Yoga – Thiền trên thế giới và với Kitô giáo ngày nay (2)
(tiếp theo)
Thuộc năm chi đầu, liên quan đến đức hạnh, có Giới, Thoái giác và Giữ
Giới, đó là Ngũ giới quen thuộc mà hết thảy mọi người Ấn đều tuân thủ, kể cả Phật tử, cố nhiên. Giới đầu tiên là Giới sát, A-himsâ, mà thế giới quen dịch là Bất bạo động, không những nó cấm giết, mà còn tránh nuôi hận thù; không những cấm giết người, mà cấm giết động vật nói chung.
Mahâtma Gandhi đã kết hợp Ahimsâ với luật yêu kẻ thù của Phúc âm (mà ông rất thích) để sáng tạo nên một đường lối đấu tranh có ảnh hưởng lớn trên thế giới vào giữa thế kỷ XX, và đây là Đấu tranh bất bạo động. Trung thành với đường lối này, trong khi giành độc lập cho quê hương, ông vẫn coi viên toàn quyền Ấn Độ người Anh là bạn hữu, rồi đến khi bị ám sát do hô hào Hồi giáo-Ấn giáo hòa hợp với nhau, bắt chước Chúa Giêsu, ông đã xin tha cho kẻ giết mình.
Bốn giới tiếp theo là cấm vọng ngôn (nói dối), cấm trộm cắp, cấm dâm dục, cấm tích lũy (aparigraha, do tham tiền và hà tiện) mà Phật giáo đổi lại là Giới tửu.
Ngũ giới nhắm hành vi bên ngoài, còn Thoái giác hướng về sự giữ gìn bên trong, và đây là tránh không để lục căn (indriya hay giác năng và ý thức) tiếp xúc với đối tượng của chúng là lục trần (thanh, sắc, xúc, thức… ý niệm), nhờ đó khỏi phân tâm, vấn vương, có thế mới định thần nổi (YV.2.54).
Nếu Giới nói về những gì phải tránh, thì Giữ lại hướng về những gì tích cực. Và đây là Ngũ hạnh : trong sạch (sauca), bằng lòng (santosa), khổ hạnh (tapas), học hỏi (thánh kinh) và sùng mộ Chúa (YS.II,32).
Trong sạch nhắm cả bên ngoài lẫn bên trong, vì tuy bên trong mới cần, nhưng sự thanh khiết ở cơ thể lại dễ ảnh hưởng đến tâm hồn chúng ta. Do đó mà sách Ca tụng Chúa (Bhagavadd-gitâ) dạy ăn những thứ dương thanh (sattva) như rau quả, sữa thay vì thức ăn âm tà (tamas) như mắm thối và thức ăn kích động (rajas) như rượu thịt. Còn bằng lòng, thì đây là “Tri túc giả phú” của Đạo đức kinh, thế nào cũng xong, cũng đủ, không thèm muốn gì cả, và cuộc sống thanh đạm ấy làm phát sinh niềm an lạc thường hằng bên trong. Còn khổ hạnh sẽ tăng cường sức chịu đựng đối với dù nóng lạnh hay đói khát, đồng thời củng cố sự kiên định, tự chủ nó giúp tu thân và đi vào tu luyện (Yoga Bh. và V.).
Riêng việc sùng mộ Chúa đi đôi với hành động vô cầu (làm vì bổn phận, chứ không vì lợi lộc chi hết) sẽ khiến Chúa ban ơn tuệ giác hòng giải thoát hành giả.
Những vần đề trên thuộc chuẩn bị xa nó bao quát hết cuộc sống. Còn chuẩn bị gần thì đi liền với tập trung. Chuẩn bị gần nằm ở tọa thế và điều hòa hơi thở.
