THIỀN VÀ ĐẠO CÔNG GIÁO
Cuộc khủng hoảng của Đạo Công giáo hiện nay thực chất là khủng hoảng đời TU: “ Kể từ giữa thập niên sáu mươi đã có nhiều bài viết về chuyện gia tăng khủng hoảng đời tu. Trong cuốn “ Đời Tu Hết Rồi” ( The end of religious life ). R. Faricy cho rằng bây giờ là thế hệ đời tu sau cùng ( Tạp chí Thần Học số 4 tháng 4/96 ).
Cũng chính trong cuộc khủng hoảng Đời Tu ấy, giới trí thức Công giáo đã tìm đến với Thiền như một pháp môn giải thoát ! Trong một cuộc phỏng vấn, ký giả Vittori Messori ( Người Ý ) đã nêu câu hỏi với đức giáo hoàng Gioan Phao Lô II: Như đức thánh cha đã biết, hình như giáo lý giải thoát của Phật giáo đang lôi cuốn một số lớn người tây phương như để thay thế cho Ky Tô giáo hay như một thứ bổ túc ít ra là về những gì liên quan đến kỹ thuật tu đức và huyền bí” ( Bước Vào Hy Vọng – Câu hỏi số 4 ).
Kỹ thuật tu đức được đề cập ở đây chính là…Thiền, thế nhưng để có thể sử dụng kỹ thuật này thì trước hết phải có sự hiểu biết đúng đắn về một trong những pháp môn quan trọng của Phật giáo. Đang khi đó về phía Công giáo cụ thể là linh mục Nguyễn Văn Thư, người viết cuốn sách có tên là “ Tìm Thiền Trong Đạo Chúa” chẳng những chẳng hiểu biết chi mà còn rất ư sai lạc: “ Trong sách của mình linh mục NVT tỏ ý tán thành những khái niệm lãng mạn về Thiền như sau: Là cái trống rỗng êm đềm cho ta cái tự do thoải mái để tìm chân lý. Nó giống như luồng sáng chiếu vào hồn ta, không mang hình thể hay khuôn khổ nào. Nó cũng tựa như pha lê trong suốt, không sắc màu, không tỳ ố { Trích phần 4, phong trào Thiền lên ngôi}…
…Thậm chí ông còn cho rằng thông qua kỹ thuật “Ngồi nhắm mắt, tập trung đầu óc để hết còn dính mắc vào bất cứ chuyện gì, thiền sẽ giúp chúng sinh tìm thấy cõi hư vô, tạo nên thế giới cực lạc đi vào Cõi Bồng Lai. Theo linh mục này, sự khác biệt thiền trong Thiên Chúa Giáo và Thiền của Phật giáo chính là sự có nhận ơn sủng của các đấng thiêng liêng hay không ? { Trích phần 2. Từ miền đất Phật và phần 7 – Cuộc hành trình 2000 năm } ( Nguồn: Daophatngay nay. Net – Ngày 10/2/2015 Tịnh Liên – Nhận định cuốn sách Tìm Thiền Trong Đạo Chúa ).
Lý do khiến vị linh mục này không hiểu gì về Phật giáo nói chung và Thiền nói riêng đó là bởi còn chấp vào quan niệm Đấng Tạo Hóa. Theo quan điểm của những tôn giáo hữu thần thì toàn thể vũ trụ trong đó có con người đều được Tạo Hóa sinh ra và cố nhiên tất cả đều…thực có !!!
Thế nhưng một khi đã chấp cho rằng tất cả đều…thực có thì còn nói chi đến việc giải thoát huống chi là…Thiền ? Đạo Phật là đạo giải thoát và sự giải thoát ấy là thoát ra khỏi si mê lầm lạc. Con người mang nặng hai cái chấp, một là chấp xác thân là mình, hai là chấp tâm tưởng là mình. Trong hai cái mê chấp ấy thì chấp xác thân tương đối còn dễ chữa hơn là cái chấp về Tâm.
Bao lâu còn chấp Tâm tức cho những ý tưởng, nghĩ suy, phân biệt, lo lường này là mình thì không bao giờ có thể tu tập và hiểu được Thiền, bởi vậy thiền sư Trần Nhân Tông nói: “ Trong nhà sẵn ngọc thôi tìm kiếm. Lắng lòng đối cảnh, hỏi chi Thiền ? ( Gia trung hữu bảo, hữu tâm mích. Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền ? ).
Đối cảnh vô tâm có nghĩa là trước mọi cảnh vật mà không khởi phân biệt đó chính là Thiền. Cũng một ý ấy Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy: “ Chỉ khi các ông đối cảnh không khởi vọng niệm phân biệt thì tham sân si chẳng khởi mà tham sân si không khởi thì sát, đạo, dâm vọng không sanh”.
