Vật Dụng Thông Thường Trong Các Nghi Thức Phụng Vụ
Các vật dụng phụng vụ -thường được gọi một cách nôm na là “đồ thánh”, “đồ lễ”, “đồ thờ”- là những vật dụng Phụng vụ dùng để chưng bày hoặc trực tiếp sử dụng trong việc cử hành Thánh lễ, các bí tích và á bí tích. Vì được đưa vào việc cử hành phụng thờ Thiên Chúa, các vật dụng nầy phải xứng đáng, mỹ thuật và chắc chắn.
Người phụ trách phòng thánh, ủy viên phụng vụ giáo xứ ,cũng như người giúp lễ, nên biết các vật dụng nầy, để dọn ra khi sắp có cử hành phụng vụ hoặc để giữ gìn cho xứng với mục đích của chúng là phục vụ việc thờ phượng Chúa.
Các vật dụng nầy thay đổi về số và loại theo tính cách của buổi cử hành.
Tập tài liệu nầy chỉ ước muốn được liệt kê một số vật dụng thông thường và ý nghĩa của chúng trong Phụng vụ. Dù thế, vì thời gian hạn chế, vẫn còn những vật dụng khác không được nêu danh. Ước mong sẽ bổ túc trong tương lai.
NB. Vật dụng có chú chữ xiên đặt trong ngoặc đơn, là tên của vật dụng đó trong tiếng Pháp (F), tiếng Anh (E), tiếng Latinh (L).
1. Nhà thờ (F: église, E: church; L: ecclesia)
Trong những thế kỷ đầu, Giáo hội chưa có Nhà thờ, giáo hữu thường tụ họp trong các tư gia, dưới các hang toại đạo để cầu nguyện và cử hành các Bí tích. Danh từ Nhà thờ khi đó được dùng để chỉ cộng đoàn được tụ họp để cử hành Phụng vụ. Đến khi đế quốc Rôma cho tự do tôn giá vào thế kỷ 4, việc xây cất Nhà thờ mới được đặt ra. Các toà nhà được xây cất hoặc được dâng hiến để dùng vào việc thờ phượng Chúa, được gọi là Nhà thờ.
Nhà thờ ngày nay là biểu tượng của Giáo hội (chữ église, church, ecclesia viết thường có nghĩa là Nhà thờ, viết hoa có nghĩa là Giáo hội). Nơi đó, dân Chúa tập họp để nghe Lời Chúa, cùng nhau cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích, cử hành Thánh lễ.
Trước khi sử dụng một ngôi Nhà thờ mới, phải thánh hiến hoặc phải làm phép Nhà thờ đó. Theo Bộ Giáo Luật (GL) khoản 1217, 2 phải cung hiến Nhà thờ Chính toà và Nhà thờ Giáo xứ.
Khi cung hiến, Nhà thờ phải chọn một tước hiệu về Chúa, về Mẹ Maria hoặc về một vị thánh, ví dụ tước hiệu của Nhà thờ Phủ Cam là Đức Mẹ Ban Ơn. Tước hiệu này có thể là bổn mạng Giáo xứ, nhưng cũng có thể chọn một tước hiệu khác với bổn mạng Giáo xứ, ví dụ bổn mạng của Nhà thờ Phủ Cam là hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Tuy nhiên, không được lấy tên một chân phước làm tước hiệu Nhà thờ.
Theo GL 1271, 1 đối với Nhà thờ họ nhánh, Nhà thờ tu viện, Nhà thờ của trung tâm hành hương, thì không buộc phải cung hiến, nhưng chỉ cần làm phép.
Khi Nhà thờ đã được cung hiến, thì hằng năm, ngày giáp lễ cung hiến Nhà thờ đó phải là ngày lễ trọng đối với Giáo xứ đó.
Trong mỗi Giáo phận có thể có 5 loại Nhà thờ:
– Nhà thờ Chính tòa (F: Cathédrale; E: Cathedral; L: Cathedralis ecclesia) :
Là Nhà thờ chính của Giáo phận, là nơi đặt ngai tòa của Giám mục Giáo phận. Mỗi Giáo phận chỉ có một Nhà thờ Chính tòa và phải được coi là trung tâm đời sống phụng vụ của Giáo phận. Nhà thờ Chính tòa phải được cung hiến cách trọng thể.
– Nhà thờ Giáo xứ (F: église paroissiale; E: church; L: ecclesia):
Là Nhà thờ chính của một Giáo xứ. Mỗi Giáo xứ chỉ có một Nhà thờ chính, các Nhà thờ khác phải được coi là Nhà thờ họ nhánh (hoặc Nhà thờ giáo họ). Nhà thờ Giáo xứ phải được cung hiến cách trọng thể.
– Thánh điện (F: Sanctuaire; E: Sanctuary; L: Sacrarium) :
Là Nhà thờ gắn liền với một Trung tâm hành hương.
Có 3 loại Thánh điện:
– Thánh điện cấp Giáo phận: do Giám mục Giáo phận xác định quy chế.
– Thánh điện cấp Quốc gia: do Hội đồng Giám mục xác định quy chế.
– Thánh điện cấp Quốc tế: do Toà Thánh xác định quy chế.
– Nhà nguyện (F: Chapelle; E: Chapel; L: Sacellum):
Là Nhà thờ của một tu viện hay của một trung tâm tĩnh tâm. Nhà nguyện không thuộc cơ sở Giáo xứ, nhưng được Giám mục Giáo phận cho phép để một cộng đoàn hay một nhóm người nào đó cử hành Phụng vụ hay cầu nguyện.
– Phòng nguyện (F: Oratoire; E: Oratory; L: Oratorium):
Thông thường là một căn phòng nhỏ, có Bàn thờ và có thể có Nhà Tạm Mình Thánh Chúa. Nơi đó, linh mục có thể làm lễ hoặc một cộng đoàn tu sĩ nhỏ cầu nguyện, chầu Mình Thánh Chúa. Khi dùng một căn phòng làm Phòng nguyện thì luôn luôn phải có phép Giám mục Giáo phận (x. GL 1226).
Trên thế giới, Toà Thánh cũng ban danh tước cho một số Nhà thờ đóng vai trò quan trọng trong một quốc gia hay trong toàn thể Giáo hội. Có 2 danh tước:
Tiểu Vương Cung Thánh Đường (F: Basilique; E: Basilica; L: Basilica)
Danh tước này được ban cho một số Nhà thờ đặc biệt tại các Trung tâm hành hương, như Vương Cung Thánh Đường Lộ Đức, Lisieux, Montmartre ở Pháp; Vương Cung Thánh Đường La Vang, Sài Gòn ở Việt Nam.
Đại Vương Cung Thánh Đường
Danh tước này chỉ được ban cho 4 Nhà thờ ở Rôma:
– Đền thờ Latêranô.
– Đền thờ Thánh Phêrô.
– Đền thờ Đức Bà Cả.
– Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành.
2. Thánh giá (F: Croix; E: Cross; L: Crux)
Chúa Giêsu dùng Thánh giá để thực hiện công cuộc cứu độ nhân loại, nên người Kitô hữu tôn kính Thánh giá cách đặc biệt và gắn Thánh giá ở nhiều nơi. Thánh giá được gắn trên tháp Nhà thờ, trên Cung thánh, trên các tường Nhà thờ đã được cung hiến, trên cổng Nhà thờ, được đeo trên ngực Giám mục và Viện phụ. Thánh giá dẫn đầu các cuộc rước kiệu, được vẽ hoặc thêu trên áo lễ. Người tín hữu chưng Thánh giá trên bàn thờ gia đình, trong phòng riêng, trên bàn làm việc, ghi hình Thánh giá trên trán, trên miệng và trên ngực, đeo Thánh giá trong cổ. Thánh giá còn được ghi trên lễ vật, trên sách Phúc Âm, trên trán người lãnh nhận Bí tích Rửa tội, Thêm sức, Xức dầu Bệnh nhân, Truyền chức thánh, trên những vật dụng được làm phép. Và Thánh giá cũng được xây trên phần mộ của mọi tín hữu.
Đặc biệt, để biểu lộ đức tin vào giá trị cứu độ của Thánh lễ và để nói lên mối liên kết chặt chẽ giữa Hy tế Thập giá và Thánh lễ, Giáo hội buộc phải chưng Thánh giá mỗi khi cử hành Thánh lễ. Theo Quy chế Tổng quát của Sách lễ Rôma (RM) năm 2000, khi cử hành Thánh lễ, Thánh giá phải luôn luôn có tượng Chúa Giêsu chịu tử nạn, thường gọi là Tượng Chịu nạn hay Tượng Chuộc tội. Tượng Chịu nạn này phải để trên Bàn thờ hay gần Bàn thờ, và phải đặt thế nào cho cộng đoàn trông thấy dễ dàng (RM 122; 308). Do quy định này, khi dọn Thánh giá cho Thánh lễ, Thánh giá phải quay mặt hình Chúa Chịu nạn ra phía cộng đoàn; chỉ trong trường hợp nơi cử hành Thánh lễ đã có một tượng Chúa Chịu nạn quay mặt về phía cộng đoàn (như trong Nhà thờ đã có sẵn tượng Chúa Chịu nạn trên Cung thánh) thì mới có thể quay mặt tượng Chúa Chịu nạn nhỏ trên Bàn thờ về phía chủ tế. Cũng nhằm tránh đặt 2 tượng Chúa Chịu nạn trên Cung thánh, phải cất Thánh giá đi đầu đoàn rước vào phòng thánh sau khi đã kết thúc nghi thức rước kiệu. Trong các lễ trọng, chủ tế xông hương tượng Chúa Chịu nạn ba lần.
Tại các Nhà thờ Việt Nam hiện nay, để tôn kính Thánh giá, Thánh giá luôn được treo cao ở trung tâm bức vách chính của Cung thánh để mọi người nhìn thấy cách dễ dàng và cúi đầu thờ lạy mỗi khi vào Nhà thờ. Cũng vì được treo cao, Thánh giá ít được chăm sóc, dễ bị bụi bám. Người phụ trách phòng thánh phải quan tâm đến sự xứng đáng của Thánh giá và lau chùi sạch sẽ nhất là trong các dịp lễ lớn.
3. Bàn thờ (F: Autel; E: Altar; L:Altare)
Trong tiếng Latinh, từ Bàn thờ (altare) bắt nguồn từ chữ altus, có nghĩa là cao. Ban đầu Bàn thờ hay tế đàn, là một nơi cao dùng để làm điểm liên kết giữa trời với đất, giữa Thiên Chúa với con người. Bởi vậy các ngọn núi hay các quả đồi là những nơi thường được chọn để xây dựng các tế đàn. Nếu gặp một miền đất bằng, người ta cũng đắp một nơi cao để dựng tế đàn, đặt Bàn thờ.
Trong Giáo hội, Bàn thờ là nơi hy tế Thập giá được hiện tại hóa, được tái diễn dưới dấu chỉ Bí tích, đồng thời là bàn tiệc Thánh Thể của Chúa Kitô. Khi cử hành Thánh lễ, Bàn thờ là trung tâm điểm mà mọi người phải hướng đến (RM 259). Trong nghi thức thánh hiến Bàn thờ, Đức Giám mục đổ dầu thánh trên bốn góc và ở trung tâm Bàn thờ và biến Bàn thờ ấy trở thành biểu tượng của Chúa Kitô. Kinh Tiền tụng Phục Sinh V tuyên xưng: “Khi hiến thân cứu độ chúng con, chỉ một mình Người (Chúa Kitô) là Bàn thờ, tư tế và lễ vật”. Khi cử hành Thánh lễ, dân Chúa quy tụ quanh Bàn thờ, như quy tụ quanh Chúa Giêsu. Vì thế, chủ tế bái chào, hôn kính và xông hương Bàn thờ trước khi cử hành Thánh lễ. Giáo hội khuyên nên duy trì truyền thống đặt hài cốt các thánh dưới Bàn thờ cố định.
Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (RM) không cho phép đặt trên Bàn thờ bất cứ vật dụng nào không được trực tiếp dùng để cử hành Thánh lễ (RM 306) như bình hoa, mâm quả, cũng không được đặt tượng Đức Mẹ, tượng các thánh lên Bàn thờ để dâng hoa hay để làm tuần tam nhật, cửu nhật.