Kinh Yoga (II.46) chỉ nói đến cách ngồi thẳng vững (sthira) và thoải mái, buông xả (sukha), còn bản chú giải của Vyâsa thì kể ra hằng chục tọa thế có tác dụng như trên, mà đứng đầu là tọa thế Hoa sen (padma). Những cách ngồi như thế, thường phải cố gắng và luyện tập lâu mới thành (Riêng phụ nữ và trẻ em tập rất nhanh, rất dễ). Nhưng khi ngồi dễ dàng rồi, thì sẽ thấy đây là cách ngồi giúp tập trung rất tốt. Có guru còn giải thích bằng mục tiêu tập trung nhân điện, không để thoát ra ngoài tí nào. Có điều để ngồi vững và thoải mái như thế, thì sống lưng phải thật ngay, đầu hơi cúi để cần cổ theo cùng một đường thẳng đứng với xương sống (Có thể vừa đi chậm vừa thiền cũng được).
Ngồi vững xong, phải điều hòa hơi thở. Trong đời sống thường, ta dễ quên thở và thở ra không hết, hít vào không đủ sâu, khiến phổi thành như cái ao tù, khí trong đó dơ bẩn, khiến máu và cơ thể cũng đục theo luôn. Để thở sâu như vậy, Yoga cung cấp hằng chục cách thở khác nhau. Nhưng nếu chỉ nhắm định thần, thì chỉ cần một hai cách đơn giản; cũng như để làm trong sạch khí huyết thì thở sâu vài chục lần cũng đủ rồi. Kế đó, phải thở thật êm, nhẹ lại khiến tim cũng đập êm nhẹ luôn và tâm không biến động nữa, có thế mới tập trung được (II.53).
Những cách vận tức đặc biệt, theo YV., còn sinh ra những phép thần thông (siddhi) như bay (YV.II.51) và thính nhãn, nhĩ, xúc, thấu thị (YV.III.36). Thật ra, thì hiện tượng thân thể nhẹ và nổi lên trong không khí, thì trong huyền học KTG cũng gặp, và ngày nay đôi khi cũng còn gặp nơi các Yogi. Thật ra, các bức tranh cổ cũng vẽ họ bay như thế. Theo tôi, rất có thể hiện tượng “khinh thân” (lévitation) là cơ sở mà các truyện thần tiên Trung Quốc dựa vào để thổi phồng thành phép đằng vân giá vũ. Cũng như hiện tượng thính nhãn, nhĩ được Kim Dung khai thác trong Thiên long bát bộ hay Lục mạch thần kiếm thành Thiên lý nhãn và Thiên lý nhĩ luôn. Ngoài ra, một số yogi siêu quần có thể điều tức đến giai đoạn bốn là ngưng thở hoàn toàn, ngưng cả giờ, ngày, thậm chí một năm luôn (YV.II.51-52), và người ta có thể chôn ông dưới đất, để sau khi đào lên và chà sát một lúc là (ông) tỉnh lại.
Có điều những thành tựu lạ (siddhi) này, hãy để chúng tự nhiên đến và tự nhiên đi, chứ nều ham thích mà bận tâm vào thì chúng sẽ cản trở hành giả tiến tới đại định và giải thoát (YV.III.37).
Liền sau khi ngồi hoa sen và thở êm nhẹ lại rồi, hành giả hãy tập trung hay quán (dhârana). Đối tượng của tập trung là một điểm (YS.III.1) trên người hay bên ngoài. Điểm trên người có thể là rốn, hoa sen-trái tim, sống mũi, giữa hai con mắt… (YBh.III.1). Đức Phật cũng dạy tập trung vào hơi thở ra, vô. Tập trung như thế là cốt để tâm trí khỏi rối lên như chợ trời, với cả ngàn vạn những ý tưởng và ảnh tượng chen lấn nhau. Làm sao để chỉ có một dòng chảy, một sợi chỉ xuyên suốt (quán). Khi tâm định dược rồi, cũng có thể đưa một câu chú (mantra) vào mà niệm, dùng một hình tượng Đức Chúa hay Brahman để quán tưởng.
