Tình yêu nơi Đấng bị đâm thâu
Tôi nhiều lần tự hỏi: “Chúa có tâm tư gì, khi chết cho tôi?”
Bởi tôi thấy một thực tế là, cho dù cha mẹ yêu con là vậy, nhưng khi phải gánh chịu hậu quả nào đó do tội của đứa con, thì không ít vị thỉnh thoảng trong bữa cơm, hay lúc nào đó vô tình lại khơi lại nỗi đau, như để chì chiết, và đứa con tội nghiệp lại cúi gằm mặt và lưng chừng nước mắt.
Liệu Giê-su có như vậy không? Ngài chết cho tôi có phải để rồi mỗi lần tôi nhìn lên thập giá, tôi phải cúi gằm mặt, phải dằn vặt vì tội mình hay sao? Thế thì sao gọi “Thiên Chúa là Tình Yêu”; còn gì là ơn cứu độ khi ngước lên cây thánh giá.
Quả thật, mỗi chiều thứ Sáu Tuần Thánh, tôi thấy cảm thương trước những đau khổ mất mát của Giê-su. Tôi cố dằn vặt vì nghĩ tội mình đã đóng đinh và khiến Chúa phải đau khổ và phải chết. Thế rồi tôi ra về và cảm thấy lòng có chút yên tâm, bởi còn biết day dứt và đau đớn vì tội cho dù đó chỉ là thói quen được dạy từ tấm bé.
Nhưng không! Thiên Chúa chết vì yêu tôi! Ngài không muốn “đay nghiến” để khiến tôi cảm thấy tội lỗi và xấu hổ. Nhưng Ngài sẽ nói với tôi: “Ta làm tất cả vì yêu con! Hãy nhận ra tình yêu của Ta”, như khi Ngài hiện ra và nói với thánh nữ Angela Foligno: “Ta đã yêu con không phải chuyện đùa!”.
Thập giá Đức Ki-tô mãi mãi là bằng chứng tình yêu của Thiên Chúa, là ơn cứu độ và giải thoát. Vì thế, tôi nghĩ điều đầu tiên khi nhìn lên Thánh Giá chiều thứ Sáu Tuần Thánh không phải là đấm ngực ăn năn! nhưng là hãy mở lòng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, phải khóc lên vì mình được yêu, hãy cho phép mình được Chúa yêu, vì tình yêu đó không phải chuyện đùa! Điều cản ngăn tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là tội, nhưng là sự cứng lòng, không chịu mở ra để Tình Yêu bước vào, và như thế kiểu sám hối của tôi chỉ là hình thức bề ngoài, rỗng tuếch! Vì sự sám hối phải đến sau, khi đã để cho Tình Yêu ngự trị trong lòng mình.
Nhưng còn một điều quan trọng hơn phải đặt ra là làm sao để sống mầu nhiệm thứ Sáu Tuần Thánh trong đời? Bởi bạn biết không, rất nhiều lần tôi đã phải gánh những trách nhiệm, những bổn phận do sự lười biếng, khôn lỏi hay là cả ác ý của người khác. Khi ấy, tôi chỉ muốn hét lên thật lớn cho mọi người biết, để những kẻ ấy phải xấu hổ, phải dằn vặt vì đã làm những điều ấy với tôi. Nhưng rồi tôi không đủ can đảm, mà chỉ dám “xét xử kín” họ trong lòng mà thôi.
Như thế, tôi chẳng giống Chúa Giê-su trên đồi Can-vê chút nào, bởi “Ngài chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe” (1Pr 2, 23), ngài như con chiên hiền lành bị đem đi giết mà chẳng kêu một tiếng. Ngay cả trên thập giá, tột cùng của đớn đau và nhục nhã, ta vẫn không thấy Ngài nói dù là nửa lời ai oán hay đe dọa, nhưng chỉ vang lên thứ thanh âm của lời cầu nguyện từ con tim bừng cháy lửa yêu mến: “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ lầm chẳng biết” (Lc 23,34).
Chỉ có tình yêu ấy! mà cực điểm của nó là sự thứ tha và cầu nguyện cho cả kẻ thù mới là câu trả lời cho những ai đang muốn đấu tranh để hạn chế và tiêu diệt sự dữ đang gây ra biết bao đau khổ cho con người hôm nay. Sự dữ và đau khổ không thể bị tiêu diệt bằng một sự dữ và khổ đau khác lớn hơn, nếu làm vậy chính là đi ngược lại với “triết lý” của thánh giá Đức Ki-tô, mà hậu quả chỉ là càng làm trầm trọng thêm đau khổ cho con người và gia tăng sự dữ.
Về phần mình, tôi thấy mình chịu bất công từ những “sự dữ ở phạm vi nhỏ” để rồi mong muốn trả đũa, mừng thầm khi kẻ đó gặp phải bất hạnh và gặm nhấm sự dằn vặt. Vậy là đau khổ tôi vẫn phải chịu, mà vì không kết hợp với Tình Yêu chịu khổ của Đức Ki-tô nên những khổ đau tôi mang chẳng có giá trị cứu rỗi linh hồn tôi. Còn đâu mầu nhiệm chiều thứ Sáu Tuần Thánh!
Vậy thứ Sáu này, hồn tôi hỡi! hãy khóc lên vì thấy mình được yêu quá đỗi, và xin Chúa giúp tôi vì yêu mà vui vẻ đón nhận những đớn đau, bất công vẫn luôn xảy ra trong cuộc đời này, “để mưu ích cho chúng ta và toàn thể Hội Thánh Người”.
Nắng Tháng Ba