Có hai loại Bàn thờ. Bàn thờ cố định là Bàn thờ không xê dịch, thường làm bằng đá hay bằng gỗ tốt và bền. Bàn thờ di động là bàn thờ có thể xê dịch đi nơi khác, làm bằng gỗ thường. Chỉ có Bàn thờ cố định mới được thánh hiến. Bàn thờ di động chỉ cần được làm phép do Giám Mục Giáo phận hay Linh mục Quản xứ (RM 300).
Luật Phụng vụ không quy định hình dáng của Bàn thờ. Do đó Bàn thờ có thể là hình chữ nhật, hình vuông, hình bầu dục, hình tròn. Nhưng tốt nhất là nên chọn hình chữ nhật, vì hình này thuận lợi cho việc bày trí các vật dụng phụng vụ trên Bàn thờ.
4. Khăn Bàn thờ (F:Nappe, E: Altar cloth, L: Tobale)
Bàn thờ luôn được phủ một tấm khăn màu trắng, gọi là khăn Bàn thờ. Theo phép lịch sự đời thường, khi dọn tiệc người ta luôn phủ khăn trên bàn ăn. Khăn Bàn thờ cũng nhắc cho tín hữu biết Bàn thờ là bàn tiệc Thánh Thể, nơi Chúa Giêsu trở nên lương thực nuôi dưỡng linh hồn họ. Khăn này phải là khăn màu trắng, vì màu trắng gắn liền với biến cố Vượt qua của Chúa Kitô và với sự Phục sinh của Người. Do đó, dù Bàn thờ được chạm trổ công phu hay bằng gỗ quý thì cũng phải trải khăn trắng khi cử hành Thánh lễ. Không được vì muốn tôn vẻ đẹp của Bàn thờ mà chỉ trải một Khăn thánh khi làm lễ. Tuy nhiên, ở phần rủ của khăn, có thể thêu những hình nghệ thuật thánh để tôn vẽ đẹp cho Bàn thờ.
Người phụ trách phòng thánh nên lưu ý đặc biệt về khăn Bàn thờ:
1. Phải trải khăn ngay ngắn, đường tâm Bàn thờ phải trùng với đường tâm khăn.
2. Phải tẩy các vết bẩn để khăn luôn giữ màu trắng tinh tuyền.
5. Nhà tạm (F: Tabernacle; E: Tabernacle; L: Tabernaculum)
Trong tiếng Latinh, từ Tabernaculum (Nhà tạm) có nghĩa là cái lều, là nơi ở tạm thời. Trong Cựu Ước, Nhà tạm -cũng gọi là trướng tao phùng- là nơi đặt Hòm bia Giao ước, nơi Chúa chọn để gặp gỡ ông Môsê và dân Chúa suốt cuộc hành trình trong sa mạc. Dân coi đó là nơi Chúa ngự.
Từ đầu cho đến thế kỷ 16, trong Nhà thờ Kitô giáo không có Nhà tạm như hiện nay, mà chỉ có nơi cất giữ Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân và những người vắng mặt trong buổi lễ. Giáo dân rước Mình Thánh Chúa trong Thánh lễ, phần Mình Thánh Chúa còn lại được cất giữ một nơi xứng đáng trong Nhà thờ, để các Phó tế và Linh mục đem đi phân phát cho bệnh nhân và những người già không thể đến dự lễ.
Đến thế kỷ 16 khi Giáo hội phải giáo dục dân Chúa về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể dưới hình bánh và để đáp ứng lòng tôn sùng Thánh Thể của dân Chúa qua việc chầu Thánh Thể, thì việc lưu giữ Mình Thánh Chúa trong Nhà tạm mới thịnh hành. Các Nhà thờ đều có Nhà tạm, được thiết kế ở một nơi xứng đáng trong một gian nhánh Nhà thờ hay trong Cung thánh.
Quy chế Sách lễ Rôma 2000 quy định ba điểm về Nhà tạm như sau :
1. Nhà tạm phải đươc làm bằng chất liệu chắc chắn (gỗ, kim loại, đá); phải tránh mọi nguy cơ phạm thánh (gắn chặt vào tường, vào đế, có khoá); và không được trong suốt.
2. Có thể đặt Nhà tạm ở một nơi trong gian nhánh hay trong Cung thánh. Nếu đặt trong Cung thánh, thì phải thiết kế đối xứng với nơi đặt sách Thánh Kinh (không phải Thư đài), hoặc chính trung tâm Cung thánh ngay sau Bàn thờ.
3. Dù đặt ở vị trí nào, Nhà tạm cũng phải có một đèn chầu bên cạnh, ngày đêm thắp sáng, để nhắc nhỡ cho mọi người biết sự hiện diện cao trọng của Thánh Thể Chúa Giêsu Kitô.
Trong nhiều Nhà thờ, Nhà tạm được che bằng một tấm vải ở cửa Nhà tạm hay được phủ bằng một tấm vải lớn. Ta gọi đó là khăn Nhà tạm (F: Voile; E: Veil; L: Velum). Khăn này thường được trang trí bằng các hình thêu mỹ thuật. Khăn này làm cho Nhà tạm trở nên như chiếc lều, như căn phòng trong đó có Chúa Giêsu là Đấng “vui thích ở giữa dân Ngài”.
Đối với người phụ trách phòng thánh, cần lưu ý những điểm sau:
– Lau bụi và các vết bẩn, đặc biệt là trên mái Nhà tạm.
– Xem lịch Phụng vụ để dọn khăn Nhà tạm cùng màu với áo lễ.
– Nếu đèn Nhà tạm là đèn dầu, phải châm thêm dầu, khơi bấc và lau khói bám vào bóng đèn. Nếu đèn Nhà tạm là đèn điện, cũng nên dự liệu một đèn dầu, đề phòng khi cúp điện. Phụng vụ không quy định màu của đèn Nhà tạm, nhưng theo truyền thống, nên dùng màu đỏ hoặc trắng và không chói.
– Nên chưng hoa tươi cạnh Nhà tạm, nhất là trong ngày lễ lớn, để nơi Chúa ngự có thêm phần trang trọng, hầu nhắc nhỡ giáo dân ý thức về sự hiện diện và tình thương yêu của Chúa Giêsu là Đấng đã phán: “Này Ta ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”.
– Vách trong của Nhà tạm thường được lót bằng vải trắng hoặc sơn màu trắng vốn là màu Thánh Thể. Nếu tấm đáy Nhà tạm cũng được lót bằng vải, thì nên dùng đinh cố định tấm vải đó, hoặc thay thế bằng tấm lót đó bằng gỗ mỏng hoặc bằng formica màu trắng, để khi đưa Bình thánh vào Nhà tạm, không làm nhàu tấm vải lót.
6. Chén thánh (F: Calice; E: Chalice; L: Calix)
Được gọi là chén, nhưng Chén thánh có hình dáng một chiếc ly có chân. Chén thánh dùng để đựng rượu nho sẽ trở thành Máu Thánh Chúa, là “Máu Giao Ước mới và vĩnh cữu” của Thiên Chúa ký kết với loài người. Cho nên Chén thánh phải được làm bằng chất liệu quý giá như vàng, bạc và được chạm trổ trang trí mỹ thuật, cho tương xứng với sự cao quý của nó. Cũng để nói lên tính cách xứng đáng của chén đựng Máu Thánh Chúa cực trọng, mà Giáo hội rất khuyên không nên dùng chén thánh bằng pha lê, thuỷ tinh, sành, sứ vốn là những chất liệu dễ vỡ, hoặc bằng các thứ kim loại dễ méo móp.
Mỗi Nhà thờ nên có ít nhất là 2 Chén thánh, một cái dùng tại Bàn thờ chính, một cái dùng cho các Thánh lễ tại nhà giáo dân (như lễ cầu hồn tại gia) và cho Thánh lễ đồng tế. Người phụ trách phòng thánh phải cất Chén thánh vào tủ (có khoá càng tốt), chỉ dọn ra bàn rượu nước khi có Thánh lễ. Khi dọn Chén thánh, nên lau cả bên trong lẫn bên ngoài chén. Đặc biệt Chén thánh bị mòn lớp mạ, cần lau sạch cả bên trong vì nếu không, khăn tuyết rất mau dơ.
Trong các dịp lễ có tổ chức đoàn dâng lễ vật, không nên rót rượu vào Chén thánh rồi trao cho đoàn dâng lễ vật, nhưng nên trao cho họ chai rượu. Nếu đoàn muốn dâng Chén thánh, nên đặt Chén thánh lên khay có phủ khăn, trên Chén thánh đặt Khăn thánh và tấm đậy (palla).
7. Dĩa thánh (F: Patène; E: Paten; L: Patena)
Dĩa thánh có hình tròn và hơi lõm, dùng để đựng bánh lễ sẽ được truyền phép để trở nên Mình Thánh Chúa Kitô. Cũng như Chén thánh, Dĩa thánh cũng phải được làm bằng nguyên liệu quý giá, xứng hợp với công dụng của nó. Người phụ trách phòng thánh phải chuyên cần lau Dĩa thánh như Chén thánh.
Trong các dịp lễ có đoàn dâng lễ vật, thường người ta chọn một Dĩa thánh lớn, có phủ khăn, để đựng bánh lễ lớn. Dĩa này có thể bằng gỗ trang trí mỹ thuật. Cũng nên đặt bánh lễ lên giá đỡ để cộng đoàn dễ nhìn thấy rõ ràng tấm bánh được dâng làm lễ vật.
Trong mùa khí hậu ẩm ướt, phải bảo quản bánh lễ khỏi bị ẩm và mốc, đặc biệt đối với bánh lớn. Nên chia bánh nhỏ thành những gói, bỏ vào bao nilông, buộc kín, rồi cất vào hộp lớn. Khi dùng, chỉ mở lấy số lượng bánh cần dùng; còn đối với bánh lớn, mỗi bánh nên đựng vào mỗi bao nilông riêng và chỉ mở bao nilông ngay trước Thánh lễ.
8. Khăn thánh (F: Corporal; E: Corporal; L: Corporale)
Trong tiếng Latinh, Khăn thánh được gọi là corporale, bởi tiếng corpus có nghĩa là thân mình. Được gọi là Khăn thánh (corporale) vì Mình Thánh Chúa được đặt ngay trên chiếc khăn này. Khăn thánh là khăn màu trắng, hình vuông, gấp thành 9 ô vuông. Ở trung tâm Khăn thánh hoặc ở một trong những ô vuông đó có thêu hình Thánh giá. Khi xếp khăn thành 9 ô vuông, bề mặt hình Thánh giá phải nằm bên trong khăn.
Mỗi khi cử hành Thánh lễ, phải trải khăn này lên Bàn thờ. Chén thánh, Dĩa thánh, Bình thánh phải được đặt trên khăn này. Trong Thánh lễ có đông Linh mục đồng tế, phải trải thêm vài Khăn thánh khác, để các Bình thánh và Chén thánh luôn được đặt trên các khăn này. Thông thường, trong Thánh lễ có đông Linh mục đồng tế, người phụ trách phòng thánh nên dọn ba Khăn thánh. Khăn thánh chính dùng cho chủ tế, hai Khăn thánh khác dùng để trải hai góc Bàn thờ, để đặt Chén thánh và Bánh thánh cho các Linh mục đồng tế rước lễ. Người phụ trách phòng thánh không nên trải Khăn thánh trước lễ. Chính Linh mục sẽ trải Khăn thánh khi đến phần dâng lễ vật.
Khi dọn đồ lễ, người phụ trách phòng thánh đặt Khăn thánh (đã xếp thành chín ô) trên tấm đậy. Tấm đậy (F: Pale; E: Pail; L: Palla) là một tấm hình vuông hoặc tròn, dày và cứng, màu trắng, thường có trang trí mỹ thuật. Tấm đậy dùng để đậy miệng Chén thánh, hầu tránh bụi hoặc côn trùng rơi vào rượu thánh, nhất là khi cử hành Thánh lễ ngoài trời và vào mùa côn trùng nở rộ.