Hễ định được vô một điểm… hơi lâu, thì đó là thiền (dhyâna). Sẽ có đại định khi một cái gì đó (?) tự hiển sáng lên trong khi đối tượng (dòng quán tưởng?) không còn nữa (YBh. và YV. III.2-3). Định được như thế sẽ sinh ra sự an lạc gọi là hạnh (ânanda) nó phát triển thành định an thiêng liêng tinh thuần. Trong khi ấy, ranh giới giữa Ngã với cái Thể bao la siêu việt cũng mờ biến đi (III.2-3).
Thật ra, thì hướng nhắm gần của Yoga là thoát ra khỏi dòng biến dịch bên ngoài và sự biến động (tư tưởng) bên trong. Nhưng đây chỉ là điều kiện cho cái kinh nghiệm khác thường là Đại định ấy. Đại định bắt đầu còn ít nhiều niệm lý (samprajnâta) làm sườn. Và nếu đây là kinh nghiệm về Brahman hay Đức Chúa, thì Ngài còn xuất hiện với hình tượng như của một người, và đây là chỗ thô của Bản nhiên. Hình tượng thô ấy có thể chuyển thành phiêu hốt, mờ ảo, và đây chỗ tinh vi (suksma) của prakriti, đi đôi với tính dương thanh (sattva) của tam cách (tri-guna).
Đại định hữu niệm sẽ chuyển thành siêu niệm (a-samprajnâta) lúc chỉ còn kinh nghiệm (kinh nghiệm về Chúa chẳng hạn) mà không kèm theo ý niệm hay hình tượng nào. Chắc đây có gì giống với huyền kiến tuệ trí (vision intellectuelle) mà thánh Tiên sa Avila nói đến. Dù sao, ở cấp siêu niệm này, samâdhi vẫn còn phân thành hai cấp, cấp dưới với ít nhiều mầm mống (bija) do dư vị dương trần còn sót, do đó hành giả chưa thoát khỏi luân hồi; còn ở cấp trên thì mọi vương nhiễm đã sạch hẳn, và đây là Đại định siêu niệm không mầm mống, khiến xác hễ đi hết trớn sống của nó, thì Tinh thần được giải phóng hoàn toàn ngay.
Về mặt ý thức, thì kinh nghiệm trong đại định là trực giác, mà đối tượng không phải cái gì trừu tượng, tổng quát nữa, nhưng cụ thể và thiêng liêng, trong khi đối tượng và chủ thể thành một với nhau. Theo tôi hiểu, thì đây là một kinh nghiệm chủ thể quan (nơi chủ thể hay subject, chứ không phải subjective theo nghĩa thường hiểu). Ngã và Chúa thành một với nhau có thể được hiểu như một sự hợp nhất huyền nhiệm. Mà thực ra, Yoga chủ trương hữu thần, nên cũng chủ trương vẫn còn phân biệt Chúa-hồn sau tình trạng giải thoát. Ngay cả nhiều triết gia Vedânta, như Ramânuja và Badhva cũng nghĩ như vậy. Cũng về ý thức nữa, trong đại định, vào một lúc nào đó, sự hiểu biết (huyền nhiệm) có thể phụt lên như tia chớp (sphuta), và đây là Mây-dharma (Dharma-megha) nó khiến Chân lý hiển sáng toàn cảnh. Chúng ta nên nhớ, theo các nhà huyền nhiệm học Công giáo như Tiên sa Avila và Inhã Loyola, đôi khi trong huyền nghiệm cũng xảy ra hiện tượng giống thế, khiến cho hành giả đột nhiên hiểu tất cả, cái mà cả đời học hỏi cũng không đạt được. Cố nhiên đây không phải là kiến thức khoa học, mà một thứ ánh sáng (đức tin) siêu nhiên nó đọi vào mọi hiểu biết sẵn có của hành giả để chúng biến hình trong một sắc thái (ý nghĩa) hoàn toàn mới.