Trước mọi cảnh ( Người, Vật ) mà Tâm không khởi phân biệt đó là Thiền, trái lại còn khởi tâm phân biệt lành dữ, xấu tốt, thiện ác tức còn sống trong vòng trói buộc của vô minh, điên đảo. Thiền sư Lâm Tế nói: “ Chỗ ông dừng một niệm là Cây Bồ Đề. Ông một niệm không thể dừng là Cây Vô Minh”.
Làm sao để có thể…dừng một niệm, đây chính là cái cốt lõi của Thiền Trực Chỉ. Khi sang Trung Quốc, tổ Bồ Đề Đạt Ma dõng dạc tuyên bố về pháp Thiền này rằng: “ Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”
Chỉ thẳng vào Tâm, không qua kinh sách, ngôn từ để nhận ra Phật Tánh sẵn có ở nơi mình đó là chủ đích của Thiền Tông. Tuy nhiên đây là pháp môn Tu rất khó, chỉ để dành cho những bậc thượng căn thượng trí. Lý do bởi đây là pháp Tu hoàn toàn dựa vào tự lực mà đã…tự lực thì giống như vượt qua một bức tường thành cao vút, trơn trượt không một chỗ nắm chỗ vịn.
Mặt khác, Kiến Tánh không phải đã….thành Phật mặc dù Phật tức Giác Tánh đã sẵn đủ ở nơi mỗi người, chỉ vì vô minh chấp trước nên không nhận biết.. Cần dứt bỏ mọi thứ chấp trước vô minh thì…ông Phật của mình mới có cơ hiện tiền. Vua Trần Nhân Tông tức sơ tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói:
“Nhứt thiết Tâm bất sanh
Nhứt thiết Tâm bất diệt
Nhược năng như thị giải
Chư Phật thường hiện tiền”
Cái chỗ mà Tâm không sanh diệt, không dính mắc đó thì ảnh hiện của chư Phật đã có ngay ở nơi mình, chỗ này không phải dùng mắt mà thấy, không phải khởi thức mà thấy nên nói:
“ Chỗ chưa từng nghe, được nghe mới thiệt nghe, chỗ chưa từng thấy mà thấy mới thiệt thấy. Chưa từng tu mới thiệt tu. Vì chỗ đó nó đã sẵn có ngay ở nơi mình chỉ cần nhận ra nó thôi” ( Thiền sư Bửu Thắng – Khai Thị Thiền Trực Chỉ ).
Phật Tánh là cái đã sẵn có ở nơi mỗi người không phân biệt người có tôn giáo hay vô thần, người theo Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo v.v…Về vấn đề này, ngài Sư Tử Hống Bồ Tát hỏi Phật: “ Phật Tánh của chúng sinh là một hay là nhiều ? Tất cả chúng sanh cùng có một Phật Tánh hay là mỗi người có một Phật Tánh riêng biệt ? Phật đáp: Tất cả chúng sanh, tất cả chư Phật cùng có chung một Phật Tánh nhưng Phật Tánh chẳng phải một chẳng phải hai, Phật Tánh bình đẳng giống như hư không” ( Kinh A Di Đà Yếu Giải – Thích Tuệ Nhuận dịch ).
Phật Tánh bình đẳng giống như hư không có nghĩa nó bao trùm toàn thể vạn vật, thiên hà đại địa vì nó là Tánh Biết ( Giác Tánh ) hằng hữu ở nơi mỗi người. Tánh Biết ấy cũng chính là Đấng Cha mà Đức Ki Tô mạc khải: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và những ai Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 9, 22 ).
Đức Ki Tô nói Ngài…biết Cha thì cái biết ấy không phải là tri thức phân biệt nhưng là trí tuệ vô phân biệt. Về trí tuệ vô phân biệt này, Kinh Niết Bàn nói: “ Tất cả chúng sanh trong bảy thú và các vị thanh văn, duyên giác đều chẳng thấy được Phật Tánh của mình. Các vị Thập Trụ Bồ Tát mới thấy được nhưng thấy không rõ. Chỉ có chư Phật và các vị đại bồ tát mới thấy được rõ ràng ( Kinh A Di Đà Yếu Giải ).