9. Khăn tuyết (F: Purificatoire; E: Purificator; L: Purificatorium)
Trong tiếng Latinh, từ purificatorium đến từ tính từ purus có nghĩa là sạch sẽ và động từ facere có nghĩa là làm. Khăn tuyết là khăn dùng để làm sạch Chén thánh, nên còn gọi là Khăn lau chén. Khăn này màu trắng, có thêu Thánh giá ở trung tâm, hình chữ nhật gấp ba phần bằng nhau theo chiều dọc. Vì dùng để lau khô, nên vải Khăn tuyết phải là thứ vải thấm nước.
Khi dọn đồ lễ, người phụ trách phòng thánh dọn Khăn tuyết ngay trên miệng Chén thánh, dưới tấm đậy và Khăn thánh. Vì khăn này dễ dơ và ướt, ta năng thay khăn. Sau lễ, phơi khăn nơi chỗ thoáng gió để khăn khỏi bị thâm kim.
10. Bình thánh (F: Ciboire; E: Ciborium; L: Ciborium)
Bình thánh có hình dạng một bán cầu có chân, dùng để đựng Bánh thánh phân phát cho giáo dân. Bình thánh có nắp đậy và thông thường có Thánh giá ở đỉnh nắp. Sau phần rước lễ, Mình Thánh Chúa được cất trong Bình thánh, lưu giữ trong Nhà tạm để mọi người tôn kính, kính viếng hoặc để mang cho những người yếu liệt rước lễ.
Có một vật dụng nhỏ dùng để đựng vài bánh thánh cho các người yếu liệt tại tư gia. Đó là hộp đựng Mình Thánh Chúa (F: custode; E: host container; L: custos). Hộp này thường có hình tròn, làm bằng chất liệu bền, chắc như đồng mạ vàng, bạc mạ vàng… . Khi dọn đồ thánh ta đặt hộp này trên Khăn thánh.
Mỗi Giáo xứ, tuỳ số lượng giáo dân mà trang bị nhiều hay ít Bình thánh. Tuy nhiên, cần có một bình dự phòng cho Thánh lễ tại nhà tang.
11. Bình rượu nước, dĩa hứng nước, khăn ngón và dĩa hứng vụn bánh thánh (F: Burette; E: Cruet; L: Ampulla)
Bình rượu (burette d’eau) dùng cho Thánh lễ là một chiếc bình nhỏ, trong suốt, không màu; cũng có thể dùng một chai nhỏ xinh xắn thay thế bình này. Bình rượu thường có nắp đậy hoặc nắp vặn. Những bình nghệ thuật thường có quai cầm và miệng nhỏ chỉ đường rót rượu ra khỏi bình.
Bình nước (burette de vin) có hình dạng như bình rượu, chỉ khác là để đựng nước dùng để pha vào rượu và để tráng chén sau phần Hiệp lễ. Ý nghĩa của giọt rượu pha vào nước được Linh mục đọc thầm: “Nhờ dấu chỉ nước pha vào rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con”. Bình nước cũng được dùng để Linh mục rửa tay sau phần Dâng lễ vật. Ngày nay, có nhiều Nhà thờ dùng một chén riêng để đựng nước rửa tay cho Linh mục. Ý nghĩa việc rửa tay được Linh mục đọc thầm khi ngài rửa tay: “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm; tội con phạm, xin Ngài thương thanh tẩy”. Nếu dùng bình nước để rót ra cho Linh mục rửa tay, thì cần một dĩa hứng nước dơ.
Dĩa hứng vụn Bánh thánh (F: plateau; E: communion paten; L: patena) thông thường làm bằng kim loại hoặc gỗ, có hình trái xoan (hình thuẫn), hơi lõm, để hứng các vụn Bánh thánh có thể rơi xuống khi Linh mục cho giáo dân rước lễ. Sau phần rước lễ, chú giúp lễ đặt dĩa nầy lên bàn tráng chén hoặc đặt trên Bàn thờ để Linh mục gạt vụn Bánh thánh vào Chén thánh.
Sau khi rửa tay xong, Linh mục cần một khăn để lau khô tay. Khăn này được gọi là khăn ngón (F: manuterge; E: napkin; L: manutergium) hay khăn tay. Khăn này có hình chữ nhật, màu trắng được xếp thành nhiều lớp, làm bằng vải thấm nước. Trên khăn này không thêu Thánh giá. Sau giờ lễ, nên mở khăn ra phơi nơi thoáng gió để khăn chóng khô. Mỗi Nhà thờ phải có ít nhất vài khăn ngón để thay đổi nhau.
Bình rượu nước và dĩa hứng nước dễ bị bẩn. Mỗi tuần, người phụ trách phòng thánh nên chùi sạch. Ngoài ra, khi cất vào tủ, nên đậy kín bình rượu nước, để tránh gián kiến rơi vào. Nếu có điều kiện, nên có hai bộ bình rượu nước, hai dĩa hứng nước và hai chén đựng nước rửa tay, bộ tốt dùng cho lễ trọng.
12. Nến: (F: Cierge; E: Candle; ; L: Candela)
Ban đầu, nến được sử dụng cho công việc trần thế, như chiếu sáng, tạo bầu khí thân mật, ấm áp. Về sau, người ta thắp nến đốt lửa trong các buổi tế tự lớn nhỏ. Ngay ở Việt Nam, trong các đền chùa, miếu vũ và khi tế tự đều có yếu tố lửa. Lửa này được lưu giữ trên nến, đèn đuốc hoặc trên hương trầm.
Việc thắp đèn nến trong Phụng vụ được bắt nguồn từ Cựu Ước. Thật vậy, trong Đền thờ Giêrusalem, nến sáng nhắc nhỡ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài. Sách Xuất Hành đưa các chỉ thị rõ ràng và chi tiết về cây đèn bảy ngọn (Xh 25, 31-40): trụ đèn và chân đèn bằng vàng ròng, nhánh đèn bằng vàng gò, có đài hoa, nụ hoa, cánh hoa gắn liền vời trụ đèn; ánh sáng của bảy ngọn đèn phải toả ra phía trước trụ đèn. Kéo cắt bấc và đĩa đựng tàn cũng bằng vàng ròng. Phải dùng đến 30kg vàng để làm toàn bộ cây đèn bảy ngọn. Sách Xuất hành (Xh 27, 30) còn quy định: “Dầu trong đèn phải là dầu ôliu nguyên chất để đèn luôn luôn có lửa cháy”. Sách Lêvi 24,1-2 viết: “Đèn được đặt bên ngoài bức màn tao phùng, trong lều hội ngộ, sao cho nó luôn luôn cháy từ chiều đến sáng, trước nhan Thiên Chúa”. Sách Khải Huyền nhắc tới cây đèn bảy ngọn ở Kh 4, 5 và xem bảy ngọn đèn là bảy thần khí luôn luôn sáng tỏa trước ngai Thiên Chúa.
Trong Phụng vụ Kitô giáo, đèn nến luôn được thắp sáng trong các buổi cử hành, ngay cả khi không cần đến ánh sáng, chẳng hạn khi cử hành các nghi lễ vào ban ngày, nhằm nhắc nhỡ rằng Ngôi Lời nhập thể chính là ánh sáng thế gian (x. Ga 1,4-9), là ánh sáng vĩnh cữu không bao giờ tắt.
Phụng vụ dùng nến trong các dịp sau đây và mỗi dịp lại có ý nghĩa khác nhau:
– Trong lễ Phục Sinh, nến Phục Sinh biểu trưng Chúa Kitô phục sinh. Vì đó, phải xông hương nến và công bố Tin Mừng Phục Sinh cạnh nến.
– Nến sáng được trao cho người tân tòng trong phép Rửa Tội, cho người rước lễ lần đầu và cho người chịu phép Thêm Sức, cho các khấn sinh. Trong các nghi lễ ấy, nến sáng biểu trưng ân sủng của Chúa và biểu trưng chính sự sống của họ trong Hội thánh.
– Nến thắp trên Bàn thờ nói lên lòng tôn kính của tín hữu trước sự hiện diện của Chúa.
– Nến đặt cạnh quan tài nhắc cho tín hữu rằng người chết sẽ có ngày phục sinh trong Chúa, đồng thời cũng nhắc cho các tín hữu còn sống luôn có thái độ tỉnh thức mong chờ Chúa đến.
– Trong Lễ Đèn thứ sáu, thứ bảy Tuần Thánh, Phụng vụ dùng một chân nến năm ngọn. Sau khi nguyện xong một phần thì tắt một ngọn. Cuối cùng chỉ còn lại một ngọn duy nhất và đơn độc. Ngày xưa người ta không tắt ngọn cuối cùng này mà đem cất vào phòng thánh rồi tắt. Hành động này nhằm nói lên Chúa Kitô trở nên trần trụi, đơn độc trong đêm khổ nạn.
- Trong các cuộc rước nến sáng như trong ngày Lễ Nến hoặc trong lễ khấn, nến tượng trưng “con cái sự sáng” (Lc 16,8) đến gặp Chúa Kitô là ánh sáng muôn dân và ánh sáng vĩnh cữu.
13. Hoa: (F: Fleur; E: Flower; L: Flos)
Bông hoa tươi thắm luôn tạo nên cảm giác vui tươi và hân hoan. Mỗi loại hoa và màu sắc của nó có một ngôn ngữ và ý nghĩa riêng, do con người cảm nhận rồi quy ước. Các quy ước này không có tính nhất quán cao, vì mỗi dân tộc và mỗi thời đại có thể có cảm nhận khác nhau về ý nghĩa của từng loại hoa. Nhưng chung chung, ta có thể tìm thấy các ý nghĩa như sau:
1. Hoa hồng: lòng ái mộ, tình yêu mãnh liệt.
Hồng trắng: tình yêu trong sáng, cao thượng.
Hồng vàng: tình yêu rực rỡ.
Hồng phớt: tình yêu mơ mộng.
Hồng thẫm: tình yêu nồng cháy.
2. Cẩm chướng: lòng quý mến.
Cẩm chướng đỏ: lòng tôn kính.
Cẩm chướng hồng: ngày của mẹ.
3. Cúc: cao thượng.
Cúc đại đoá: vui mừng.
Cúc vàng: chân thật, vui vẻ.
Cúc trắng: ngây thơ, duyên dáng.
Cúc tím: lưu luyến khi chia tay.
Cúc đồng tiền: trường thọ.
4. Sen: độ lượng, bác ái
Sen trắng: cung kính, tôn nghiêm.
Sen hồng: hân hoan, vui tươi.
5. Thược dược: tươi thắm, yêu thương.
6. Huệ: trong sạch, thanh cao.
7. Lan: thanh cao, nhiệt tình.
8. Quỳnh: thanh khiết.
9. Đồng tiền: may mắn, sung túc.
10. Layơn: niềm vui, thành thật, cao quý.
11. Violet: Tình yêu chân thực, khiêm tốn, giản dị, trung thực.
12. Anh đào: nét đẹp tâm hồn.
13. Súng: yêu thương chung thuỷ.
14. Mai: cứng rắn, không chịu khuất phục.
15. Mào gà: tình yêu bền vững.
16. Liễu rủ: buồn thương.
17. Hoa ly: trong sáng, thanh cao.
18. Nguyệt quế: chúc mừng thành công.(theo internet)
Ở Việt Nam, thôn quê không có sẵn hoa như thành phố. Nhưng nếu có điều kiện kinh tế, nên chọn loại hoa phù hợp với ý nghĩa ngày lễ. Tuy Phụng vụ không quy định hoa thật hay hoa giả, nhưng nên tránh chưng hoa giả. Trong trường hợp thiếu hoa thật, có thể dặm thêm hoa giả vào bình hoa thật. Lối bài trí hoa trên bình hoa cũng phải phù hợp với Phụng vụ, do đó trong nhiều trường hợp, không thể lấy một bình hoa ở phòng khách, phòng ăn đem chưng ở Cung thánh. Cũng không nên chưng bình quá lớn, rườm rà, vì vô tình có thể trở thành đối tượng chú ý của ngày lễ. Cũng không nên uốn các bình hoa theo hình con thú, các vật biểu tượng, mà phải tôn trọng nét đẹp tự nhiên của cành lá bông hoa.