Nếu trong Kitô giáo, ở cấp cuối của huyền nghiệm là hôn nhân thiêng liêng, chiêm niệm không còn tách khỏi cuộc sống bình thường nữa (hành giả vẫn hoạt động, mà vẫn cảm nghiệm sâu xa sự có mặt của Thiên Chúa), thì ở cấp cuối của huyền học Yoga hay Thiền, trạng thái cũng được diễn tả gần như vậy. Và đây là bức đồ họa thứ mười trong Thập ngưu đồ Phật giáo Trung hoa, có tên là “Thõng tay vào chợ”.
Sở dĩ chúng tôi so sánh được huyền nghiệm Công giáo với huyền nghiệm Phật giáo và Yoga, vì sau công đồng Vatican II, nhất là sau Thượng hội đồng giám mục Châu Á năm 1998, chúng ta đã hiểu ra rằng Chúa Thánh Thần có thể hoạt động “cách nào đó” trong các tôn giáo lớn để cứu vớt “những người lòng ngay” ở đó. Mà nếu họ được cứu, dù cách nào đó”, họ cũng sống trong ân sủng Chúa Kytô, để rồi tu luyện lên cao, họ có thể được ơn huyền nghiệm Thiên Chúa (nơi và qua Chúa Kytô), dù khó khăn hơn và khiếm khuyết hơn chúng ta nhiều.
Thiền : hướng đi và kỹ thuật
Thiền là một trong những đường tu Phật giáo [Trong Phật giáo Trung quốc, chỉ có Tịnh độ tông tu bằng cách niệm (Nâmo…) Phật, còn các tông phái khác đều tham thiền, nhất là Thiền tông], nên có thể coi Thiền là một loại hình Yoga, nhất là khi các đức Từ-bi-hỉ-xả của Phật giáo cũng được mang vô Yoga-sutra (I.33). Giống như Râja-yoga, Thiền-đạo không sử dụng các thế nhiêu khê của Yoga mãnh vận, mà chỉ ngồi Hoa sen hoặc bán kiết (siddhâsana). Về vận tức cũng thế, thiền sư chỉ vận tức kiểu đơn giản, và vận tức mấy phút thôi để thanh lọc cơ thể trước khi điều hòa hơi thở cho êm nhẹ giúp dễ tập trung.
Còn khi quán, có thể lấy (hình tượng) Đức Phật làm đối tượng tập trung, nhưng về sau, phải vượt trên mọi niệm tưởng để đi vào vô thanh vô sắc, hầu đạt sự hừng sáng sâu cao của Chân lý, nhờ đó giác ngộ. Xem ra, hơn mọi con đường khác, Phật giáo nhấn vào tính vô thường, tính Không của tất cả, dù của thực tại bên ngoài, dù của cái tâm bên trong.
Ứng dụng Thiền và Yoga trong Kitô giáo
Yoga được trình bày đầy đủ là trong những tập kinh thư nói trên, chứ không phải thứ Yoga bề ngoài viết cho người Âu Mỹ đọc. Trong loại sách này, ít nhất niềm tin tôn giáo đặc thù của Yoga không được đề cập tới. Do đó, không có gì ngăn trở người Công giáo luyện Yoga. Vâng, người ta chỉ trình bày các thế và ích lợi của mỗi thế, kể cả ích lợi về mặt trị liệu và phòng bệnh. Như thế, Yoga như một thứ thể dục chỉ giúp ta có một sức khoẻ lành mạnh và dẻo dai. Cũng có sách Yoga nói thêm về cách ăn uống và cách sống của người luyện Yoga, một cách đơn giản thôi, chứ không cầu kỳ như trong kinh thư. Dẫu sao, ăn uống dương thanh, có chừng mực và sống tiết chế được như thế, thì chẳng những sức khỏe tốt, mà đức hạnh cũng tăng tiến luôn.
Chỉ nên lưu ý rằng: luyện Yoga thì các động tác phải chậm, nghịch lại với thể thao Tây phuơng vốn nghiêng về nhanh, mạnh và dồn dập, do đó hại cho cả nội tạng lẫn thần kinh. Lại nữa, nếu giữ được tâm thanh lặng theo tinh thần Yoga, thì đây là cách giảm stress (bấn tâm) và làm phát sinh niềm an lạc thanh tao.
