Tâm tình độc giả

Với tình yêu gánh nào cũng nhẹ

Với tình yêu gánh nào cũng nhẹ

 

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraina đã diễn ra khốc liệt suốt hơn 500 ngày rồi (kể từ ngày 24.02.2022); nhưng hầu như mọi con đường dẫn đến hòa bình đều bế tắc ! Cả hai phe lâm chiến và các nước đồng minh của mỗi phe đều chọn cách giải quyết bằng sức mạnh quân sự; bằng sự áp đảo của vũ khí sát thương, bằng sự vượt trội của tên lửa, máy bay, xe tăng thiết giáp…

Có một điều đáng buồn đó là cả hai quốc gia, Nga và Ukraina, đều có chung cội nguồn Kitô giáo, rất đông tín đồ của hai nước cùng mang tên gọi chung “Kitô hữu”…; và dĩ nhiên, các tín hữu Chính Thống hay Công Giáo đều đọc chung Kinh Tin Kính, Kinh Lạy Cha… và cùng tin nhận mọi luật lệ của Chúa, của Tin Mừng đều tóm lại với hai giới răn: mến Chúa – yêu người !
Sở dĩ nói lên điều “bi đát” trên là để khẳng định rằng: lịch sử con người trên thế giới nầy là cả một “bản trường ca bi tráng” về sự con người khước từ đề nghị của Thiên Chúa và kiêu căng chọn lựa giải pháp của riêng mình ! Và “bản trường ca” đó đã khởi sự ngay tự thuở hồng hoang, khi địa đàng chưa khép lại, lúc mà A-đam, E-va muốn “đứng lên là Thượng Đế” (St 3,1-7)! Và rồi, cũng chỉ vì muốn của lễ “hoa màu của đất” mình dâng vượt mặt “chiên béo trong đàn” của em mà Cain đành nhẫn tâm sát hại đứa em trai cùng ruột thịt máu mủ ! (St 4,1-8).

Sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật 14 thường niên chu kỳ năm A muốn đưa cộng đoàn chúng ta trở về với những chuẩn mực làm người và làm con Thiên Chúa; đó là “chuẩn mực” được xây dựng và định hướng trên sự “hiền lành và khiêm nhượng”; trên sự chọn lựa “hòa bình, hòa thuận, yêu thương”, thay vì chiến tranh, bạo lực, kiêu căng hợm hĩnh.

Thật vậy, ngay từ Bài đọc 1, với sứ điệp của ngôn sứ Giacaria, Lời Chúa đã khẳng định chân dung của Đấng Mêsia, Đấng sẽ được sai đến để cứu độ con người, mang dáng đứng của khiêm nhu, hòa bình: Người khiêm tốn ngồi trên lừa con, con của lừa mẹ. Người đã loại bỏ các chiến xa khỏi Ephraim, và ngựa khỏi Giêrusalem. Cung tên chiến trận sẽ được phá huỷ. Người sẽ công bố hoà bình cho các dân tộc”.

Thật ra, không phải đợi đến thời của ngôn sứ Giacaria Thiên Chúa mới “mạc khải” con đường đức tin mang dáng đứng “khiêm hạ hiền lành” nầy mà gần như trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, Thiên Chúa vẫn hành xử “phong cách rất riêng” đó qua các nhân vật vĩ đại phục vụ cho công cuộc cứu độ của Ngài: Môsê bé bỏng trôi nổi bồng bềnh trong cái thúng đã vươn lên chiến thắng Pharaô kiêu hùng…; Juđitha liễu yếu đào tơ đã chặt đầu đại tướng Hôlôphê; Đavit với chiếc ná và vài viên đá cuội đã chiến thắng đại tướng Goliat; Esther hoàng hậu cùng với dân tộc Ít-ra-en đứng bên bờ vực thẳm của sự tiêu diệt, đã quật ngược thế cờ…

Và khi tới thời viên mãn, Đấng Cứu Thế như đã được các ngôn sứ đồng thanh tiên báo, đặc biệt qua sứ điệp của ngôn sứ Giacaria mà chúng ta vừa nghe, Ngài đã chọn cung cách khiêm nhu hiền lành để hoàn tất chương trình cứu độ: “trên con lừa” đã tiến vào Giêrusalem để hoàn tất sứ mệnh cứu thế bằng cái chết tủi nhục thương đau trên thập giá; một sự hạ mình khiêm nhượng thẳm sâu, một sự hiền lành cho đến mức cuối cùng để nhờ đó tội lỗi được thứ tha, ma quỷ bị đánh bại, Thiên Chúa được tôn vinh và con người được cứu độ.