Vì chưng hoa là để trang trí cho cuộc cử hành Phụng vụ thêm trang trọng huy hoàng, nên các bình hoa không được làm lu mờ vị trí của Bàn thờ, Chủ tế, Chén thánh, Thư đài và đồng thời, không gây cản trở cho việc đi lại trong cung thánh. Quy chế Sách lễ Rôma 2000 không cho phép đặt các bình hoa trên Bàn thờ. Vậy chỉ được chưng chung quanh hoặc trước Bàn thờ mà thôi. Mùa Chay, trừ Chúa nhật 4 Mùa Chay và lễ trọng trong Mùa Chay, không được phép chưng hoa trước Bàn thờ. Cùng chỉ được chưng hoa vừa phải trong Mùa Vọng, để hướng tất cả sự hân hoan vào ngày lễ Chúa Giáng Sinh (RM 305).
14. Hương trầm: (F: Encens; E: Incens; E: Incense)
Xông hương, dâng hương trong Phụng vụ có hai ý nghĩa chính:
1. Tỏ lòng tôn kính hoặc khơi dậy lòng tôn kính đối với đối tượng được xông.
2. Biểu trưng cho lời cầu nguyện bay lên trước tôn nhan Chúa (Tv 140,2; Kh 8,3).
Ở Việt Nam, có bốn loại hương thơm thường dùng trong nghi lễ:
a. Nhang:
Nhang là những thẻ tre (cho nên cũng có tên là nhang thẻ) phần trên có bột thơm, phần dưới dùng để cầm. Bột nầy thường có ba màu tạo nên ba loại nhang khác nhau: vàng tươi, nâu sẫm, đỏ sẫm. Ba loại nhang này rất phổ biến, có thể dùng trong Phụng vụ. Loại nhang lớn màu đỏ sẫm thường được dùng trong các dịp long trọng. Ngoài ra, cũng có loại nhang pha hạt sáng. Khi lửa cháy đến hạt, hạt lóe sáng vui mắt. Loại này không dùng trong Phụng vụ vì gây chia trí. Các đền, chùa còn dùng một loại nhang hình xoắn ốc. Nhờ hình xoắn ốc, thời lượng cháy lâu hơn so với nhang thẻ. Hiện nay trong các Nhà thờ Việt Nam không dùng loại nầy, nhưng Phụng vụ không cấm.
Để cắm nhang thẻ, người ta thường không dùng lư hương nhưng dùng một vật dụng gọi là bát nhang, trong đó đổ cát hoặc gạo để dễ cắm. Tuy nhiên một số Nhà thờ Công giáo lại có thói quen cắm nhang trên lư hương. Chưa có nghiên cứu nghiêm túc nào xác định việc cắm nhang trên lư hương là sai lệ. Tuy nhiên phổ biến trong dân gian vẫn là cắm nhang trên bát nhang.
Mỗi lần dâng hương, người ta thường dâng theo số lẻ nghĩa là dâng 1, 3, 5, 7 thẻ nhang, không bao giờ dâng theo số chẵn. Theo quan niệm dân gian, số lẻ là số dành cho thần linh trong đó có cả linh hồn người chết. Cũng có quan niệm cho rằng đời sống con người có bốn sự kiện cơ bản: sinh, lão, bệnh, tử. Số lẻ là số sinh hoặc bệnh; số chẵn là số lão hoặc tử , lão và tử là hai điều kỵ, nên tránh. Nhưng khi dâng một nắm gồm nhiều thẻ nhang, người ta không còn lưu ý đếm số lượng thẻ nhang là chẵn hay lẻ.
b. Trầm:
Trầm được tạo ra do nhựa cây dó kết tinh lâu năm, rất thơm. Mùi thơm của trầm không quyến rũ như mùi nước hoa, nhưng thâm trầm, lắng đọng, dễ đưa tâm trí thoát tục đi vào chiều sâu và vươn lên cõi linh thiêng .
Nhựa trầm khi bỏ vào nước thì chìm, do đó có tên là trầm. Trầm ròng (còn gọi là kỳ nam) rất đắt tiền, nên dân gian thường dùng giác trầm. Giác trầm là những đoạn gỗ ở gần chỗ có trầm ròng hoặc những mảnh gỗ có nhiều nhựa trầm, khi đốt lên vẫn toả ra mùi thơm của trầm. Trong các buổi cử hành Phụng vụ, giác trầm được bỏ vào lư hương, đốt lên để toả khói trắng và hương thơm. Để tiết kiệm, người ta cũng bỏ giác trầm vào lư hương nhỏ đặt trong lòng lư hương lớn.
c. Hương nụ:
Có nơi, người ta dùng hương nụ thay cho giác trầm, vì hương nụ cháy lâu hơn giác trầm và trông gọn gàng hơn. Hương nụ là bột hương được ép thành nụ có hình trụ chóp nón. Hương nụ cũng được đặt vào lư hương nhỏ và được đốt lên để toả mùi thơm và khói trắng trong nghi thức dâng hương.
Khi dùng lư hương nhỏ đựng trầm, giác trầm, hương nụ trong nghi thức dâng hương, chủ tế thường cầm lư hương vái một hoặc ba vái, rồi đặt lư hương nhỏ vào lư hương lớn. Trái lại, trong dân gian, người ta chỉ vái khi dâng nhang, không bao giờ cầm lư hương mà vái. Chưa có một nghiên cứu nghiêm túc nào xác định việc cầm lư hương mà vái là sai lệ, cử chỉ này cũng cần phải được nghiên cứu thêm.
d. Hương bột:
Hương bột là hương dạng bột hoặc hạt nhỏ. Có thể làm hương bột bằng cách tán nhỏ chai phà, giác trầm, kỳ nam, nhựa thông, sáp ong hoặc bất cứ một loại nhựa cây nào có mùi thơm và tỏa khói trắng.
Bột hương được đổ vào một vật dụng gọi là tàu hương có dáng một chiếc xuồng nhỏ. Trong tàu hương luôn có muỗng nhỏ để múc bột hương đổ vào than hồng. Trong buổi cử hành Phụng vụ, chủ sự dùng muỗng lấy hương bột đổ vào lư hương trước Bàn thờ, hoặc đổ vào bình hương xông.
Bình hương xông (F: encensoir; E: censer; L: thuribulum) gồm phần thân đựng than hồng và phần dây treo gồm ba sợi. Nắp bình hương có thể di chuyển lên xuống nhờ một sợi dây thứ tư. Chú giúp lễ kéo nắp bình lên cho chủ sự bỏ hương, rồi lại thả dây cho nắp bình rơi xuống đậy trên bình. So với bát nhang và lư trầm, sử dụng bình xông có lợi là có thể xông Bàn thờ, bánh rượu, Thánh giá, sách Phúc Âm, Chủ tế, các Linh mục đồng tế và cộng đoàn, trong nghi thức an táng có thể xông linh cửu và trong phép lành Mình Thánh Chúa có thể xông Mình Thánh Chú, trong buổi canh thức Phục Sinh có thể xông nến Phục Sinh.
Về hương trầm, người phụ trách phòng thánh cần lưu ý những điểm sau:
a. Về nhang: Phải chọn loại nhang khi đốt lên thì toả mùi thơm dịu, không khắt. Đồng thời, phải chọn loại nhang mà thẻ nhang khá cứng, để nhang không nghiêng ngã khi cắm vào bình nhang. Lúc dọn nhang luôn dọn lẻ.
b. Giác trầm: Phải chọn loại giác ngửi thấy mùi thơm rõ nét.
c. Hương nụ: Có những loại hương nụ rất thơm nhưng mùi thơm không phù hợp với Phụng vụ, như mùi dầu xả hoặc mùi nước lau nhà.
d. Bột hương: Dù ở thành phố hay thôn quê, đều có thể tự chế bột hương để có mùi thơm và bốc nhiều khói trắng, bằng cách tán nhỏ chai phà và nhựa thông.
e. Than: Nên mua dành sẵn than hoạt tính mà người ta thường gọi là than phụng vụ. Loại này rất dễ bắt lửa, cháy lâu và chỉ tắt khi đã cháy hết than.
f. Bình xông hương: Bình xông hương có bốn dây khá dài, dễ bị rối. Do đó, trước và sau khi dọn, luôn luôn treo bình lên móc, không đặt bình hương lên bàn.
g. Tàu hương: Trước mỗi lễ, nên kiểm tra bột hương và muỗng trong tàu hương. Các chú giúp lễ có thể làm đổ bột hương do vô ý cầm nghiêng tàu hương.
15. Mâm quả (mâm trái cây): (Plateau de fruits)
Theo phong tục Việt Nam, trong các buổi tế tự – như lễ tang, lễ giỗ và lễ Tết- đều có mâm quả chưng trên bàn thờ làm lễ vật.
Sỡ dĩ người Á Đông dâng quả vì họ quan niệm rằng quả trọng hơn hoa. Quả là sự thành tựu của hoa. Hoa chóng tàn còn quả bền lâu. Hoa chỉ khoe sắc và mùi, quả mang hạt phát sinh sự sống mới. Quả là thức ăn nuôi sống, còn hoa chỉ để ngắm và ngửi, không thể dưỡng nuôi sự sống.
Người ta thường dâng các loại quả theo số lẻ: 1, 3, 5 loại quả. Với lòng thành, người ta có thể dâng bất cứ loại quả nào. Tuy nhiên, trên thực tế có một số loại quả không bao giờ xuất hiện trên bàn thờ dân gian như mít, chanh, các loại bí, cà, dưa (trừ dưa hấu), mướp, vả, ớt và các loại củ. Có lẽ vì tên gọi hoặc hình dáng các loại quả nầy gợi lên âm thanh hoặc hình ảnh không xứng hợp với lòng tôn kính đối với thần linh và đối với người đã khuất.
Theo phong trào hội nhập văn hóa và vì tính cách biểu trưng công lao khó nhọc của con người, Phụng vụ Việt Nam chấp nhận mâm quả trong các lễ vật dâng tiến lên Bàn thờ. Người phụ trách phòng thánh nên ràng buộc các quả trên mâm bằng băng keo trong để quả khỏi rơi, hoặc tốt hơn, sau đó, còn đặt mâm quả trong giấy gói trong suốt, mỹ thuật. Vị trí đặt mâm ngũ quả thông thường là trước Bàn thờ, trên đôn thấp, cạnh bộ tam sự.
16. Bộ tam sự
Bộ tam sự là một “bộ đồ thờ” (nói theo kiểu dân gian) gồm 3 vật dụng: 1 lư hương và 2 đèn. Bộ tam sự thường bằng đồng hoặc gỗ, chạm trổ theo mỹ thuật Á Đông. Nếu bộ đồ thờ này gồm 5 vật dụng là 1 lư hương, 2 đèn, 2 hạc thì gọi là bộ ngũ sự.
Người Việt Nam luôn chưng bộ tam sự này trên bàn thờ gia đình và trong các buổi tế tự. Nói cách khác, tam sự là đồ chuyên dùng trong việc tế tự. Tự nó, bộ tam sự này không là của tôn giáo nào, nhưng là vật dụng tế tự của người Việt Nam dùng để bài trí trên bàn thờ. Thánh lễ là việc tế tự, Bàn thờ phải bài trí những vật dụng tế tự, nên Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong khuynh hướng hội nhập văn hoá, đã chấp nhận cho các Nhà thờ Công giáo sử dụng bộ tam sự. Bộ tam sự thường được đặt trước Bàn thờ. Lư hương dùng để bỏ trầm hương và đèn dùng để thắp sáng. Bộ tam sự làm tăng thêm vẻ đẹp, tôn nghiêm và linh thánh của việc thờ phượng Chúa trong các cử hành Phụng vụ.
Theo phong tục dân gian, không bao giờ đặt bộ tam sự ngay trên nền nhà -vì đây là “bộ đồ thờ”- nhưng phải đặt trên một bàn thấp. Dân gian gọi bàn này là bàn tam sự. Trong các Nhà thờ Công giáo, bàn tam sự có thể không phải là một cái bàn phẳng đúng nghĩa, nhưng là một cái giá mỹ thuật, có công dụng làm đế để đặt bộ tam sự cho trang nghiêm.
