Gia Ðình Trong Giáo Hội Và Xã Hội
Cầu nguyện:
Ðọc Phúc âm theo Matthêu (25, 31-46): Làm cho kẻ hèn kém là làm cho chính Ta.
- Trình bày đề tài:
Truyện mở đầu: Tôi biết Chúa quá muộn.
Một bà cụ ở Tân định, Sài gòn, gần 80 tuổi. Bà không có cảm tình với Công giáo. Ðược tin con dâu cụ đau nặng, mấy chị quân binh thuộc Ðạo Binh Ðức Mẹ (Legio Mariae) đến thăm. Vừa thấy họ, cụ đã la oai oái:
– Xéo, xéo, con dâu tôi không bệnh tật gì hết. Nó vô phúc muốn bỏ đạo cha ông hả? Ðứa nào đến rủ rê nó bà cho biết tay!
Các chị quân binh vui vẻ chịu trận, thầm cầu xin cùng Ðức Mẹ cho gia đình cụ, rồi ra về. Lần thứ hai các chị đến, mang theo ảnh Áo Ðức Mẹ. Bà cụ thấy các chị đến, bà vẫn chửi xéo như trước. Các chị đưa Áo Ðức Mẹ cho cụ coi và nói về lòng nhân lành Chúa, quyền phép và tình thương của Ðức Mẹ. . . Bà cụ nghe xuôi tai và nhận Áo Ðức Mẹ.
Lần thứ ba các chị tới thăm, và lạ lùng chưa, cụ còn vạch cổ cho xem Áo Ðức Mẹ cụ đang đeo. Dần dần bà cụ đã được nghe giáo lý, đã biết khá nhiều những điều cần. Thời gian sau cụ yếu liệt, xin chịu phép Rửa tội, các chị Legio đề nghị rửa tội ở nhà, nhưng cụ xin ra nhà thờ dù đang yếu liệt, để làm sáng Danh Chúa. Rửa tội xong cụ nói: Tiếc rằng tôi biết Chúa quá muộn.
Con cháu cụ đã trở thành hội viên tán trợ của Ðạo Binh Ðức Mẹ miền Sài gòn. (Báo Legio Mariae số 168, trg 846).
1.1. Giáo hội khuyến khích:
Giáo hội khuyến khích gia đình làm việc tông đồ. Trong Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân (TÐ) của Công đồng Vatican II đã viết:
Ð- “Thời đại chúng ta, nhất là những hoàn cảnh hiện tại đòi hỏi người giáo dân làm những việc tông đồ mạnh mẽ và sâu rộng hơn”. (TÐ 1).
Lý do khác là: “Vì Thiên Chúa đã đặt gia đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội loài người. . . nên việc tông đồ của vợ chồng và của các gia đình có tầm quan trọng đặc biệt đối với Giáo hội cũng như xã hội”. (TÐ 11).
1.2. Tông đồ tại nhà:
Vì đức Ái phải bắt đầu từ gia đình, nên Sắc lệnh viết:
“Vợ chồng Công giáo là chứng nhân của đức tin đối với nhau, cũng như với con cái. . .Bằng lời nói và gương sáng, họ huấn luyện con cái sống đời Kitô giáo và làm việc tông đồ. Họ thận trọng giúp đỡ con cái lựa chọn ơn gọi, và nếu thấy chúng có ơn gọi tu trì, hãy nuôi dưỡng ơn gọi đó.” (TÐ 11)
1.3 Tông đồ tại Cộng đoàn, giáo xứ, xã hội:
“Trong các việc tông đồ của gia đình, cần phải kể các việc như sau: nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi, cho khách trọ nhờ, cộng tác với học đường, giúp thanh thiếu niên, đỡ đầu các đôi hôn nhân, giúp dạy giáo lý, nâng đỡ những gia đình gặp khó khăn về vật chất và tinh thần, lo cho người già những điều cần thiết và tiện nghi chính đáng. . .”. (TÐ 11)
Ðừng ngại đóng góp công của, con cái cho Giáo hội. “Chúa ban cho nhiều, phải trả lại nhiều”.
1.4. Tông đồ cấp cao hơn:
“Ngoài việc tông đồ điạ phương, nếu có khả năng, cũng nên tham gia hoạt động tông đồ trong giáo phận, quốc gia và quốc tế. . .” (TÐ 17, 18, 19).
