Người Cầu Toàn Là Gì? Cách Quản Lý Tính Cầu Toàn Hợp Lý
Người cầu toàn là gì? Dấu hiệu nhận biết người cầu toàn là gì? Làm sao để quản lý tính cầu toàn? Tác động của tính cầu toàn đến nghề nghiệp như thế nào? Để giúp bạn hiểu rõ hơn về tính cách đặc biệt này, mời bạn cùng tham khảo chi tiết bài viết dưới đây nhé.
Người cầu toàn là gì?
Chắc hẳn bạn đã từng được nghe đến tính cầu toàn của một người. Vậy cầu toàn được hiểu như thế nào? Theo đó, người cầu toàn là người có những tiêu chuẩn cao đối với mọi thứ ngay cả với những chi tiết nhỏ nhất. Chẳng hạn, một người cầu toàn thường rất khó chịu khi bạn để giày lung tung, hay thấy bạn để móng tay dài hơn bình thường.
Người cầu toàn thường mong muốn sự hoàn hảo 100% từ công việc của mình và người khác.
Người cầu toàn được chia thành hai nhóm chính được dựa trên tính linh hoạt các tiêu chuẩn của họ.
- Cầu toàn kiểu bình thường: Mặc dù có những tiêu chuẩn khá cao cho bản thân nhưng họ có thể linh hoạt giảm nhẹ trong từng tình huống cụ thể.
- Cầu toàn kiểu rối loạn thần kinh: Tính cách này được thể hiện ở việc họ không bao giờ thấy mình hoàn thành tốt công việc, thường xuyên tự trách và phê bình chính mình.
Biểu hiện thường gặp ở người cầu toàn
Người cầu toàn thường có những biểu hiện như thế nào? Cùng Glints tìm hiểu ngay những dấu hiệu cho thấy bạn hoặc người khác sở hữu tính cầu toàn nhé.
Lo lắng nhận chỉ trích từ người khác
Một người cầu toàn họ thường rất khó chịu khi bản thân không hoàn thành công việc một cách hoàn hảo và lo sợ mọi người xung quanh nghĩ xấu về họ.
Do đó, họ rất hiếm khi nhờ sự hỗ trợ từ người khác để giải quyết vấn đề, thay vào đó họ thường giấu diếm và không để ai phát hiện. Nếu tình trạng này kéo dài quá lâu, họ rất có thể gặp các vấn đề rối loạn tâm trạng, căng thẳng.
Tiêu chuẩn cá nhân cao
Ở cả hai kiểu người cầu toàn, họ đều sở hữu một điểm chung là đặt ra cho bản thân những tiêu chuẩn cao và bắt buộc mình phải đáp ứng. Bởi vậy, họ thường có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề tâm lý, ám ảnh cưỡng chế, v.v.
Lo ngại các vấn đề sai sót
Bản thân người cầu toàn luôn mong muốn bản thân và người khác đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cá nhân mà họ đặt ra. Do đó, họ rất sợ khi phải đối mặt với những lỗi lầm, ngay cả khi vấn đề này không gây ảnh hưởng quá lớn.
Nghi ngờ về hành động của bản thân
Người cầu toàn thường cảm thấy thiếu chắc chắn khi bản thân hoàn thành một công việc/nhiệm vụ nào đó. Do đó, họ thường phớt lờ trách nhiệm của mình một cách miễn cưỡng.
Sự thiếu chắc chắn của bản thân biến họ trở thành người thiếu quyết đoán trong công việc.
Kén chọn và đòi hỏi cao
Người cầu toàn thường mong muốn mọi thứ phải hoàn hảo 100%, bởi vậy họ thường có xu hướng kén chọn và đòi hỏi cao mọi thứ. Chẳng hạn, họ bị ám ảnh với sự xáo trộn, bắt buộc mọi thứ phải gọn gàng, nguyên tắc.
Mặc dù, đây không phải là một nguyên nhân của tính cầu toàn nhưng có tác động đến việc người cầu toàn cố gắng để đáp ứng các đòi hỏi cao của mình ra sao.
Đọc thêm: Người Nhạy Cảm Là Gì? Làm Sao Để Bớt Nhạy Cảm?
Cách quản lý tính cầu toàn
Làm sao để quản lý tính cầu toàn một cách hiệu quả nhất? Dưới đây là một vài gợi ý giúp bạn sử dụng cầu toàn tốt nhất.