Trong một buổi cử hành phụng vụ, không nên dùng lư hương (bỏ hương vào lư) lại đồng thời dùng bình hương để xông hương. Nghĩa là, nếu dùng bình xông hương, thì không dùng lư hương, còn đã chọn dùng lư hương, thì không dùng bình xông hương. Cũng không đặt lư hương trước Thư đài, không cầm lư hương đi quanh quan tài để xông hương.
Người phụ trách phòng thánh nên thường xuyên lau bụi và vết nến trên bộ tam sự. Mỗi khi có lễ lớn, đặc biệt lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, lễ Tết, phải đánh bóng bộ tam sự.
17. Chuông
chuông nhà thờ (F: Cloche; E: Church bell; L: Campana)
chuông nhỏ (F: Sonette; E: Altar bell; L: Tintinnabulum)
Trong cuộc sống thường ngày, để lôi kéo sự chú ý của mọi người, người ta dùng những vật dụng tạo những âm thanh đơn giản như còi xe tàu, còi báo động, kiểng, trống… . Nhịp độ và âm sắc của các âm thanh nầy chuyển tải một hiệu lệnh đặc trưng, ví dụ: còi xe chữa lửa, xe cứu thương, kiểng tập họp, trống tập họp, trống báo động khẩn cấp, trống thúc quân, trống xông trận… .
Trong các nghi lễ tôn giáo, ngoài các nhạc cụ chuyên dụng như đàn sáo vốn là những nhạc cụ tạo ra âm thanh phong phú, người ta cũng sử dụng các vật dụng tạo âm thanh đơn giản, như chiêng trống, thanh la khánh lệnh, chuông chùa, chuông Nhà thờ, chuông tụng kinh, chuông lễ.
Mỗi loại âm thanh, mỗi thứ nhịp điệu đều có một ý nghĩa khác nhau theo thói quen đã thành qui ước.
Chuông vang lên trong các buổi cử hành Phụng vụ Kitô giáo vừa có mục đích báo hiệu, vừa tạo nên niềm hân hoan phấn khởi.
Phụng vụ kéo chuông lớn và rung chuông nhỏ khi hát kinh Vinh Danh trong lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh là chủ ý tạo niềm hân hoan, báo tin Chúa ra đời và Chúa sống lại.
Trong Phụng vụ, để báo hiệu, người ta rung chuông nhỏ vào những lúc sau đây:
1. Đặt tay xin ơn Chúa Thánh Thần thánh hoá lễ vật.
2. Nâng Mình và Máu Thánh Chúa sau khi truyền phép.
3. Đầu giờ rước lễ.
4. Ban phép lành Mình Thánh Chúa.
5. Rước kiệu Mình Thánh Chúa.
Vì tiếng chuông tạo niềm vui, nên Phụng vụ ngừng chuông (cả chuông nhỏ lẫn chuông Nhà thờ) từ Thứ Năm Tuần Thánh đến lễ Phục Sinh, để tỏ dấu Hội thánh đang chịu tang.
Người phụ trách phòng thánh nên kiểm tra siết lại vít, đánh bóng chuông nhỏ trong các dịp lễ lớn; đặc biệt, thỉnh thoảng bỏ dầu mỡ vào chuông lớn.
18. Dầu thánh(F: Huile Sainte; E: Oil; L: Oleum Sanctum)
Trong tiếng Latinh, oleum có nghĩa là dầu trích từ quả ôliu.
Trong đời sống ngày thường, dầu thực vật có 4 công dụng:
1. Dầu là thành phần thực phẩm, làm cho thức ăn thơm ngon, dễ dùng (dầu ăn).
2. Dầu tăng sức mạnh và dẻo dai cho cơ thể, xua trừ cảm lạnh và các cơn đau (dầu xoa bóp).
3. Dầu còn dùng để thắp sáng xua tan bóng tối (dầu thắp).
4. Dầu toả mùi thơm, đem đến sự dễ chịu, trang nhã trong các cuộc tiếp xúc với người khác. Dầu đem đến sự vui tươi, gia tăng sức sống và chất lượng sống (dầu thơm, nước hoa).
Trong Cựu Ước, dầu đem lại niềm vui (Tv 44,8), làm tươi nét mặt (Tv 103,15); dầu được dùng để thánh hiến, làm cho người được xức dầu trở nên vua, tư tế hay ngôn sứ (Xh 29,7; Is 10,1; 16,12-13).
Phụng vụ Giáo hội dùng ba loại dầu thực vật của trái cây ôliu, do Đức Giám Mục Giáo phận làm phép và thánh hiến trong Lễ làm phép dầu, sáng Thứ Năm Tuần Thánh:
1.Dầu Bệnh nhân: Được Đức Giám Mục làm phép. Trong trường hợp khẩn cấp, Linh mục cũng có thể làm phép dầu này. Dầu này xức cho bệnh nhân và người già yếu để xin Chúa Thánh Thần ban ơn trợ lực trong cơn thử thách do cơn bệnh hoạn hoặc tuổi tác gây ra.
2.Dầu Dự tòng: Chỉ Đức Giám Mục mới có quyền làm phép. Dầu Dự tòng được xức cho những người sắp lãnh nhận Bí tích Rửa tội, để đẩy lui vòng kiềm tỏa của Satan và sự dữ trên họ.
3.Dầu Thánh: Chỉ Đức Giám Mục mới có quyền thánh hiến.
Dầu Thánh được xức cho người và vật dụng thánh sau đây:
– Cho người vừa chịu phép Rửa tội (xức trên đỉnh đầu).
– Cho người chịu phép Thêm sức (xức trên trán).
– Cho tân Linh mục (xức trên lòng bàn tay), cho tân Giám Mục (xức trên đầu).
– Cho Bàn thờ trong nghi lễ thánh hiến Bàn thờ (xức trên mặt Bàn thờ), Nhà thờ (xức trên các Thánh giá gắn sẵn trên tường Nhà thờ).
Trong các Nhà thờ Giáo xứ, ba loại dầu này được đựng trong ba hộp tròn nhỏ, có lót bông gòn để dầu khỏi chảy ra ngoài. Trên mỗi hộp, có ghi tên loại dầu:
– SC (Sacrum Chrisma): Dầu Thánh.
– OI (Oleum Infirmorum): Dầu Bệnh nhân.
– OS (Oleum Sanctum): Dầu Dự tòng.
Ba hộp dầu nhỏ này thường được đặt sát nhau trong một hộp lớn hơn. Người phụ trách phòng thánh phải biết Linh mục sắp ban bí tích nào để dọn đúng loại dầu Ngài cần dùng.
19. Hào quang, mặt nhật và khăn phủ Hào quang, đế Hào quang:
(F: Ostensoir; E: Monstrance; L: Ostensorium)
Theo truyền thống, có bốn cách đặt Mình Thánh Chúa để tôn thờ ngoài Thánh lễ:
– Mở cửa Nhà tạm, đưa Bình thánh tới sát cửa.
– Đặt Bình thánh có phủ khăn lên đế dọn sẵn trên Bàn thờ.
– Đặt Hào quang có Mặt Nguyệt đựng Mình Thánh Chúa lên đế dọn sẵn trên Bàn thờ. Kết thúc buổi chầu bằng việc ban phép lành bằng Hào quang, gọi là Phép lành MTC.
– Kiệu Mình Thánh Chúa từ địa điểm này đến địa điểm khác.
Hào quang, Mặt nguyệt, khăn phủ Hào quang, đế Hào quang là những vật dụng Phụng vụ dùng để cử hành phép lành Mình Thánh Chúa hay để rước kiệu Mình Thánh Chúa.
Hào quang làm bằng kim loại hình mặt trời đang toả sáng rực rỡ. Ở trung tâm các tia sáng là một ô kính trong suốt để đặt Mình Thánh Chúa cho mọi người chiêm ngắm và thờ lạy Thánh Thể Chúa Giêsu ngự trong hình bánh. Hào quang có đỉnh gắn Thánh giá, và có chân để nâng Mình Thánh Chúa lên cao hầu mọi người trong Nhà thờ nhìn thấy rõ ràng.
Mặt nguyệt là một hộp tròn, dẹt, bằng kính trong suốt. Mặt nguyệt gồm hai lớp kính, có thể mở ra để đặt Bánh thánh vào giữa hai lớp kính đó. Bánh nầy là bánh lớn thường dùng cho Linh mục làm lễ. Trường hợp bánh này lớn hơn Mặt nguyệt, ta cần cắt tròn sao cho vừa vặn. Không nên cố ép tấm bánh vào Mặt nguyệt, vì Linh mục sẽ khó gỡ ra để thay Mình Thánh Chúa. Khi dọn bánh lễ đựng trong Mặt nguyệt cho Linh mục truyền phép, ta đặt Mặt nguyệt trên một dĩa nhỏ, trên bàn rượu nước. Các chú giúp lễ sẽ đem Mặt nguyệt lên Bàn thờ trong phần dâng bánh rượu. Sau Thánh lễ, Linh Mục sẽ cất Mặt nguyệt vào Nhà tạm. Lúc chầu Phép lành Mình Thánh Chúa, ngài đưa Mặt nguyệt ra Bàn thờ, đặt vào Hào quang.
Hào quang được phủ bằng một tấm khăn mảnh màu trắng hoặc màu vàng nhẹ, vừa để che bụi, vừa để tỏ lòng tôn kính đối với nơi Chúa ngự, gọi là Khăn phủ Hào quang. Khăn này thường không thêu, chỉ có may ren bốn cạnh. Khi dọn Hào quang lên Bàn thờ, ta không cất khăn phủ này, chính Linh mục mở tấm khăn này.
Trong buổi chầu Phép lành Mình Thánh Chúa, ta dọn một cái đế Hào quang ở trung tâm bàn thờ. Đế này nên làm bằng gỗ chắc chắn. Không nên lấy hộp bánh hoặc sách để làm đế đặt Hào quang. Đế được phủ khăn trắng; trên khăn này, trải Khăn thánh. Khi dọn Hào quang, ta không đặt Hào quang lên đế, chính Linh mục sẽ đặt lên.
20. Bình nước thánh (F: Bénitier; E: Holy water bassin; L: Vas aquae benedictae)
Một vài Nhà thờ để nước thánh ở 2 nơi: trong bình ở cửa ra vào Nhà thờ, và trong bình nước thánh thường cất trong phòng thánh.
Bình nước thánh ở cửa Nhà thờ thường được gắn liền vào vách. Tín hữu vào Nhà thờ chấm nước thánh và làm dấu Thánh giá trên người. Nước thánh đổ vào bình phải là nước đã được làm phép trong đêm Phục Sinh hoặc được Linh mục làm phép bằng một nghi thức đơn giản.
Trong Phụng vụ, việc rảy nước thánh hoặc chấm nước thánh để ghi dấu Thánh giá trên người mang ý nghĩa thanh tẩy con người hay đồ vật, và đồng thời cầu xin Chúa đổ ân sủng của Người xuống trên người và đồ vật đó.
Phụng vụ cử hành nghi thức rảy nước thánh vào những lúc sau đây:
– Trong đêm Phục Sinh, sau khi cộng đoàn tuyên lại lời hứa khi chịu Bí tích Rửa Tội.
– Mỗi Chúa nhật lúc bắt đầu Thánh lễ, nếu chủ tế muốn làm.
– Trong nghi lễ an táng, nước thánh được rảy trên thi hài, trên linh cửu, trên huyệt mộ. Linh mục và mọi người tham dự đều có thể rảy nước thánh.
– Trong tất cả mọi nghi lễ làm phép như làm phép nhà, làm phép ảnh tượng, làm phép vật dụng Phụng vụ…
Người phụ trách phòng thánh rửa sạch bình nước thánh ở cửa Nhà thờ và thêm nước thánh mới mỗi ngày thứ bảy; đối với bình nước thánh để rảy, nên cất bình và que rảy vào một chỗ xứng đáng trong tủ đồ lễ, không để vào xó góc của phòng thánh.
