Ảo và thực
Chúng ta đang sống giữa một thế giới mà có lẽ nhiều khi chính chúng ta, những hữu thể, lại không ý thức được sự tồn tại của mình có thật hay không? Một câu hỏi mà nếu sống chậm lại, chúng ta sẽ thấy rất rõ. Giữa một thời đại mà người ta gọi là công nghệ 4.0 hay phẳng hóa trái đất, số hóa địa cầu, dường như cũng đang tồn tại song song hai thế giới, tất nhiên không phải Thiên đàng và Hỏa ngục, nhưng là ảo và thật. Ảo trong thật mà nhiều khi thật lại là ảo??? Thật hack não!
Cũng vậy, không ai nghi ngờ hay chối bỏ những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin và những ứng dụng của nó đang trở thành những công cụ tuyệt vời, không những giúp tăng năng suất lao động mà còn giúp con người gần nhau hơn theo nghĩa đen… Thế nhưng, cùng với một thế giới ảo đa năng xuất hiện, một thứ tôn giáo ảo cũng ra đời và hấp dẫn hơn những tôn giáo thật và chính thống. Thế giới cũng như tôn giáo ảo đó ngày càng làm chủ và trở thành thật của chúng ta, vì nơi đó chúng ta được thỏa mãn mọi nhu cầu với một mức phí hay một cái giá rẻ như bèo. Từ chỗ được tạo ra như những công cụ hữu ích, những đầy tớ tốt, thì trái lại, qua cách sử dụng sai mục đích của nhiều người, nhất là giới trẻ, thế giới ảo và tôn giáo ảo này lại đang trở thành những ông chủ thật sự đáng sợ và mối nguy cho tương lai nhiều người, trong đó có thể có chúng ta.
Tân thế giới
Dân số: 4 – 5 tỷ[1]
Thủ đô: Google, Facebook.
Quốc kỳ:
Quốc ca: Windows, Apple…
Số lượng quốc gia: 1.5 – 2 tỷ
Quốc gia tiêu biểu: Google, Facebook, Youtube…
Ngôn ngữ: Anh, Pháp, Ý… Từ lóng
GDP: Triệu view, triệu like…
…
Nhìn vào những thông số mang tính chất “đùa chút thôi”, chúng ta không khỏi giật mình về quy mô và mức độ ảnh hưởng của nó. Điều hấp dẫn của thế giới này đó là mỗi công dân được gọi là công dân toàn cầu – oách – có thể đi đến khắp mọi nơi mà chỉ cần một phương tiện dễ dàng, một thủ tục đơn giản, một giấy thông hành vô thời hạn. Để trở thành công dân của một quốc gia, chúng ta cần phải có những điều kiện nhất định và khá nghiêm ngặt, thế nhưng nơi thế giới này, chúng ta có thể gia nhập và trở thành công dân bất cứ quốc gia nào, bất cứ lúc nào, và bất cứ nơi đâu với một thủ tục vô cùng đơn giản.
Chỉ cần một chiếc “chứng minh thư” là một điện thoại thông minh, “một Visa” là một địa chỉ IP hay một khoản phí nào đó, chúng ta nghiễm nhiên trở thành công dân toàn cầu “ngầu như quả táo tầu”. Một điều “dễ hơn ăn kẹo” như thế thì thật là hấp dẫn và thu hút không chỉ những người trẻ mà mọi tầng lớp. Vì thế chúng ta chẳng lạ gì ngày nay, những cụ già thất thập cổ lai hy nhưng lại giết thời gian bằng cách lang thang du lịch, làm quen, thậm chí “nuôi gấu” và “thoải mái hồi xuân”, hay những chú nhóc, cô nhóc miệng còn hơi sữa đã trở thành những công dân ưu tú của thế giới này… nhất là rất nhiều bạn trẻ đang thay vì tận dụng những công nghệ, những tiện ích của thế giới này để học tập, để vươn lên, thì lai để cuộc đời mình trôi nổi một cách vô ích nơi các quốc gia, hay những ứng dụng, phần mềm, trang web độc hại. Các bạn đang hủy hoại và tiêu sài một cách phung phí ngân hàng thời gian của mình vào những thứ vô bổ trên mạng, hay dành quá nhiều thời gian cho nhưng thứ giải trí rẻ tiền khiến “teo não”, thậm chí mất kiểm soát và đánh ất mình trong thế giới ảo này. Thật đáng buồn!
Trong một thời đại bùng nổ công nghệ và dễ dãi như hôm nay, khi thế giới ảo này cung cấp cho chúng ta nhiều kiến thức từ cổ chí kim, điều mà trước đây chỉ có trong sách vở và kinh nghiệm của các cụ, mọi dịch vụ tiện lợi có thể thỏa mãn tính ưa nhàn của chúng ta thì một vài lần thử cảm giác của công dân toàn cầu đó cũng thật là đáng, thậm chỉ có nhiều người còn tự nguyện trở thành công dân ảo vĩnh viễn và chối bỏ sự hiện hữu của mình ở thực tại, làm chúng ta chỉ gần nhau trong thế giới ảo mà thật sự lại rất xa nhau trong thế giới thật. Nơi đó, chúng ta sống, học, giải trí, du lịch, mua sắm, kết bạn, tán gẫu, kết hôn, sinh con đẻ cái, nuôi thú cưng, kiếm tiền… Trong thế giới này, hằng giây hằng phút vẫn diễn ra những hoạt động như thế giới thật, thậm chí sôi động hơn, những cuộc mua bán, trao đổi, dịch vụ, kinh doanh, những mặt hàng mới, và cả những cuộc cạnh tranh khốc liết giữa các quốc gia, hay các doanh nghiệp cả thật lãn ảo để tranh giành thị trường, khách hàng,… và rồi cả những cuộc chiến tranh mạng khốc liệt nữa. Chẳng lạ gì khi nhìn cảnh một mâm cơm vô hồn với đầy đủ các thành viên gia đình, nhưng thay vì ăn cơm nói chuyện chia sẻ thì mỗi người một chiếc điện thoại hay máy tính đang say sưa trên thế giới ảo, đang cúng Facebook hay cho face ăn… mà quên đi những người thân đang rất cần sự chia sẻ, động viên.
