Tâm tình độc giả

Không phải là chuyện “ngửa vái ông trời”

Không phải là chuyện “ngửa vái ông trời”

Cho dù chẳng biết, chẳng cảm được “Ông Trời” hay “Trời” là gì một cách thấu đáo, rõ ràng, hợp lý… thì người dân Việt chúng ta vẫn quan niệm và tin rằng có một “nhân vật tối cao” là “Ông Trời”, có một thế lực toàn năng là “Trời”, Đấng sinh ra, tạo tác và chi phối muôn loài muôn sự, …, như được lưu truyền qua những câu ca dao:

“Con chim nó hót trên cành,
Nếu Trời không có, có mình làm sao?
Con chim nó hót trên cao,
Nếu Trời không có, làm sao có mình?

Hoặc “Trời” là Đấng thưởng phạt công minh:

“Ở hiền thì lại gặp lành,
Những người nhân đức Trời dành phước cho.
“Ở xởi lởi Trời cởi ra cho,
Ở so đo Trời co ro lại…

Thái độ tín ngưỡng về một “ngôi vị Trời”, hay một “Vị Thượng Đế toàn năng” đó ngay từ khi mới tiếp xúc với dân xứ Đàng Trong vào thế kỷ 17, thừa sai Cristoforo Borri đã từng nhận xét cách chí lý: “Tóm lại, người ta có thể dạy cho dân chúng ở đây những mầu nhiệm chính của Cơ Đốc giáo, vì họ thờ phượng duy nhất một đấng linh thiêng như ta đã thấy, và coi những bậc thánh khác ở hàng thấp hơn, họ tin vào sự bất tử của linh hồn, những hình phạt đời đời với kẻ ác, vinh quang dành cho người đức hạnh, họ có nhiều đền đài, tế lễ, đám rước nên lúc cần cải đạo, họ cũng dễ dàng thu nhận hiểu biết về tín ngưỡng đúng đắn”[1].

Và một trong các “mầu nhiệm chính trong đạo” mà các ngài đã dạy cho cha ông chúng ta thuở Tin Mừng vừa chạm đất Đàng Trong phải chăng đó chính là “Ông Trời là ai”, “Trời là Đấng nào”. Bởi vì, đây chính là “điều quan trọng hơn cả” như phát biểu của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI: “Cái là ta tin là điều quan trọng, nhưng còn quan trọng hơn nữa là ta tin vào ai”[2].

Đối với mọi người Kitô hữu, đáp án cho câu hỏi “tin vào ai” chính là “Một Thiên Chúa Ba Ngôi vị Cha, Con và Thánh Thần”, một mầu nhiệm trung tâm và cao trọng như khẳng định của Sách GLHTCG: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu…Đây là chân lý căn bản nhất và chủ yếu nhất trong “phẩm trật các chân lý” đức tin” (GLHTCG, số 234)và đây lại là mầu nhiệm mà liền sau đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Phụng vụ đã dành riêng để cử hành, kính nhớ.

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên: cho đến mãi hôm nay, “tờ lý lịch của Thiên Chúa” vẫn còn “dang dở” để con người lần mò tiếp cận trong “băn khoăn thao thức tới khi nào được an nghỉ trong Chúa” (St. Augustinô). Giờ đây, chúng ta thử chiêm ngưỡng lại dung mạo của Thiên Chúa Ba Ngôi được chuyển tải qua sứ điệp Lời Chúa vừa được công bố.

Trước hết, sách Xuất Hành trong Bài đọc 1 đã vén mở cho chúng ta dung mạo của một Thiên Chúa đầy lòng thương xót và luôn đồng hành với con người: Chúa đi qua trước mặt ông (Môsê) và hô: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa thương xót và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành”.

Và chính Đức Kitô, Vị Thiên Chúa nhập thể làm người, cũng không nói gì hơn khi trình bày “dung mạo tình yêu của Thiên Chúa”. Hơn chăng, khi dung mạo đó hiện thực nơi chính Ngài, như Tin Mừng Gioan xác quyết: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ.”

Và như thế, khi cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta một lần nữa tuyên xưng vào mầu nhiệm cao cả và trung tâm của đức tin Kitô giáo; và không chỉ dừng lại ở lời tuyên xưng suông, chúng ta sống mầu nhiệm Ba Ngôi cách sinh động và cụ thể theo những lời nhắn gởi của Thánh Phaolô trong Bài đọc 2, những giáo huấn chưa bao giờ lỗi thời: “anh em hãy vui lên, hãy nên trọn lành, hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, và hoà thuận với nhau, thì Thiên Chúa, nguồn sự bình an và tình yêu, sẽ ở với anh em”.

Và nếu phải học sống với Thiên Chúa làm sao, ứng xử với Thiên Chúa thế nào, thì lời thoại thân mật với Thiên Chúa của Môsê năm nào trên núi Sinai luôn là một gợi ý đầy thâm thúy và hiện sinh: “Xin Ngài đi với chúng con… Xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi chúng con…”

Vâng, tin vào một Chúa Ba Ngôi có nghĩa là tin vào một Đấng đang đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường cuộc sống; tin vào một Đấng có thể cảm thông sự yếu hèn của phận người để khoan dung tha thứ; tin vào một Đấng sẵn sàng biết chia sẻ và cho đi, sẵn sàng trở nên nghèo hèn và yếu đuối, sẵn sàng bị đóng đinh để chết vì yêu thương. Tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi đó chính là tin một Thiên Chúa “không nỡ bẻ gãy cây lau bị dập”, một Thiên Chúa quan phòng chăm sóc từng con chim sẻ trên cây, từng cây huệ ngoài đồng. Thiên Chúa Ba Ngôi, đó cũng là “Người Cha già nhớ thương đứa con trai hoang đàng, chiều chiều ra ngõ vắng đón đợi, là Vị Mục tử sẵn sàng bỏ chín mươi chín con chiên trong đàn để đi tìm một con chiên lạc. Thiên Chúa Ba Ngôi, cũng là “Cha chúng con ở trên trời sẵn sàng ban cho lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con”là “Đấng bảo Trợ sẽ dạy chúng ta mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi lời của Đức Kitô”…

Nói cách khác, sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không phải là chuyện lợi dụng Thiên Chúa, nhờ cậy “Ông Trời”… để đạt được mong ước, sở nguyện của mình như kiểu:

“Nghiêng vai ngửa vái Ông Trời,
đương cơn hoạn nạn, độ người trần gian…

mà chính là biến cuộc đời thành một “hiện thực ắp đầy Ba Ngôi”, một hiện thực của “ân sủng”, hiện thực của “tình yêu” và hiện thực của “hiệp thông” như lời chào chúc của Thánh Phaolô cũng là lời tuyên tín trong Phụng vụ của Giáo Hội thuở ban đầu: ân sủng Đức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần”. Amen.

 

[1] CRISTOFORO BORRI, Xứ Đàng Trong, Thanh Thư dịch, nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh 2019, tr. 233.

[2] YOUCAT VIỆT NAM, tr. 45.

 Linh mục Giuse Trương Đình Hiền

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!