21. Toà giải tội (F: Confessional; E: Confessional; L:Paenitenciae tribunal)
Toà giải tội là nơi Linh mục cử hành Bí tích Giải tội ban ơn tha thứ cho hối nhân. Nó cũng nơi Linh mục tha vạ, và trả lời những câu hỏi, hay hướng dẫn về mặt luân lý, đạo đức cho từng hối nhân.
Toà giải tội có ba phần chính:
1. Tấm ván đứng trang trí đơn giản hay mỹ thuật, trên đó có chừa một khoảng rộng có đục lỗ hoặc gắn song gỗ, để hối nhân và Linh mục có thể nói và nghe nhau. Tòa Giải tội có treo màn. Màn này có mục đích che mặt Cha giải tội để hối nhân không nhìn thấy ngài khi xưng thú tội lỗi. Trên đỉnh tấm ván đứng, có gắn hình Thánh giá để nhắc nhỡ chính Chúa Giêsu đã chết trên Thánh giá để tha tội cho nhân loại.
2. Một bàn quỳ, để hối nhân quỳ xưng tội. Bàn quỳ này thường gắn liền với toà giải tội.
3. Ghế Linh mục ngồi giải tội.
Tòa Giải tội là nơi cử hành Bí tích, nên ta phải lau chùi sạch sẽ, đặc biệt lau bụi ở bàn quỳ và ghế Linh mục. Nên giặt sạch màn treo. Khi móc màn lại, cần móc bốn góc kẻo gió đánh bay. Khi có đông người xưng tội -thường vào chiều thứ bảy- ta nên dọn một chai nước nhỏ cho Linh mục. Cũng nên lưu ý đừng dọn Toà Giải tội sát bậc cấp, vì khi xưng xong hối nhân đứng lên, dễ mất thăng bằng. Khi các em nhỏ vào tòa, ta nhắc các em phải đứng khi xưng, để miệng các em không ở quá thấp làm Cha giải tội không nghe được lời xưng thú.
22. Áo lễ (F: Chasuble; E: Surplice; L: Platena)
+ Màu áo lễ:
Màu sắc có một vai trò đặc biệt trong đời sống con người. Màu sắc tác động trên thị giác, làm cho cuộc sống con người thêm phong phú. Con người luôn sống trong một thế giới đầy màu sắc. Màu sắc góp phần tác động và biểu thị nội dung mà ngôn ngữ không thể diễn đạt trọn vẹn. Màu sắc là phương tiện truyền đạt thông tin cách mạnh mẽ nhất, sau ngôn ngữ và cử chỉ. Màu sắc còn diễn đạt tính cách của một cá nhân hay một tập thể.
Trong Phụng vụ, màu cơ bản của áo lễ là màu trắng, đen, xanh, đỏ, tím, hồng. Các màu nầy có một chỗ đứng quan trọng, vì nhìn vào màu sắc Phụng vụ, người ta có thể xác định và hiểu được ý nghĩa của một cử hành. Việc sử dụng màu sắc phù hợp với Phụng vụ chỉ được quy định rõ ràng từ khoảng nửa sau của thế kỷ 12.
a. Màu trắng:
Ngay từ trình thuật sáng tạo trong sách Sáng thế (x. St 1, 3-5), Kinh Thánh đã đối lập hai màu cơ bản là sáng và tối. Không có màu nào sáng hơn màu trắng, không có màu nào tối hơn đen.
Trong Tân Ước, khi kể lại sự kiện Chúa Giêsu hiển dung trên núi, thánh Matthêô ghi: “Mặt Người sáng như mặt trời, y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”(Mt 17,2). Áo mà hai thiên thần mặc trong ngày Chúa Giêsu sống lại, là áo trắng. Sách Khải huyền cũng nói áo của đoàn người cầm nhánh lá chiến thắng trên tay, là áo trắng.
Màu trắng được xem là ánh sáng của mặt trời, bao gồm mọi màu khác.
Màu trắng biểu tượng cho sự vinh thắng, sự trinh bạch tinh tuyền.
Mùa trắng là màu áo của các Thiên thần, các thánh và sự Phục sinh.
Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu màu trắng.
Chúa Kitô được gọi là Chiên vượt qua. Đó cũng là một con chiên lông trắng.
Trong Phụng vụ, lễ phục trắng diễn tả sự tươi sáng, vinh quang của Thiên Chúa và sự sáng ngời của tất cả những gì liên quan đến Thiên Chúa, đồng thời cũng nói lên sự trong trắng tinh nguyên. Đó là màu của Phục sinh.
Chủ tế mặc lễ phục màu trắng trong mùa Phục sinh, mùa Giáng sinh, lễ Chúa Ba Ngôi, lễ Mình Thánh Chúa, lễ Chúa Kitô Vua, trong các lễ kính Đức Mẹ và kính các thánh không chịu tử đạo, lễ kính các Thiên thần, lễ Rửa tội, Hôn phối, Truyền chức thánh.
b. Màu đỏ:
Trong tất cả các màu, màu đỏ là màu rực rỡ nhất và gây ấn tượng mạnh nhất trên thị giác.
Trong Kinh Thánh, màu đỏ là màu của tội, của sự đền bù tội lỗi và cũng là màu của máu hiến tế. Màu đỏ cũng gợi lên hình ảnh lửa.
Trong Phụng vụ, đặc biệt trong Phụng vụ Thánh lễ, màu đỏ biểu tượng cho máu, cho tình yêu nồng thắm.
Màu đỏ dẫn đưa trí khôn chúng ta nghĩ về Máu thánh Chúa Kitô, về sự sống và tình yêu của Ngài trao ban cho chúng ta. Cho nên màu đỏ đóng vai trò dẫn đường cho chúng ta đi vào gặp gỡ Thiên Chúa trong tình yêu nồng thắm.
Lễ phục đỏ diễn tả tình yêu nồng cháy, sức mạnh chiến thắng, quyền lực và phẩm giá cao quý của máu đổ ra vì tình yêu.
Chủ tế mặc lễ phục đỏ trong Chúa nhật Lễ lá, thứ Sáu Tuần Thánh, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, lễ Thêm sức, lễ các thánh Tông đồ và các thánh tử đạo.
c. Màu xanh lá cây:
Màu xanh lá cây (màu lục) là màu của thiên nhiên, của sự sống thảo mộc phủ khắp mặt địa cầu và là biểu tượng của sự sống đang phát triển. Màu xanh cũng diễn tả niềm hy vọng tràn trề.
Trong Kinh Thánh, màu xanh xuất hiện trong ngày Chúa cho cây cối mọc lên từ mặt đất: “Thiên Chúa phán: đất phải sinh thảo mộc xanh tươi, có mang hạt giống. Và đất đã trổ sinh thảo mộc mang hạt giống tuỳ theo loại” (St 1, 11-12).
Đối với tiên tri Isaia, màu xanh biểu tượng sự hồi sinh và lớn mạnh: “Vui lên nào hỡi sa mạc, đồng khô cỏ cháy hãy mừng rỡ trổ bông. Sa mạc khô cằn hãy trở nên xanh tươi”.
Tiên tri Joel xem màu xanh là dấu hiệu chúc lành của Thiên Chúa ban cho con người và các thụ tạo của Ngài: “Hỡi đất đai, đừng sợ, hãy hoan hỷ reo mừng. Hỡi thú vật đồng nội, chớ sợ hãi vì hoang địa lại xanh tươi, cây cối lại đơm bông kết trái”.
Trong Phụng vụ, màu xanh lá cây của áo lễ diễn tả sự sống, sự sống hồi sinh, niềm hy vọng, sự tươi trẻ, niềm bình yên.
Lễ phục màu xanh được dùng trong mùa Thường niên để nói lên đời sống thường nhật của Kitô hữu chứa đầy sức sống và tràn trề hy vọng.
c. Màu tím:
Màu tím là màu gợi lên nỗi buồn thương, nhớ nhung, sầu muộn.
Đây là màu của trầm lắng và yên tĩnh, của thống hối và ăn năn.
Tuy nhiên, màu tím cũng là màu của áo nhà vua và của các vị có chức cao quyền trọng, là màu của bức trướng (x. Xh 26, 31), của lễ phục các tư tế (x. Xh 28, 5), của 10 tấm thảm trước Nhà tạm (x. Xh 26, 2).
Trong Phụng vụ, màu tím gắn liền với tâm tình ăn năn đền tội. Cho nên khi Phụng vụ mang màu tím, bầu khí buổi cử hành tràn ngập tâm tình thống hối ăn năn và mang ước vọng được đến trước tôn nhan Chúa với những thiếu sót lầm lỗi của mình để xin Chúa đoái thương nhìn đến.
Màu tím cũng được dùng trong thời gian tĩnh thức và chờ đợi trong Mùa Vọng, Mùa Chay là hai mùa thống hối chuẩn bị mừng đại lễ Giáng sinh và Phục sinh.
Chủ tế mang lễ phục tím trong ngày thứ tư Lễ Tro, trong suốt Mùa Vọng và Mùa Chay và trong Thánh lễ cầu cho người qua đời.
d. Màu vàng:
Màu vàng tượng trưng sự cao sang quyền quý, bởi màu vàng hướng suy nghĩ của con người về một thứ kim loại quý là vàng. Vì đó, các vị vua Việt Nam mang y phục màu vàng, gọi hoàng bào.
Kinh Thánh dùng hình ảnh lóng lánh sắc vàng để diễn tả sự cao sang, rực rỡ của Thiên Chúa. Hòm bia Giao ước được bọc cả trong lẫn ngoài bằng vàng ròng (x. Xh 25, 1). Nắp bàn Xá tội, hai tượng thiên thần hộ giá, bàn để bánh trưng hiến, trụ đèn, khung lều, hương án và phẩm phục của tư tế cũng bằng vàng (x. Xh 25-30). Khi Vua Salômôn xây Đền thánh Giêrusalem, ông đã cho dát vàng nơi Cực thánh và Bàn thờ (x. 1 V 6, 19-22).
Trong Tân Ước, vàng là lễ vật được coi là quý giá dâng lên Chúa Hài Đồng (x. Mt 2,11). Thành thánh Giêrusalem trên trời được làm bằng vàng y (x. Kh 21,18).
Phụng vụ Giáo hội cũng khuyến khích dùng các vật dụng phụng vụ bằng vàng hoặc mạ vàng, để diễn tả sự huy hoàng cao sang của Thiên Chúa, như chén thánh, bình thánh, dĩa thánh …
Màu trắng và màu vàng là hai màu có độ tươi sáng gần nhau. Trong quang phổ, màu vàng là màu tỏa sáng nhiều nhất, rực rỡ nhất; do đó, màu vàng là biểu tượng thích hợp nhất của ánh sáng mặt trời. Màu vàng gợi lên vẻ cao sang huy hoàng của Thiên Chúa, nên Phụng vụ cho phép dùng áo lễ màu vàng thay cho màu trắng.
e. Màu hồng:
Màu hồng là màu do hỗn hợp đỏ và trắng.
Đây là màu của sức khỏe.
Màu hồng biểu tượng cho tình yêu tinh khiết dịu dàng, ngây thơ vô tội.
Màu hồng khơi lên trong tâm trí niềm vui nhẹ nhàng, thanh thoát và tinh tế.
Những biểu tượng trên đây phù hợp với tâm hồn nữ giới, nên thường được nữ giới yêu chuộng. Do đó, có một sự liên tưởng dễ dàng giữa màu hồng và phụ nữ và cũng vì đó, nó cũng biểu trưng cho người nữ.
Trong văn chương Việt Nam, những từ như bóng hồng, hồng quần, hồng nhan… đều có ý nói về nữ giới.
Thánh Kinh nói đến màu hồng như là dấu hiệu của sức khỏe (x. Dc 5, 10; Hc 39, 13); nó gợi lên sắc đẹp tươi thắm (x. Kn 2, 1).