Giáo hội mong muốn người Công giáo đem tinh thần Kitô giáo thấm nhuần tư tưởng, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ đang sống. . . qua đức tin và đức ái của mình, bằng đời sống lương thiện như ánh sáng trần gian, tìm cách cộng tác với mọi người, đối thoại với họ. . . để phổ biến những gì là chân thật, công bằng. . . (coi TÐ 14).
Sắc lệnh nhấn mạnh:
“Nhiệm vụ chính của giáo dân, nam cũng như nữ, là làm chứng về Chúa Kitô, làm chứng bằng đời sống và lời nói trong gia đình, trong các đoàn thể xã hội, cũng như trong môi trường nghề nghiệp. Họ phải biểu lộ con người mới đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, trong sự công chính và thánh thiện của chân lý. Nhưng họ phải diễn tả nếp sống mới đó trong môi trường xã hội và văn hoá của quê hương, theo truyền thống của dân tộc mình. . .” (TÐ 21).
Tinh thần truyền giáo: “Họ cũng phải gieo rắc đức tin vào Chúa Kitô giữa những người có liên lạc với họ trong đời sống và nghề nghiệp. Ðiều bó buộc này càng khẩn thiết hơn, vì nhiều người chỉ có thể nghe Phúc âm và nhận biết Chúa Kitô nhờ các giáo dân sống gần họ. Hơn nữa, nơi nào có thể, giáo dân phải được chuẩn bị để cộng tác trực tiếp hơn với hàng Giáo phẩm trong việc hoàn tất sứ mệnh đặc biệt là loan báo Phúc âm và truyền thông giáo lý Kitô giáo” (TG 21).
1.5. Cộng tác với hàng Giáo phẩm trong Hội Thánh:
Nhất là với các linh mục địa phương để xây dựng nhiệm thể Chúa Chúa Kitô ở trần gian.
Linh mục Giáo phận hoặc Dòng tu được cử đến để phục vụ dân Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời giáo dân từ khi Rửa tội tới khi An táng và cầu nguyện cho cả sau khi qua đời.
Nên cộng tác với các linh mục, dù đôi khi không hợp ý mình, để xây dựng chung, hơn là bất cộng tác, điều đó hại cho bản thân, gia đình, cho Ơn gọi tu trì và cho Giáo hội. . .
Cần ghi tên gia nhập giáo xứ địa phương, hoặc cộng đoàn, để các linh mục giúp đỡ tinh thần cho gia đình mình, nhất là ban các Bí tích.
1.6. Tôn kính Ðức Mẹ:
Giáo hội luôn khuyến khích giáo dân tôn kính Ðức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ Giáo hội.
Lòng tôn kính Ðức Mẹ là bảo đảm phần rỗi đời đời của các phần tử trong gia đình và là thành công trong việc tông đồ.
Ðừng ngày nào bỏ cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Ðây là việc đẹp lòng Ðức Mẹ, được Giáo hội khuyến khích.
Nên tham gia Hội đoàn, nhất là hội đoàn Ðức Mẹ, dự các lễ trọng kính Ðức Mẹ, gia nhập Hội Gia Ðình Ðền Tạ Trái Tim Ðức Mẹ tại địa phương.
Thánh Bênađô ca ngợi:
“Theo Mẹ, bạn không lạc cầu Mẹ, bạn không thất vọng được Mẹ bênh, bạn không sợ gì, vì Chúa đã trao kho tàng ơn phúc cho Ðức Mẹ, Mẹ muốn ban cho ai bao nhiêu, lúc nào tuỳ ý Mẹ”.
- Thảo luận:
* Trong hoàn cảnh cụ thể, anh/chị có thể làm việc rao giảng Tin mừng bằng cách nào để đáp lời kêu mời của Chúa và Giáo hội?
Câu hỏi ôn:
- Giáo hội khuyến khích làm việc tông đồ thế nào? (1.1).
- Tại nhà, có thể làm việc tông đồ thế nào? (1.2)
- Việc tông đồ tại cộng đoàn, giáo xứ? (1.3).
- Việc tông đồ cao cấp hơn? (1.4)
- Cộng tác với hàng giáo phẩm? (1.5)
- Lòng tôn kính Ðức Mẹ? (1.6)
- Mỗi năm đến ngày kỷ niệm thành hôn, vợ chồng nên làm gì để tạ ơn Chúa? (Tuỳ ý)
Ðề nghị:
Theo các câu hỏi cuối mỗi bài, nên có bài sát hạnh cuối khóa học