Với ai muốn tu thân, tốt nhất hãy vào thiền. Thiền đạo giữ hết cả Bát chi của Yoga, nhưng chú trọng nhất đến nội tâm. Vì thiền hướng về Vô, cả Thiền lẫn Yoga đều cố đạt vô niệm tưởng, thế mà Kitô giáo lại là Đạo nhập thể và huyền tích, có cả trong lẫn ngoài, cả hình thức lẫn siêu hình thức, nên trước khi đi vào vô sắc tướng và trực giác theo thiền môn, hãy suy niệm về Phúc âm một thời gian cho thấm sâu đã. Thiền sau đó sẽ đến giúp ta có được những cảm nhận Phúc âm một cách đơn giản hơn, kế đó rời bỏ niệm tưởng cũng là phần nào đi vào đêm tối (nuits obscures) để chuẩn bị cho một thứ tri thức và tình cảm khác hẳn trong huyền nghiệm.
Và bây giờ, để bắt đầu tham thiền, chúng ta hãy làm như sau:
Trước hết, tập ngồi hoa sen, hay ít là bán kiết. Hoa sen thì ngửa bàn chân phải gác lên đùi trái, ngửa bàn chân trái gác lên đùi phải. Bán kiết chỉ gác một bàn chân thôi. Gác chân như thế hơi đau đấy, mà phải luyện sao hết đau thì tập trung mới dễ. Thường thì phụ nữ và trẻ em luyện rất nhanh, chứ không như đám mày râu. Có điều khi tập trung, các ông, nhất là khi có tuổi rồi, lại dễ tập trung hơn. Để dễ ngồi, có thể ngồi trên một cái gối nhỏ. Có guru khuyên nên ngồi trên tấm len hay da thú để nhân điện khỏi thoát ra ngoài. Vì cói cũng giữ nhiệt và truyền điện, nên hẳn cũng có tác dụng ấy. Có điều ngồi trên chiếu cói thì đau.
Ngồi, phải liệu sao cho xương sống thẳng đứng. Để được thế, hãy tỳ hết trọng lượng trên một mình xương cùng thôi, do đó phải ưỡn người lên, đồng thời hơi cúi đầu tí ti cho xương cần cổ cũng trên đường thẳng đứng ấy. Để dễ tập ngồi thẳng, có thể tựa thật sát lưng vào tường. Khi ngồi thẳng đã quen, thì xoay lưng lại (tức diện bích) như quen làm ở chùa, để khỏi phân tâm lúc tập trung. Sau khi ngồi xong, nên khẽ rùng mình một cái để các cơ bắp không cần đến chùng lỏng hết ra. Còn hai bàn tay khi ấy thì hoặc úp trên hai đầu gối, hoặc ngửa trên hai đầu gối nhưng với ngón trỏ và ngón cái bấm vào nhau (để nhân điện khỏi thoát ra, như có người nói), hoặc lồng lên nhau để ngửa dưới rốn.
Ngồi xong, đến lượt vận tức, rồi điều tức. Vận tức thì phải thở sâu, thở gắng. Vận tức kiểu thiền môn thì đơn giản thôi: hít 1 thì, nín 1 hay 2 thì, thở (ra) 1 thì, nín tiếp 1 hay 2 thì . Khi nín sau hít, có thể phình bụng ra. Khi nín sau thở ra, có thể thót bụng tới tận xương lồng ngực để ép khí ra hết (Có thể đọc thêm Hoành Sơn, Thần học thiêng liêng 2, tr. 231-234).
