Vẻ đẹp nơi những nấm mồ
Gương mặt đang dương dương tự đắc, Xêda bỗng chùng xuống vương vấn một nỗi buồn. Ai trong chúng ta nghe về chết mà không buồn? Ai đối diện cái chết mà không sợ? Xêda nói cho chính mình rằng: “Ta là một đại đế mà ta cũng phải chết sao?”. Luật Chúa đã ấn định rồi. Mọi người đều phải chết. Thần Chết đến và được trao cho toàn quyền cai trị mặt đất này. Cứ mỗi ngày gã Thần Chết rung lên 150.000 hồi chuông báo tử và rồi dùng lữ hái của tử thần cắt đứt mạng sống của 150.000 ngàn người. Hẳn là không ai có thể chạy thoát được nắng trời, cuối cùng rồi mình cũng thế thôi. Tất cả chúng ta đều phải chết.
Nhiều khi chúng ta quên mất ngày chúng ta giã từ cuộc đời này. Dường như chúng ta cho rằng chúng ta sinh bất tử. Do đó, khi tiễn đưa một người quá cố, chúng ta ý thức thân phận mong manh của kiếp người. Hãy nhìn xuống, nhìn xuống để chúng ta thấy sự vắn vỏi của cuộc đời. Chúng ta chỉ sở hữu một điều đó là sự chết, để rồi khi nhìn xuống, ta thấy cuộc đời dường như có ngõ cụt. Chúng ta phải nhìn lên để đi tìm một cứu cánh cho cuộc đời. Cứu cánh của cuộc đời chúng ta là gì? là ai? có đáng để chúng ta tin? chúng ta thờ?
Niềm hy vọng tối hậu của chúng ta là được ở cùng Chúa gồm cả linh hồn bất tử lẫn thân xác vì thân xác mục nát này sẽ được phục sinh trong ngày sau hết. Trong giới hạn của thụ tạo còn trên trần gian, điều đó vẫn chỉ là niềm hy vọng, nhưng không phải là niềm hy vọng hão huyền. Trong Cựu Ước, chúng ta đã quen với câu chuyện ông Giuđa Macabê dâng hy lễ cầu nguyện cho các binh lính qua đời, hay như trong lời cầu nguyện đầy xác tín của ông Gióp: “Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa”. Còn khi Đức Giêsu đến, niềm hy vọng đó còn chắc chắn hơn nữa qua mặc khải của Người về ý định của Thiên Chúa và sứ vụ của Người.
Do đó, niềm hy vọng được Cứu độ và Phục Sinh được đặt trên thế giá và ý định của Chúa. Đức Giêsu đến để con người được cứu nhờ họ tin vào Người, nhưng như Người đã nói: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi”. Tự ban đầu, Thiên Chúa đã muốn con người được chia sẻ hạnh phúc viên mãn với Người. Công cuộc cứu độ của Ngôi Con không phải là một bước rẽ ngang bất ngờ của chương trình cứu độ, nhưng là thời điểm chín muồi của ý định ban đầu. Nơi Đức Kitô, ý định đó được thành toàn cho “tất cả những ai thấy và tin vào Người”. Họ sẽ không bị loại ra ngoài, mà được sống muôn đời, và hơn nữa là sự sống của con người toàn vẹn, nghĩa là thân xác con người cũng được phục sinh.
Đâu là động cơ cho ý định của Thiên Chúa? Tác giả thư Rôma cho biết, đó là tình yêu. Vì yêu mà Thiên Chúa cho Con của Người chịu chết để đền thay tội lỗi chúng ta, đổ Thánh Thần tình yêu vào lòng chúng ta. Còn “tin vào người Con” là tin rằng giá máu của Đức Kitô có giá trị cứu thoát, làm cho tội nhân được nên công chính, được hòa giải với Thiên Chúa, nhờ đó mà được sống, được hiệp thông với Thiên Chúa,và mọi người. Như vậy, nhờ giá máu của Đức Kitô, sự hiệp thông được mở ra cho con người với Thiên Chúa, con người với nhau, dù ở tình trạng nào, đã thánh thiện, đang thanh luyện, hay đang lập công trên trần gian.
Việc Tiễn đưa một người Công giáo ra nghĩa trang, một hình ảnh thật đẹp hiện lên. Giữa đất trời mênh mông, người chết và người sống ở gần nhau, với rất nhiều hoa, nến và khói hương nghi ngút, cùng nhau dâng lên Thiên Chúa hy lễ xá tội duy nhất là Đức Kitô trong thánh lễ. Một hình ảnh có chút thơ mộng nói lên sự liên đới chặt chẽ mọi người, dù còn đứng trên mặt đất hay đã nằm dưới nấm mồ. Thật vậy, niềm hy vọng phục sinh và sống đời đời là sợi dây bền chặt nối kết các Kitô hữu với nhau và với Đức Kitô. Niềm hy vọng đó thôi thúc chúng ta không ngừng mở rộng tình hiệp thông, ngõ hầu ơn cứu độ của Thiên Chúa được nhân rộng thêm nơi mọi người. Như thế, mầu nhiệm hiệp thông là một mầu nhiệm năng động mà mọi người đều đóng góp.
Có lúc chúng ta quên rằng, mầu nhiệm hiệp thông là mầu nhiệm mở, cứ coi như một ơn huệ có sẵn, chỉ trông ngóng chờ đợi một cách thụ động. Chưa thể gọi là hiệp thông nếu không có sự đóng góp, nếu chỉ đứng ngoài nhìn vào. Khi cử hành thánh lễ là chúng ta cử hành mầu nhiệm hiệp thông cách đích thực nhất vì thánh lễ là cử hành hy tế thập giá của Chúa Kitô, mối dây liên kết mọi chiều kích hiệp thông. Ngoài ra, những việc hy sinh bác ái chúng ta thực hiện có giá trị cho các linh hồn nhờ được nối kết với hy lễ có giá trị cứu độ duy nhất là Đức Kitô.
Sống tinh thần Kitô giáo, chúng ta còn được nhắc nhở sống mối hiệp thông thêm mãi với người đi trước và với người đang sống, những người đang đồng hành với ta trên trần gian này. Thiết nghĩ, đó chính là phương cách thiết thực nhất để cử hành mầu nhiệm hiệp thông.
Tác giả: Đức Hữu