Đức Giê Su Ki Tô đã thấy biết về Cha bởi vì Ngài ở trong Cha và Cha ở trong Ngài. Tông đồ Philip nói rằng: Thưa Chúa, xin chỉ Cha cho chúng tôi thì đủ rồi. Ngài đáp: Philip ơi, Ta ở cùng các ngươi lâu dường này mà há ngươi chưa biết Ta sao ? Ai đã thấy Ta tức là đã thấy Cha. Sao ngươi lại nói xin chỉ
Cha cho chúng tôi ? Ngươi há không tin rằng Cha ở trong Ta sao ? Lời Ta nói với các ngươi chẳng phải tự Ta nói, bèn là Cha ở trong Ta làm việc của Ngài” ( Ga 14, 8 -10 )
Đức Ki Tô mạc khải về Đấng Cha, có nghĩa mỗi người từ trong tiềm thể đều là con của Chúa Cha. Điều này cũng giống như những tín đồ Phật giáo nhận mình là Phật Tử tức con của Phật. Là con của Chúa thì phải nên giống Chúa khi sống ở cõi đời này và sau khi chết sẽ được về sống bên Chúa như lời đã hứa: “ Lòng các ngươi chớ bối rối, đã tin Thiên Chúa cũng hãy tin Ta nữa. Trong Nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở. Bằng chẳng vậy, Ta đã nói với các ngươi rồi Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ tiếp các ngươi về với Ta hầu Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó với Ta” ( Ga 14, 1 -3 ).
Nếu Đức Ki Tô đã nhận biết Cha và luôn sống theo Thánh Ý Người thì chúng ta cũng phải như vậy có nghĩa bỏ đi Tâm Phân Biệt bởi đó chính là Tội Nguyên Tổ: “ Đức Chúa Giehova phán với Eva: “ Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn. Còn về cây biết ( phân biệt ) điều thiện và điều ác thì chớ có hề ăn đến. Vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 16 -17 ).
Đức Chúa đã cấm không được…ăn cây ( Trái ) phân biệt nhưng nguyên tổ vẫn cứ ăn, kết quả là phải chết và cái chết ấy không phải là chết về phần xác mà là tâm linh nhưng chính cái chết tâm linh ấy mới thật đáng sợ bởi vì nó khiến con người phải ngàn trùng xa cách với Thiên Chúa, Đấng hằng hữu ở nơi mình.
Bao lâu còn sống với Tâm Phân Biệt ( Tội Nguyên Tổ ) thì còn xa cách Thiên Chúa. Nguyên nhân sâu xa đưa đến cuộc khủng hoảng triền miên trong Giáo Hội chính là vì đã theo đuổi con đường Duy Lý và vì duy lý thế nên cũng chẳng hiểu được bản chất của Tội Nguyên Tổ là gì ?: “ Nếu thật sự có một vấn đề trời tru đất diệt, không ai dám đề cập tới, không ai ưa đả động gì thì đó chính là vấn đề nguyên tội ( Tội nguyên tổ/Tội tổ tông truyền ). Tin rằng Thiên Chúa đã trực tiếp dựng nên A Đam – Eva là tức khắc phải đối đầu với một vấn đề hết sức rắc rối rồi. Lại còn tin rằng hai ông bà nguyên tổ đã truyền lưu cho con cháu về sau cả một tội trọng được coi như là câu giải đáp cho những tai họa khốn đốn đang dồn dập trút xuống trên đầu nhân loại thì đó còn quá đáng hơn nữa: Không thể nào chịu đựng nổi. Hễ cứ mạo hiểm trình bày vấn đề như thế, là giáo lý viên sẽ đau đớn nắm chắc phần thất bại. và không riêng gì cá nhân giáo lý viên mà cả tính cách đáng tin của Giáo Hội và niềm tin vào Thiên Chúa là Cha của Đức Giê Su Ki Tô cũng chuốc lấy luôn thảm họa nữa” ( Công giao Info – Philippe Bacq – Tội Nguyên Tổ ).
Cũng vì không hiểu được bản chất của Tội Nguyên Tổ thế nên từ bấy lâu nay giáo hội vẫn…nhận giặc làm con mà không hề hay biết. Bởi chứa giặc trong nhà là Thần Học Duy Lý thế nên cũng chẳng lạ gì khi mạc khải của Đức Ki Tô đã bị gạt bỏ để thay vào đó là Thần Học Tục Hóa có nghĩa cho mọi sự thế gian đều là thật có.
Như đã nói, bao lâu còn cho mọi sự thế gian là thật có thì sẽ không cách chi hiểu được Thiền như là sự dứt bặt suy tư phân biệt. Dứt bặt suy tư không phải là…không còn gì nhưng chỉ như thế mới có thể tìm lại cái Bộ Mặt Xưa Nay của mình !
Sau khi được trao y bát, Huệ Năng đi về phương nam, nhiều người trong đó có Huệ Minh đuổi theo có ý muốn dành lại nhưng không được, vội nói: Tôi vì pháp mà đến chứ không phải vì Y. Tổ Huệ Năng bèn nói: Nếu ông vì pháp mà đến thì hãy dứt sạch các duyên chớ sanh một niệm, tôi sẽ vì ông nói. Huệ Minh im lặng giây lâu, Huệ Năng bảo: Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Minh ? ( Pháp Bảo Đàn Kinh – Phẩm Hành Do ).