Thế nhưng, đối với nhiều người, không phải chỉ hôm nay mà ngay từ thời của Đức Kitô, con đường thập giá của Ngài, bài học khiêm nhường và hiền lành của Ngài, con đường Tám Mối Phước Thật, phong cách “quỳ xuống rửa chân”… vẫn luôn là một “chọn lựa bị khước từ”, hay là một cái “ách”, một “gánh nặng” mà họ không thể mang nổi, hay nếu có mang, thì cũng trầy trật, dở dang, chẳng đem lại ích lợi gì. Phần đông người ta chỉ thích “bánh mì để ăn cho đầy bụng”, thích “phép lạ” để thoả mãn hiếu kỳ, thích quyền lực chính trị và giàu sang kinh tế để hảnh tiến với lân bang, thích ngồi chỗ cao trong bàn tiệc để được gọi là “kẻ ăn trên ngồi trước”…, để ve vuốt cái sĩ diện, để tôn vinh cái “tôi”… !

Thế nhưng ngoài cái đám đông mang đầy não trạng thế tục, nhất là cái đám thường xuyên tự vỗ ngực xưng mình là trí thức đạo đức, nắm vững Lề Luật, nhất định khước từ hoặc lãnh đạm với lời huấn đạo của Chúa Giêsu, vẫn còn những tâm hồn đơn sơ bé mọn, đón nhận sứ điệp Tin Mừng của Ngài với tất cả thái độ khiêm hạ: Nhóm Mười Hai Tông đồ và các môn đệ, người đàn bà Canaan, ông ty trưởng thuế vụ Giakêu, gia đình các chị em ở Bêtania, người phụ nữ ở Magdala…; đó là chưa kể những con người có liên hệ mật thiết đến công cuộc “vào đời” của Ngài như Mẹ Maria, thánh Giuse, ông Giacaria, bà Isave, Gian Tẩy Giả… Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nhắc lại lời cầu nguyện đặc biệt của Đức Kitô nhấn mạnh đến những đối tượng nầy: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy.” (Mt 11,25-26).

Và từ sự cảm nhận thiên linh đó, Đức Kitô đã đề nghị hẳn một con đường hành động, một chọn lựa nghiêm túc để được “giải ách” dành cho những ai được Chúa Cha mặc khải: “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

Lời mời gọi của Đức Kitô từ gần 2000 năm trước đó vẫn còn nguyên giá trị cho cuộc sống đức tin hôm nay của người Kitô hữu và cho cách sống làm người của toàn nhân loại. Bởi chưng, trong thế giới và trong Giáo Hội hôm nay, vẫn đang có biết bao đôi vợ chồng đã vất đi cái “ách của bí tích Hôn Phối” mà họ đã long trọng cử hành để được được tự do chạy theo những xúc cảm và đam mê của ngoại tình; biết bao bạn trẻ đã khước từ cái “gánh nặng của nhân đức khiết tịnh, trong sạch” để được tự do luyến ái trước hoặc ngoài hôn nhân; biết bao những người mẹ, người cha sẵn sàng vất đi mạng sống của chính con mình vì sợ “gánh nặng phải đẻ đau, nuôi dạy hay những phiền phức khác cho hạnh phúc cá nhân…”; biết bao nhiêu linh mục, tu sĩ cởi bỏ áo dòng, đoạn tuyệt lời cam kết… để tự do xây lâu đài hạnh phúc trần tục…; biết bao giáo dân vẫn coi luật “giữ Ngày Chúa Nhật” là gánh nặng phải vất bỏ để tự do hưởng thụ; việc “xưng tội, rước lễ, đọc kinh…” là cái “ách cổ lổ xỉ” cần phải hạ xuống để thảnh thơi mà tự do phóng túng…

Phải chăng vì cảm nhận được sức nặng của cái “Ách” Tin Mừng, cái “Gánh” Lời Chúa và Thánh ý Ngài, mà ngay từ thời Hội Thánh mới khai sinh, Thánh Phaolô muốn các tín hữu phải luôn cậy nhờ vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần: “Nếu ai không có Thánh Thần của Đức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Và nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Kitô từ cõi chết sống lại, cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.” (Rm 8,9.11).

Thánh Thần chính là “Tình Yêu”. Với “Tình Yêu”, thì bất cứ cái ách nào cũng trở nên êm ái, bất cứ gánh nặng nào cũng trở nên nhẹ nhàng…; như cái “gánh đòn vọt thương tích đầy mình” trên thân thể của người mẹ thánh Anê Lê Thị Thành (1781-1841); hay như cái “ách gông cùm trên cổ của Thánh Trùm Cả Anrê Kim Thông” (1790-1855) trên con đường lưu đày vì đức tin từ Qui Nhơn cho tới Mỹ Tho… của một thời bách hại !

Vâng, với tình yêu gánh nào cũng nhẹ, ách nào cũng êm !

Linh mục Giuse Trương Đình Hiền

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!