Sử dụng thời gian hợp lý
Người cầu toàn thường mất nhiều thời gian để làm xong một công việc hơn bình thường, dù công việc đó có thể hoàn thành nhanh chóng. Sự kỹ càng và cẩn thận khi thực hiện công việc là một điểm tốt nhưng bạn cần tối ưu hóa thời gian hoàn thành.
Bạn có thể giúp tư duy của bản thân vượt khỏi vùng an toàn chỉ với việc đánh giá thời lượng thực hiện công việc. Thay vì cố gắng làm hoàn hảo mọi thứ ngay từ đầu bạn nên đơn giản hóa điều này là hoàn thành chúng.
Khi không quá tập trung vào những chi tiết nhỏ nhặt bạn có thể tối ưu thời gian và giảm bớt căng thẳng khi thực hiện.
Loại bỏ những tiêu chuẩn khắt khe
Đặt ra những tiêu chuẩn cao và khắt khe là một biểu hiện của người cầu toàn. Do đó, để quản lý tính cầu toàn tốt hơn bạn nên điều chỉnh và xem xét loại bỏ những tiêu chuẩn không cần thiết. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm sức lực, thời gian hoàn thành công việc.
Bên cạnh đó, để hiệu quả công việc tốt nhất bạn có thể thảo luận với mọi người để tìm ra ý tưởng phù hợp nhất.
Thiết lập mục tiêu
Bạn cần thiết lập một mục tiêu rõ ràng để bản thân có thể tập trung vào việc hiện thực nó thay vì chú ý vào những điều nhỏ nhặt không cần thiết.
Hạn chế các yếu tố dẫn đến tính cầu toàn
Trước hết, bạn cần phải định hình được những yếu tố khiến bạn rơi vào trạng thái cầu toàn quá mức để hướng suy nghĩ ra khỏi điều này, chẳng hạn những sai lầm trong quá khứ, thiếu tự tin khi ra quyết định, v.v
Thay vào đó, bạn hãy nhớ về những thành tựu của bản thân hay lời động viên của một người nào đó đến bạn. Điều này sẽ giúp bạn trở nên tự tin và có nhiều cảm hứng hơn khi làm việc.
Những nghề nghiệp đòi hỏi tính cầu toàn
Trong bất kỳ công việc nào cũng đòi hỏi người thực hiện phải sở hữu tính cầu toàn nhất định. Dưới đây là một vài công việc yêu cầu tính cầu toàn cao khi thực hiện.
Phi công
Trước tiên là nghề Phi công. Bạn biết đấy, họ là người chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo sự an toàn của hàng trăm người khi di chuyển. Bởi vậy mọi quyết định của họ đều có thể ảnh hưởng đến an toàn của chuyến bay.
Do đó, trước, trong và sau khi kết thúc chuyến bay họ cần đảm bảo mọi thứ đều chính xác và an toàn.
Kế toán
Kế toán là người thường làm việc với các con số, tài chính của công ty. Do đó, kế toán viên phải hết sức cẩn thận trong quá trình làm việc. Bởi điều này có ảnh hưởng lớn đến các quyết định về tài chính của doanh nghiệp, hay các vấn đề pháp lý về mặt tài chính, v.v..
Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm
Các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm là người giúp bác sĩ và các chuyên gia y tế phát hiện và chẩn đoán, điều trị bệnh tật một cách chính xác.
Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm chịu trách nhiệm kiểm tra các mẫu bệnh phẩm dưới kính hiển vi để tìm kiếm sự bất thường. Bởi vậy, mọi bước thực hiện đều đòi hỏi kỹ thuật viên phải thực hiện chính xác.
Dược sĩ
Dược sĩ là người liên quan trực tiếp đến vấn đề sử dụng thuốc của người bệnh. Do đó, họ cần phải thực hiện chính xác khi kê đơn, lấy thuốc và hướng dẫn bệnh nhân sử dụng.
Biên dịch/phiên dịch viên
Họ là người chịu trách nhiệm chuyển đổi thông tin từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Do đó tính chính xác của thông tin được quyết định phần lớn bởi biên dịch/phiên dịch viên. Bởi vậy, họ cần thực hiện quá trình chuyển đổi thông tin một cách chính xác.
Một số nghề nghiệp khác
Một số nghề nghiệp khác cũng yêu cầu người thực hiện phải có tính cầu toàn cao có thể kể đến như:
- Lập trình viên
- Bác sĩ
- Bác sĩ thú y
- Biên tập viên
- Giáo viên
- v.v st