Thiền Tông chủ trương giải thoát sanh tử bằng cách dứt bặt các duyên. Thế nhưng để dứt bặt các duyên thì phải đoạn được Kiến và Tư Hoặc. Đoạn Kiến Hoặc khó như dùng bàn tay để ngăn chặn dòng sông rộng bốn mươi dặm. Còn đoạn Tư Hoặc lại muôn vàn lần khó hơn. Bởi đó Phật giáo ngoài Thiền Tông còn có Tịnh Độ Tông chủ yếu dùng Pháp Môn Trì Danh Niệm Phật để cứu độ chúng sanh. Kinh Đại Tập nói: “Thời mạt pháp ức ức người tu hành nhưng khó có một người được giải thóát. Chỉ nương nơi Pháp Môn Niệm Phật mà được giải thoát khỏi luân hồi”.
Về giá trị của Pháp Môn Tịnh Độ, Mộ Liên pháp sư đưa ra mấy câu kệ:
Có Thiền không Tịnh Độ
Mười người hết chín người chần chờ
Đến lúc ấm cảnh hiện tiền
Chớp mắt theo đó mà đi
Suy cho cùng, tôn giáo có mặt là để giải quyết cái chết. Giả như con người không ai chết thì tôn giáo chẳng tồn tại để làm gì ? Chính vì để lo cho cái chết của chính mình thế nên những đại thiền sư như Tri Húc, Ấn Quang, Tịnh Không ban đầu đều là những người chuộng Nho, báng Phật nhưng khi trải qua cơn bạo bệnh đều quay sang tu Niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
Đạo Công giáo là Đạo Cứu Rỗi phần linh hồn: “ Hỡi anh em là con cái thuộc dòng giống Apraham và là kẻ kính sợ Thiên Chúa trong lòng anh em. Đạo Cứu Rỗi nay đã truyền đến cho chúng ta rồi” ( Cv 13, 26 ). Là dòng giống Apraham tức là những người có đức tin vào lời hứa: “ Vậy anh em phải biết rằng kẻ nào có đức tin nấy là con cái của Apraham” ( Gal 3, 7 ). Lại nữa những kẻ có đức tin là những kẻ kính sợ Đấng Thiên Chúa nội tại ( Trong lòng anh em ).
Thiên Chúa chúng ta yêu mến, kính sợ đó chỉ có thể là Chân Tâm Bản Tính là Bản Lai Diện Mục của mỗi người. Thiền Tông chủ trương tìm về Bản Lai Diện Mục bằng cách dứt bặt các duyên nhưng như đã biết điều này hết sức khó, bởi vậy cần có Tịnh Độ Tông hầu được cứu độ theo như Đại nguyện của Đức Phật A Di Đà. Chúng ta chỉ có thể nhận ra bộ mặt thật của Đạo Công Giáo qua ba nguyên tắc căn bản là Tín – Nguyện và Hạnh:
Tín là tin chắc có Nước Thiên Đàng Hằng Vui, Hằng Sống. Tin Chúa Giê Su Ki Tô là Đấng Cứu Rỗi kể cả những kẻ tội lỗi biết ăn năn trở lại: “ Ta muốn sự thương xót chứ không muốn sinh tế. Vì Ta đến không phải để kêu gọi kẻ công chính bèn là kẻ tội lỗi” ( Mt 9, 13 ).
Nguyện là nguyện được về sống bên Chúa, Đức Mẹ và chư thần thánh trên cõi vinh quang bất diệt đó.
Hạnh là làm tất cả mọi việc như tham dự Thánh Lễ, cầu nguyện, ăn chay, bố thí v.v… để dâng mọi việc cho Chúa hầu cứu các linh hồn. Riêng về phần “Hạnh” tức làm mọi việc vì Chúa thì người Công giáo đã không làm hoặc làm mà chẳng mấy ơn ích. Lý do là vì đã không tin sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đấng ở nơi mình: “ Vả không có đức tin thì chẳng có thể đẹp lòng Ngài. Vì kẻ đến cùng Thiên Chúa cần phải tin rằng Ngài thực hữu và là Đấng ban thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài” ( Dt 11, 6 ).
Sống đạo là sống cuộc tìm kiếm. Có tìm mới gặp, ngược lại không tìm thì không gặp. Chúng ta, người Công giáo chỉ có thể tìm và gặp được Thiên Chúa qua con đường Thiền tức dứt bỏ mọi thứ duyên đời: “ Chớ thương yêu thế gian cũng đừng thương yêu các vật ở thế gian nữa. Nếu ai thương yêu thế gian thì tình thương yêu Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian như tư dục của xác thịt, tư dục của mắt và sự kiêu căng của đời sống này đều chẳng phải từ Cha bèn là từ thế gian mà ra. Vả, thế gian với tư dục của nó đều qua đi, song ai làm theo Thánh Ý Thiên Chúa thì còn lại đời đời” ( 1Ga 2, 15 -17 )./. st