Khi hơi thở đã nhẹ êm lại rồi, hành giả có thể tập trung. Hãy tập trung vào sống mũi giữa hai con mắt, tập trung vào hơi thở vô ra, tập trung vào giữa (hoa sen) trái tim, tập trung vô ngọn đèn nhỏ síu sát mặt đất, để xa 1m50 là vừa, v.v… Sau khi tâm trí tạm định được rồi, có thể chuyển sự tập trung sang một câu niệm thiêng liêng, mantra. Mantra nên đơn giản, dễ đọc, đọc như trôi đi rất trơn. Có người như John Main chọn câu Maranatha (Xin Chúa hãy đến). Theo tôi, cũng có thể chọn câu niệm truyền thống của Giáo hội Phương Đông là Chúa ôi (hít vô) thương xót (thở ra) (Kyrie eleison), hay dài hơn : Giêsu Con Thiên Chúa xin thương tôi là kẻ có tội . Hoặc câu của James Finley (trong Christian meditation): (Ta) Chúa yêu con (hít vô), Con yêu Chúa (thở ra)…
Có người cho rằng chỉ cần âm thanh là đủ, không cần ý nghĩa của câu niệm. Theo tôi, nếu âm thanh cũng đủ, thì đâu cần chọn câu này thay vì câu kia nữa. Có điều câu niệm là câu quen thuộc, quen cả ý nghĩa luôn, nên nếu đọc lên đều đều, thì ý nghĩa tôn giáo của nó vẫn phảng phất, và thế là đủ cho tâm hồn ta chìm vô cõi thiêng liêng, ngày càng vô thanh vô sắc. Cũng theo cùng một hướng vô thanh sắc và thoát tục như thế, hành giả có thể quán về Nước chảy mây trôi để cảm nghiệm tính bể dâu của tất cả, cùng lúc với sự Vĩnh hằng. Hoặc quán tưởng Thiên Chúa như một luồng sáng ấm áp và bao la đang trùm xuống trên tôi, trên chúng tôi (hay Thiên Chúa đang nói với tôi từ những sự vật bao quanh tôi, nhất là hoa lá), và tôi sẽ cảm thấy mình nhỏ bé đi và buông mình trong tay Cha xót thương, che chở…
Vâng, để quán hay niệm trên hướng thiền thì tất cả phải đơn giản như thế, đồng thời căng hướng về vô thanh vô sắc hơn là niệm lý rõ ràng. Do đó, như trên kia đã nói, trước khi vào thiền, phải suy niệm nhiều về Phúc âm, hòng nhiễm lấy tinh thần Phúc âm một cách sâu xa trước đã. Để khi đi vào siêu niệm lý và trực nghiệm cụ thể như thế, thì trực giác này cũng xuôi theo đúng dòng chảy Tin mừng. Ngoài ra, trong thời gian chuyển sang tham thiền, người ta vẫn có thể lúc thì tham thiền khi lại trở về với suy niệm.
Ngoài lúc tham thiền (hay luyện Yoga), cần phải sống tinh thần thiền, cũng là tinh thần Yoga luôn. Nghĩa là trong công việc hãy luôn luôn bình tĩnh, và để lòng luôn an tịnh như thế, phải năng nhớ thở và kiểm soát hơi thở sao cho êm nhẹ, điều hòa. Còn ăn uống thì chọn những gì dương thanh, sống thì sống thanh thoát trong những tâm tình Từ (thương yêu) – Bi (thương xót) – Hỉ (vui) – Xả (thoát tục). Vâng, hãy vui sống, nhân hậu, không tham sân và bằng lòng với những gì hiện có…
* * *
Nếu ai đó muốn luyện thiền ở chùa để có bầu khí, thì đây là điều rất tốt. Nhưng hãy chọn một chùa thiền tông thì hơn, vì trong thiền tông, người ta không quan tâm nhiều đến giáo lý. Dĩ nhiên là trong tiếp xúc hàng ngày, hành giả Công giáo không thể không gặp thứ ngôn ngữ và cách ứng xử của Phật môn, do đó ít nhiều chịu ảnh hưởng. Vậy, trước khi đến sống chùa, nên học giáo lý cho sâu, sống đạo cho vững, và khi ở chùa, đừng quên năng cầu nguyện.