Vì sao thành phố Venice có hài cốt thánh Marco?
Thánh Marco là giám mục ở Alexandria (Ai Cập) và ngài qua đời tại đó vào khoảng năm 68 (A.D). Theo tương truyền của lịch sử Tp Venice thì vào thế kỷ thứ 8, một số lái buôn từ Venice đến Ai Cập để mua bán. Họ khám phá ra mộ thánh Marco đã bị quên lãng, bởi Ai Cập đã bị Hồi Giáo chiếm, số lượng tín hữu Công Giáo còn rất ít và bị bách hại, nên người ta không trông nom mộ thánh Marco được.
Khi phát hiện ra mộ thánh nhân, các lái buôn này đã bí mật đào và lấy trộm hài cốt ngài và đem giấu dưới khoang hầm của thuyền, bên trên họ để chồng thịt heo lên. Ở Ai Cập, vấn nạn trộm cắp cổ vật khá phổ biến, nên người ta thường xuyên kiểm tra các tàu buôn phương tây. Tàu buôn từ Venice này cũng không phải ngoại lệ, họ bị kiểm tra trước khi xuất bến. Tuy nhiên, vì người Hồi Giáo không ăn thịt heo và xem heo là con vật ô uế, nên khi vừa bước lên thuyền và nhìn thấy đống thịt heo thì họ bịt mũi khua tay đuổi tàu đi ngay.
Các lái buôn vội vã cho tàu khởi hành về lại Venice. Giám mục và giáo dân ở Venice đã nghe phong phanh trước đó là các lái buôn lấy được hài cốt thánh Marco từ Ai Cập, thì đã chuẩn bị nghênh đón ở bến tàu. Tuy nhiên, các lái buôn này không hề có ý tốt lấy hài cốt thánh nhân về để tôn kính, mà là để buôn bán. Họ biết xương cốt một vị thánh rất quan trọng đối với tín hữu Công Giáo, nên đã ra giá bán. Các nhà lãnh đạo của Tp Venice (lúc đó là cộng hòa Venice) đã đồng ý mua lại hài cốt thánh nhân.
Sau khi có được hài cốt thánh Marco, hội đồng thành phố và các vị thủ lãnh giáo hội đã quyết định xây dựng một đền thờ để tôn kính thánh nhân. Lúc bấy giờ Venice là một thành phố cường thịnh, nên việc kiến thiết xây dựng khá dễ dàng. Một đền thờ được nhanh chóng xây lên theo kiến trúc Byzantin theo đúng mô hình của đền thờ ở Constantinopel (TNK). Tuy nhiên, đền thờ này bị hỏa hoạn, nên đến thế kỷ 14, người ta quyết định xây một đền thờ mới vĩ đại hơn, xứng danh là đền thờ đẹp nhất thế giới. Đền thờ này còn tồn tại tới ngày nay với vẻ huy hoàng đồ sộ. Trần và cung thánh đền thờ được dát vàng lộng lấy, với ý đồ làm nổi bật sự giàu có của nước cộng hòa Venice lúc bấy giờ.
Vào thời ấy, đền thờ thánh Marco là của chính quyền và không phải là nhà thờ chính tòa. Tuy nhiên, sau khi cộng hòa Venice sụp đổ (Tk 18), thì Tòa Thánh đã chọn đền thờ này làm nhà thờ chánh tòa của Gp Venice.
M. Hạnh Tử OCist
Hình: Mộ thánh Marco dưới bàn thờ của đền thờ thánh nhân, cũng là vương cung thánh đường của giáo phận Venice.