Góc tư vấn

NHÂN ĐỨC VÂNG LỜI CỦA THÁNH PI-Ô NĂM DẤU

NHÂN ĐỨC VÂNG LỜI CỦA THÁNH PI-Ô NĂM DẤU
Tiểu sử của cha Pi-ô Năm Dấu có lẽ mọi người đã biết, mình không cần phải kể lại ở đây. Điều mình muốn chia sẻ là tinh thần vâng lời của cha. Và chính sự vâng lời này đã biến cha thành một vị thánh nổi bật trong thế kỷ 20.
Như mọi người đã biết, cha Pio (Dòng Phanxico), được được ơn mang 5 vết thương của Chúa chịu nạn trên cơ thể từ năm 1918. Vết thương tự hình thành và gây đau đớn cho cha, đặc biệt vào 3h chiều mỗi ngày thứ 6 (tương ứng với giờ Chúa Giêsu chịu khổ nạn và chịu chết).
Có người đồn thổi là cha Pio tự tạo ra vết thương để được nổi tiếng, được giáo dân khen là đạo đức thánh thiện. Lạ lùng thay, tin đồn này lại được các vị hữu trách chấp nhận, và giám mục giáo phận đã ra lệnh cấm cha Pio dâng lễ công khai, cấm cha tiếp xúc với giáo dân.
Tiếp đó, sau khi danh tiếng cha Pio vang dội khắp nơi, thì đức giám giáo phận báo cáo lên Bộ giáo lý đức tin và xin bộ ra lệnh cấm. Bộ giáo lý đức tin cũng nghe theo báo cáo của giám mục giáo phận mà ra lệnh cấm với cha Pio, thậm chí cấm tất cả các sách báo ca ngợi ngài. Ngay cả sách do một bác sĩ công giáo đã đích thân kiểm tra vết thương của cha Pio và viết lại dưới dạng một báo cáo y khoa khách quan, cũng bị liệt vào sách cấm của Vatican.
Ban đầu, bề trên và anh em trong nhà Dòng không muốn cha biết lệnh cấm này của Tòa Thánh vì sợ cha đau buồn. Nhưng một lần nọ cha vô tình đọc được bản tin trên trang nhất tờ báo trong nhà ăn của Nhà Dòng. Cha hơi sốc, nhưng bình an đón nhận.
Khi được hỏi cha có buồn và bức xúc với đức cha cũng như Tòa Thánh vì đã kết án oan cho cha không? Cha trả lời: Nếu Chúa để xảy ra như vậy thì con xin vâng.
Ngài chịu lệnh cấm oan của Giám mục và Tòa Thánh từ năm 1922 mãi đến năm 1964. Bị cấm dâng lễ công khai, cấm giải tội, cấm tiếp xúc giáo dân, rồi bị thuyên chuyển hết từ nhà dòng này sang nhà dòng khác. Thế nhưng, trong tất cả ngài vẫn tâm niệm “vâng lời và bình an”.
Hiệu quả của sự vâng lời này là ngài càng được nhiều ơn siêu nhiên và càng được giáo dân yêu mến. Ngài bị giam lỏng ở đâu là giáo dân tuôn đến nơi đó, đến mức bề trên muốn đưa ngài ra khỏi nước Ý lánh mặt. Và sau cùng, khi Đức giáo hoàng Phaolo VI rút lại lệnh cấm và xin lỗi cha, thì cha đã trở thành một vị thánh vĩ đại, được giáo dân yêu mến và tôn kính ngay khi còn sống.
Điều đặc biệt nơi cha Pio đó là VÂNG LỜI và CHỊU HIỂU LẦM. Quả vậy, người có Chúa và người của Chúa sẽ có sức chịu đựng phi thường. Họ lấy Chúa làm đủ và chỉ cần sự an ủi thiêng liêng của Chúa.
Tìm hiểu cuộc đời cha Pio và sự oan ức của ngài mới thấy rằng không phải bề trên hay thậm chí Tòa Thánh luôn luôn đúng (về kỷ luật), nhưng ai có khả năng vâng lời trong tình cảnh này là người có nhân đức cao cả và chắc chắn là người của Chúa. Mà đã là người của Chúa, thì không sớm thì muộn Chúa sẽ giải oan cho họ cũng như dùng họ làm khí cụ tuyệt vời cho Ngài.
Mẹ Têrêsa Calcuta nói: “Bề trên có thể sai, nhưng người vâng lời thì không sai và vẫn nhận được nhiều ơn ích”.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!