ nải. Đó là chưa kể tới những va chạm thường ngày trong những quan niệm và lối sống về mặt tình cảm.

  1. Thể lý:Sự quan tâm đến nét đẹp của người đàn ông cũng như nét đẹp của người đàn bà là điều mà không những phái nam ưa thích mà cả phái nữ cũng ưa thích. Có ai thích nhìn thấy chồng mình với cái bụng bia còn to hơn cả bụng bầu của vợ trước khi sinh không? Hay có ai thích nhìn chồng mình với bộ râu ria, tóc tai bù xù và dơ bẩn không?

Về mặt thể lý, cũng phải đề cập đến vấn đề sinh lý vợ chồng. Đối với nhiều người chồng thì hôn nhân, hay tờ hôn thú là một chứng chỉ để có thể hưởng thụ và tìm được nơi cung phụng vừa rẻ tiền lại vừa an toàn. Họ đâu ngờ rằng những hành động sinh lý yếu kém, những thái độ thiếu tế nhị, và những đối xử thiếu tôn trọng trong đời sống vợ chồng chính là những điều mà họ đang dần dần bị coi thường và mất điểm nhất đối với vợ mình.

Tóm lại vai trò làm chồng trở thành hết sức quan trọng không những chỉ hiểu theo ý nghĩa của xã hội và sự chấp nhận vai trò ấy đối với luật lệ xã hội, mà còn là một thách đố lớn lao, một cái nghề cần phải học hỏi và trau chuốt từng ngày. Đặc biệt về ba phương diện tâm lý, tâm linh và thể lý đối với mình và người phối ngẫu.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!