Phụng vụ dùng lễ phục màu hồng vào hai dịp trong năm: Chúa Nhật III Mùa Vọng và Chúa Nhật IV Mùa Chay, để gợi lên niềm vui nhẹ nhàng của Giáo hội sau một thời gian đã thành công trong việc luyện tập chống lại tính xấu và tội lỗi, đồng thời loan báo một cách chừng mực và kín đáo niềm vui của Đại lễ sắp đến.
f. Màu đen:
Màu đen biểu trưng sự tối tăm, nỗi cô đơn và đau khổ. Đây là màu của sự từ bỏ, của đau buồn. Nhưng màu đen cũng là màu của huyền bí, của sang trọng và quyền lực: các nguyên thủ quốc gia thường đi xe màu đen trong các cuộc viếng thăm chính thức.
Màu đen còn là biểu tượng của các thế lực đen tối, màu của ý chí muốn chống lại bất cứ thế lực đàn áp nào. Ý nghĩa nầy được nêu bật khi dân gian dùng cụm từ “xã hội đen”.
Trong Thánh Kinh, màu đen luôn luôn là màu của tối tăm, buồn thảm. Nó là dấu hiệu của bệnh hoạn và cô đơn (x. Lv 13, 31; Ez 50,3).
Phụng vụ sử dụng màu đen trong thánh lễ an táng cầu hồn để nói lên nổi đau buồn tang chế.
Ngày nay, ở Việt Nam và một số nước khác, lễ phục màu đen được thay thế bằng lễ phục tím.
+ Các trang trí trên áo lễ:
Áo lễ được trang trí bằng những hình thêu hay hình vẽ.
Chủ đề các trang trí nầy rất phong phú, thay đổi tùy thời đại và văn hóa của từng dân tộc. Tuy nhiên, các trang trí nầy phải được khởi hứng từ các biểu tượng Thánh Kinh, Phụng vụ, đạo đức hoặc từ các giá trị văn hóa đích thực phù hợp với Đức tin Công giáo.
Có thể kể ra các trang trí khởi hứng từ Thánh Kinh và Phụng vụ: Thánh giá, hình Chúa, Đức Mẹ, các thánh, bánh mì, chùm nho, lúa miến, chim bồ nông, hoa huệ, hoa hồng, nến sáng, đèn chầu, cầu vồng, con thuyền, nai uống nước …
Các hình thuộc văn hóa Việt Nam: rồng chầu, chim hạc, chữ thọ, lư hương … .
Thông thường, để chỉ rõ mối liên hệ giữa các hình trang trí với Đức tin, người ta thêm một hình Thánh giá, thêu vẽ rõ ràng hoặc cách điệu.
+ Kiểu áo lễ:
Vào những thế kỷ đầu, thường phục của dân vùng Địa Trung Hải là tấm vải lớn có khoét lỗ rộng ở trung tâm để chui đầu.
Nghi lễ phụng vụ cũng dùng áo đó, nhưng mỹ thuật hơn thường phục. Dần dần, áo nầy trở nên áo dành riêng cho lễ nghi phụng vụ.
Ngày nay, loại áo nầy chỉ dành riêng cho tư tế, với những trang trí và màu sắc khác nhau; còn người giúp lễ mang áo alba.
Trong những thế kỷ gần đây, áo lễ còn thu gọn lại, mang hình dáng cái hộp đựng đàn violon. Kiểu áo lễ violon nầy đã tạo cơ hội cho nghệ thuật thêu thùa làm nên những kiệt tác. Ngày nay, trong các Nhà thờ cổ tại Âu châu, vẫn sử dụng kiểu áo nầy.
Trong nghi lễ Truyền chức thánh, tân Linh mục nhận áo lễ sau Lời nguyện Truyền chức. Đây là áo của vị chủ tế Thánh lễ. Trong lễ đồng tế, ít là vị chủ tế phải mang áo lễ.
Áo lễ là chiếc áo mặc ngoài của chủ tế, người phụ trách phòng thánh phải lưu ý những điều sau đây:
1. Nếu Giáo xứ có nhiều áo lễ, ta chia thành 2 loại. Loại để dọn lễ thường; loại quý đẹp để dọn ngày Chúa Nhật và lễ trọng. Các áo lễ xưa đã sờn cũ mà không loại bỏ được, ta xếp gọn gàng, cho vào bao nylông trong, cất riêng một nơi.
2. Sau mỗi Thánh lễ, ta treo áo vừa sử dụng ở nơi thoáng gió để mau bay mùi.
3. Khi khí hậu ẩm ướt, ta phơi tất cả áo lễ vào ngày nắng ráo, vừa tránh ẩm mốc, vừa trừ sâu mọt.
4. Nên treo long não vào tủ áo lễ để đuổi gián và giữ cho tủ áo lễ được thơm.
5. Không nên quàng dây stola vào móc, nhưng nên vắt vào thanh ngang của móc áo.
6. Khi dọn lễ phục, ta phải mở dây kéo (fermature). Nếu dây không chạy nhẹ nhàng, phải thay dây. Phải thay miếng dán, nếu nó không còn công dụng dính kết.
23. Dây các phép (stola) (F: Etole; E: Stole; L: Stola)
Dây stola, còn được gọi là Dây Các Phép, vì Linh mục đeo dây nầy khi ban các phép bí tích và á bí tích.
Đây là một dải vải vòng qua cổ, rũ ra trước ngực và xuống tới gần đầu gối.
Dây stola biểu trưng “ách nhẹ nhàng” của Chúa (x. Mt 11, 29).
Hai dải vải thòng xuống trước ngực, có khi được nối với nhau bằng một đoạn dây ngắn. Đoạn dây nầy phải may cao hơn dây thắt lưng (cordon), để Linh mục không bị vướng tay khi buộc dây thắt lưng.
Khi dọn lễ phục, vị trí dây stola sẽ là trên áo lễ, dưới dây cordon. Dây stola không phải là một dải vải thẳng, mà có hình cong, để khi Linh mục quàng vào cổ, dây sẽ đi sát cổ.
Dây stola vẫn có mặt trái, mặt phải, dù 2 mặt thường là cùng màu. Mặt phải là mặt thường được trang trí. Do đó, khi dọn dây cần lưu ý dọn mặt phải lên trên và đặt chỗ cong về phía Linh mục.
24. Áo alba (F; Aube; E: Alb; L: Alba)
Trong tiếng Latin, từ alba có nghĩa là trắng. Áo alba là áo dài màu trắng.
Trong Cựu Ước, các tư tế phải mặc áo gai mịn – thường là màu trắng- khi tế lễ (x.Xh 39,27). Áo trắng nầy là dấu hiệu của sự sạch sẽ thân xác và biểu tượng của sự trong sạch tâm hồn.
Trong Tân Ước, áo trắng là áo của các thiên thần (x. Mt 28, 2-3; Tđcv 1, 10), áo của vinh quang và phục sinh vinh thắng (x. Mc 9,3; Lc 9, 29), áo của tiệc cưới (x. Kh 19,8), áo của những người được chọn (x. Kh 3,5).
Các giáo phụ coi quá trình xử lý nghiêm ngặt và công phu biến vải gai trở nên trắng tinh là hình ảnh của khổ chế cần thiết để có được tâm hồn trắng trong xứng đáng. Thánh Clêmentê thành Alexandria xem màu trắng của áo alba là biểu tượng đưa tâm trí con người hướng về bình an, ánh sáng và sự trong sạch tâm hồn.
Trong lãnh vực phụng vụ, áo alba biểu trưng sự vô tội, trong sạch, vinh quang và niềm vui trong sáng. Đây là áo của những người đã được tẩy xóa vết nhơ tội lỗi trong máu của Con Chiên. Như thế, áo trắng là dấu chỉ của sự tháp nhập vào đời sống thần linh. Màu trắng là màu của Phụng vụ vĩnh cửu. Màu trắng của áo alba là lời mời gọi sống tinh tuyền để bước vào ánh sáng vinh quang.
Người phụ trách phòng thánh năng giặt ủi áo alba, tránh bị thâm kim, treo nơi thoáng gió sau buổi lễ. Họ cũng nên thu ngắn chiều dài của áo alba, nếu thấy Linh mục bị vấp áo mỗi khi lên xuống bậc cấp.
25. Dây thắt lưng (cordon) (F: Cordon; E: Girdle; L: Cingulum)
Khi mặc áo alba, linh mục thường dùng một sợi dây thắt ngang lưng cho gọn gàng, gọi là dây cordon. Dây nầy thường làm bằng sợi màu trắng. Dây thắt lưng có thể cùng màu với áo lễ, nhưng xem ra không tương hợp, vì dây đi đôi với alba, chứ không đi đôi với áo lễ.
Dây thắt lưng có nhiều ý nghĩa.
Trong Cựu Ước, dây thắt lưng biểu thị sự sẵn sàng lên đường. Nó là thành phần của y phục đi xa. Chúa ra lệnh cho dân Do Thái phải mang dây thắt lưng khi ăn lễ Vượt Qua (x. 12, 11), vì sau đó, họ phải lên đường vượt sa mạc.
Khi thực hành việc khổ chế, người ta buộc dây thắt lưng (x. 2M 10, 25).
Tiên tri Elia thường dùng dây thắt lưng đến nỗi từ xa người ta có thể nhận ra Ngài (x. 2 V 1,8).
Dây thắt lưng còn biểu thị sức mạnh của quyết chí và can đảm. Sách Cách ngôn ca ngợi người phụ nữ biết buộc chặt dây lưng đêm ngày để miệt mài làm việc (x. Cn 31,14).
Trong Tân Ước, dây thắt lưng biểu thị sự sẵn sàng phục vụ, nó là y phục của người đầy tớ. Chúa Giêsu phán: “Hãy thắt lưng và cầm đèn cháy sáng trên tay như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới về” (Lc 12, 35).
Dây thắt lưng còn là dấu hiệu được Chúa chiếm ngự. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Khi con còn trẻ, con tự thắt lưng và đi đâu con muốn. Nhưng khi con đã già, con sẽ dang tay ra cho người khác thắt lưng con và dẫn con đến nơi con không muốn” (Ga 21, 18).
Đối với Phụng vụ, dây thắt lưng là dấu hiệu của sự sẵn sàng phục vụ, của hãm mình và khiết tịnh.
26. Áo cappa (F: Chape; E: Cope; L:Pluvial, Cappa)
Áo cappa là áo choàng linh mục mang bên ngoài áo các phép (surplis) hoặc áo alba, để chủ sự các nghi thức ngoài Thánh lễ, như Phép lành Mình Thánh Chúa, đi kiệu, rửa tội, đám cưới, đám tang.
Đây là một chiếc áo rất rộng, hình bán nguyệt, phủ kín toàn thân. Hai vạt áo được giữ thẳng ở phía trước bằng khuy cài.
Nguyên thủy, áo cappa là áo đi mưa. Đến thế kỷ thứ 7, nó mới là áo của đan sĩ. Vào thế kỷ thứ 9, nó được dùng trong Phụng vụ.
Thông thường, chỉ chủ sự mặc áo cappa. Nhưng trong các dịp trọng thể, các ca viên cũng mặc nó. Áo cappa biểu trưng lòng bác ái bao dung.
27. Sách Lễ Rôma: (F: Missel ; E:Missal; L: Missale)
Sách Lễ Rôma là sách Linh mục dùng để đọc khi làm lễ, cho nên sách nầy luôn được dọn lên Bàn thờ mỗi khi cử hành Thánh lễ.
Nội dung chủ yếu gồm Quy chế Tổng quát về Sách Lễ Rôma, Lời nguyện của các Thánh lễ, phần Thường lễ và các Kinh nguyện Thánh thể, các chỉ dẫn về nghi thức phải tuân hành.
Vì đây là cuốn sách rất cần để Linh mục làm lễ, đồng thời có những chỉ dẫn quý báu, nên cần lược qua nội dung của sách:
1. Tông hiến Công bố Sách Lễ Rôma, của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI.
2. Quy chế Tổng quát về Sách Lễ Rôma:
– Chương I: Tầm quan trọng và sự cao quý của việc cử hành Thánh lễ.
Thánh lễ là hành động của Chúa Kitô và của dân Chúa, là trung tâm của đời sống Kitô hữu, là hành động phụng tự của nhân loại dâng lên Chúa Cha, qua đó Thiên Chúa thánh hóa toàn thể nhân loại.
Do đó, phải chuẩn bị chu đáo để mọi người tham dự cách ý thức, tích cực và đầy đủ.