Một tôn giáo mới
Tín đồ: 4 – 5 tỷ[2]
Kinh Thánh: Google…
Phân bố: Nơi nào có internet, nơi đó có tín đồ
Những vị thánh lớn: Google, Facebook, Youtube…
…
Không ai còn nghi ngờ độ “hot” của tôn giáo ảo này, nhất là nơi những ông thánh lớn vốn đã và đang trở thành những “vị thánh bổn mạng” cho nhiều bạn trẻ. Nhờ lời chuyển cầu và giúp đỡ đắc lực của những “ông thánh toàn năng” nhưng khá dễ dãi này, các bạn trẻ có thể được đáp ứng mọi nhu cầu và thỏa mãn khát khao được thể hiện bản thân mà chẳng cần quan tâm nhiều đến những nền tảng đạo đức hay luân lý truyền thống nữa. nơi đây, các bạn tha hồ tự sướng, thoải mái cầu được ước thấy và chỉ một câu thần chú bằng một cái nhấp chuột, các bạn có thể từ quạ hóa thiên nga. Cũng nơi đây, các bạn được gặp gỡ, giao lưu, yêu đương, và cả kết hôn ảo mà chẳng cần quan tâm đến chuyện gia đình hay con cái vì nơi các thánh, các bạn có thể có tất cả những gì mình muốn. thay vì đến với nhà thờ, nhà chùa, hay những nơi thờ tự đã gắn liền với tâm thức người trẻ, thì nay, nơi internet, các bạn biến chiếc điện thoại hay cái máy tính thành nơi thờ tự cho chính mình và trở thành những tín đồ cuồng nhiệt và thậm chí cuồng tín cực đoan…
Tôn giáo Internet đã trở thành một thứ tôn giáo ảo và bành trường khắp thế giới, ngay cả vào trong lòng các tôn giáo truyền thống. Nó từ chỗ chỉ là một phương tiện, một công cụ con người dùng để hỗ trợ cuộc sống con người cũng như các tôn giáo khác, nó đã trở thành một thứ tôn giáo mới với hấp lực ghê gớm và vô cùng hấp dẫn, ngay cả đối với những tín đồ của tôn giáo thật. Với một điều kiện gia nhập dễ dàng, những “bí tích đơn giản”, những ưu đãi và những ơn ban hấp dẫn có thể làm hài lòng bất cứ ai, nhất là thỏa mãn sự tò mò và tính thực dụng của giới trẻ. Tôn giáo này ngày càng len lỏi và có độ phủ sóng lớn cũng như ngày càng có nhiều tín đồ cuồng tín bị thôi miên và bị nhấn chìm trong nó. Thế nhưng, nhiều người lại coi đó là xu thế là hót, là sành điệu để rồi vùi cuộc sống của mình trong những sinh hoạt tôn giáo trên những chiếc điện thoại, hay máy tính mà quên đi những giá trị thực tại, thậm chí bị thôi miên và sa vào những trào lưu hay giáo lý độc hại của tôn giáo này mà không hay biết hay biết mà vẫn cố tình vì nó quá hấp dẫn….
Trở về với thực tại
Dẫu biết vẫn có nhiều người, nhất là các bạn trẻ đầy nhiệt huyết và năng động đã và đang sử dụng một cách tốt và có hiệu quả internet và dùng nó chỉ như một công cụ hay một đầy tớ trung thành, và dẫu biết sống giữa một thời đại đầy tiện ích và dễ dàng như thế này, chúng ta, dù là ai cũng thật khó tránh khỏi những hấp dẫn và sức hút kì lạ của internet. Nhưng thay vì dùng nó một cách hữu ích thì ngày càng có nhiều bạn trẻ bị ngợp trước sự hấp dẫn của nó và tự biến ình thành nô lệ trung thành hay những tín đồ cuồng nhiệt cho những ông chủ ảo. Từ đó, ngày càng có những hậu quả đáng buồn xảy ra hằng ngày trong cuộc sống do những hậu quả của việc tôn thờ internet quá mức. Vì thế, chúng ta, nhất là các bạn trẻ cần luôn ý thức mình đang ở đâu và học cách sống trong thế giới thật chứ không nên lang thang trong những thực tại hư ảo quá nhiều, để rồi trở thành nô lệ cho chúng. Chúng ta cần phân định và cẩn trọng trong việc sử dụng những phương tiện xã hội cũng như những ứng dụng của nó, để chỉ sử dụng chúng như những phương tiện phục vụ cho công việc và cuộc sống và cả tôn giáo của mình mà thôi.
Trên đây chỉ là những thống kê mang tính “đùa chút thôi”, nhưng cũng cho thấy một thực trạng, một vấn đề mà chúng ta cần quan tâm và tỉnh thức cũng như đề phòng. Để tóm kết, xin các bạn trẻ đang ngày càng trở nên hư ảo hãy trở về với thế giới thật và hãy sống những giá trị thật của cuộc sống này.
Ha Lặng