Giáo lýThư viện

BA NGUYÊN TẮC TRONG VIỆC DẠY GIÁO LÝ

BA NGUYÊN TẮC TRONG VIỆC DẠY GIÁO LÝ
I. NGUYÊN TẮC TOÀN VẸN ( INTÉGRITÉ ):

Nguyên tắc toàn vẹn được trải ra trong 2 mặt chính yếu:

1. TOÀN VẸN VỀ NỘI DUNG DẠY GIÁO LÝ: 

Tông Huấn Catechesi Tradendae ( CT 30 ) dặn dò chúng ta 3 điểm quan trọng sau đây về sự toàn vẹn của nội dung Giáo Lý:

§ Lời Đức Tin dứt khoát không được cắt xén, thay đổi, giảm bớt, nhưng phải đầy đủ và toàn vẹn, nghiêm túc và có uy lực. Đứng trước kho tàng Đức Tin của Giáo Hội, không một Giáo Lý Viên chân chính nào được tự ý chọn lựa điều gì họ coi là quan trọng và điều gìø họ cho là không quan trọng, để sau đó dạy điều này mà bỏ không dạy điều kia.

§ Phương pháp và ngôn ngữ Giáo Lý Viên sử dụng phải thật sự là phương tiện để họ truyền đạt trọn vẹn nội dung Giáo Lý, chứ không phải chỉ là một phần của “Lời ban sự sống đời đời”.

§ Việc dạy Giáo Lý không thể xa lạ với chiều kích hiệp nhất và đại kết đối với Giáo Lý của các tôn giáo bạn, nhưng nội dung Giáo Lý sẽ chỉ có tính chất đại đồng nếu dạy rằng: toàn thể chân lý mặc khải và các phương tiện cứu độ vẫn tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo.

2. TOÀN VẸN VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA GIÁO LÝ:

Giáo Lý phải có ảnh hưởng trên toàn diện con người gồm có cả tâm hồn và thể xác, lý trí, tình cảm và các hoạt động, phải chi phối toàn bộ cuộc sống và môi trường sống của con người ( nhất là ở độ tuổi thanh thiếu niên ) như gia đình, học đường, Giáo Xứ, khu phố, làng xóm…, và cũng đồng thời chi phối toàn bộ cuộc đời của họ, chứ không chỉ dừng lại ở những năm tháng theo học Giáo Lý, lãnh nhận các Bí Tích xong rồi là hết chuyện như lâu nay nhiều người vẫn quan niệm !

II. NGUYÊN TẮC THÍCH ỨNG ( ADAPTATION ):

Việc dạy Giáo Lý phải luôn luôn được cân nhắc trong việc soạn thảo nội dung và chương trình, cũng như trong việc lo liệu áp dụng các hình thức và phương pháp để trình bày, tiếp thu có chọn lọc các thành tựu trong khoa Sư Phạm Giáo Lý của Giáo Hội toàn cầu, sao cho thích ứng với 2 mặt sau đây:

1. TÂM LÝ CÁC ĐỘ TUỔI:

Vẫn tôn trọng sự toàn vẹn thống nhất của sứ điệp Giáo Lý, nhưng nội dung sẽ lần lượt được dàn trải một cách tiệm tiến, được diễn đạt bằng các hình thức phù hợp với tâm lý của từng độ tuổi các em.

Về cách chia các độ tuổi tâm lý, xin tham khảo thêm phần Tìm Hiểu Tâm Lý Trẻ Em trong Vui Đời Phục Vụ tập 13; phần Giáo Dục Đức Tin Cho Từng Lứa Tuổi trong cuốn Sư Phạm Huấn Giáo của cố Linh Mục Nguyễn Văn Tuyên; và phần phụ chương 4 Lịch Trình Tiến Triển Tâm Lý trong tập Sư Phạm Huấn Giáo của Ban Mục Vụ Giới Trẻ Giáo Phận Sài-gòn.

Ở đây, chúng tôi xin đề nghị một cách chia độ tuổi đặc trưng theo mức độ tham gia vào các đoàn thể tương ứng với Giáo Lý như sau:

§ Lứa tuổi Ấu Nhi ( từ 1 đến 3 tuổi )
§ Lứa tuổi Nhi Đồng ( từ 3 đến 7 tuổi )
§ Lứa tuổi Thiếu Nhi ( từ 7 đến 11 tuổi )
§ Lứa tuổi Thiếu Niên ( từ 11 đến 14 tuổi )
§ Lứa tuổi Kha Niên ( từ 14 đến 18 tuổi )
§ Lứa tuổi Thanh Niên ( từ 18 đến 30 tuổi )
§ Lứa tuổi Tráng Niên ( từ 30 tuổi trở lên )

2. HOÀN CẢNH VÀ MÔI TRƯỜNG:

Tùy theo những hoàn cảnh đặc thù của xã hội và thời đại, cũng như tùy theo từng môi trường khác biệt của từng miền, từng vùng, từng Giáo Phận, chương trình và hình thức chuyên chở nội dung Giáo Lý có thể có những uyển chuyển chính đáng.

Địa bàn dân cư toàn tòng hoặc giáo dân ở tản mạn, nội thành hay ngoại thành, tỉnh lỵ hay thôn quê, đồng bằng hay thượng du, người Kinh hay người dân tộc… tất cả đòi hỏi một sự cân nhắc cần thiết để Lời Chúa và Giáo Lý đến được với mọi tầng lớp tín hữu.

III. NGUYÊN TẮC SỐNG ĐỘNG ( VIVANT ):

Chương trình chung của Ban Giáo Lý một Giáo Phận, một Giáo Xứ, cũng như bầu khí riêng ở từng lớp Giáo Lý phải luôn giữ được tính cách sống động phấn khởi, để việc dạy và học trở thành một niềm vui. Cần phải tránh rơi vào khuôn khổ cứng ngắc, đơn điệu, kém hiệu quả. Dứt khoát không chủ trương “nhồi sọ”, “học vẹt”, “so kè thành tích”, “biểu dương lực lượng” hoặc “qua loa đại khái” cho xong nhiệm vụ… Muốn được như thế, đòi hỏi cả 2 phía cùng song hành, ăn khớp nhịp nhàng với nhau:

§ Về phía người dạy: phải biết cách trình bày chân lý, biết động viên các em khao khát khám phá chân lý.

§ Về phía người học: phải khao khát tiếp cận chân lý, nỗ lực hòa mình tham gia vào việc khám phá chân lý.

IV. KẾT LUẬN:

Trên đây là những nguyên tắc quan trọng để việc dạy Giáo Lý đi đúng đường hướng của Giáo Hội.

Xin các vị Giám Mục, các Linh Mục quản xứ, các Linh phụ trách Ban Giáo Lý cần thường xuyên nhắc nhở, hằng năm nên tổ chức một khóa bồi dưỡng nhiều mặt về Sư Phạm Giáo Lý, trong đó có đề cập lại về các nguyên tắc này, để các Giáo Lý Viên, vốn là những người trực tiếp đứng lớp giảng dạy, có thể nắm vững các nguyên tắc, không bỏ sót, không xem nhẹ bất cứ nguyên tắc nào.

Bài viết liên quan

Back to top button
error: Content is protected !!