Góc tư vấn

Thế giới ảo có thể mang lại cho con người tình yêu đích thực?

Thế giới ảo có thể mang lại cho con người tình yêu đích thực?

Thế giới ảo có thể mang lại cho con người tình yêu đích thực?

 

Thế giới đang bị chia rẽ vì bạo lực. Văn hóa đang bị sụp đổ, vì con người chọn sống theo chủ nghĩa cá nhân thay vì là những môn đệ của Chúa Ki-tô.

Một trong những điều khiến con người xa rời Thiên Chúa và thực tại là thế giới ảo. Phụ huynh trao công nghệ cho con cái mà không cân nhắc đến hậu quả. Cho dù đó là trầm cảm, tự tử hay bạo lực, thì thiệt hại từ điện thoại nói riêng và công nghệ nói chung đang trở thành vấn đề cấp bách.

Thế hệ trẻ hiện tại là những người đang trải qua những thay đổi công nghệ mạnh mẽ nhất trong lịch sử nhân loại. Điều này đi kèm với việc từ bỏ hoàn toàn những chuẩn mực văn hóa, đức tin và đạo đức trước đây. Trong hơn một thập kỷ, chúng ta “kết nối” trong thế giới ảo nhiều hơn thế giới thật.

Bắt đầu từ khoảng năm 2010, số cha mẹ cung cấp cho con trẻ điện thoại thông minh để truy cập mạng xã hội tăng cao. Điều đó dẫn đến muôn vàn hệ luỵ. Trong cuốn sách có tựa The Anxious Generation (tạm dịch: Thế hệ Lo âu), tác giả Jonathan Haidt có giải thích: “Ngay sau khi thanh thiếu niên có iPhone, chúng bắt đầu trở nên trầm cảm hơn. Những người dùng nhiều nhất cũng là những người trầm cảm nặng nhất. Trong khi đó, những em dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động trực tiếp, chẳng hạn như tham gia các đội thể thao và cộng đồng tôn giáo, lại là những người khỏe mạnh nhất”.

Cuốn sách cung cấp thông tin chuyên sâu về vô số nghiên cứu cho thấy tác động đáng lo ngại của việc sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội đối với giới trẻ.

Điều đáng lưu ý ở đây là các hoạt động gặp gỡ trực tiếp sẽ giúp trẻ em khỏe mạnh hơn. Tại các ngôi trường, có những em không sử dụng điện thoại. Nhưng cũng có nhiều em bị lo lắng, chán nản và thậm chí muốn tự tử sau thời gian sử dụng điện thoại và mạng xã hội. Thậm chí có em nói: “Con sẽ chết nếu không có iPad, điện thoại thông minh, v.v.”

Nhiều trẻ em dần cho rằng các mối quan hệ được xây dựng thông qua màn hình và giá trị bản thân được đánh giá qua nút “Like”. Điều này tách các em khỏi bản chất con người, đồng thời hạ thấp giá trị mà Chúa ban cho các em bởi những ý kiến của người xa lạ về mình.

Phương tiện truyền thông xã hội và điện thoại thông minh thực chất là những hệ thống được xây dựng trên thuyết nhị nguyên. Cơ thể chúng ta không còn quan trọng. Sự hiện diện vật lý của chúng ta không còn quan trọng, đồng nghĩa các giác quan của chúng ta cũng không còn quan trọng. Tất cả những điều này cực kỳ nguy hiểm và có tính hủy diệt. Vì các giác quan giúp con người giải mã thực tế. Đó là lý do tại sao trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ gây ra rất nhiều vấn đề trong tương lai.

Là những người theo đạo Thiên Chúa, chúng ta biết rằng con người có thể xác và linh hồn. Điều đó có nghĩa là các mối quan hệ của con người cần một số hình thức hiện diện để trở nên sâu sắc hơn. Điều này đặc biệt đúng trong việc học cách yêu thương.

Trẻ em và thanh thiếu niên đang đi trên con đường hướng đến cuộc sống không có tình yêu. Thực tế là con người không thể yêu thương trọn vẹn qua màn hình. Để thực sự yêu thương, chúng ta cần biết cách hiện diện về mặt thể chất, tinh thần, cảm xúc với người khác.

Tình yêu đòi hỏi sự hy sinh và mong muốn điều tốt đẹp cho người khác. Vì thiếu nhi và giới trẻ chủ yếu sống trong thế giới ảo do chính chúng tạo ra, các em không phải hy sinh trong các mối quan hệ và có thể “huỷ kết bạn” với mọi người tuỳ ý. Điều này làm tổn hại đến khả năng hình thành các mối quan hệ sâu sắc và trọn vẹn hơn.

Đáng lo ngại hơn, sự thờ ơ, thù địch và thái độ bạo lực thậm chí gia tăng từ thế giới ảo mà các em sống. Đã có biết bao nhiêu video đăng tải về hành vi bạo lực diễn ra trước mắt mà những người xung quanh chỉ quay phim mà không giúp đỡ? Điều này dẫn đến một tương lai tăm tối, nơi con người không biết cách yêu thương và sự ích kỷ thống trị con người.

Hiện nay, chúng ta biết rằng nhiều thanh thiếu niên cũng như người trưởng thành cảm thấy vô cùng cô đơn. Họ không trực tiếp trải nghiệm tình yêu. Chỉ có việc dành thời gian lướt web mới giúp họ quên đi nỗi cô đơn đó.

Thế giới ảo cũng đang tạo ra những chia rẽ và bạo lực ở khắp các quốc gia. Những người trẻ đặc biệt dễ nổi giận và dễ bị tổn thương trước những thông tin giả mạo truyền đạt đến với họ. Các cuộc bạo loạn ở trường đại học phương Tây gần đây đã tiết lộ thực tế này. Bạo lực chính trị dưới nhiều hình thức đang gia tăng ở thế giới phương Tây, và phương tiện truyền thông xã hội được sử dụng để thổi bùng ngọn lửa giận dữ và hủy diệt.

Vì thế, người Công giáo cần nghiêm túc đánh giá cách điện thoại thông minh và phương tiện truyền thông xã hội tác động đến gia đình, giáo xứ, cộng đồng xung quanh và quốc gia của mình. Chúng ta phải ngừng chạy theo mọi trào lưu mới khi một công nghệ khác xuất hiện.

Chúng ta nên tự hỏi liệu Chúa có muốn chúng ta sống trong thế giới ảo. Hay Ngài muốn ta sống Tin Mừng trong thời đại mới, giúp mọi người được giải thoát và dạy họ cách sống trong thực tế.

Con người là tạo vật được Chúa ban cho tính xã hội. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải xây dựng những cộng đồng hiện diện với nhau về mặt thể chất, tinh thần, cảm xúc. Đây là cách duy nhất chúng ta có thể yêu thương trọn vẹn. Chúng ta phải nhắc nhớ lại tiếng gọi của thập giá. Tình yêu là sự hy sinh. Là một Giáo hội, chúng ta nên tìm cách xây dựng những cộng đồng đích thực dựa trên tình yêu của Chúa Ki-tô, thay vì thế giới ảo đang khiến ta cô đơn, chia rẽ và bạo lực.

Theo Catholic Exchange
Lược dịch: Khánh Ly

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!