– Chương II:Cơ cấu Thánh lễ, các yếu tố và các phần của Thánh lễ.
+ Về cơ cấu, Thánh lễ có 2 phần chính là Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể; 2 phần phụ là nghi thức mở đầu và nghi thức kết thúc.
+ Về yếu tố, Thánh lễ có các yếu tố sau đây:
Lời Chúa và diễn giải Lời Chúa.
Các Lời nguyện của Chủ tế, kể cả các Kinh nguyện Thánh Thể.
Các bài hát.
Cử chỉ và cử điệu tỏ bày lòng tôn kính.
Thinh lặng hồi tâm, thống hối, suy gẫm hoặc tâm sự với Chúa.
+ Về các phần, Thánh lễ gồm có các phần sâu đây:
Nghi thức đầu lễ gồm:
– Ca Nhập lễ.
– Lời chào bao gồm bái chào Bàn thờ, Thánh
giá, chào cộng đoàn.
– Hành động thống hối.
– Kinh Thương xót.
– Kinh Vinh Danh.
– Lời nguyện Nhập lễ.
Phụng vụ Lời Chúa gồm:
– Các Bài đọc Cựu ước và Tân Ước.
– Đáp ca.
– Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô.
– Diễn giảng.
– Kinh Tin Kính.
– Lời nguyện cho mọi người (Lời nguyện Tín hữu, Lời nguyện Đại đồng).
Phụng vụ Thánh Thể là phần cử hành lại việc chính Chúa Giêsu đã làm và truyền phải làm để tưởng nhớ đến Người.
Phần nầy gồm:
– Tiến dâng lễ vật.
– Kinh Nguyện Thánh Thể. Hiện nay có 13
Kinh Nguyện Thánh Thể (KNTT):
* 4 KNTT thông thường.
* 2 KNTT Giao hòa.
* 4 KNTT cho những nhu cầu khác nhau.
* 3 KNTT dành cho trẻ em.
– Hiệp lễ.
Nghi thức kết thúc Thánh lễ.
– Chương III: Quy định nhiệm vụ và phận sự của Chủ tế, phó tế, các thừa tác viên, ca đoàn và giáo dân trong Thánh lễ.
– Chương IV: Xác định Thánh lễ theo địa vị quan trọng; thứ tự như sau:
Thánh lễ do ĐGM chủ sự giữa Linh mục đoàn, các thừa tác viên và mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận.
Thánh lễ tại giáo xứ.
Thánh lễ trong các tu viện.
Thánh lễ nhóm, Thánh lễ tại tư gia.
Xác định các hình thức Thánh lễ:
Thánh lễ có giáo dân tham dự.
Thánh lễ đồng tế.
Thánh lễ không có giáo dân tham dự.
Một số quy luật chung cho tất cả các hình thức Thánh lễ.
– Chương V: Quy định cách xếp đặt và trang trí về Cung thánh, Bàn thờ, Nhà tạm, ảnh tượng, giảng đài, ghế dành cho chủ tế, cho người giúp lễ, cho ca đoàn và cho giáo dân.
– Chương VI: Quy định các vật dụng tối cần để cử hành Thánh lễ là bánh rượu, chén thánh và phẩm phục. Ngoài ra, tùy hoàn cảnh và tùy loại Thánh lễ, còn cần các vật dụng khác.
– Chương VII: Quy định việc lựa chọn các Thánh lễ, các kinh Tiền tụng, các Kinh nguyện Thánh Thể và các bài hát.
– Chương VIII: Quy định Thánh lễ tùy nhu cầu và Thánh lễ cầu cho người qua đời.
Thánh lễ tùy nhu cầu gồm 3 loại:
+ Thánh lễ có nghi thức riêng là Thánh lễ trong đó có ban bí tích hoặc á bí tích, như Rửa tội, Thêm sức, Hôn phối, Truyền Chức thánh, Xức dầu Bệnh nhân, Cung hiến Nhà thờ, An táng, Khấn dòng.
+ Thánh lễ cử hành trong một hoàn cảnh hay vào một thời kỳ nhất định, như:
– Lễ ba ngày Tết Âm lịch và tết Trung thu.
– Lễ cầu cho Hội thánh.
– Lễ cầu cho ĐGM Giáo phận.
– Lễ cầu cho LM.
– Lễ cầu cho Tu sĩ.
– Lễ cầu cho Giáo dân … .
+ Thánh lễ ngoại lịch là Thánh lễ được lựa chọn theo lòng đạo đức của giáo dân, để kính nhớ các mầu nhiệm của Chúa, để kính Đức Maria hay các thánh, như kính Danh thánh Chúa Giêsu, kính Đức Trinh nữ Maria…
Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời . Có 3 loại Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời:
– Thánh lễ an táng là Thánh lễ cuối cùng cầu cho người qua đời, với sự hiện diện của thi hài người quá cố và an táng ngay sau đó.
– Thánh lễ hồi tử là Thánh lễ đầu tiên cầu cho người qua đời khi được ai tín.
– Thánh lễ cầu hồn là Thánh lễ cầu cho người qua đời, như lễ giỗ, lễ cầu hồn hằng ngày.
3. Những quy luật tổng quát về Năm Phụng vụ và Niên lịch.
4. Lịch Phụng vụ của Hội thánh Rôma.
5. Lời nguyện của các Thánh lễ Chúa nhật, lễ trọng và ngày thường trong tuần.
6. Phần Thường lễ.
7. Các kinh Tiền tụng.
8. Các Kinh nguyện Thánh Thể.
9. Các công thức ban Phép lành và Lời nguyện trên dân chúng.
10. Lời nguyện của các Thánh lễ kính các thánh (phần riêng).
11. Lời nguyện của các Thánh lễ kính các thánh (phần chung).
12. Lời nguyện của các Thánh lễ có nghi thức riêng, như các Thánh lễ liên quan đến bí tích Rửa tội, Thêm sức, Truyền chức, Hôn phối, Chúc phong Viện phụ Viện mẫu, Khấn Dòng, Cung hiến Nhà thờ, Bàn thờ…
13. Lời nguyện của các Thánh lễ cầu cho các nhu cầu khác nhau, như cầu cho Hội thánh, các thành phần và các nhu cầu trong Hội thánh, cầu cho các lợi ích chung, cầu trong một số trường hợp đặc biệt.
14. Lời nguyện của các Thánh lễ ngoại lịch, như tôn kính Chúa Ba Ngôi, Thánh Thể, Mầu Nhiệm Thập giá, Danh thánh Chúa Giêsu, tôn kính Đức Maria trong các tước hiệu của Người, các thánh…
15. Lời nguyện của các Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời.
16. Lời nguyện của các Thánh lễ theo truyền thống dân tộc.
17. Phần phụ lục: rảy nước thánh và mẫu Lời nguyện tín hữu.
28. Sách Bài đọc: (F: Lectionnaire; E: Lectionary; L: Lectionarium)
Sách Bài đọc là sách ghi các bài đọc Cựu Ước, Tân Ước và bài Tin Mừng được đọc trong các Thánh lễ ngày Chúa Nhật, lễ trọng, lễ kính và lễ ngày thường trong tuần.
Bộ sách nầy gồm 5 cuốn có tên như sau:
1. Sách Lễ (Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh).
2. Sách Lễ (Mùa Chay và Mùa Phục Sinh).
3. Sách Lễ (Mùa Quanh Năm I).
4. Sách Lễ (Mùa Quanh Năm II).
5. Sách Lễ (Các Bài đọc), gồm các Bài đọc của các Thánh lễ chung, các Thánh lễ có nghi thức riêng, các Thánh lễ tùy hoàn cảnh, các Thánh lễ ngoại lịch, phần riêng các thánh.
29. Sách Nghi thức Gia nhập Kitô giáo của người lớn:
Sách nầy gồm các chỉ dẫn về nghi thức, các Bài đọc Thánh Kinh, các Lời nguyện dành cho việc cử hành các giai đoạn gia nhập Kitô giáo của người lớn, diễn ra trong Thánh lễ hoặc ngoài Thánh lễ; và nghi thức thâu nhận những người đã chịu phép Rửa tội (như người theo các hệ phái Tin Lành, Chính thống giáo) vào thông công đầy đủ với Hội thánh Công giáo.
30. Sách Nghi thức Bí tích Thêm sức:
Sách nầy gồm các chỉ dẫn về nghi thức, các Bài đọc Thánh Kinh, các Lời nguyện dành cho việc cử hành bí tích Thêm sức trong và ngoài Thánh lễ, và nghi thức ban bí tích Thêm sức trong trường hợp nguy tử.
31. Sách Nghi thức cử hành Hôn nhân:
Sách nầy gồm các chỉ dẫn về nghi thức, các Bài đọc Thánh Kinh, các Lời nguyện dành cho việc cử hành hôn phối trong và ngoài Thánh lễ, dành cho hai người Công giáo và cho những đôi hôn phối được phép chuẩn khác đạo, nghi thức chúc lành cho những người đính hôn, cho những đôi vợ chồng trong dịp kỷ niệm ngày thành hôn.
32. Sách Nghi lễ Rửa tội trẻ nhỏ và Xức dầu Bệnh nhân:
Sách nầy gồm các chỉ dẫn về nghi thức, các Bài đọc Thánh Kinh, các Lời nguyện dành cho việc cử hành phép Rửa tội trẻ nhỏ, diễn ra trong hoặc ngoài Thánh lễ. Phần cuối của sách nầy dành cho việc cử hành bí tích Xức dầu Bệnh nhân; năm 1974, phần nầy được thay thế bằng sách Nghi thức Xức dầu Bệnh nhân và việc săn sóc họ theo mục vụ.
33. Sách Nghi thức Xức dầu Bệnh nhân và việc săn sóc họ theo mục vụ:
Sách nầy gồm các chỉ dẫn về nghi thức, các Bài đọc Thánh Kinh, các Lời nguyện dành cho việc đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, cử hành bí tích Xức dầu Bệnh nhân, ban Của Ăn Đàng, ban bí tích Thêm sức lúc nguy tử và nghi thức phó linh hồn những người hấp hối.
34. Sách Nghi lễ an táng và Thánh lễ cầu hồn:
Sách nầy gồm các chỉ dẫn về nghi thức, các Bài đọc Thánh Kinh, các Lời nguyện dành cho nghi thức nhập quan, canh thức tại nhà tang, di quan tới Nhà thờ, Thánh lễ an táng, nghi thức tại nghĩa trang và hạ huyệt.
35. Các sách khác liên quan đến phụng vụ:
Ngoài các Sách Lễ Rôma, sách Bài đọc và các sách nghi thức trên đây, các Linh mục và các Giáo xứ cũng có nhiều sách khác liên quan đến việc cử hành phụng vụ.
Các sách nầy không do Hội Đồng Giám Mục xuất bản và không được Tòa Thánh thừa nhận, nên không thể coi là sách phụng vụ. Các sách nầy ngày càng nhiều và càng phong phú.
Có thể liệt kê một vài ví dụ:
1. Bộ sách Bài đọc gồm 4 cuốn, của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
2. Cẩm nang các Nghi thức bí tích và á bí tích, (2003), của Lm Nguyễn Thế Thủ.
3. Nghi thức Tuần thánh, (1972), của Lm Giacôbê Nguyễn Văn Vi.
4. Nghi thức Tuần thánh, (2007), của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
5. Nghi thức an táng, (1996), của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
6. Sách Các phép, (không đề năm xuất bản và dịch giả).
7. Niềm tin và Hy vọng, (không đề năm xuất bản và soạn giả).
8. Nghi thức phong chức Giám mục, Linh mục và Phó tế, (không đề năm và dịch giả).
9. Sách Các Phép, (1983), của HY. GM. Trịnh Văn Căn.
10. Nghi lễ Cầu hồn, Cử hành Lời Chúa, Thánh ca, Viếng xác, của Giáo phận Vĩnh Long, (không đề năm xuất bản).
11. Các sách Lời nguyện Tín hữu, của nhiều soạn giả.
12. Các sách Viếng Thánh Thể, chầu Giờ Thánh, Cầu nguyện trước Thánh Thể, của nhiều soạn giả.